Hãy Yêu Thương Nhau (Ga 13, 3-5)
Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Suy Niệm
Để hiểu việc Chúa rửa chân cho các tông đồ, ta hãy bắt đầu bằng kinh nghiệm con người. Con người có kinh nghiệm về việc trao và nhận quà. Khi trao quà cho người mình yêu, một người không chỉ trao món quà vật chất, nhưng còn gửi gắm nơi đó tình yêu, niềm mong ước và có khi cả con người của mình. Người nhận, khi nhận quà, nếu đủ tinh tế và yêu mến, cũng sẽ nhận được cùng với món quà vật chất đó, tình yêu, niềm mong ước và bản thân của người gửi. Của thì ít, mà lòng thì rất nhiều, như người ta vẫn nói.
Con người khi yêu cũng có kinh nghiệm về một sự thúc đẩy muốn trao ban chính mình cho người mình yêu. Tuy vậy, thật khó để tìm được một cách thế để thực hiện việc này. Con người đành dùng đến quà, hay công việc phục vụ như một cách thế để trao ban chính mình. Dẫu biết rằng mọi quà cáp, mọi công việc cũng không thay thế được chính mình, nhưng đây là cách thế tốt nhất mà con người có thể tìm được. Thế nên trong các món quà và công việc, tuy nhỏ bé, nhưng rất chất chứa, rất trào tràn vì chứa đựng cả một tấm lòng, cả một ước mơ của người trao tặng.
Những điều nói về con người đã được Chúa Giê-su thực hiện cách hoàn hảo, vì Ngài yêu và trao ban cách hoàn hảo. Điều này có nghĩa nơi các món quà và việc phục vụ của Chúa, ta bắt gặp được một tình yêu, một tấm lòng, một niềm mong ước ở mức tròn đầy, đến nỗi chúng ta có thể nói nơi những điều ấy chứa đựng trọn vẹn con người của Chúa. Thế nên, việc rửa chân cho các môn đệ cũng được hiểu là bí tích Thánh Thể theo một nghĩa nào đó, vì công việc tuy khác nhau, chẳng có bánh và rượu, không lời truyền phép, nhưng hành động yêu thương, hành động trao hiến trọn vẹn thì giống nhau, và đều dẫn đến một Đấng trọn vẹn là Đức Ki-tô.
Chính hành động rửa chân giúp chúng ta hiểu về “tính bí tích” nơi mọi việc Chúa làm. Điều này có nghĩa là mọi điều Chúa làm dẫu nhỏ bé, bình thường, đều dẫn đến, đều diễn tả một tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa, và diễn tả chính Chúa.
Gợi ý:
1. Hãy tập nhìn và cảm nhận mọi sự: đất, trời, trăng , sao, cỏ cây hoa lá, thực phẩm như những món quà tình yêu của Chúa. Chúa đã ban tặng, Chúa đã đặt để chính Ngài vào đó. Chúa làm việc không hờ hững, nhưng luôn thiết tha và trọn vẹn, trọn vẹn nên mọi sự có Chúa. Vô thần và duy vật không chỉ là không tin Chúa, nhưng cũng là việc nhìn mọi sự và không thấy gì khác hơn là chính sự vật ấy, không nhìn ra Chúa.
2. Hãy yêu thương nhau được diễn giải trong thực tế là hãy đặt nhiều bao nhiêu có thể tình yêu, ước mơ và con người của mình vào những việc mình làm, vì Chúa là Tình yêu cũng đã làm như vậy.
Người soạn: Lm Giuse Vũ Uyên Thi,S.J