Con có bố, mà dường như không có bố. Con có đây, mà hình như không có con. Con nói thế, vì là con gái đã hơn 30, mà con mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa đời mình cách đây 7 năm, và cảm nhận tình thương của bố mới đây thôi, mới Lễ Phục Sinh năm nay thôi.
Là một người bướng bỉnh, cá tính và chẳng nghe ai, lúc nào cũng đòi lý lẽ, con gái bố không biết sẽ ra thế nào. Có thể cuộc đời phức tạp và gia đình rối ren đã định hình nên người con gái như con. Trước đây với con, Chúa chẳng có gì là quan trọng. Đến ngày nọ, một vị linh mục tốt lành được Chúa gửi đến đã giúp con trở về với Chúa. Đời con 7 năm nay thật hạnh phúc và tiến triển thật nhiều, nhưng chỉ bất hạnh một điều là khi nghĩ về bố.
Bố vẫn thế! 40 năm không xưng tội rước lễ, không đến nhà thờ. Bố vẫn ích kỷ và tự mãn. Bệnh tật lại càng làm cho bố thêm khó ưa. Con nói là có bố cũng như không, là không hề nói quá; vì con đâu có cảm nhận được chút tình yêu thương nào từ bố. Bố cũng chẳng tỏ ra chút gì là thương con. Có lẽ, bố còn ghét con nhất nhà.
Hiện tại, chẳng còn ai trong gia đình có thể chịu đựng nổi bố. Bố ở một mình… Bố một mình với sự ích kỷ, tự mãn và bệnh tật. Nhờ trở lại cùng Chúa, và cầu nguyện nhiều, nên dù không ưa bố chút nào, con vẫn cố gắng tìm đủ mọi cách để có thể yêu thương bố như Chúa dạy. Khó quá bố ơi!
Con quyết tâm sau nhiều lần thất bại, rằng Lễ Phục Sinh năm nay con phải làm điều gì đó tốt cho bố. Bố đang ở trong một giáo xứ người Việt bên Mỹ, con đang sinh sống tại Việt Nam. Con quyết định thăm bố. Con là người bố ghét nhất, nhưng cũng là người duy nhất trong gia đình đi thăm bố.
Hy vọng của con đơn sơ là gặp bố, làm điều gì đó tốt với bố, và cũng ước mong có chút tình yêu thương của bố dành cho con. Con còn cảm nhận một sự thúc đẩy mãnh liệt trong lòng là giúp bố có thể xưng tội sau 40 năm khô khan.
Thế mà, mới gặp bố xong, con cảm thấy hết sức sống rồi. Con muốn trở về Việt Nam ngay, và cho rằng dự định tốt lành của mình là hoàn toàn thất bại. Con không thể chịu nổi cảnh hờ hững và phản kháng của bố. Con không thể chịu nổi những giằng xé trong lòng mình.
Chúa vẫn thương con, Ngài ban cho con sức mạnh và lòng kiên nhẫn, để con không bỏ cuộc ngay. Thế là, thay vì bỏ về Việt Nam, con đi sang bang khác của Mỹ để cho tâm hồn nhẹ bớt. Thế nhưng, thời gian cho chuyến đi sắp hết rồi. Con cần đối diện với thực tế phũ phàng.
Bằng mọi cách, nhờ nhiều người giúp đỡ, cuối cùng con đã nhờ được vị cha xứ người Việt sẵn sàng đến thăm bố; cho dù theo cách thức làm việc bên Mỹ, cha đã kín hết lịch làm việc mục vụ trong mùa Phục Sinh. Niềm hy vọng lóe sáng trong con.
Cha ngỏ ý là cần có người chú trong gia đình con đi cùng cha, để cuộc gặp gỡ có cơ may “thành công”. Khó khăn mãi, chú cũng đồng ý đi cùng cha. Khổ thay, đến phút chót, chú từ chối, không đi nữa, với lý do: bố mày như thế là sẽ mãi như thế, đừng mong ông thay đổi, vô ích thôi. Chúa ơi! Chúa thử thách con nhiều quá!
Cha sở động viên con và mở ra hy vọng mới: cần kiên nhẫn hơn nữa con à, để Chúa có thể làm việc, thôi nếu chú không đi thì em của chú đi cũng được. Hy vọng lại tăng thêm, em của chú đồng ý.
Như thế, cuộc thăm viếng bố của cha sở, người em chú và con, đã trở thành hiện thực. Con vừa mừng vừa lo, vừa hy vọng và cầu nguyện không ngừng. Cha sở thì nhắc: khó lắm con à, cứ vững tin và kiên nhẫn, còn sự việc như nào thì hãy phó thác cho Chúa.
Cha sở về. Con mong đợi tín hiệu từ bố. Bố ơi! Một chút gì đó vui thôi! Ôi không, không thể ngờ. Bố mắng con té tát vì con tạo nên cuộc gặp gỡ ấy. Con chịu trận mà không biết phải làm sao. Con gần như “tuyệt vọng”. Khóc. Khóc. Khóc. Chúa mới có thể hiểu!
Con buông xuôi. Mọi nỗ lực bằng không. Thôi, chẳng còn hy vọng gì nữa.
… Điện thoại rung lên, số điện thoại của bố, con không đủ can đảm để nghe máy nữa. Chắc chắn là con lại nghe tiếng la mắng từ phía kia. Lạ thay! Tiếng nói xúc động và khóc: “Con ơi, mấy giờ lễ, bố muốn đi lễ?” Con không thể tin nổi vào tai của mình nữa. 40 năm hơn cả tuổi con, không chỉ con mà còn bao nhiêu người khác ước mơ nghe được tiếng nói này. Con khóc…
Bố đi lễ, sớm hơn tất cả mọi người, quần áo tươm tất, ngồi ngay ngắn trong nhà thờ. Cha sở không thể tin vào mắt mình. Ngài phải chạy ra báo tin cho mọi người trong xứ. Ngài bỏ lại bài giảng lễ đã soạn trước, để chia sẻ về món quà Phục Sinh lớn lao mà Chúa đã thương ban cho giáo xứ. Mọi người ai nấy đều ngỡ ngàng và ca tụng Thiên Chúa. Trời đất cũng rất khác: “tuyết rơi” lạ lùng như dấu chỉ niềm vui từ trời cao nhảy mừng.
Bố nói với con: “Hôm nay bố đi lễ. Đây là điều tốt đẹp đầu tiên mà bố có thể làm cho con”. Bố còn sẵn lòng xưng tội rước lễ nữa. Con thầm trách yêu trong lòng: “Tại sao bố không đi lễ vì Chúa, mà lại vì con!” Con nhìn lên Chúa Phục Sinh mà lòng thốt không lên lời: “Chúa ơi, bố con sống lại rồi!”
(Cám ơn chị đã trực tiếp kể cho tôi nghe điều tuyệt vời mà Chúa đã làm cho chị, cho bố chị, cho gia đình và cả giáo xứ. Cám ơn chị vì sẵn lòng để tôi chia sẻ câu chuyện của gia đình chị với mọi người. Quả là phép lạ của Tình Yêu Mến và Lòng Thương Xót mang Tên Giêsu)
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.