Chúng ta muốn Thiên Chúa kiểu như thế nào?

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi tương ứng với những khao khát sâu thẳm nhất của con người

 

 

Có một bài học mạnh mẽ trong Kinh Thần vụ của Giáo hội thể hiện trong cuộc tranh luận giữa một kẻ bách hại Giáo hội với vị giám mục dũng cảm Thánh Theophilus thành Antioch (+185). Thánh Theophilus đã đáp lại một cách rất bình tĩnh khi người kia gắt gỏng yêu cầu:  “Hãy chỉ cho ta thấy Thiên Chúa của mi!” Và hãy nghe câu trả lời hoàn hảo của Thánh Theophilus: 

 

Nếu ngươi nói, “Hãy chỉ cho ta thấy Thiên Chúa của mi,” ta sẽ nói với ngươi rằng, “Hãy cho ta thấy mi là người như thế nào, và ta sẽ cho mi thấy Thiên Chúa của ta.” Vậy hãy cho ta biết liệu đôi mắt tâm trí mi có thể nhìn thấy, và đôi tai trái tim mi có nghe được hay không. Những ai có thể nhìn bằng đôi mắt thể lý đều nhận thức được những gì đang xảy ra trong cuộc sống trên trái đất này. Vì vậy, với đôi tai của trái tim và đôi mắt của tâm trí chúng ta có khả năng nghe hoặc nhìn thấy Thiên Chúa. Thiên Chúa được nhìn thấy bởi những người có khả năng nhìn thấy Ngài, miễn là họ giữ cho tâm trí mình luôn rộng mở

 

Cách thức Thiên Chúa mặc khải

 

Trong ngày Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta cũng có thể hướng về thiên đàng tha thiết cầu nguyện rằng:  Xin chỉ cho con thấy Chúa. Vì chúng ta rất khao khát được biết và yêu mến Thiên Chúa. Nhưng con đường để “nhìn thấy” chính là con đường mà Thánh Theophilus đã chỉ ra. Chỉ khi chúng ta nhận ra cuộc sống con người được tạo dựng để xứng hợp với cuộc sống của Thiên Chúa đến mức nào thì chúng ta mới có thể khám phá ra Ngài, yêu mến Ngài và sống cho Ngài. Nhưng nếu chúng ta không chú ý đến nhân tính của mình, chúng ta sẽ hoàn toàn bỏ lỡ bản tính Thiên Chúa của Người.

 

Sự mâu thuẫn này được thể hiện trong những tâm tình của nhà thơ Pär Lagerkvist, khi ông nói về Thiên Chúa rằng:

Ngài là ai mà lấp đầy trái tim con bằng sự vắng mặt của Ngài? 

Lấp đầy toàn bộ thế giới bằng sự vắng mặt của Ngài?

 

Khi chúng ta bắt đầu từ trải nghiệm về nhân tính của chính mình, như Thánh Theophilus chỉ dẫn chúng ta, chúng ta đi đến một nhận thức chắc chắn rằng Thiên Chúa hiện hữu. Bởi vì chúng ta biết rằng chỉ có Chúa mới có thể thỏa mãn những khao khát, trống rỗng và những mong ước của cuộc sống. Chính trong những cuộc vật vã, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được tạo dựng cho Thiên Chúa… rằng chúng ta cần sự hiện diện của Chúa.

 

Kiểu Thiên Chúa chúng ta cần

 

Không chỉ vậy, chúng ta biết chính xác kiểu Thiên Chúa chúng ta cần. Và đó là điều chúng ta cử hành hôm nay trong Lễ Chúa Ba Ngôi.

 

Thiên Chúa như một người cha. Ảnh: Pinterest.com

 

Một trong những nỗi thống khổ lớn nhất mà một người có thể gặp phải trong cuộc đời là nỗi thống khổ của một đứa trẻ mồ côi: không biết nguồn gốc của mình; không được mong muốn; không được thuộc về một cộng đồng, một gia đình. Nếu được lựa chọn, chúng ta sẽ ước một Thiên Chúa kiểu:

  • Đấng yêu thương chúng ta trong sự hiện hữu vì Ngài muốn chúng ta hiện hữu
  • Một Thiên Chúa mà chúng ta sẽ tìm thấy giá trị của mình – chúng ta sẽ không tìm thấy giá trị của mình trong khả năng hay trong những gì chúng ta có – mà trong chính sự thật rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa
  • Một Thiên Chúa, dù biết điều tồi tệ nhất của chúng ta, vẫn yêu thương chúng ta nhiều hơn vì chúng ta cần được yêu thương nhiều hơn
  • Một Thiên Chúa không yêu chúng ta vì chúng ta tốt lành, nhưng yêu chúng ta vì Ngài tốt lành.
  • Nói cách khác, chúng ta khao khát một Thiên Chúa là Cha đích thực.

