Chúng ta có Thiên Chúa quan phòng

Một thầy dòng Tên ở Rôma kể câu chuyện này:

Trước ngày thi kết thúc môn học, thầy đến nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành để cầu nguyện với Thiên Chúa. Trong nhà thờ nguy nga tráng lệ, thầy tìm một chỗ thinh lặng để trò chuyện với Thiên Chúa quan phòng. Nhanh chóng thầy có thể gặp được Thiên Chúa và cuộc trò chuyện bắt đầu. Thầy liền kể ước mong của mình cho Thiên Chúa:

  • “Dạ thưa Đức Chúa, ba ngày nữa con phải thi kết thúc môn học. Con mong ngài giúp để con thành công trong kỳ thi quan trọng này được không ạ?”
  • “Dĩ nhiên là được!” – Thiên Chúa trả lời.
  • Tuy nhiên sau hồi suy nghĩ, Thiên Chúa hỏi thầy rằng: “Vậy con đã học bài kỹ chưa?”
  • Thầy lưỡng lự điều gì đó, nên một lát sau mới thì thào: “Dạ, thưa Thiên Chúa, thú thật là con chưa học nhiều. Vả lại, con chưa đủ tự tin nên mới đến xin Chúa giúp đây!”
  • “Dĩ nhiên là ta luôn giúp con mà, nhưng con phải giúp chính con trước.” – Chúa ân cần chia sẻ.
  • “Dạ con chưa hiểu lắm. Ngài có thể nói rõ hơn được không ạ?” – Thầy đưa tay van xin Thiên Chúa.
  • “Ah! Còn ba ngày nữa mới đến kỳ thi, con hãy đi về học bài thật chăm chỉ. Sau đó là ta mới giúp con thi tốt được!”

Sau những phút trò chuyện giằng co kết thúc, thầy ra về và lao mình vào bài vở…

Các bạn thân mến,

Tôi muốn giới thiệu cho các bạn về một Thiên Chúa quan phòng. Quan nghĩa là nhìn xem, quan sát và chăm chú vào điều gì đó. Phòng có nghĩa là bảo vệ, đề phòng hoặc giữ gìn. Như vậy, quan phòng là việc Thiên Chúa luôn quan tâm chăm sóc và yêu thương con người. Đó là sự thật mà nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ: “Cha muốn nói với mỗi người trong chúng con về chân lý thứ nhất: “Thiên Chúa yêu thương các con”. Dù trước đây các con đã nghe về điều ấy rồi cũng không sao, Cha muốn nhắc lại cho các con: Thiên Chúa yêu thương các con. Không bao giờ được nghi ngờ điều này, dù bất cứ điều gì xảy ra với các con trong cuộc sống. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các con được yêu thương vô hạn.” (Christus Vivit, 112).

Tôi tin các bạn cũng nghe về Thiên Chúa quan phòng nhiều lần rồi. Vả lại, khi học giáo lý, Giáo hội chia sẻ rằng: “Thiên Chúa không dựng nên mọi sự rồi bỏ mặc chúng, nhưng quan tâm, bảo tồn, chăm sóc và hướng dẫn chúng theo ý định muôn thuở của Người.” (x. GLHTCG 307). Niềm tin Kitô giáo cũng nói với con người rằng: “Thiên Chúa luôn điều khiển thế giới và chi phối đời sống con người mà chỉ mình Người biết. Không lúc nào Người để cho các tạo vật Người đã dựng nên lại vượt ra khỏi bàn tay Người.” Tiếc một điều là thụ tạo tuy tốt lành nhưng chưa tuyệt đối hoàn hảo, nên mới có những khổ đau hoặc bất hạnh. Dù sao, Giáo hội vẫn luôn mời gọi các tín hữu phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa (Mt 6,31-33).  

Chúng ta cần phân biệt rõ hai điều này: phó thác và thoái thác. Thoái thác là kiếm cớ từ chối, không làm điều người khác yêu cầu. Người này không tin tưởng, chẳng dấn thân cho mục tiêu phía trước. Nói cách khác, người này không muốn tra tay làm việc. Vì thế mà họ cũng chẳng có sáng kiến hay động lực để vươn lên. Ai cũng đoán ra người này thường là kẻ thất bại. Thiên Chúa cũng “bó tay” với những loại người này. Trong ví dụ trên, dường như trong tư tưởng của thầy trên đây cũng có chút thoái thác. Tạ ơn Chúa, vì sau đó thầy này cũng biết phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Trong khi đó, phó thác hay tín thác (fiducia filialis) nói lên lòng tin cậy của con người vào Thiên Chúa. Thành công chỉ đến với những ai có lòng tin. Trong niềm tin tôn giáo, người này tin vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa, kể cả những lúc gặp khó khăn.  

