Chuyện ăn uống

Ăn uống là một nhu cầu căn bản của con người. Chúng ta hay nói về chuyện ăn uống trong những cuộc gặp gỡ. Chúng ta thường bận tâm về việc nên ăn gì hay ăn ở đâu. Sự nở rộ các quán ăn, sự bùng nổ các dịch vụ giao nhận đồ ăn và trào lưu mở các kênh Youtube về ẩm thực trên mạng xã hội hiện nay là những bằng chứng rõ ràng về mối quan tâm đáng kể đến chuyện ăn uống của chúng ta. Nhưng chúng ta cần ăn với thái độ gì? Liệu rằng ăn sẽ làm cho chúng ta được no lòng? Phải chăng ăn là chuyện riêng tư của mỗi người? Tin mừng Chúa Nhật 18 thường niên hôm nay[1] có thể giúp chúng ta giải đáp phần nào những câu hỏi trên.

Trong đoạn Tin mừng này, thánh sử Matthêu kể về một bữa ăn. Đúng hơn đó là một phép lạ khi Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình hóa từ 5 cái bánh và 2 con cá ban đầu ra gấp ngàn lần để nuôi đám đông đến cả ngàn người. Họ đã đói mệt sau một ngày trời đi theo Chúa Giêsu và Ngài biết rằng họ cần được bồi bổ bằng một bữa ăn. Cũng như đám đông, chúng ta cũng cần phải ăn để sống. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta biết cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta được ăn no (và ăn ngon) mỗi ngày. “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.[2]” Lời kinh này nhắc nhở chúng ta về tâm tình tạ ơn Thiên Chúa mỗi khi ăn vì lương thực là quà tặng của Thiên Chúa.

Chúng ta cần luôn biết nói lời cám ơn đến Thiên Chúa vì những của ăn chúng ta hưởng dùng đều xuất phát từ quyền năng sáng tạo và sự rộng rãi của Thiên Chúa. Thói quen làm dấu thánh giá trước khi ăn là một trong những cách thức hiệu quả để thể hiện tâm tình tạ ơn Chúa. Tuy nhiên, lời cầu xin Thiên Chúa không phải là kiểu ngồi chờ sung rụng nhưng đòi buộc sự cộng tác tích cực của chúng ta. Chúng ta phải siêng năng lao động theo khả năng của mình để nuôi sống bản thân. Thánh Phaolô đã từng quở trách những kẻ lười nhác rằng nếu họ không chịu làm lụng thì họ đừng có ăn[3]. Như vậy, khi chúng ta ăn, chúng ta cần có tâm tình tạ ơn Chúa và thái độ siêng năng làm việc.

Ai cũng thích những món ăn ngon bổ vì chúng kích thích vị giác và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ cần những món ăn nuôi sống thân xác. Chúng ta cần cả những món ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Lương thực thiêng liêng chính yếu nhất là Lời Chúa. Chúa Giêsu khẳng định rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra.”[4] Trong đoạn Tin mừng, đám đông dân chúng đã say mê đi tìm Chúa Giêsu để lắng nghe Ngài giảng dạy. Chắc là họ cũng cảm thấy đói bụng nhưng được lắng nghe “những lời đem lại sự sống đời đời”[5] từ Chúa Giêsu khiến họ cảm thấy no lòng. Đó là cảm giác no thỏa trong tâm hồn vì tìm thấy ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc đời. Những món ăn dù ngon mấy đi nữa cũng chẳng thể nào cho chúng ta cái no ấy. Một thứ thần lương khác cũng ban cho con người sự sống đời đời là Thánh Thể. Khi chúng ta rước lễ là chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa Giêsu và chính Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời[6].

Cuối cùng, chuyện ăn uống không phải chỉ là chuyện cá nhân của mỗi người. Đúng hơn, chúng ta chịu trách nhiệm về cái đói của người khác, nhất là những người nghèo. Trong đoạn Tin mừng, các môn đệ lúc đầu đã đề nghị dân chúng tự đi mua lấy thức ăn. Tuy nhiên, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng chính họ chứ không phải ai khác cho dân chúng ăn. Chúng ta thường hay làm ngơ trước cái đói của người khác và đưa ra hàng ngàn lý do để biện hộ cho sự dửng dưng của mình. Chúng ta thường bào chữa cho mình bằng những câu đại loại như “chuyện của họ không liên quan gì đến tôi” hoặc “tôi cũng muốn giúp họ nhưng tôi cũng chẳng dư dả gì.” Chúa Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta điều mà Ngài đã nói với các môn đệ khi xưa: “chính anh em hãy cho họ ăn.”[7]. Có khi chúng ta cũng muốn giúp người nghèo nhưng lại cảm thấy bất lực vì khả năng của chúng ta có hạn trong khi nhu cầu của họ lại quá lớn. Thật ra Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta cho những gì chúng ta không có. Ngài chỉ mời gọi chúng ta chia sẻ cho người khác những gì chúng ta có, cho dù nhỏ bé như là “năm cái bánh và hai con cá” mà thôi.

Đoạn Tin mừng kết thúc với một hình ảnh rất đẹp là dân chúng được ăn no nê[8]. Được ăn no, ăn ngon là ước mong chính đáng của chúng ta bởi lẽ chúng ta cần phải ăn để sống. Tuy nhiên, chúng ta cần biết ăn với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đi kèm với thái độ siêng năng làm việc. Bên cạnh đó, khi làm no thỏa cơn đói bụng của mình, chúng ta cũng đừng quên làm vơi đi những cơn đói nằm thẳm sâu nơi tâm hồn của chúng ta bằng những lương thực tinh thần và thiêng liêng. Sau cùng, chúng ta có trách nhiệm chia sẻ những gì chúng ta có, cho dù nhỏ bé, cho những người nghèo đói.

Ước gì mọi người đều được ăn no nê, cả về phần xác và tâm hồn!

Nguyễn Quang Tuấn SJ

…………….

[1] 2-8-2020, CN 18 TN A. Mt 14,13-2.

[2] Mt 6, 11

[3] 2 Tx 3,10-13

[4] Mt 4,4

[5] Ga 6, 68

[6] Ga 6,51

[7] Mt 14,16

[8] Mt 14, 20

Kiểm tra tương tự

Lắng nghe Thiên Chúa qua trí tưởng tượng

Tôi chưa bao giờ ngừng ngạc nhiên về vô số cách mà Thiên Chúa nói …

Đức Thánh Cha Phanxicô: Hy vọng là biết vui cười

“Hy vọng” – Cuốn tự truyện dày 400 trang của Đức Thánh Cha Phanxicô, được …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *