Suy xét Ba Bậc Khiêm Nhường
NHỮNG CUỘC HẠ MÌNH CỦA TÌNH YÊU
Lời Chúa: 1Cr 13,4-8
Trích thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô.
Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,6 không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.8 Đức mến không bao giờ mất được.
Đặt khung cảnh cho bài cầu nguyện:
Tôi nhớ lại những hình ảnh rất đẹp về tình người mà tôi đã trải nghiệm hay biết được qua truyền thông đại chúng trong những ngày đại dịch Covid này.
Ơn xin:
Xin cho tôi không ngại khó ngại khổ để bắt đầu lại cuộc sống mới sau thời kỳ khó khăn của Covid-19, với sự khiêm tốn và nhẫn nại với những người sống quanh tôi.
Suy niệm
Khi sự hạ mình mang màu sắc ơn cứu độ
Hạ mình trong văn hoá hiện đại bị coi là một phẩm chất tiêu cực, làm giảm đi nhân phẩm và tự do của một con người. Nhưng trong đời sống đạo đức Kitô giáo, sự hạ mình lại làm cho ngườt tín hữu trở nên giống Đức Giêsu Kitô hơn. Ngài là đấng đã hạ mình, từ vị thế Thiên Chúa trở nên con người, và cứ thế, hạ dần cho đến mức dám chấp nhận cái chết ô nhục của một tử tội.
Sự hạ mình hay khiêm nhường theo đó không còn là một điều xấu hổ khi phải sống với kẻ khác, nhưng là con đường để người ta nên giống Đức Giêsu. Vì thế, hạ mình không còn là một sự mất mát hay thiệt thòi, nhưng đó là con đường nên thánh giữa đời thường theo gương mẫu của Chúa Giêsu. Nói khác đi, chính trong sự hạ mình mà Chúa Giêsu đã cứu chuộc tất cả và từng người chúng ta. Vì thế, sự khiêm nhường là hành trang nhân đức không thể thiếu của người tín hữu, vốn đang sống trong một thời đại đầy cạnh tranh và bề ngoài này.
Ba hình dáng thanh cao của sự hạ mình
Việc trở nên khiêm nhường theo gương Đức Giêsu trong quan niệm của thánh I-nhã bao gồm ba bậc, mà ta có thể nói bóng bẩy bằng hình ảnh:
– khiêm nhường của tư thế đứng
– khiêm nhường của tư thế ngồi
– khiêm nhường của tư thế quỳ
Trong thế giới hậu Covid, tư thế đứng là sự khiêm hạ của người tín hữu dám dấn nhân để đương đầu với những thách đố mới của đời sống chung, gia đình, xã hội cũng như Giáo Hội. Trong những ngày cách ly xã hội, chúng ta đã học được cách để gìn giữ kỷ luật của các nhà chức trách đạo và đời, sống tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong những ngày sắp tới, chúng ta cũng gìn giữ sự khiêm nhường ấy như những công dân dám lăn xả cho công việc tái thiết xã hội, kinh tế cũng như tình người, trong tinh thần công bằng và tôn trọng nhau. Xin từng người chúng ta hãy suy nghĩ.
Trong thế giời hậu Covid, tư thế ngồi là sự khiêm hạ của người dám giảm tốc độ đời sống của mình. Giảm tốc độ ở đây là dành giờ để tính toán lại từng khoảnh khắc mình sống: làm chậm chi tiêu, giảm bớt hưởng thụ, ít đi cái tiêu khiển, nhàn rỗi, ganh đua, la cà … Trong những ngày sắp tới, hãy có giờ để ngồi với nhau, cho những giây phút thân tình, của những lời chân thật và thiện chí, của những mối quan hệ mà ta không có giờ săn sóc. Xin từng người chúng ta hãy suy nghĩ.
Trong thế giới hậu Covid, tư thế quỳ là sự chân thành của người đang cầu nguyện. Trước đây, ta quen tính toán và cân nhắc mọi sự, giải quyết những vấn đề đời ta theo kỹ thuật đắc nhân tâm hay thói đời. Chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của lối sống hiện đại, tự đủ, hướng mình theo hiệu quả và năng suất. Trong những ngày sắp tới, hãy nghiệm lại xem ta có thực sự là ông chủ tuyệt đối và tuyệt vời của chính cuộc đời chúng ta, hay là còn cần đến tình thương và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nó là những điểm nào trong đời ta? Xin từng người chúng ta suy nghĩ.
Cầu nguyện
Bạn hãy cầu nguyện với Mẹ Maria và sau đó với Chúa Giêsu, xin người dạy chúng ta sống hàng ngày, từ tư thế đứng, đến ngồi, đến quỳ, đều cảm nhận thấy cuộc đời của mình không bị hạ bệ, nhưng được đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu càng ngày càng nhiều hơn.
Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ.