Lm. Antôn Ngỗ Văn Vững, S.J.
Cầu nguyện là một nghệ thuật thần linh, nên không thể thủ đắc theo cách thức của một khoa học nhân loại nhưng phải nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, “Đấng dạy chúng ta tất cả mọi sự” (1Ga 2,20.27).
Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta bằng những linh ứng, những sự lôi cuốn, thúc giục bên trong. Chính vì tính cách nội tại của những công việc thiêng liêng mà lắm khi khó phân định được đâu là sự soi sáng của Thánh Thần và đâu là cảm hứng tự nhiên. Để tránh khỏi sai lầm, cần phải trình bày với vị linh hướng những biến động nội tâm của mình. Việc gặp linh hướng trong những ngày tĩnh tâm không có mục đích nào khác hơn là để tập nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần và nhận ra được những mưu chước của ma quỷ . Người hướng dẫn tĩnh tâm, vị giảng thuyết có thể trình bày một phương pháp và những chỉ dẫn thực hành về việc cầu nguyện nhưng đây chỉ là một khởi đầu, một sự chuẩn bị, chính Chúa Thánh Thần mới đưa tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Nếu không đặt mình dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, không ai có thể gặp Chúa và lãnh nhận ân sủng của Chúa.
Chất liệu cầu nguyện.
Vì lẽ đó, Lời Chúa phải là nguồn mạch, là chất liệu của mọi việc cầu nguyện và suy niệm. Cách chung, Chúa không trực tiếp phán dạy chúng ta. Người chỉ nói với chúng ta qua Kinh Thánh và qua Giáo Hội. Điều này có nghĩa là ý muốn Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình cho chúng ta, qua lịch sử cứu độ, Cựu Ước lẫn Tân Ước, nguồn mạch phong phú trong lòng Giáo Hội.
- Trước tiên Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa được chuyển đạt qua ngôn ngữ loài người. Ngoài mục đích mạc khải về Thiên Chúa, Kinh Thánh còn cống hiến cho chúng ta những lời kinh được Chúa linh ứng và bởi thế cũng rất đẹp lòng Chúa. Đặc biệt là các Thánh Vịnh. Những kinh nguyện này là những khuôn mẫu lý tưởng cho lời cầu nguyện của chúng ta.
- Thứ đến, trong các lời kinh phụng vụ mà Hội Thánh đã chấp thuận hay khuyến khích bằng cách ban những ân xá kèm theo. Vì lời kinh chính thức của Hội Thánh mật thiết gắn liền với mặc khải. Dùng các lời kinh phụng vụ mà cầu nguyện là phương thế rất được khích lệ. Nó ở trong tầm tay chúng ta và tương đối đơn giản. Vả lại, đa số các kinh phụng vụ cũng hứng khởi từ Kinh Thánh. Luật cầu nguyện là luật của đức tin. (Lex orandi, Lex credendi)
- Những tác phẩm của các vị thánh mà Hội Thánh đã công nhận thẩm quyền trong lãnh vực đức tin, như các giáo phụ, các tiến sĩ Hội Thánh và các bậc thầy trong nền tu đức như thánh Gio-an Thánh Giá, thánh nữ Tê-rê-sa Avila, đặc biệt sách Gương Chúa Giê-su. Ngoài ra, tất cả các tác phẩm tu đức được giáo quyền công nhận cũng có thể giúp cầu nguyện trong môi trường, trong hoàn cảnh cụ thể.
Dựa theo những điều trình bày trên, chúng ta nên học cách cầu nguyện theo những mẫu mà Kinh Thánh Cựu Ước hay Tân Ước và Phụng vụ đã đề ra. Chính Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho các tác giả thánh biết cách cầu nguyện đẹp lòng Đức Chúa Cha, nên chúng ta không bị lầm lạc nếu dùng những kinh ấy để cầu nguyện. “Chúa Thánh Thần đến trợ giúp sự yếu đuối của ta, vì chúng ta không biết cầu nguyện cho phải phép, nhưng chính Chúa Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than van khôn tả” (x. Rm 8,26).
Nhưng công việc của chúng ta là phải cộng tác vào công việc của Chúa Thánh Thần, bằng sự chuẩn bị tâm hồn, bằng cách tuân theo một phương pháp. Dĩ nhiên sự chuẩn bị hay phương pháp không có mục đích ngăn chặn hay giới hạn hoạt động của Chúa Thánh Thần, trái lại là con đường tự nhiên biểu lộ sự cố gắng nhân linh.