 

Chúa Giêsu như một người bạn. Ảnh: Pinterest.com

 

Nhưng không dừng lại ở đó. Chúng ta còn mơ ước về một Thiên Chúa sẽ là người bạn đồng hành gần gũi không gì sánh được. Nếu chúng ta được chọn, chúng ta sẽ chọn một Thiên Chúa kiểu:

  • Đấng sẽ là bạn của chúng ta, cùng chúng ta đi qua hành trình cuộc đời, giữ chúng ta thật chặt
  • Một Thiên Chúa có sự hiện diện sống động mà sự gần gũi và cái “chạm” của Ngài sẽ xua tan nỗi sợ hãi, buồn phiền và tuyệt vọng của chúng ta
  • Một Thiên Chúa có quyền tha tội cho chúng ta và là Đấng có lòng thương xót hải hà
  • Một Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong đau khổ và giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa và giá trị của đau khổ
  • Một Thiên Chúa luôn nhắc nhở chúng ta về tình Cha, như Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài hứa, Thầy sẽ không để anh em mồ côi.
  • Nói cách khác, chúng ta mong mỏi một Thiên Chúa là Con đã trở xác phàm

 

Chúa Thánh Thần như là Đấng Bào chữa, An ủi. Ảnh: Pinterest.com

 

Và thành thật với bản thân, chúng ta cũng muốn một Thiên Chúa kiểu:

  • Đấng sẽ cứu chúng ta khỏi bị lôi kéo và thống trị bởi quá nhiều thứ xác thịt như: dục vọng, tham lam, tham ăn, ích kỷ
  • Một Thiên Chúa sẽ biến đổi lối sống xác thịt và thế tục của chúng ta thành con đường thiêng liêng và hướng về thiên đàng
  • Chúng ta trân trọng rất nhiều điều thiêng liêng như: công lý, sự thiện hảo, cái đẹp, sự thật, ý nghĩa, hòa bình, tình yêu – chúng ta muốn một Thiên Chúa vĩ đại hơn tất cả những điều tốt đẹp đó … nhưng không phải theo kiểu “ép buộc ở với con”– nhưng với tư cách là một nhân vị, một người mà chúng ta có thể liên hệ, nói chuyện và kết bạn.
  • Một Thiên Chúa là Đấng Bảo Trợ, Đấng Chữa lành và Đấng An ủi, soi sáng tâm trí chúng ta, hiểu thấu tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta vượt lên trên những yếu đuối và giới hạn của mình, biến đổi chúng ta thành những con người can đảm và biến chúng ta thành con cái đích thực của Thiên Chúa
  • Nói cách khác, chúng ta khao khát một Thiên Chúa là Thần Khí

 

Tóm lại, chúng ta sẽ chọn một Thiên Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta bí mật của hạnh phúc: đó là sự hiệp thông. Hạnh phúc xảy ra khi chúng ta vượt ra khỏi chính mình và sống vì lợi ích của người khác.

 

Lễ Chúa Ba Ngôi là lễ của Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – ban tặng chính Ngài cho chúng ta theo những khao khát, ước muốn và khát vọng sâu xa nhất của chúng ta. Chúng ta hãy tôn vinh món quà đó bằng cách để Thiên Chúa đi vào mọi nhu cầu của chúng ta, và không từ chối Chúa điều gì, đồng thời chúng ta dâng lại cho Ngài toàn bộ món quà là chính chúng ta.

 

Tác giả: Fr. Peter John Cameron, OP

Chuyển ngữ: Kim Linh

Nguồn: Aleteia

 

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 19-12-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 19/12/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​  Niềm vui của …