Trong Tin mừng, vài lần chúng ta thấy Đức Giêsu giới thiệu về một Thiên Chúa quan phòng, ngài luôn yêu thương con người: “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.”[1] (Lc 21,18).  Số là Đức Giêsu báo cho các môn đệ (cho chúng ta) về những khó khăn sẽ xảy ra. Có người thấy sợ những điều này. Hy vọng chúng ta thấy đó là những cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa. Chính trong hoàn cảnh khó khăn, ai tin tưởng và phó thắc vào Thiên Chúa, chính ngài sẽ giúp họ biết phải làm gì. Điều này cũng có nghĩa là người ấy cần dùng hết khả năng của mình để cộng tác với ơn của Chúa. Trong linh đạo dòng Tên có một châm ngôn liên quan đến điều này: “Hãy tin tưởng vào Chúa như thể thành công hoàn toàn do bạn chứ không phải do Chúa; nhưng hãy dùng hết tài năng của bạn như thể chỉ có Thiên Chúa làm mọi thứ chứ không phải do bạn làm.” Cả hai cùng làm việc. Từ hai nguồn lực này, thành công sẽ đến với chúng ta. Nói cách khác, chúng ta sẽ chiến thắng, vượt qua những hoàn cảnh khó khăn bằng chính năng lực của mình với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Rồi với lòng khiêm tốn, mỗi người nhận ra rằng: Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi mình, nhưng luôn yêu thương, ủng hộ, gìn giữ và cùng với tôi vững bước trên đường đời. Đây là nét đẹp của một Thiên Chúa quan phòng.

Trước những khó khăn và đau khổ, người trẻ chúng ta có quyền đặt câu hỏi về sự quan phòng của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Ngài tốt lành và quyền năng, tại sao lại có đau khổ, chết chóc? Hoặc tại sao con phải học bài thật nhiều ngài mới giúp con thành công trong thi cử?” Các bạn trẻ rất thân mến, trong đêm tối của tột cùng đau khổ, thật khó để giải thích về một Thiên Chúa yêu thương. Thành thực mà nói, trong đau khổ thử hỏi mấy ai thấy Thiên Chúa luôn chăm sóc cho họ. Chỉ có ai đủ niềm tin và phó thác mọi sự vào Thiên Chúa, họ mới đón nhận đau khổ và tin rằng: “Thiên Chúa cũng muốn viết thẳng trên những đường cong của đời ta.” Chỉ có ai yêu mến Thiên Chúa đủ, họ mới dám chấp nhận mọi thứ, ngay cả án tử vì đạo, họ cũng tin đó là một hồng ân đến từ Thiên Chúa quan phòng!

Thật khó để giải mã đau khổ, nhưng nói như Thánh Tôma Aquinô: “đau khổ vẫn luôn đặt nền tảng trên sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.” Chúng ta tin Thiên Chúa đã dựng nên một thế giới này thật tốt đẹp, nhưng chưa được hoàn thành. Nó còn nhiều xáo trộn với những khổ đau. Giáo Hội phân biệt sự dữ thể lý (bệnh tật, chết chóc, thiên tai…), và sự dữ luân lý phát xuất do con người sử dụng tự do sai lầm trong thế gian. Dù hoàn cảnh nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn quan phòng và giúp con người đến chỗ thành toàn. Bởi đó thật chí lý khi văn sĩ Clive Staples Lewis, (1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia) viết rằng: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (Youcat 51).

Khi lắng nghe người khác chia sẻ về khổ đau, tôi cũng muốn chia sẻ với họ rằng: hãy hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa tốt lành! Hơn nữa, chúng ta cũng tin rằng đi theo Chúa Giêsu là chấp nhận một hành trình thú vị. Nơi ấy, “Con người không có chỗ tựa đầu”. (Lc 9,57-62). Dẫu sao trước đau khổ ấy, thực tế cho thấy nếu ai tin vào Thiên Chúa, đón nhận thực tại như nó là, thì họ tìm được hạnh phúc bình an ngay trong đau khổ. Điều này nghe có vẻ lạ tai! Đừng quên chính Đức Giêsu của chúng ta cũng cảm thấy Thiên Chúa quan phòng dường như vắng bóng: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27,36). Nhưng dù thế nào, Đức Giêsu chỉ một vâng theo ý Cha!

Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ này với các bạn bằng lời nhắn của Tin Mừng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21,19). Chính Đức Giêsu là mẫu gương kiên trì trong đau khổ cho mỗi người chúng ta. Hoặc nói như Thánh Lêô Cả Đức Giêsu vẫn đang chịu đau khổ, “vì cuộc Khổ Nạn của Chúa còn kéo dài cho tới tận thế.” Hoặc nói như nhà toán học Pascal: “Ðức Kitô còn hấp hối cho đến tận thế.” Nghĩa là, Người vẫn luôn đồng hành với những đau khổ của con người để cứu độ con người. Chính thi sĩ Paul Claudel thốt lên rằng: “Thiên Chúa không đến để làm cho hết đau khổ. Người cũng không đến để giải nghĩa về đau khổ, Người đến để lấp đầy đau khổ bằng sự có mặt của Người.” (Youcat 100).

Tôi tin nếu thầy trên đây cam đảm dùi mài kinh sử, vất vả học tập, thì chính Thiên Chúa cũng giúp cho thầy ấy đạt đến thành công. Tôi cũng tin chúng ta có một Thiên Chúa quan phòng hằng yêu thương và ở với mỗi người. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] “Đối với anh em, ngay tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi.” (Mt 10,30).

Kiểm tra tương tự

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …