Chúa giêsu – chân dung tuyệt mỹ của người làm tông đồ xã hội

 LoavesandFish

Giuse BCD

Giữa bối cảnh cuộc sống hôm nay, nhất là cuộc sống nơi những cánh đồng truyền giáo, tôi nhận thấy có khá nhiều tôn giáo, đoàn thể, cá nhân thiện nguyện đó đây đang rất hăng say làm việc bác ái xã hội. Bác ái xã hội là việc làm cao đẹp và giúp ích rất nhiều cho xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, làm thế nào để việc bác ái xã hội ngày càng có thêm nhiều hoa trái thiêng liêng và trở nên một nhiệm vụ tông đồ đích thực cho từng người Kitô hữu là điều tôi đang suy tư, trăn trở, kiếm tìm. Bên cạnh đó, ai là mẫu người tuyệt mỹ làm việc bác ái xã hội để tôi học hỏi và noi gương, nhờ đó, tôi không đi trật lý tưởng này cũng là một trăn trở. Sau khi đọc và suy niệm đoạn Lời Chúa trong “Mc 6:34-44”, tôi xin mạn phép chia sẻ một vài điều tôi đã tìm gặp, tạm gọi là “giác ngộ”, để làm việc bác ái xã hội tốt hơn và xin được chia sẻ với bạn đọc.

Trong đoạn Tin Mừng “Mc 6:34-44”, hình ảnh Chúa Giêsu dưỡng dục đám đông dân chúng qua phép lạ “bánh hóa nhiều” làm tôi liên tưởng đến việc Chúa Giêsu đang trực tiếp làm công việc bác ái xã hội. Thoạt tiên, khi thấy đám đông dân chúng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Sau đó, Chúa “dạy dỗ họ nhiều điều”. Cuối cùng, Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều để cho họ ăn.

Chúng ta hãy để ý các động từ xảy ra liên tiếp nhau: thấy, chạnh lòng thương, dạy dỗ, và cho ăn. Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông. “Thấy” phát xuất từ con mắt. “Chạnh lòng thương” đến từ con tim. “Dạy dỗ” khởi đi từ khối óc và môi miệng. “Cho ăn” cần đến đôi tay. Như thế, Chúa Giêsu dùng cả con người của Ngài để chăm sóc, dưỡng dục dân chúng. Thấy đám đông, Chúa Giêsu không lập tức làm phép lạ bánh hóa nhiều, không cho họ ăn ngay, nhưng dạy dỗ họ trước, dạy dỗ bằng con tim yêu thương và thấu cảm. Đám đông dân chúng là ai? Họ là những người đang theo Chúa, nhưng thiếu tình thương của người mục tử vì họ “như bầy chiên không người chăn dắt”. Họ có thể là những người ít học, bần cùng trong xã hội, thất nghiệp, đi ăn mày, nghèo đói, bị bỏ rơi… Vì lẽ đó, nếu Chúa Giêsu chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống cho đám đông thì e rằng điều đó chưa thể thỏa lấp niềm khát vọng của họ nơi Ngài, vì họ không những đói khổ, nhưng có thể còn ít học, bị loại trừ, sống bơ vơ lang thang đầu đường xó chợ không chỗ tựa nương, thiếu vắng niềm tin và lẽ sống, v.v.. Chính vì thế, Chúa Giêsu không vội vàng cho dân chúng ăn bánh ngay, nhưng Ngài dạy dỗ họ, sinh hoạt với họ, sống gần gũi với họ trước. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu thấu cảm đám đông, thấu hiểu niềm khát vọng của từng người và đáp ứng đầy đủ cho họ, vì Chúa không xa cách họ, vì Chúa luôn ở gần với họ, vì Chúa sống giữa họ, vì Chúa trở nên một người giống như họ. Chúa Giêsu chính là mẫu người lý tưởng làm việc bác ái xã hội cách thiết thực nhất!

Qua chân dung tuyệt mỹ của Chúa Giêsu – mẫu người tích cực làm việc bác ái xã hội, tôi học được bài học thế này: sở dĩ Chúa biết đám đông đang khát Lời Chúa và đói lương thực là vì Chúa đang sống ở giữa họ và con tim Chúa tràn ngập lòng thương xót; sở dĩ Chúa thỏa lấp nỗi khát khao của đám đông, vì Chúa yêu họ bằng cả con người của Ngài: Chúa thấy họ đói Lời Chúa, khát lương thực, Chúa chạnh lòng thương và dạy dỗ họ để họ nhận biết Thiên Chúa là Đấng quan phòng và giàu tình thương, và Chúa cho họ ăn. Phần tôi, tôi làm việc bác ái xã hội khác với Chúa nhiều lắm. Có khi tôi chỉ biết “cho kẻ đói ăn”, nhưng chẳng nhìn thấy họ, chẳng cảm thấu nhu cầu thực sự của họ. Cho người nghèo đói một bao gạo hay một thùng mì thì gia đình họ ăn được khoảng một tuần hoặc vài tuần, rồi họ lại đói. Có khi tôi thấy họ đói khổ, nhưng tôi không chạnh lòng thương họ như Chúa, và chỉ biết đáp ứng ngay cơn đói của họ hoặc tìm cách xoa dịu nỗi đau của họ. Có khi tôi chẳng thấy người nghèo khổ đâu cả, nhưng vì tôi có một khoản tiền dư thừa hoặc một số tiền quyên góp giúp người nghèo thì tôi vội vàng chuyển số tiền ấy tới đối tượng đang cần nó. Chỉ thế thôi. Thật vậy, tôi làm việc bác ái xã hội, nhưng thường làm bằng đôi mắt và đôi tay, mà lại thiếu con tim rung động yêu thương và lời an ủi vỗ về, nên việc làm ấy thiếu giá trị Tin Mừng.

Tóm lại, qua gương Chúa Giêsu, tôi nhận ra rằng để công việc bác ái xã hội sinh hoa trái nhiều hơn, đem lại giá trị Tin Mừng hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, tôi cần đến với bà con, ở giữa bà con, sinh hoạt với bà con, sống đơn nghèo như bà con trước khi tôi giúp họ miếng cơm manh áo. Chúa Giêsu nhìn thấy nhu cầu của đám đông vì Ngài ở giữa họ, sống như họ đang sống. Chúa Giêsu đứng bên trong cuộc sống của những người ít học, bần cùng trong xã hội, thất nghiệp, đi ăn mày, nghèo đói, bị bỏ rơi, thiếu vắng niềm tin và lẽ sống… để làm việc tông đồ xã hội, và công việc của Chúa đem lại giá trị Tin Mừng lớn lao, không mâu thuẫn với những lời mà Ngài đang rao giảng. Vì thế, tôi đang chất vấn lại bản thân mình rằng: Tôi đứng bên trong hay bên ngoài cuộc sống của những người ít học, bần cùng trong xã hội, thất nghiệp, đi ăn mày, nghèo đói, bị bỏ rơi, thiếu vắng niềm tin và lẽ sống… để làm việc tông đồ xã hội? Các dự án tông đồ dành cho người nghèo của tôi có đến từ đôi mắt và con tim tràn ngập lòng thương xót [dành cho họ]? Tôi nên làm gì để thay đổi cách làm việc tông đồ xã hội của bản thân, của đoàn thể, nhờ đó việc làm này sinh nhiều hoa trái tông đồ hơn?

Kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba tại Tây Nguyên

Giuse BCD

Kiểm tra tương tự

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Đời tu qua đôi mắt người tu sĩ

Thật thú vị khi trong lòng Giáo hội có hàng trăm dòng tu khác nhau, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *