Chúng ta có 4 đoạn đường chuẩn bị để đón mừng Chúa Giáng Sinh, tương đương với 4 tuần Mùa Vọng. Với Chúa nhật Mùa Vọng thứ hai hôm nay, chúng ta đang ở đoạn đường thứ hai. Tin Mừng kể về một người dọn đường rất tuyệt vời trong đoạn đường này. Có lẽ chúng ta cũng cần những lời tư vấn của người dọn đường này. Lý do là ông ấy đang nói về người sắp đến, Đấng Mêsia, Đức Giêsu Kitô; hơn nữa ông ấy là họ hàng với Giêsu. Tên của ông là Gioan Tẩy Giả.
Không ai biết Gioan Tẩy Giả đã rao giảng từ khi nào? Chúng ta chỉ biết Gioan hơn Đức Giêsu 6 tháng tuổi. Từ hoang địa, Gioan kêu gọi người ta: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3,2). Sám hối nghĩa là dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Khi nói câu này, Gioan hẳn nhiên không phải là kỹ sư cầu đường, nhưng là một ngôn sứ. Gioan đi trước để chuẩn bị cho Đức Giêsu đến sau. Ông hối thúc dân thú nhận tội lỗi của mình, tẩy rửa sạch lỗi lầm để tâm hồn trong sạch. Mục đích là khi Đức Giêsu đến, toàn dân sẽ nhận ra Người.
Nếu hiện diện với đám đông lúc này, chúng ta cũng cảm nhận được tầm ảnh hưởng của Gioan Tẩy Giả. Ông đang là người nổi tiếng, rất nổi tiếng. Tiếng nói của ông rung động lòng người. Từ người già cho đến trẻ, từ người chức quyền cho đến bình dân, ai cũng để ý đến lời rao giảng của ông. Nói chung, ai cũng biết ông như là một thanh niên mặc áo lông lạc đà, thân hình gầy guộc (Mt 3,4). Vậy mà trong hoàn cảnh nổi tiếng này, Gioan không đánh mất chính mình. Ông luôn ý thức mình là một ngôn sứ, chỉ là người chuẩn bị con đường cho Đức Chúa đến. Phải chăng vì thế mà Gioan luôn được tôn kính trong Giáo hội Công giáo và cả Tin Lành nữa?
Gioan thường xuyên nói đến Đấng sẽ đến sau ông. Đấng này nổi tiếng hơn ông, uy quyền và hấp dẫn hơn ông. Chúng ta phải ngả ngũ khen cho lời giới thiệu của Gioan: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người.” (Mt 3,11). Câu này hoàn toàn đúng. Lý do là suốt dòng lịch sử của người Do Thái, toàn dân luôn ngóng chờ Đấng Cứu Độ, Đấng Mêsia. Từ 700 năm trước, ngôn sứ Isaia đã nói về Đấng Mêsia. Người này sẽ giải phóng dân khỏi áp bức, lầm than và tội lỗi. Mêsia trong ý nghĩ của các ngôn sứ phải là đấng thấu suốt tư tưởng con người, xét xử công minh. (Is 11,3; Ed 37,25; Mk 5,1). Gioan cũng cảm thấy thế, và ông cho rằng Đấng Mêsia đang đến rất gần. Do đó, ông ra sức mời gọi người ta chuẩn bị chờ đợi. Trong ý thướng này, rất đẹp khi chúng ta có 4 tuần để chuẩn bị mầu nhiệm Giáng Sinh, chờ Thiên Chúa đến với chúng ta.
Các bạn có để ý trong bài Tin Mừng hôm nay có gì sai không[1]? Tôi cảm thấy Gioan đã hiểu lầm về Đấng Mêsia. Gioan dùng những từ ngữ rất mạnh khi ám chỉ về Đấng Mesia. Chẳng hạn “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10), hoặc “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân…” (Mt 3,12). Chúng ta cảm thấy hình ảnh của Mêsia có vẻ hung dữ, thẳng tay trừng trị những người không sám hối. Trong khi đó, khi Đức Giêsu đến, Gioan cũng vài lần hoài nghi không biết Giêsu có phải là Đấng ông loan báo không? (Mt 11,2-11). Lý do là trên thực tế, Đức Giêsu đến với con người một cách nhẹ nhàng, nơi hang Bêlem, suốt 30 năm âm thầm tại Nazarét.
Tôi nghĩ Đức Giêsu không hung dữ, ngược lại Ngài rất tử tế với mọi người. Nhất là với những tội nhân, Ngài muốn họ sám hối và tin vào Tin Mừng. Chúa muốn con người hối hận vì đã phạm tội, đồng thời dốc lòng chừa. Đức Giêsu của chúng ta luôn kiên nhẫn chờ đợi mỗi người trở về với Ngài. Ngài sẵn lòng gặp chúng ta ở mọi nơi, dù chúng ta là ai, Ngài đều muốn kết bạn. Suốt ba năm rao giảng, Đức Giêsu luôn nói về tình yêu, lòng tốt, tình người và lòng thương xót. Do đó, những lời rao giảng trên của Gioan dường như không hoàn toàn đúng với Đức Giêsu.
Nhưng, chúng ta vẫn cảm ơn Gioan, vì những lời lẽ mạnh mẽ để giúp người ta sám hối. Đôi khi chúng ta cũng cần đến liều thuốc mạnh để chữa bệnh vô cảm, dửng dưng tôn giáo của mình. Tôi xin chia sẻ về trường hợp của một bác sĩ rất nổi tiếng người Hungary (Csókay András[2]). Nhiều năm về trước, người con út của ông bị tai nạn và qua đời. Lúc đó, ông hoàn toàn sụp đổ. Càng nghĩ về người con thân yêu, ông càng bấn loạn và đau buồn. Trầm cảm và khủng hoảng là nỗi ám ảnh của ông. Thời gian ấy trải qua khá dài. Ông chia sẻ bỗng một đêm, ông dường như nghe được tiếng nói của con mình: “Con muốn ba yêu thương con bằng cách sống phục vụ và yêu thương.” Đó là thông điệp mà ông nhận được từ đứa con thân yêu.
Từ đó, vị bác sĩ này cầu nguyện nhiều hơn. Ông cũng gặp vài linh mục để chia sẻ về niềm tin của mình. Càng thấy được Thiên Chúa yêu thương, ông càng dấn thân vào công việc trong ngành y. Ông nổi tiếng với tấm lòng bao dung của vị bác sĩ Công Giáo hết lòng cứu giúp các bệnh nhân. Lúc này, linh hồn người con của ông luôn gần gũi trong trái tim ông.
Một cách nào đó, trong những biến cố khó khăn và đau buồn, Thiên Chúa giúp cho người ta trở về với Thiên Chúa. Hoặc nói như Clive Staples Lewis[3], (1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia): “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.” (Youcat 51). Có lẽ câu này đúng trong bối cảnh của Gioan Tẩy Giả. Nhờ đó mà dân chúng đang chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Mêsia.
Quý độc giả thân mến,
Để kết thúc, ước gì mỗi người dành chút thời gian và tâm tình để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh. Tôi nghĩ Giáng Sinh chỉ ý nghĩa khi chúng ta gặp được Hài Nhi ở trong hang đá Bêlem. Ngoài những chuẩn bị bên ngoài, những buổi họp mặt và lễ hội của những ngày Giáng Sinh và năm mới, chúng ta cũng làm mới tâm hồn mình. Có nhiều cách mà mỗi người đều biết. Ước gì trong khả năng và hoàn cảnh của từng người, chúng ta nói với Chúa Giêsu rằng:
“Lạy Chúa, con đang chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đây. Xin Ngài cũng giúp con.”
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng (Mc 1,1-8; Lc 3,1-18; Ga 1,19-28)
1 Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng:2 “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”3 Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.5 Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.6 Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.7 Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?8 Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.9 Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.10 Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.11 Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.12 Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Andr%C3%A1s_Cs%C3%B3kay
[3] Ông là một tiểu thuyết gia, thi sĩ, nhà hàn lâm, nhà Trung Cổ học, nhà phê bình văn học, nhà luận văn, nhà thần học giáo dân và nhà biện hộ học Kitô giáo sinh ở Belfast, Ireland. Ông nắm giữ các vị trí viện sĩ ở Đại học Oxford (Magdalen College), 1925–1954, và Đại học Cambridge (Magdalene College), 1954–1963. Ông nổi tiếng với các tác phẩm hư cấu, đặc biệt là The Screwtape Letters, Biên niên sử Narnia và The Space Trilogy, và các tác phẩm hộ giáo phi hư cấu như Mere Christianity, Miracles và The Problem of Pain. (Wikipedia)