Chúa Nhật Về Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa (Gioan 20,19-31)

tinyeu-LongthuongxotChuaTừ giữa năm 1673, một chị nữ tu dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial (miền trung nước Pháp) tên là Magarita Maria đã có nhiều thị kiến và ơn thần bí. Ngày 16-6-1675, trong một mặc khải lớn, Chúa Giêsu đã nói với chị: “Đây là trái tim đã yêu thương con người biết bao…” Ngài than thở về việc con người, kể cả những người đã được thánh hiến, đã đáp trả tình yêu một cách hững hờ. Cuối cùng, Chúa xin rõ ràng dành ngày thứ sáu sau Lễ Mình Máu Thánh Chúa để làm một lễ đặc biệt đền tạ Thánh Tâm bằng việc rước lễ và đền tội. Và Chúa Giêsu kết thúc với lời hứa: “Trái tim Ta sẽ mở rộng ra để đổ tràn sức mạnh của tình yêu thần linh trên những ai làm điều đó.” Chuyện Chúa Giêsu hiện ra cho chị Magarita Maria đã xảy ra cách đây 340 năm rồi, và Giáo hội đã truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm khắp nơi.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn thấy chưa đủ. Ngài vẫn muốn lôi kéo cả nhân loại khổ đau và tội lỗi đến với ngài. Ngài vẫn muốn nói với con người ở thế kỷ 20 rằng ngài yêu họ và ngài có khả năng ban muôn ơn hồn xác cho họ. Chính vì thế, ngày 22-2-1931, cách đây 84 năm, tại nước Ba lan, ngài lại chọn một nữ tu dòng Đức Bà Thương Xót, một nữ tu bệnh tật chỉ biết nấu ăn, làm vườn, giữ cửa, để mặc khải cho chị về lòng Thương Xót của ngài đối với cả nhân loại. Nữ tu ấy có tên trong dòng là Maria Faustina Kowalska.  Cũng giống như đối với chị thánh Magarita Maria, Chúa xin chị Faustina vẽ lại ảnh của Chúa. Đây là ảnh Chúa Phục sinh mặc áo dài trắng. Tay Ngài còn mang những dấu đinh. Đặc biệt có hai tia máu và nước phun ra từ trái tim của Ngài. Máu tượng trưng bí tích Thánh Thể là bí tích đem lại sự sống, Nước tượng trưng bí tích Rửa tội và Giải tội là các bí tích thanh tẩy tâm hồn. Còn có dòng chữ quan trọng: « Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. » Chúa mời chúng ta tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa, dù chúng ta tồi tệ đến mấy. Khi ngắm hình ảnh này, chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa Cha khi ban cho chúng ta Người Con Một  là Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chịu chết và được phục sinh.

Chúa Giêsu cũng muốn lập một lễ mới, vào Chúa nhật sau Chúa nhật phục sinh, gọi là Chúa nhật kính lòng Thương xót của Thiên Chúa. « Ta muốn rằng lễ của lòng Thương Xót sẽ là nơi ẩn trú cho các linh hồn, đặc biệt cho những tội nhân đáng thương. Ta sẽ cho họ hy vọng cuối cùng để được cứu độ. Vào ngày này, từ thẳm sâu lòng thương xót dịu hiền của Ta sẽ mở ra. Ta sẽ tuôn đổ cả một đại dương ân sủng trên những ai đến với nguồn mạch của lòng thương xót. Đừng ai sợ đến gần Ta, dù tội người đó có đỏ như son đi nữa.» ĐGH Gioan Phao lô II đã phong thánh cho chị Faustina ngày 30/4/2000, và ngài đã dành Chúa nhật thứ 2 PS để kính lòng Thương xót của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đang vinh quang trên trời vẫn muốn lôi kéo chúng ta lên, khỏi ách tội lỗi. Ngài hiện đến với những nữ tu bình thường để mặc khải cho họ về tình yêu và lòng thương xót của ngài. Ngài không đành lòng khi thấy con người đau khổ vì xa Thiên Chúa và phải trầm luân. Dù ngài hiện ra với ai, thì ngài cũng chỉ muốn chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa. Dù ngài hiện ra với Margarita Maria hay Maria Faustina thì ngài cũng chỉ muốn cho họ thấy trái tim yêu thương của ngài, trái tim luôn rộng mở để trao đi hạnh phúc đích thật mà con người luôn tìm kiếm, hạnh phúc vĩnh cửu.

Bài Phúc âm Chúa Nhật II Phục sinh cho cả ba năm A, B, C (Ga 20,19-31) cho chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu phục sinh qua những điều sau đây.

— Chúa Giêsu đi bước trước đến với các môn đệ của mình, đến với những kẻ đã bỏ rơi Ngài mà chạy trốn, đến với Phêrô, kẻ đã chối Ngài. Ngài không kể tội họ, không trách móc chuyện đã qua.

— Chúa Giêsu đến để đem bình an cho ‎các môn đệ, những người đang bị nỗi sợ hãi đe dọa, khiến họ phải đóng cửa. Họ sợ những kẻ đã giết Thầy mình sẽ quay lại.

— Chúa Giêsu đến để chữa lành những chấn thương nơi tâm hồn các môn đệ, gây ra do cuộc Khổ nạn và Tử nạn của Ngài. Chỉ sự sống lại của Ngài mới làm được việc đó. Chính vì thế Ngài đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Khi họ nhìn thấy các dấu đinh trên thân xác Ngài, họ sẽ nhận ra đây chính là vị Thầy đã từng sống bên họ, đã chịu đóng đinh và chết trước đó mấy ngày.

— Chúa Giêsu phục sinh sai các môn đệ lên đường, ban cho họ Thánh Thần qua việc trao hơi thở sự sống mới của Ngài cho họ, và nhất là ban cho họ quyền tha tội. Quyền tha tội là quyền trả lại sự sống cho tội nhân, đây là quyền năng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Khi nhận được Thánh Thần là Đấng ban sự sống, các môn đệ có quyền ban lại sự sống ấy cho người khác.

— Tám ngày sau, cửa vẫn đóng, nỗi sợ vẫn còn. Chúa Giêsu phục sinh trở lại, có vẻ chỉ vì ông Tôma chưa tin. Ngài không bỏ rơi ông, dù ông cứng lòng tin. Ngài thương ông, dù ông không muốn tin vào lời của các anh em khác. Ngài chiều ông và cho ông tất cả những gì ông yêu cầu. Ngài không muốn mất ông. Ngài muốn ông có cùng niềm tin như các anh em khác, để bước đi cùng một nhịp với họ.

— Hôm nay Chúa Giêsu phục sinh cũng nói với chúng ta: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Hãy tin vào Thầy, tin vào Tình yêu của Thầy. Tình yêu này lớn hơn vạn lần tội các con. Tình yêu này là tình yêu đã chiến thắng hận thù và sự chết. Đừng thất vọng ! đừng bao giờ thất vọng về bản thân mình, về một người nào đó, về một chuyện gì đó, về tình trạng của Giáo hội và xã hội ! Hãy tin vào Thầy vì Thầy đã phục sinh và đã trở nên nguồn sống, vì dòng máu và nước tuôn trào từ Trái Tim bị đâm thủng của Thầy có sức cứu độ cả nhân loại. Chúng ta hãy đáp lại : Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa. 

12/4/2015

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Kiểm tra tương tự

Manna: Nhà cầu nguyện (Thứ Sáu Tuần 33 Thường niên Lc 19,45-48)

Lời Chúa: Lc 19, 45-48 45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi …

Manna: Ai là mẹ tôi? (Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ – Mt 12,46-50)

  Lời Chúa: Mt 12, 46-50 Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *