[Chuyên đề Năm Inhã] Thánh Inhã, nhà huấn luyện đại tài

 

(Huấn luyện thiêng liêng ở tận vô thức)

 

Thánh I-nhã đã để lại cho Giáo Hội một di sản mà tôi gọi là “một nền linh đạo đào luyện sự trưởng thành thiêng liêng” bằng chính kinh nghiệm của ngài. Kinh nghiệm này được phổ quát hóa và phương pháp hóa nhờ ơn sủng của Thiên Chúa trong một tập sách nhỏ mang tên “Linh Thao”. Tôi có thể tóm kết việc đào luyện đó như sau: Đó là một cuộc đào luyện ở hai cấp độ của mặc khải ở đó con người cộng tác để lớn lên trong sự trưởng thành của ba chặng đường tập bằng việc trung đào luyện trong bốn tuần với 5 khí cụ đào luyện và 6 khí cụ hướng dẫn.

1. Một cuộc đào luyện ở hai cấp độ, ba chặng đường và bốn tuần lễ

-Một cuộc đào luyện thiêng liêng bằng phương pháp thay thế từ con người cũ sang con người mới: loại bỏ con người cũ tận vô thức của nết xấu chủ đạo (LT 1433b/57) và tập luyện sống con người mới bằng cách mặc lấy lối sống của Đức Kitô khởi từ ý thức qua việc tập luyện nhân đức ngược lại nết xấu chủ đạo (LT 1241/1465-6) để dần dà lối sống ấy trôi dần vào vô thức nhờ ơn sủng Thiên Chúa.

-Hai cấp độ mặc khải của ơn cứu độ: đó là ơn cứu độ tự nhiên và siêu nhiên hay phổ quát và cá vị để con người được ơn sống phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Hai cấp độ này tương ứng với thời cựu ước khi con người chờ đợi ơn cứu độ và Đức Kitô xuất hiện như Đấng Cứu Độ – thời Tân Ước nơi chính Ngài cũng là mẫu sống để con người nên con Thiên Chúa. Ta thấy hai ơn này ở phép lạ hóa bánh ra nhiều: năm cái bánh thuộc ơn cứu độ phổ quát và hai con cá thuộc ơn cứu độ cá vị (Mc 6,30-44).

-Ba chặng đường của sự trưởng thành nói về sự cộng tác của con người với mặc khải: chặng thanh luyện tương ứng với cấp độ tự nhiên nơi thao viên nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa tận vô thức – hai chặng ở cấp độ siêu nhiên gồm chặng soi sáng giúp đào luyện thao viên liên kết với Đức Kitô ở ý thức và chặng thần hiệp giúp đào luyện thao viên liên kết với Đức Kitô ở tận vô thức. Người ta còn gọi hai chặng này là chặng chủ động và thụ động. Ta thấy ba chân dung đại diện cho ba sự trưởng thành này ở kinh nghiệm Gioan về ngôi mộ trống trong ngày Phục sinh: Maria Magdala thuộc chặng thanh luyện – Phêrô thuộc chặng soi sáng – người môn đệ Chúa yêu quí thuộc chặng thần hiệp (Ga 20,1-10).

-Bốn tuần lễ là thời gian tập trung cho việc đào luyện theo cach thức “hồi cố tri tân” để thao viên đạt tới sự trưởng thành ở chặng thanh luyện khi cuộc Linh Thao kết thúc ở Tuần Một và chặng soi sáng khi thao viên trải qua trọn vẹn bốn tuần Linh Thao. Sau Linh Thao, thao viên lên đường thực hiên việc cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống hậu Linh Thao cho đến khi Thiên Chúa đến chiếm hữu và cho bước vào chặng thần hiệp (LT 189).

2. Linh Thao có năm khí cụ đào luyện và sáu khí cụ hướng dẫn

-Năm khí cụ đào luyện ở đó thánh I-nhã chính là thao viên. Năm khí cụ này được rút ra từ năm thành tố của Lectio Divina: những bài cầu nguyện mặc khải có việc đọc (Lectio) là chất liệu Kinh Thánh nơi những bài suy gẫm ở Tuần Một (meditatio) và những bài chiêm niệm ở ba Tuần còn lại (contemplatio) – những bài cầu nguyện cá nhân (oratio) cũng có những bài suy xét; suy gẫm; chiêm niệm nhằm thẩm định sự trưởng thành của thao viên trong cuộc Thao luyện theo gương thánh I-nhã – và những bài thực hành (actio) gồm hệ thống xét mình trong Tuần Một (LT 24-43) và hệ thống lựa chọn bậc sống trong Tuần Hai (LT 169-189).
-Sau cùng, có sáu khí cụ hướng dẫn ở đó thánh I-nhã là người hướng dẫn: trước linh thao, có khí cụ 20 chú dẫn để giới thiệu Linh Thao, việc làm Linh thao và các hình thức linh thao (LT 1-20) – trong chính cuộc Linh Thao: có các khí cụ giải thích trực tiếp thuộc phạm vi hướng dẫn từng ngày thao luyện; Bộ Mười Điều Phụ Thêm và những bộ ghi chú giúp hướng dẫn từng tuần và các bộ qui tắc và ba cách cầu nguyện giúp hướng dẫn trong cả cuộc Linh Thao và Hậu Linh Thao.

3. Việc đào luyện sự trưởng thành của Linh Thao

Sự trưởng thành của việc thao luyện được tiến hành bằng phương pháp thay thế con người cũ bằng con người mới và được đánh dấu bởi ba biến cố chiếm đoạt: Biến cố chiếm đoạt của chặng thanh luyện ở việc “xưng tội chung và rước lễ” (LT 44) khi kết thúc việc thao luyện của Tuần Một sau chuỗi ngày khám phá con người cũ và nhận ơn tha thứ ở tận vô thức (LT 57) – biến cố chiếm đoạt của chặng soi sáng ở “Bậc Khiêm Nhường thứ ba” (LT 167) cho thao viên hoàn tất việc thao luyện ở cả bốn Tuần Lễ, sau hành trình chiêm ngắm cuộc đời Đức Kitô để chọn lựa một ơn gọi mà hoàn thiện đời mình (LT 169-188) – Biến cố chiếm hữu của chặng thần hiệp hiện hữu ở hậu Linh Thao theo một tiến trình “cải thiện và canh tân đời sống và bậc sống” lâu dài để lối sống mới của Đức Kitô đi vào ý thức và dần dà trôi vào vô thức của sự an ủi không có nguyên do trước (LT 3301 và 336) và của cách cầu nguyện thứ ba mà ta gọi là chiêm niệm thiên phú (LT 248-260).

Thao viên vươn vào những chặng đường trưởng thành trên nhờ hai thành tố học được từ chính cuộc thao luyện để “cử hành” các biến cố sẽ xảy đến:

-thứ nhất, việc nhận định thần loại để thao viên đứng trước biến cố hay đối diện biến cố cách tiên thiên mà chọn lựa cách hành xử đúng ý Chúa. Có hai bộ nhận định thần loại: Bộ thứ nhất phân tích sầu khổ ở chuẩn mực luân lý của người ở mức độ trưởng thành thấp nhất của chặng tiền thanh luyện làm đại biểu để áp dụng cách loại suy vào những người ở chặng soi sáng và thần hiệp (LT 313-327) – Bộ thứ hai phân tích an ủi với chuẩn mực siêu nhiên của những người ở mức độ trưởng thành cao nhất của hai chặng soi sáng và thần hiệp làm đại biểu để áp dụng cách loại suy vào những người ở chặng tiền thanh luyện (LT 328-336).

-thứ hai, hệ thống xét mình để thao viên đối diện với biến cố cách hậu nghiệm. Có hai hình thức xét mình: việc xét mình riêng liên quan đến chiều dài của căn tính bằng việc loại bỏ con người cũ và xây dựng con người mới (LT 24-31/189) và việc xét mình chung liên quan đến những đối tượng khác trong tư tưởng, lời nói và việc làm để kiểm tra việc thực thi ý Chúa tùy vào mức độ trưởng thành của chủ thể (LT 32-42). Cả hai hình thức này giúp chủ thể lớn lên trong mối tương quan biện chứng của cái hiện tại (xét mình chung) với cái quá khứ và tương lai (việc xét mình riêng). Cả hai việc xét mình này được tập trung vào việc xét mình hằng ngày vốn cho thao viên sống ơn biến đổi từ tận vô thức của con người cũ và xây dựng con người mới khởi từ trên ý thức (LT 43).

Kết luận: việc đào luyện của thánh I-nhã

Chính thánh I-nhã đã trải qua hành trình đào luyện này: “hư danh thế tục” là lời tuyên bố về con người cũ ở tận vô thức của ngài (TT 11) – trước khi vào cuộc thao luyện, ngài đã được sự chiếm hữu chủ quan bởi Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với ơn khiết tịnh ở Loyola vào khoảng tháng 10/1521 (TT 101-5) – trong cuộc thao luyện kéo dài gần một năm từ tháng 3/1522 đến tháng 2/1523 tại Manresa, ngài nhận được sự chiếm hữu khách quan của chặng thanh luyện khi ngài được giải thoát khỏi bối rối cùng với ơn biết nhận định thần loại (TT 257-10) và sự chiếm hữu của chặng soi sáng khi được ban cho ơn hiểu biết về đức tin và phong hóa với việc nhận định cao hơn (TT 301-5) để lên đường leo lên cây thập giá với Đức Kitô (TT 311) bằng việc xây dựng đức mến cậy tin (TT 354) – chỉ sau một hành trình đào luyện lâu dài của việc xây dựng con người mới (TT 35-53) trong văn hóa mới (TT 54-71) rồi đào sâu (TT 72-86) và dấn thân sống văn hóa mới trong khoản gần 15 năm (TT 87-95), Chúa đã ban cho ngài sự chiếm hữu của chặng thần hiệp ở thị kiến La Storta vào tháng 11/1537 (TT 961-6). Từ nay, ngài trở nên chứng nhân của Đức Kitô khi được nên đồng hình dạng với Ngài (TT 986-16).

Giuse Lê quang Chủng, S.J.

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Cuộc phỏng vấn về Sứ mạng Truyền giáo

Trong bối cảnh của Năm Sứ Vụ – “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *