Chủ đề: Những Bài Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Hướng dẫn sống thao luyện Linh Thao 1 (29/3/2020)

 

Linh Thao số 23 – NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG

 

Bản văn:

2“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình; 3và mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cứu cánh Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. 4Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải loại bỏ khi chúng làm cản trở mình đến cứu cánh đó.

5Để được điều đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thụ tạo, trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm; 6đến nỗi về phần mình, chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bịnh tật, giầu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống trường thọ hơn đoản mệnh và tương tự như thế đối với mọi sự khác, 7nhưng chỉ rước muốn và lựa chọn điều gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh vì đó chúng ta được dựng nên.”

Thưa anh chị em, chủ đề “của Cêsar và của Thiên Chúa” mà Cha Nguyên mới đề nghị cho chúng ta cầu nguyện, liên quan đến Nguyên Lý và Nền Tảng của Linh Thao khi ngài giúp phân biệt giữa điều thuộc về Thiên Chúa và điều thuộc về Cêsar, để ta nhận ra hồng ân Thiên Chúa mà quy đời sống mình về cho Ngài.

 

Nguyên Lý và Nền Tảng trong Linh Thao được coi là “định đề” để xây dựng đời sống thiêng liêng với một vài yếu tố căn bản cho việc chọn lựa và việc nhận định thần loại như sau:

-Trước tiên, Thiên Chúa là Cứu Cánh khiến tôi quy toàn bộ đời mình về cho Ngài: ngợi khen bằng miệng lưỡi – tôn kính bằng con tim – và phụng sự bằng việc làm để đạt được phần rỗi của mình (LT 232-3). Như thế tất cả mọi loài còn lại kể cả bản thân tôi đều là phương tiện vì là thụ tạo. Trong cách hành xử chúng ta không được đảo lộn cứu cánh thành phương tiện và ngược lại. Đức Giêsu đã chúc dữ cho những người Pharisiêu khi họ đánh tráo hai phạm trù này: chẳng hạn cái bên ngoài và bên trong – truyền thống tiền nhân và Lề Luật Thiên Chúa (Mc 7,1-23).

 

– Thứ đến, trong các phương tiện, ta phải chân nhận có phương tiện tốt và phương tiện xấu (LT 234). Vì thế trong cách hành xử, chúng ta chỉ được phép chọn những phương tiện tốt phục vụ cho mục đích tốt chứ không được phép lấy phương tiện xấu phục vụ cho mục đích tốt hay lấy phương tiện tốt phục vụ cho mục đích xấu, thậm chí cả phương tiện lẫn mục đích đều xấu. Như vậy ý hướng quy về mục đích có ý nghĩa rất quan trọng.

 

-Thứ ba, về sự bình tâm: Vì chỉ có một Cứu Cánh là Thiên Chúa, còn những phương tiện xuất hiện ở nhiều dạng thức tốt, nhưng đòi hỏi ta chỉ chọn lựa một phương tiện thích hợp: hôn nhân và tu trì – lại nữa các phương tiện tốt có thể xuất hiện dưới những dạng thức đối nghịch theo cảm xúc: sức khỏe và bệnh tật – giàu sang và nghèo khổ – danh vọng và nhục nhã – sống trường thọ và đoản mệnh… đòi hỏi chúng ta chọn điều nào giúp ta đạt tới cứu cánh hơn cả (LT 235-7). Những dạng thức đối nghịch này đụng chạm đến cảm xúc tự nhiên của con người, vì con người luôn ưa thích dạng thức tích cực mà chê ghét dạng thức tiêu cực. Sự bình tâm đòi chúng ta lấy lý trí chiến thắng cảm xúc để nếu Chúa muốn, chúng ta sẵn sàng đón nhận sống trong những dạng thức tiêu cực để đạt tới Cứu Cánh đời mình.

 

Như thế sống sự bình tâm không có nghĩa là một tình trạng bàng quan, một thái độ thờ ơ, lãnh đạm; nhưng là một sự lựa chọn bao hàm cuộc chiến với chính mình giữa sự thật và cảm xúc, để sự thật chiến thắng cảm xúc của mình.

 

Ghi chú: Nếu anh chị em nào muốn sử dụng sách Linh Thao trong dịp này, xin viết Email về cho tôi, tôi sẽ gởi đến. Địa chỉ Email của tôi: [email protected]

 

Hướng dẫn sống Linh Thao 2 (30/3/2020)

 

Bước vào Tuần Một Linh Thao

 

Anh chị em thân mến,

Tôi mới gợi ý cho anh chị em chút ít về “Nguyên Lý và Nền Tảng”. Nó được coi như là “định đề” cho đời sống thiêng liêng. Chính vì thế từ nay khi chính thức bước vào cuộc thao luyện, Nguyên Lý và Nền Tảng sẽ là gương soi cho mọi hình thức thao luyện, ở những bài cầu nguyện cũng như những bài thực hành. Cụ thể khởi đầu những bài cầu nguyện, thánh I-nhã tóm tắt Nguyên Lý và Nền Tảng thành một mệnh đề ngắn và đặt ở đầu những bài đó với tựa đề “Kinh Dọn Lòng” (LT 46). Nội dung như sau: “Xin Thiên Chúa ban ơn sủng để mọi ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn”. Lời kinh này sẽ đọc sau khi đặt mình trước mặt Thiên Chúa khi khởi đầu việc cầu nguyện.

 

Sau khi đặt Nguyên Lý và Nền Tảng cho việc thao luyện, chúng ta bước vào Tuần thứ nhất của Linh Thao ở đó thao viên lấy Nguyên Lý và Nền Tảng soi chiếu vào cuộc đời mình và nhận ra trong quá khứ ta có những cách hành xử ngược với Nguyên Lý này. Từ đó ta nhận thức rằng mình là tội nhân cần được giải thoát. Những bài cầu nguyện của Tuần này là những bài suy gẫm gồm 5 bước sau khi đặt mình hiện diện trước tôn nhan Chúa: đọc kinh Dọn lòng – Đặt khung cảnh – Xin ơn – cầu nguyện ở các điểm gợi ý  – tâm sự và kết thúc.

 

Vận hành của Tuần một nhằm cho thao viên nhận được ơn tha thứ bằng cách nhận lãnh ơn tha tội ở việc xưng tội chung (LT 44) và cộng tác phần mình để ơn tha thứ trở nên hiện thực qua hệ thống xét mình (LT 24-43). Vì thế những bài suy gẫm của Tuần một giúp thao viên nhận ra mình là tội nhân từ ý thức (LT 45-53) đến vô thức (LT 55-60) để họ tìm ra được con người cũ đích thực của họ nơi tội trọng chính yếu ở ý thức, hay nết xấu chủ đạo ở vô thức. Bài suy gẫm về “tội Adam-Eva” mà chúng ta vừa cầu nguyện sáng nay cho ta biết về tội ý thức của mình và bài “tội ở bên trong” ngày mai chúng ta cầu nguyện sẽ cho ta biết về tội ở vô thức của mình. Bởi lẽ những tội chúng ta phạm ở ý thức sẽ trôi vào vô thức tạo nên những xung năng ở đó và tác động lại trên những hành vi ý thức của chúng ta khi các biến cố xảy đến. Các nết xấu tích tụ lại nơi một nết xấu chủ đạo vốn thao túng hay làm phát sinh ra các nết xấu khác (x. LT 142). Chính vì thế, ơn tha thứ của Chúa cần chạm tới tận tầng sâu vô thức của nết xấu chủ đạo đó.

 

Thánh I-Nhã chỉ cho chúng ta cách tìm ra nết xấu ở vô thức qua việc xét mình về quá khứ với hai điểm:

Điểm thứ nhất, về diễn tiến các tội, tức là ghi nhớ mọi tội đã phạm trong đời bằng cách nhìn xem từng năm hay từng thời kỳ. Có ba điều giúp ích cho việc đó: thứ nhất, nhìn xem những nơi chốn và nhà cửa tôi đã ở – thứ hai nhìn xem những tiếp xúc , những giao dịch tôi đã có – thứ ba nhìn xem những nghề nghiệp tôi đã sống (LT 56).

 

Điểm thứ hai: từ những tội ở ý thức đó cho chúng ta phát hiện những nết xấu của bảy mối tội đầu trôi xuống vô thức (x. LT 57) và kết tụ nơi một nết xấu chủ đạo.

 

Sau cùng, trong bài cầu nguyện về tội nguyên tổ hôm nay, chúng ta để ý dâng lên lời tâm sự với Chúa Giêsu trên thập giá như sau: “Tưởng tượng Đức Kitô Chúa chúng ta ở trước mặt tôi và Ngài chịu treo trên thánh giá, tôi làm cuộc tâm sự cùng Ngài: vì đâu từ một Đấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, từ cuộc sống vĩnh cửu, Chúa đã nhận cái chết phàm trần và chết như thế vì tội lỗi tôi – Cũng nhìn xem chính mình tôi: tôi đã làm gì cho Đức Kitô? Tôi đang làm gì cho Đức Kitô? Và tôi sẽ phải làm gì cho Đức Kitô? Cuối cùng nhìn xem Chúa như thế, đang bị treo như thế trên thánh giá và nghiền ngẫm những điều hiện đến trong tôi” (LT 53).

Xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta nhận biết rõ con người cũ của mình: Old ID. (Old Identity).

 

Hướng dẫn sống Linh Thao 3 (31/3/2020)

 

Bộ nhận định thần loại thứ nhất (LT 313-327)

 

Anh chị em thân mến,

Có thể nói, Linh Thao giúp chúng ta sống và lớn lên về việc nhận định thần loại (NDTL). Trong hành trình thao luyện, có hai bộ qui tắc giúp chúng ta học tập để sống và lớn lên trong việc nhận định thần loại.

 

Bộ thứ nhất có chuẩn mực “luân lý” (Tốt/xấu) của Tuần Một làm cơ sở để nhận định và có “Sầu Khổ” của người trong chặng đường thanh luyện, làm đối tượng để nhận định xét như là đại biểu.

 

Còn bộ thứ hai có chuẩn mực “siêu nhiên” (Tốt hơn của Đức Kitô /tốt) ở Tuần Hai trở đi, thuộc chặng đường soi sáng làm cơ sở nhận định và có “An Ủi” của người ở chặng soi sáng trở đi, làm đối tượng để nhận định xét như là đại biểu.

 

Vì thế cả hai tựa đề của hai bộ nhận định đều có câu: “Những qui tắc này thích hợp hơn cho Tuần thứ nhất [Tuần thứ hai]” (x. LT 313 và 328).

Bộ qui tắc thứ nhất có ba phần ngoài tựa đề:

– Những qui tắc tổng quát (LT 314-317)

– Những qui tắc liên quan đến sầu khổ (LT 318-324)

– Những qui tắc đề ra những chiến thuật chống lại kẻ thù (325-27).

Chúng ta đề cập bộ một am hợp hơn với chặng thanh luyện như sau:

1/ Tựa đề :

“Những qui tắc để cảm thấy và nhận biết cách nào đó những chuyển động khác nhau vốn gây ra trong linh hồn, điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ. Các qui tắc này thích hợp hơn cho Tuần Thứ Nhất’’ (LT 313).

 

Tựa đề là một định nghĩa về NDTL viết dưới dạng mô tả mang tính pháp lý dành cho người còn non yếu trên đàng thiêng liêng. Vì định nghĩa nói về hai cấu tố làm nên việc nhận định: cảm xúc và lý trí, ở đó chân lý đối kháng tốt/xấu của luân lý là thước đo để chủ thể tìm ra chân dung của các tác nhân: thần lành hay thần dữ. Những qui tắc này là đại biểu để áp dụng cho cấp độ siêu nhiên, vì ở cấp độ này, tác động đối kháng của Luân lý vẫn xảy ra.

 

2/ Bốn qui tắc tổng quát:

Hai qui tắc đầu đặt chủ thể ở chặng thanh luyện với hai loại người đối nghịch nhau: người sa sút và người tiến bộ – sẽ có hai thần loại tác động cách đối nghịch nhau- thần dữ và thần lành và dẫn đến hậu quả đối nghịch nhau: an ủi và sầu khổ.

 

  1. Qui tắc I:

Nơi những người sa ngã hết tội trọng này đến tội trọng khác, kẻ thù thường quen bẩy cho họ những thú vui bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để cầm giữ họ và gia tăng nơi họ những nết xấu và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc và cắn rứt lương tâm họ bằng ‘’lương tri’’ của lẽ phải.

 

  1. Qui tắc II:

Nơi những người vốn tiến bước mạnh mẽ từ điều tốt đến tốt hơn, trong việc diệt trừ tội lỗi của mình và trong việc phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì lại có phương pháp ngược lại với qui tắc thứ nhất. Vì khi đó đặc điểm riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới; còn đặc điểm riêng của thần lành là đem tới sự can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, bằng cách làm cho vượt thắng dễ dàng và hủy diệt mọi trở ngại đẻ người ta tiến lên trong đàng lành.

 

Chúng ta cần lưu ý một vài ý niệm:

Trước hết, người sa sút và thần dữ nói trước, còn người tiến bộ và thần lành nói sau cho ta ý niệm về “sân chơi”: Đối với hạng người ở chặng thanh luyện, thần dữ chiếm ưu thế hơn thần lành trong việc tác động trên chủ thể.

 

Thứ hai, về hoạt động của các thần ra sao, chúng ta đừng dừng lại ở cảm xúc mà xem xét cảm xúc dẫn về NLNT hay không:  sự tác động của thần dữ trên người sa sút là an ủi, nhưng giả tạo, vì lôi kéo chủ thể ra khỏi NLNT; còn sự tác động của thần lành trên người này đọc qua là sầu khổ, nhưng thực là sự vận hành về an ủi (LT 314) – ngược lại, sự tác động của thần dữ trên người tiến bộ là sầu khổ thực, vì lôi chủ thể ra khỏi NLNT; còn sự tác động của thần lành trên hạng người này là an ủi thực vì qui họ về NLNT (LT 315).

 

Hai qui tắc sau định nghĩa về an ủi và sầu khổ thiêng liêng: Mỗi định nghĩa đều có ba bước như sau:

  1. Qui tắc III:

Về an ủi thiêng liêng, tôi gọi là an ủi khi trong linh hồn phát khởi một chuyển động nội tâm nào đó, khiến linh hổn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình và do đó không thể yêu một thụ tạo nào trên mặt đất này vì chính thụ tạo ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng Tạo Dựng mọi sự – Đó cũng là khi linh hồn chảy nước mắt vốn thúc đẩy đến lòng yêu mến Chúa của mình, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca tụng Ngài – Sau cùng, tôi gọi là an ủi mọi gia tăng đức cậy, đức tin và đức mến, cùng mọi niềm vui bên trong mời gọi và lôi kéo đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

 

Ba bước của an ủi như sau:

– Bước thứ nhất là an ủi của NLNT tự nhiên (LT 23)

– Bước hai là an ủi của Tuần I và Tuần III dưới dạng tiêu cực (khóc lóc)

– Bước thứ ba là an ủi NLNT siêu nhiên (LT 91-98) và cũng là an ủi từ tuần II trở đi.

Như vậy, an ủi là khi người ta sống có NLNT cả tự nhiên lẫn siêu nhiên để lớn lên trong các chặng trưởng thành thiêng liêng: thanh luyện – soi sáng – và thần hiệp.

 

  1. Qui tắc IV:

về sầu khổ thiêng liêng, Tôi gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với qui tắc thứ ba, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, chuyển động về những điều thấp hèn và phàm tục – lo lắng từ những xáo động và cám dỗ khác nhau vốn xui bẩy đến chỗ thiếu lòng tin tưởng, mất niềm hy vọng, mất lòng yêu mến – khi cảm thấy mọi sự lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Vì như sầu khổ trái ngược với an ủi thế nào, thì các tư tưởng phát xuất từ sự sầu khổ cũng trái ngược với các tư tưởng phát sinh từ an ủi như vậy.

 

Ba bước của sầu khổ như sau:

– Bước một là sầu khổ Tuần I

– Bước hai là sầu khổ của Tuần II trở đi và cũng là sầu khổ của NLNT siêu nhiên (LT 91-98)

– Bước ba là sầu khổ của NLNT tự nhiên (LT 23).

 

Vậy sầu khổ chính là tình trạng con người bị mất Nguyên Lý Nền Tảng, vì thế dù sống ở cấp độ nào (nhân bản hay siêu nhiên) hoặc ở chặng đường nào ( thanh luyện hay soi sáng và thần hiệp) người ta đều phải lo tìm lại Nguyên Lý và Nền Tảng mà thay đổi lối sống và cách hành động của mình, đó là ý nghĩa hoán cải.

 

Đó là cách thức diễn tả mà thánh I-nhã gọi là “trái ngược” giữa an ủi và sầu khổ thiêng liêng.

Mai và mốt, chúng ta sẽ bàn đến hai mục còn lại:

– Những qui tắc liên quan đến sầu khổ (LT 318-324)

– Những qui tắc về chiến thuật chống kẻ thù (LT 325-327)

 

Chúc anh chị em tập đi vào việc nhận định ngay bây giờ để qua các biến cố mà mình hành xử đã sai lầm trở nên bài học mà sống các biến cố mới sau này cho đúng chuẩn mực.

Hướng dẫn sống Linh Thao 4 (1/4/2020)

 

Bộ Nhận định thần loại I (tiếp theo)

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu bộ nhận định thần loại thứ nhất với hai phần còn lại:

3/ Trong khi gặp sầu khổ: Có hai đặc tính liên quan đến chủ thể khi gặp sầu khổ: thứ nhất, thuộc “sân chơi” của kẻ thù (LT 318-319) – và thứ hai, cơ hội được đào luyện (LT 320-324).

 

-Thứ nhất, thuộc sân chơi của kẻ thù: nghĩa là khi gặp sầu khổ, kẻ thù chiếm ưu thế tác động và lôi kéo chủ thể đi theo tác động của nó rất dễ dàng. Nguyên tắc hành xử lúc này là “làm ngược lại” những xúi bẩy đó; thuật ngữ chuyên môn gọi là “agere contra” hay “agendum contra” vì tính đối nghịch của chuẩn mực luân lý: tốt/xấu, lành/dữ…. có hai hình thức agere contra liên quan đến đối tượng và đến chủ thể như sau:

 

  1. Qui tắc V: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy vững vàng và kiên trì trong những dốc lòng và quyết định có trước khi gặp sầu khổ này, hoặc nhưng quyết định đã có khi được an ủi trước đây. Vì cũng như khi được an ủi, thần lành hướng dẫn và khuyên nhủ ta hơn thế nào, thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng (hơn) như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường dẫn tới đích.
  1. Qui tắc VI: Mặc dù trong cơn sầu khổ, không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất ích lợi khi cương quyết thay đổi chính mình để chống lại cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách kiên trì hơn trong việc cầu nguyện, suy gẫm, xét mình nhiều hơn và gia tăng việc hãm mình đền tội theo cách nào thích hợp.

 

Bởi vì khi gặp sầu khổ, kẻ thù xúi bẩy chủ thể thay đổi đối tượng thánh thiện đã quyết định mà khi nghe theo lời xúi bẩy đó ta trở nên người nông cạn – không chỉ thế, kẻ thù cũng còn xúi bẩy chủ thể chán ngán hay bỏ bê những khí cụ thiêng liêng và hãm mình, lúc đó chủ thể chỉ còn dừng lại ở toan tính trần thế, thậm chí ở những quyến luyến lệch lạc mà đưa ra những quyết định sai lệch.

 

(dưới đây tôi không trích dẫn bản văn vì sợ quá dài)

-Thứ hai, cơ hội đào luyện sự trưởng thành: Tuy mang tính tiêu cực, sầu khổ góp phần đào luyện sự trưởng thành đức tin cách đặc biệt. Những qui tắc 220 đến 224 đề cập đến ý nghĩa việc đào luyện này: những qui tắc làm nên hệ thống cấu trúc đối ngẫu cân xứng có tâm là qui tắc 222 (C).

 

(C) phát biểu rằng có ba nguyên nhân khiến người ta gặp sầu khổ nhằm xác định sự trưởng thành của ba chặng đường: Chặng đường thanh luyện (3221b), vì chủ thể giải quyết sầu khổ bằng sức con người (TN) – chặng đường soi sáng (3222), vì chủ thể đảm nhận sầu khổ bằng sự cộng tác của con người với ơn sủng (TN+OS) – chặng đường thần hiệp, vì chủ thể đảm nhận sầu khổ hoàn toàn nhờ ơn sủng (OS).

 

Bốn qui tắc còn lại làm thành hai cặp vế: cặp vế 220 (A) và 224 (A’); cặp vế 221 (B) và 223 (B’) trong đó bốn cấu tố xác định mức độ trưởng thành của chủ thể: về xúc cảm có An Ủi và Sầu khổ – về sự cộng tác của con người với Thiên Chúa có Tự Nhiên và Ơn Sủng.

 

Như vậy sự trưởng thành của người ở chặng đường thanh luyện chỉ có tính nhân bản – của người ở chặng đường soi sáng có tính siêu nhiên vì liên kết với Đức Giêsu với ơn sủng của Ngài. Người ta cũng gọi là chặng chủ động vì chủ thể dấn thân cách chủ động ở ý thức để lối sống của Đức Giêsu từ từ hình thành nơi họ – sự trưởng thành của người ở chặng đường thần hiệp có tính siêu nhiên, vì lối sống của Đức Giêsu đã trôi xuống vô thức, khiến cách hành xử của chủ thể được nên một với cách hành xử của Ngài. Vì thế người ta gọi sự trưởng thành của người này thuộc chặng thụ động. Bởi lẽ dù sống trong an ủi hay gặp sầu khổ chủ thể đều hành xử dưới ơn sủng của Thiên Chúa.

 

4/ Chiến thuật chống lại kẻ thù: Tất cả những qui tắc còn lại bàn về chiến thuật chống lại kẻ thù khi chân dung của nó bị vạch mặt. Có ba hình thức chống lại kẻ thù. Cả ba hình thức đều dựa vào cách hành xử đối kháng theo chuẩn mực luân lý: agere contra (làm ngược lại). Bởi lẽ kẻ thù luôn tìm cách lôi kéo con người ra khỏi Nguyên Lý và Nền Tảng. Hành động ngược lại là qui mình về với Nguyên lý Nền Tảng đó. Những hình thức này được thánh I-nhã mô tả theo khía cạnh tâm lý:

 

-Về sự việc liên quan đến mục đích: Thánh I-nhã mô tả kẻ thù qua tâm lý người đàn bà (dưới bình diện tâm lý chứ không thể lý). Bởi lẽ khi người ta mạnh thì người đàn bà sẽ yếu và ngược lại. Ngài nói: “đặc tính của kẻ thù nên yếu nhược…bỏ chạy với chước cám dỗ của nó khi người ta thẳng tay chống trả những cám dỗ ấy. Trái lại nếu người ta sợ hãi, mất can đảm khi chịu những cám dỗ, thì không một thú vật nào trên mặt đất này hung dữ bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi những ý định xấu xa của nó cùng với sự hiểm độc lớn lao dường ấy” (LT 325).

 

-Về khoa sư phạm trung gian: Thánh I-nhã mô tả kẻ thù qua tâm lý của người đàn ông lẳng lơ si tình. Vì kẻ lẳng lơ muốn dụ dỗ người phụ nữ sa ngã bằng cách thuyết phục người này giữ bí mật, như thế toan tính xấu xa của hắn không bị bại lộ. Nhưng người phụ nữ mách với cha hay với chồng thì mưu kế của nó bị bại lộ và thất bại – Kẻ thù cũng hành xử như thế khi cám dỗ con người để họ bị sa bẫy. Nhưng nếu chủ thể trình bày sự việc cho người khác thì mưu kế của nó bị phanh phui và gặp thất bại. Tuy nhiên, người khác này phải là người có sự trưởng thành thiêng liêng cao hơn người bị cám dỗ, hay là linh mục tốt lành vốn nhận lãnh sứ vụ mục tử trong lòng Giáo Hội. Chúng ta gọi đây là khoa sư phạm trung gian. Vì đó là cách thế Thiên Chúa đem ơn cứu độ cho con người khi chọn Abraham, Môsê……mà Đức Giêsu là Trung Gian duy nhất (LT 326).

 

Các chống lại con người cũ: Thánh I-nhã mô tả kẻ thù qua tâm lý của vị tướng quân. Vì lẽ để chiến thắng đối phương, vị tướng quân tài giỏi là người phải thấu hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của đối phương và rồi tìm cách tấn công vào điểm yếu ấy mới mong có thắng lợi – Kẻ thù của chúng ta cũng vậy, nó ra sức tìm những điểm yếu của chúng ta nơi những nhân đức luân lý hay nhân đức đối thần để tấn công và hạ gục ta. Vậy làm ngược lại là chúng ta củng cố những nhân đức này cho vững mạnh, như thế kẻ thù phải đầu hàng mà rút lui mà thôi.

 

Chúng ta đang tiến đến cách thực hành này: tìm ra tội chính yếu ở ý thức, hay nết xấu chủ đạo ở vô thức, vốn thao túng đời sống thiêng liêng của chúng ta, nhờ đó qua sự sám hối và ơn tha thứ, chúng ta sẽ cộng tác vào ơn tha thứ, khi loại bỏ nó ra khỏi mình và xây dựng nhân đức ngược lại nơi việc xét mình riêng (LT 24-31), để cho Đức Giêsu hình thành trong chúng ta. Dần dà, lối sống mới thay thế cho lối sống cũ ở tận vô thức.

 

Chúc anh chị em tìm ra được con người cũ tận nơi nết xấu chủ đạo để chuẩn bị nhận ơn tha thứ và lên đường loại bỏ nó đồng thời tập luyện nhân đức ngược lại vốn được nói đến trong kinh Bảy mối tội đầu. Amen!

 

Hướng dẫn sống Linh Thao 5 (2/4/2020)

 

Việc hãm mình đền tội (LT 82-87;89)

 

Anh chị em thân mến,

Linh thao là hành trình đào luyện nơi đó đòi hỏi sự cộng tác của Tự Nhiên của con người với Ơn Sủng của Thiên Chúa. Sự cộng tác này gọi là “Linh Thao Thực Hành” khác với “Linh Thao cầu nguyện”. Linh Thao thực hành trong Tuần một này có hai hoạt động chính: Xét mình và hãm mình đền tội. Về việc xét mình, chúng ta đang nỗ lực tìm ra nết xấu chủ đạo ở  tận vô thức trong Bảy mối tội đầu để sám hối, nhận ơn tha thứ và lên đường đào thải nó cũng như tập luyện nhân đức ngược lại. Chúng ta cũng sẽ trở lại vấn đề. Hôm nay tôi trình bày cho anh chị em hoạt động thứ hai, đó là việc hãm mình đền tội giúp cho việc thao luyện đạt được hiệu quả hơn.

 

Thánh I-nhã nói đến việc hãm mình đền tội trong đề tài Mười Điều Phụ Thêm trong đó có các việc làm sau: về suy gẫm có 5 điều (LT 73-77) – về khung cảnh thao luyện có 4 điều (LT 78-81) và về việc hãm mình đền tội có một điều sau cùng (LT 82-87;89).

 

Điều phụ thêm thứ mười: Việc hãm mình đền tội phân chia bề trong và bề ngoài; bề trong là đau dớn vì tội lỗi mình và quyết tâm không tái phạm tội nữa – bề ngoài là hoa trái của sự thống hối bề trong, tức là sửa phạt vì tội lỗi đã phạm (LT 82). Việc hãm mình đền  tội bề ngoài có ba cách:

 

-Cách thứ nhất về đồ ăn: khi bỏ bớt đồ dư thừa thì không phải là hãm mình đền tội mà chỉ là tiết độ. Hãm mình đền tội phải là bỏ bớt những điều thích hợp; càng bỏ bớt nhiều thì càng giúp ích, miễn là không làm tổn hại đến sức khỏe và gây bịnh tật trầm trọng (LT 83).

 

-Cách thứ hai về ngủ nghỉ: khi bỏ những thứ dư thừa như vật dụng sang trọng, mềm mại, êm ái… thì không phải là hãm mình đền tội – mà là bỏ bớt sự cần thiết trong cách ngủ nghỉ và càng bỏ nhiều càng có giá trị miễn là không làm tổn hại đến sức khỏe và không gây bịnh tật trầm trọng. Không nên bớt giấc ngủ bình thường, trừ khi muốn đạt đến trung dung vì thói xấu ngủ nhiều quá (LT 84).

 

-Cách thứ ba về việc phạt xác: là làm cho thân xác chịu đau đớn khi đánh trên mình bằng roi để tỏ lòng hối tiếc, chừa cải và quyết tâm không còn tái phạm – trong việc thực hành này ta không được dùng những vật dụng cứng, lớn như cây sắt, cây gỗ… mà chỉ sử dụng những cây roi nhỏ, mềm mại gây đau đớn ngoài da mà không gây nội thương nguy hiểm (LT 85-86).

 

          Ngoài ra thánh I-nhã còn đưa ra hai ghi chú liên quan đến việc hãm mình đền tội:

-Thứ nhất, Mục đích làm việc hãm mình đền tội: Có ba mục đích:

          *Thứ nhất, để đền bù phần nào những tội đã phạm

          *Thứ hai, để chiến thắng mình, nghĩa là để bắt cảm xúc vâng theo lý trí, cho phần hạ tuân phục phần thượng.

         *Thứ ba, để tìm kiếm một ơn huệ hay ơn sủng mình mong muốn như ao ước được ăn năn về tội lỗi mình, khóc lóc về tội đã phạm, đau đớn về cuộc khổ nạn của Chúa, giải quyết sự nghi nan… (LT 87).

 

-Thứ hai, thay đổi cách làm việc hãm mình đền tội: khi không tìm được mình ao ước, như đau buồn hối tiếc, thống hối… ta sẽ được ích lợi nếu thay đổi ít nhiều trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, phạt xác…. Chẳng hạn có khi phải gia tăng việc hãm mình đền tội, có khi giảm bớt hay làm cách quãng tùy theo cảm thức thiêng liêng của mỗi người: có người cần làm nhiều hơn, lại có người cần ít hơn.

 

Lẽ thường người ta coi thường việc hãm mình đền tội do tính dung dưỡng cảm xúc và phán đoán sai lầm cho rằng sức mình không chịu nổi và sẽ sinh bịnh tật trầm trọng. Ngược lại, đôi khi ta phải làm quá đi khi nghĩ rằng thân xác vẫn có thể chịu được. Và vì Thiên Chúa là Chúa chúng ta thông biết bản tính chúng ta hơn chúng ta vô cùng, sẽ cho mỗi người nhận ra điều thích hợp với mình qua những hình thức thay đổi ấy.

Chúc anh chị em lượng định để cộng tác với Chúa trong ơn xin hoán cải trước những lỗi lầm của mình.

 

 

Hướng dẫn sống Linh Thao 6 (3/4/2020)

 

Hệ thống xét mình trong Linh Thao (LT 24-43)

 

Hệ thống xét mình thuộc về Linh Thao thực hành như việc hãm mình đền tội và Nhận định thần loại. Trong LT có ba việc xét mình: Xét mình riêng (LT 24-31)-xét mình chung (LT 32-42)-xét mình hằng ngày (LT 43).

 

1/ Xét mình riêng: Trong Tuần I, xét mình riêng liên quan đến đối tượng riêng, tức một tội chính yếu hay một nết xấu chủ đạo phải loại bỏ. Điều này giả thiết chủ thể đã tìm ra được con người cũ (old ID.) trong khi thao luyện. Chỉ có việc xét mình riêng mới có 3 thì: hai thì lên kế hoạch và hai thì xét mình như sau:

-Sáng thức dậy lên kế hoạch: xin ơn để giữ mình không sa vào tội chính yếu hay nết xấu chủ đạo ta muốn loại bỏ – rồi trong ngày sống ta để ý đến ý hướng và xúc cảm nổi lên trong các biến cố liên hệ mà làm chủ.

-Vào giờ xét mình trưa: xin ơn nhận ra những lần sa ngã rồi suy xét từng giờ, từng lúc từ khi thức dậy đến lúc xét mình xem đã sa ngã bao nhiêu lần ở điểm riêng mình muốn loại bỏ và ghi nhận số lần sa ngã. Sau đó lên kế hoạch cho buổi chiều để quyết tâm không sa vào tội chính yếu hay nết xấu chủ đạo đó.

-Vào giờ xét mình tối: trước khi ngủ cũng suy xét từng giờ từng lúc về những sa ngã từ lúc xét mình trưa tới giờ và ghi nhận số lần đã sa ngã.

Điều phụ thêm: I-nhã đưa ra 4 điều phụ thêm để diệt trừ tội chính yếu hay nết xấu chủ đạo mau lẹ hơn.

*Mỗi khi sa ngã rồi, ta nhận ra thì để tay lên ngực sám hối. Điều này chứng tỏ ta đã có sự nhậy bén hơn với tội hay nết xấu để tiến dần vào việc NĐTL, nghĩa là sẽ nhận thấy vấn đề khi đứng trước biến cố.

*Làm bảng so sánh: buổi chiều với buổi sáng: nếu buổi chiều ta sa ngã ít hơn là ta có tiến bộ, nếu ngược lại là sa sút – ngày hôm nay với ngày hôm trước khi cộng số lần sa ngã trong hai buổi của mỗi ngày và so sánh ngày sau với ngày trước – tuần này với tuần trước – năm này với năm trước… sẽ thấy sự tiến bộ.

 

2/ Xét mình chung: liên quan đến những lỗi phạm khác ngoài đối tượng riêng của việc xét mình riêng. Đối với thánh I-nhã, việc xét mình này cũng phải đụng tới tầng vô thức để thanh tẩy mình và xưng tội tốt hơn (x. LT 32a).

 

– Phát biểu về hoạt động vô thức: Tôi giả định rằng trong tôi có ba thứ tư tưởng: một thứ của riêng tôi do bởi tự do và ý muốn của tôi – còn hai thứ kia từ bên ngoài đến, một do thần lành và một do thần dữ. Thánh I-nhã sử dụng từ ngữ “tư tưởng” ở đây để nói về hoạt động sâu thẳm của vô thức (x. LT 32b).

 

Đối tượng của việc xét mình chung: Thánh I-nhã dùng những phạm trù hoạt động của tội để nói về đối tượng của việc xét mình chung, nghĩa là toàn bộ những sa ngã khác ngoài đối tượng của việc xét mình riêng mà ta đã bàn đến: tư tưởng (LT 33-37) – lời nói (LT 38-41) – việc làm (LT 42). Cả ba phạm trù này đều có hoạt động của vô thức với mặt tốt và mặt xấu ở đó ta can dự vào nhiều hay ít nơi ý hướng và xúc cảm của mình.

 

Ghi nhận:  Thứ nhất, từ ngữ “tư tưởng” được sử dụng ở đây chỉ về một trong ba phạm trù mà tội hoạt động (x. LT 33-37) khác với từ ngữ “tư tưởng” ở trên chỉ về hoạt động của vô thức (x. LT 32b) – Thứ hai, việc xét mình chung chỉ có hai thì ban trưa xét mình về những sa ngã vào buổi sáng và ban tối về những sa ngã vào buổi chiều, nghĩa là không có thì lên kế hoạch.

 

3/ Xét mình hằng ngày (LT 43): Đây chính là giờ xét mình, nghĩa là thời gian cầu nguyện bằng việc tra xét lối sống đức tin của mình trong ngày sống: linh mục và tu sĩ thực hiện 2 lần một ngày, trưa và tối – giáo dân thực hiện một ngày một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Việc xét mình hằng ngày là sự liên kết hai việc xét mình riêng (vì có đối tượng riêng) và xét mình chung (vì đối tượng là các sự việc khác) khi tra khảo hành vi của chủ thể về cách hành xử của mình. Thông thường thời lượng dành vào việc xét mình này kéo dài mười lăm phút mỗi lần với năm điểm như sau:

 

-Điểm một: Tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn huệ đã nhận được (nhìn tổng quát chừng một phút).

-Điểm hai: Xin ơn nhận biết các tội lỗi của mình và nhất là tội riêng để từ bỏ chúng (chừng một phút).

-Điểm ba: Xét hỏi linh hồn mình về các tội, đặc biệt điểm riêng mình muốn loại bỏ, từ khi thức dậy cho đến khi xét mình hiện tại, từng giờ, từng lúc, trước hết ở trong tư tưởng, rồi trong lời nói và trong việc làm theo cùng trật tự trong việc xét mình riêng và xét mình chung (chừng 12 phút).

-Điểm bốn: Xin Thiên Chúa thứ tha những lỗi lầm (chừng 30 giây).

-Điểm năm: Dốc lòng cải thiện nhờ ơn Chúa rồi đọc Kinh Lạy Cha (chừng 30 giây).

 

Thời lượng dành cho điểm ba quan trọng nhất, vì liên kết đối tượng của việc xét mình riêng là tội riêng với đối tượng của việc xét mình chung là các tội ở tư tưởng, lời nói và việc làm được tra khảo ở tận vô thức.

 

Ý nghĩa liên kết giữa ba việc thao luyện thực hành

Ba thao luyện thực hành trong Linh Thao có giá trị như Actio trong truyền thống Lectio Divina trong truyền thống Biển Đức. Chúng góp phần rất lớn trong việc lớn lên và trưởng thành thiêng liêng để cộng tác với ơn sủng của Chúa, đặc biệt với vài nhận xét sau:

 

Thứ nhất, tính biện chứng giữa xét mình riêng và xét mình chung: xét mình riêng liên quan đến bản chất với sự biến đổi chiều dài từ con người cũ sang con người mới – còn xét mình chung thẩm tra đời sống hiện tại về sự trưởng thành thiêng liêng của ta. Tính biện chứng cho thấy chiều dài và hiện tại liên lạc với nhau: cả hai được thực hiện nghiêm chỉnh, chủ thể thấy rõ sự tiến bộ; ngược lại sẽ thấy suy thoái.

 

Thứ hai, tính biện chứng giữa việc xét mình và Nhận định thần loại: Càng xét mình nghiêm chỉnh chủ thể có cơ may tiến gần đến việc nhận định thần loại. Bởi lẽ khi xét mình kỹ, ta không chỉ được tiến bộ về phẩm, nghĩa là lỗi phạm ít thô thiển hơn mà còn có sự nhậy bén nhận ra sai sót ngay sau khi lỗi phạm (x. LT 272). Sự kiện này giúp ta dần dà nhận ra thấy được vấn đề không chỉ sau khi biến cố xảy ra mà trước khi xảy ra – Ngược lại, càng nhận định thần loại chính xác, ta lại lại được tác động để việc xét mình tiến vào chiều sâu ở những sự việc tinh vi và cả nguyên do của sự việc đó.

 

Thứ ba, tính biện chứng giữa việc hãm mình đền tội với hai việc xét mình và nhận định thần loại: Việc hãm mình đền tội có ba mục đích như đã nói (x. LT 87) sẽ giúp ta làm chủ bản thân dễ hơn và nhậy bén hơn với những thực tại thiêng liêng. Đó là bước chuẩn bị bản thân rất hữu ích để ta kiểm tra mình trong việc xét mình sâu xa và chính xác hơn cũng như để nhìn ra ý Chúa cách rõ nét hơn mà chọn lựa cách hành xử trong việc nhận định thần loại – Ngược lại, hai việc xét mình và nhận định thần loại lại tác động trên ta lòng khao khát hãm mình đền tội để bản thân được hội nhất trong mọi chiều kích: với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.

 

Kính chúc anh chị em bước vào hành trình đào luyện với đầy lòng quảng đại để nghiệm thấy Chúa quảng đại hơn chúng ta. Amen!

 

 

Hướng dẫn sống Linh Thao 7 (4/4/2020)

 

Kết thúc việc thao luyện của Tuần Một

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta sẽ kết thúc việc thao luyện Tuần I vào chiều hôm nay và tối nay chúng ta sẽ nhận bài thao luyện đầu tiên của Tuần III, để sáng mai chúng ta bước vào việc thao luyện của Tuần mới này. Chúng ta bàn về hai vấn đề:

 

1/ Thứ nhất, kết thúc Tuần Một: trước khi kết thúc thao luyện Tuần I, thao viên được mời gọi đi xưng tội chung và rước lễ. Ngài đưa ra ba ích lợi như sau: thứ nhất, tuy không đòi buộc vì tín hữu tốt lành vẫn thường xưng tội trong năm, nhưng nếu thực hiện thì…có lòng thống hối mãnh liệt hơn về tội lỗi đã phạm – thứ hai, có sự hiểu biết thâm sâu hơn về những tội lỗi và sự xấu xa của nó… rồi ăn năn đau đớn hơn về tội và có công phúc hơn – thứ ba, sau khi xưng tội cách tốt đẹp như thế, ta xứng đáng hơn để lãnh nhận bí tích Thánh Thể là bí tích không chỉ giúp ta khỏi phạm tội mà còn cho ta lớn lên trong ơn sủng (x. LT 44).

 

Việc xưng tội chung về cả đời như thế cho ta chạm tới con người cũ của mình và nhận ơn tha thứ tận nơi nết xấu chủ đạo để khởi đầu hành trình xét mình riêng: loại bỏ con người cũ (LT 24-31) theo chiến thuật thứ ba chống lại kẻ thù (LT 327). Việc làm này tiếp tục trong Linh thao và hậu Linh Thao.

 

Vì nạn đại dịch chúng ta không thể thực hiện được việc xưng tội chung này. Vì thế chúng ta dành ít thời gian phục niệm trong ngày, nghĩa là xem lại con người cũ qua những bài đã suy gẫm, xin ơn thống hối và tha thứ tận tầng vô thức để khi đại dịch qua đi, chúng ta gặp linh mục để trình bày và nhận ơn hòa giải.

 

2/ Thứ hai, bước vào Tuần Ba: Như tôi đã giới thiệu, chúng ta kết thúc Tuần I và bước vào Tuần III ngay vì hoàn cảnh nạn dịch và vì bầu khí chung của Phụng vụ. Và theo qui định, chúng ta tiến hành việc thao luyện Tuần III khởi từ sáng mai, sau đó chúng ta bước vào Tuần IV và nếu hoàn cảnh nạn dịch còn kéo dài, chúng ta sẽ trở lại việc đào luyện của Tuần II.

 

Thưa anh chị em, trong Linh Thao, chúng ta chỉ có một Nguyên Lý và Nền Tảng: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 232) nhưng được phân chia làm hai cấp độ: cấp độ nhân bản trong ơn gọi làm người ở phần còn lại của số LT 23 mà chúng ta đã giải thích và đặt nền cho cuộc thao luyện của Tuần I để được nhận lãnh ơn tha thứ và sống ơn cứu độ (LT 232-7). Lý do vì con người có qui chuẩn luân lý: làm thiện tránh ác để sống phẩm giá làm người, nhưng họ đã không sống được nên phải nhờ vào cái chết hiến tế của Chúa Giêsu, họ mới nhận được và sống ơn tha thứ. Chính ở yếu tố cứu độ có tính phổ quát này mà dựa theo truyền thống, thánh I-nhã gọi việc thao luyện Tuần I thuộc đời sống thanh luyện – còn cấp độ siêu nhiên để được đi theo làm môn đệ Đức Giêsu và để sống phẩm giá làm con Thiên Chúa khởi từ Tuần II khi chúng ta bước vào những cuộc chiêm niệm về cuộc đời Đức Giêsu: Tuần II về thời thơ ấu và công khai, Tuần III về cuộc khổ nạn và Tuần IV về cuộc phục sinh. Hành trình xây dựng tình yêu cá vị với Đức Giêsu ở cấp độ này bao gồm hai đời sống: soi sáng và thần hiệp: đời sống soi sáng dừng lại ở việc xây dựng tình yêu với Chúa Giêsu ở bình diện ý thức – còn đời sống thần hiệp tiến sâu vào việc xây dựng tình yêu với Ngài ở bình diện vô thức, nghĩa là tình yêu nên một với Ngài cách trọn vẹn. Như thế, tiến trình đào luyện của cấp độ siêu nhiên là qua việc chiêm niệm Chúa Giêsu và lối sống của Ngài ngang qua giác quan đi vào ý thức và dần dà trôi vào vô thức thành một xung năng mới của con người mới thay thế con người cũ trong ta. Đối với người khởi việc đào luyện thiêng liêng, cuộc Linh thao chỉ cho họ đạt tới sự trưởng thành của đời sống soi sáng và nhờ vào giai đoạn “cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống” hậu Linh Thao (LT 189), họ mới có thể đạt tới đời sống thần hiệp nếu Thiên Chúa ưng chuẩn cho họ.

 

Việc đào luyện của cấp độ siêu nhiên khởi đi từ bài chiêm niệm Vị Vua Hằng Sống (LT 91-98) ở đó Chúa Giêsu là mẫu gương để ta được nên con Thiên Chúa với nội dung: “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (LT 955). Cần ghi nhận từ ngữ “đau khổ” ở đây không có nghĩa là Chúa Giêsu chủ trương sống và dạy ta tìm đau khổ. Nhưng vì khi tự nguyện sống tình yêu hiến tế với ngài, người môn đệ cũng bị bách hại với Ngài. Dưới ánh sáng của Nguyên Lý và Nền Tảng ở cấp độ này, thao viên được đào luyện ở Tuần II với nội dung của vế thứ nhất : “Theo Ta trong đau khổ” khi chiêm ngắm đời sống thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu – được đào luyện ở Tuần III với cùng nội dung trên với ý nghĩa trắc nghiệm khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn mang ơn cứu độ của Chúa – và được đào luyện ở Tuần IV với nội dung của vế thứ hai: “ở với Ta trong vinh quang” khi chiêm ngắm cuộc phục sinh khải hoàn của Ngài.

 

 Mục đích thao luyện của mỗi tuần Linh Thao tập trung vào ơn xin của những bài cầu nguyện. Trong Tuần III có hai ơn xin, một liên hệ với Tuần I và một liên hệ với Tuần II như sau:

 

Ơn xin thứ nhất: “xin được đau đớn, buồn sầu và ngượng ngùng, vì chính bởi tội tôi mà Chúa đi chịu nạn” (LT 193). Ơn xin này liên hệ với việc thao luyện của Tuần I không phải để thao viên trở về sống kinh nghiệm thao luyện Tuần I, nhưng để hiện thực hóa kinh nghiệm của Tuần I nơi cuộc khổ nạn của Chúa. Bởi lẽ lời tâm sự của Tuần I cho thao viên ngước nhìn Chúa trên thập giá mà thưa lên: Vì sao là Đấng Tạo Hóa đã đến làm người, Đấng Hằng Hữu đã phải chết ô nhục… và Tôi đã làm gì cho Ngài, đang làm gì cho Ngài và phải làm gì cho Ngài (x. LT 53). Bây giờ thao viên chứng kiến biến cố khổ nạn đó để tìm ra lời giải đáp: Chúa chết vì tội của tôi như thế nào.

 

Ơn xin thứ hai: “Xin điều tôi muốn, điều đặc biệt cần xin trong cuộc thương khó là phải xin được đau đớn với Đức Kitô đầy đau đớn, tan nát cõi lòng với Đức Kitô tan nát tâm hồn, được khóc lóc đau khổ trong lòng về sự đau khổ dường ấy mà Chúa Kitô đã chịu vì tôi” (LT 203). Thánh I-nhã gọi ơn xin này là “điều đặc biệt” vì hai lý do: thứ nhất, ơn xin này không diễn tả ở tầm mức “cái có” như ơn xin trên (vì tội của tôi) mà là tầm mức của “cái là” (vì chính tôi). Như vậy tình yêu xây dựng hệ ở sự liên kết nên một của hai ngôi vị: Chúa Giêsu với thao viên, chứ không qua trung gian bất cứ điều gì, kể cả tội như ơn xin thứ nhất – thứ hai, ơn xin này đẩy ơn xin của Tuần II lên đỉnh cao của tình yêu hiến tế nơi Chúa Giêsu. Vì ơn xin Tuần II viết như sau: “Xin được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi để được yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn” (LT 104). Cả hai ơn xin đều diễn tả sự liên kết tình yêu ở tận “cái là” mà Chúa Giêsu đi bước trước, thế nhưng nơi ơn xin của Tuần hai tình yêu đó mới đạt tới phần thứ nhất của bài ca về Người Tôi Trung (Pl 2,6-7). Còn ơn xin của Tuần Ba mới mở ra đỉnh điểm của tình yêu và hoàn tất ý tưởng của bài ca ấy (x. Pl 2,7) để sau đó sẽ dẫn đến hậu quả ở mầu nhiệm phục sinh của Tuần Bốn và của bài ca (x. Pl 6,8-11).

 

Chúc anh chị em bước vào việc thao luyện của Tuần III với nhiều ơn ích thiêng liêng trong bầu khí Giáo hội sống cuộc khổ nạn của Chúa của mùa Covid.

 

Ad Majorem Dei Gloriam

 

Người soạn: Lm Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Tolle Lege: Lời mời gọi đọc sách

Có lẽ nhiều người khó chịu với trào lưu khuyến khích văn hóa đọc. “Với …

10 cách cốt yếu để trưởng thành trong sự khiêm nhường của Mẹ Têrêsa

Lời khuyên của Thánh Têrêsa Calcutta đặc biệt phù hợp trong thời đại kỹ thuật …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *