Chút tản mạn ngày khánh nhật truyền giáo

  1. Có dịp đặt chân đến giáo xứ Phú Hòa, thuộc giáo phận Qui Nhơn, tôi chợt bắt gặp được tấm bia tưởng niệm những vị linh mục đã đến và phục vụ tại giáo xứ. Đứng lại đọc đôi chút và điều khiến tôi bất ngờ là hình ảnh và tên của chính người cha anh trong Dòng, cha Alexandre Rhodes, S.J. được xếp ở vị trí đầu tiên của bia tưởng niệm. Lịch sử của giáo xứ Phú Hòa có ghi lại: “Giáo họ Thiên Lộc ngày nay, trước kia mang tên là Chợ Mới, một vùng đất đã đón nhận bước chân các thừa sai Dòng Tên từ thuở đầu công cuộc truyền giáo trong Giáo phận.”[1]

 

Báo Tri Tân được phát hành vào ngày 13/6/1941 với tiêu đề: “Ông Alexandre de Rhodes (1591 – 1666)” do tác giả Hoa Bằng và Tiên Đàm. Tác giả bài báo đã dành gần trọn ba (3) trang báo để viết về sự kiện nhà bia Alexandre de Rhodes được khánh thành vào 5 giờ chiều ngày 29/5/1941 bên đền Bà Kiệu (Hà Nội). Trang báo đã có những mô tả về “Compagnie de Jésus” (Dòng Chúa Giê-su hay ở Việt Nam còn gọi là Dòng Tên) và gọi các tu sĩ Dòng này là “Jésuites”. Cha Alexandre Rhodes, S.J. hay lúc đó còn được gọi là Cố Trang là một trong những Jésuites hoạt động trong lĩnh vực truyền giáo ở mảnh đất Á Châu. Bài báo có đoạn mô tả về cha Alexandre Rhodes như sau: “Ưa giản-dị, mộc-mạc, yêu bình-đẳng, thích gần-gụi với hết thảy các hạng người trong xã hội, ông Alexandre Rhodes đã rất thông-sáng, lại giàu đức khiêm-tốn và tinh-thần hi-sinh.[2]

Nghĩ đến bấy nhiêu, trong tâm thức tôi chợt được gợi lại nhiều điều về tinh thần truyền giáo mà những cha anh trong Dòng đã thực hiện trên toàn thế giới, cách riêng những người anh tiên khởi đã đặt chân lên mảnh đất Á Châu.

 

  1. Kỷ niệm 400 năm thành lập Thánh bộ phụ trách truyền giáo (1622-2022) cũng gợi lên nơi bản thân tôi về trăn trở và thao thức truyền giáo của Giáo Hội. Khởi đi từ những tình hình và nhu cầu được nghe tường trình, “Rôma thấy mình có bổn phận thiết lập một cơ quan quản trị tập trung các công cuộc truyền giáo lại nhưng cũng xây dựng các nguyên tắc cho hoạt động truyền giáo nhằm thành lập một hàng giáo sĩ địa phương. Do đó, vào năm 1622, Đức Grêgôriô XV có sáng kiến “lập các giám mục hoàn toàn trung thành với quyền bính của ngài, nhằm thành lập hệ thống các địa phận truyền giáo”.[3] Nơi sáng kiến này, cụ thể qua Huấn thị gởi các đại diện tông tòa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong (Instructions aux vicaires apostoliques des royaumes du Tonkin et de la Cochinchine) được soạn thảo năm 1659, Giáo Hội không nhằm thay đổi đường hướng truyền giáo hoàn toàn mới để đáp ứng đòi hỏi của thời đại, nhưng sáng kiến ấy là một “sự hài hòa các phương pháp […] những thực hành khác nhau của mục vụ truyền giáo từ tông đồ Phaolô cho đến các tu sĩ dòng Tên.[4]

Như thế, sứ mạng truyền giáo là một truyền thống tốt đẹp của người Ki-tô Hữu ngay từ sơ khai cho đến ngày nay. Hơn nữa, sứ mạng ấy vẫn tiếp tục được duy trì dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong mọi thời đại.

 

  1. Sau mỗi giờ lớp hàng tuần, tôi thường cho các bạn học viên, là các bạn nữ đang trong giai đoạn tìm hiểu ơn gọi dòng Mến Thánh Giá, đọc lời kinh xin ơn với Đức Cha Pierre Lambert de la Motte. Các bạn có hỏi tôi rằng: “Có phải thầy thích Đức Cha Lambert và linh đạo Mến Thánh Giá?” Tôi đáp lại các bạn bằng nụ cười thay cho những giải thích dài dòng. Bởi lẽ tôi được đánh động bởi lời bộc bạch của một vị Giám Mục bên di cốt của Đức cha Pierre Lambert de la Motte rằng: “… Cha là gương mẫu cho tất cả mọi người, và cách riêng cho hàng giáo sĩ của chúng con nữa. Khi nhìn lại những việc làm và gương sống của cha, chúng con biết rằng chúng con phải truyền bá lòng yêu mến đối với cha. Hôm nay, chúng con xin bắt đầu cho những chậm trễ của chúng con. Trong việc dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, noi gương cha, chúng con chọn Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất…”.[5]

Vâng! Chỉ là những bắt đầu của những chậm trễ, đáng nhẽ lòng biết ơn ấy đã phải được thể hiện từ lâu lắm rồi. Tôi mong rằng nụ cười thay cho câu trả lời cũng chính là câu trả lời ưng ý nhất với các bạn, những người nữ trẻ muốn dấn thân sống linh đạo Mến Thánh Giá giữa lòng Giáo Hội.

 

  1. Chút góp nhặt vụn vặt những ý tưởng về sứ mạng truyền giáo, tôi muốn nhắc nhớ chính mình ý thức về thái độ biết ơn. Trên hết là biết ơn Thiên Chúa vì Người vẫn luôn hiện diện và thánh hóa công cuộc truyền thống đẹp đẽ này. Sau là biết ơn Giáo Hội là người Mẹ luôn trăn trở và ôm ấp vào lòng những đứa con được sinh ra bởi Thần Khí dù ở bất kỳ lãnh thổ nảo trên thế giới. Kế là biết ơn những con người đã đổ mồ hôi, thậm chí xương máu để loan báo Tin Mừng cho anh chị em mình. Nữa là biết ơn những bậc cha anh đã dấn thân trên mảnh đất Việt vì công cuộc truyền giáo.

Xin cho tôi biết sống tâm tình tuyệt vời ấy với những thế hệ tiếp sau mình, như tâm tình tri ân các tiền bối, tri ân Giáo Hội và tri ân Thiên Chúa.

Khánh Nhật Truyền Giáo 2022

Little Stream

[1] Xem nguồn lịch sử giáo xứ Phú Hòa tại: https://gpquinhon.org/q/lich-su-giao-phan-giao-xu/luoc-su-giao-xu-phu-hoa-1303.html#_ftn1

[2] Xem bài báo Ông Alexandre de Rhodes (1591 – 1666) tại: https://gpquinhon.org/q/on-co-tri-tan/ong-alexandre-de-rhodes-1591-1660-5369.html

[3] Xem bài viết tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/400-nam-thanh-lap-thanh-bo-phu-trach-truyen-giao-1622-2022-thanh-bo-truyen-ba-duc-tin-46177

[4] Xem bài viết tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/400-nam-thanh-lap-thanh-bo-phu-trach-truyen-giao-1622-2022-thanh-bo-truyen-ba-duc-tin-46177

[5] Xem và nghe lại nguyên văn lời cầu nguyện của Đức Cha… tại Ban Mục vụ Truyền thông Tổng Giáo phận Sài Gòn : https://www.youtube.com/watch?v=QgBcjoK_-Zo

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN 6PS: “Ở lại trong tình thương của Thầy”

Các bạn thân mến!   Chúng ta hay nói Đạo Công Giáo là đạo yêu …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 2: Định vị lại chính mình

Giữa bối cảnh ơn gọi suy giảm ở các nước Châu Âu và Châu Mỹ …