Chủ đề: Mặc Khải Trước Người Dothái và Dân Ngoại – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

MẠC KHẢI TRƯỚC NGƯỜI DO THÁI VÀ DÂN NGOẠI

 

Bản văn Kinh Thánh: Ga 18,12-19,16a

 

Khung cảnh:

Cùng đi với Chúa Giêsu trên con đường Tử Nạn và tự hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi?

 

Ơn xin: Xin ơn nhận ra Chúa trong từng biến cố của cuộc đời và nơi từng dấu chỉ của thời đại.

 

Điểm gợi ý

 

Tin mừng Gioan thuật lại rằng: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trước sau như một, dù thế nào thì Người vẫn “yêu cho đến cùng”. Lẽ dĩ nhiên, Người cũng “khát” sự đáp trả tương tự nơi chúng ta.

 

Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, biết được Ngài sẽ phải uống chén đắng Cha trao, nhưng Ngài không trốn tránh, không thoái thác. Ngài vâng phục để Ý Cha được trọn vẹn và để cho chúng ta được “sống và sống dồi dào”. Đấy là cách hành xử của Thiên Chúa Tình Yêu.

 

Trái lại, con người luôn hành động vì bản thân. Phê-rô, trụ cột của các tông đồ, vị môn đệ thân tín và luôn mạnh miệng trong mọi biến cố, nay đối diện với thách đố, ông đã tỏ rõ bộ mặt yếu đuối nhát đảm của mình. “Không phải đâu.” Ông đã chối không phải một mà tới ba lần trước sự tra hỏi của một đầy tớ nữ.

 

Philatô, người được đặt lên để bảo vệ người vô tội, nhưng vì sợ hãi, vì ham mê quyền lực, đã làm ngơ trước số phận của người khác.

 

Đặc biệt hơn là đám đông dân chúng người Do Thái. Trong các biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ nuôi dưỡng, chữa lành, an ủi, đỡ nâng,… họ, đã hơn một lần, biểu quyết muốn tôn Chúa Giêsu làm vua. Cũng đôi cánh tay đó, nay họ lên án Ngài. “Đừng tha nó, tha Baraba.” Đúng là “khi khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai.”

 

Quả vậy, đấy là cách con người ngày nay đang đối xử với nhau. Nạn dịch Covid-19 đang hoành hành thế giới, làm cho hết thảy chúng ta hoang mang. Trong hoàn cảnh đó, thay vì an ủi và giúp đỡ nhau để cùng vượt qua, lại có không ít những người ích kỷ, thừa cơ trục lợi cho bản thân. Lối sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình cũng được chúng ta lắm khi đem vào trong đời sống đức tin. Chúng ta tin thờ Chúa khi đời sống chúng ta được như ý nguyện; còn khi gặp chút thử thách buồn phiền thì Chúa chẳng là gì trong đời chúng ta. Thậm chí, có khi chúng ta còn than trách oán hận Chúa, vì Ngài có vẻ làm ngơ trước những lời van xin của mình. Cũng có những người, xem Chúa là “kho hàng tạp hoá” để làm thoả mãn những nhu cầu vật chất của mình. Khi Người cần chúng ta trong cuộc khổ nạn, chúng ta liền trở mặt chối từ, cao chạy sa bay.

 

Trong tâm tình của Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng đi với Chúa trên con đường khổ nạn, chúng ta hãy chậm lại để đi lại hành trình của mình. Trong hành trình đó, liệu rằng, chúng ta có để Chúa cùng đi với chúng ta không? Hãy chậm lại để nhìn vào ánh mắt nhân từ của Chúa như xưa Phêrô đã nhận ra và ông đã “ra ngoài khóc lóc hối hận.” Hãy chậm lại để nhận ra những gì diễn ra trên hành trình cứu độ của Chúa Giêsu và cái chết của Người là vì “yêu đến cùng” để tôi sám hối, hầu xứng đáng đón nhận ơn cứu độ. “Chứng kiến mọi sự việc… viên đại đội trưởng liền tôn vinh Thiên Chúa rằng: ‘Người này đích thực là người công chính!’… toàn dân…đều đấm ngực trở về.”

 

Kết nguyện: Dành ít phút thinh lặng và đấm ngực ăn năn,… đoạn tâm sự với Chúa Giêsu trên Thánh Giá: “Chúa đã chết cho con, cho tội con. Con đã làm gì? Đang làm gì? Sẽ làm gì cho Chúa?” (LT. 53)

 

Người soạn: Lm Phêrô Nguyễn Xuân Anh,S.J

 

Kiểm tra tương tự

Manna: Phải được giương cao (Lễ suy tôn Thánh giá)

Lời Chúa: Ga 3, 13-17 Khi ấy, Ðức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không …

Khoá học: Tiến trình phát triển tâm lý và đường hướng giáo dục đức tin

  Các bạn thân mến! Tâm lý con người phát triển theo từng độ tuổi, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *