MM Tân, S.J.
Nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, trong ngôi nhà thờ tạm,
Cả đoàn người hơn 170 người già trẻ lớn bé nối tiếp nhau, tiến đến bên dòng suối thanh tẩy, trong đêm vọng Phục sinh, để xin ơn đức tin, để tất cả cùng tuyên xưng :
một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha
lời tuyên xưng diễn ra sau những ngày tháng được các sứ giả Tin Mừng rao giảng lời hằng sống, và đã gặp được Đức Giêsu Kitô, đấng có lời ban sự sống. Sau khi đã đón nhận những lời đề nghị của người, anh chị em có được niềm vui của Tin Mừng, thoát khỏi những buồn phiền và chán nản.
- Một Thiên Chúa là Cha,
Vẫn một Thiên Chúa là Cha,
trước đây anh chị em gọi Người bằng những tên gọi khác nhau : Ông Trời, Yang, Brah…và hôm nay anh chị em gọi Người là Thiên Chúa, Bă Yang, Khua Yang Adai,
thật vậy, nếu cùng nhau đi ngược lại dòng lịch sử của từng dân tộc, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra dấu ấn của lòng thương xót Thiên Chúa qua dòng thời gian, và có thể nói chính đời sống đức tin của chúng ta đã bắt đầu từ đây, “ký ức là một chiều kích của đức tin mà chúng ta có thể gọi là “đệ nhị luật”, tương tự như ký ức của dân Israel về chính mình” (E.G. 13), ở đó chứa đầy những lời mời gọi của Thiên Chúa.
Với dân tộc VN chúng ta, ngay từ thời lập quốc, trong khi các vua Hùng dựng nước thì Trời dựng đạo, và chúng ta có đạo Trời với đức hiếu sinh. Nếu đạo Việt không có giáo chủ cũng không có giáo lý thì chính Thiên Chúa là Đấng dựng đạo đã thương yêu dẫn dắt, vì thế khi cha ông chúng ta ngước mắt nhìn trời cao, biết “Ông Trời có mắt”, thì đã hòa mình giữa đất trời trên đôi tay quyền năng của Trời ; khi nhìn vào sâu thẳm lòng mình, thấy “lưới trời lồng lộng”, cha ông được thức tỉnh để không dám làm điều gì trái lương tâm. Để cuối cùng hình thành một cung cách Việt : chan hòa, bao dung, thanh thoát, thủy chung và luôn trong sáng.
Thế còn cuộc sống của tổ tiên các dân tộc thì sao ?
Khi các bậc tổ tiên còn sống len lỏi giữa núi rừng, hoa lá, cỏ cây và sông suối, thì cũng không rời mắt khỏi Thiên Chúa mà tổ tiên chúng ta gọi là Yang, hay Brah. Lúc lên nương, khi vào rừng, đêm về hay sáng sớm hay gặp bất cứ chuyện gì đều cất tiếng gọi “ơi Yang!”. Trong vòng tay che chở của Yang, tổ tiên chúng ta luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, mỗi khi bẫy được con nai hay heo rừng đều chia nhau nhà nhà cùng ăn vui vẻ, mỗi lần được mời ăn đám cưới hỏi là đều có phần đem về cho ngừoi ở nhà, cứ thế, trên những nẻo đường của lòng Chúa thương xót, tổ tiên chúng ta có thể dắt dìu nhau vượt qua bao mùa đông giá và đói khát mà vẫn ấm áp, tưoi vui.
Đơn giản lắm, chúng ta hãy nghe tiếng của tiền nhân reo vui mỗi lần vượt khó :
“chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em” (1Ga 3,14).
Dĩ nhiên, nếu vườn địa đàng đã bị xóa nhòa vì sự dữ thì cuộc sống với bao chia rẽ ghét ghen và ích kỷ cũng làm đảo lộn tất cả. Ngày nay đường xá được mở mang, việc đi lại dễ dàng hơn, nhưng rừng bị phá tan tành, đất đai bị thu hẹp và khô cằn, sông suối cạn nguồn, làm cho cuộc sống đã cơ cực càng thêm cơ cực và đói khát, và nhất là thêm những tệ nạn.
Thực ra, trên mọi vùng đất và trong mọi hoàn cảnh, “Thiên Chúa của cha ông chúng ta” vẫn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta và giầu lòng xót thương, Người vẫn là Ánh sáng của sự sống, ánh sáng của lòng thương xót không ngừng ấp ủ con cái mình.
Thật vậy, Thiên Chúa của lòng thương xót qua bao đêm trường rong ruổi, đã
trải lòng ấp ủ những ngừoi con chơ vơ trong sương lạnh,
và đã xót xa giữa nhân gian.
“ta đã thấy nỗi khổ nhục của dân ta… ta đã nghe…”, và lòng thương xót đã trở thành hành động :
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…(Ga 3,16), và đã đổ tràn lòng thương xót vô biên của Người khi làm cho Chúa Con “nhập thể với lòng thương xót”, từ đây lòng thương xót của Thiên Chúa mang khuôn mặt và hình hài nhân loại : Đức Giêsu Kitô.
Với Đức Kitô, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏ lộ.
Chính vì “vẻ đẹp tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chịu chết và sống lại” (Evangelii Gaudium, 36) mà “chúng ta có thể nghe đi nghe lại theo nhiều cách khác nhau, lời công bố mà chúng ta phải loan báo cách này hay cách khác xuyên suốt tiến trình dạy giáo lý, ở mỗi trình độ và mỗi thời điểm.”[ . ] Trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã bày tỏ khát khao của Ngài được đến gần với các tội nhân, dù họ có lạc xa Ngài đến thế nào đi nữa. Bằng cách này, Người hy vọng làm cho trái tim chai cứng của tội nhân được mềm mại hơn.(x. sứ điệp mùa chay). Như thế, Lòng thương xót Chúa còn có sức biến đổi tâm hồn con người.
Lòng thương xót Chúa chiếu tỏa nơi cuộc sống chúng ta, giúp chúng ta cũng biết yêu người lân cận và hiến thân mình cho những gì mà truyền thống Giáo Hội gọi là những việc bác ái phần xác cũng như phần hồn, bằng cách cho họ ăn uống, viếng thăm, an ủi và hướng dẫn họ. Chúng ta sẽ được phán xét dựa trên những việc làm như thế. Đây chính là cách thế để tái thức tỉnh lương tâm chúng ta, thường vẫn ngủ yên trước thảm hoạ nghèo khổ, và ngày càng đi sâu hơn vào tâm điểm của Tin Mừng, nơi những người nghèo được hưởng đặc quyền của lòng thương xót của Thiên Chúa”(Misericordiae Vultus, 15). Đối với những người nghèo khó, thân xác Người “trở nên hữu hình nơi thân xác những người bị hành hạ, bị gây thương tích, bị đánh đập, bị thiếu dinh dưỡng, bị truy đuổi… để cho chúng ta nhận ra, chạm tới và ân cần chăm sóc”.
Từ những việc tốt phần xác, chúng ta chạm đến da thịt của Chúa Kitô nơi anh chị em của mình, những người cần được ăn mặc, che chở và viếng thăm; trong những việc bác ái phần hồn như vấn an, hướng dẫn, tha thứ, khuyên bảo và cầu nguyện, chúng ta đụng chạm trực tiếp hơn đến thân phận tội lỗi của chính mình…. (x.sứ điệp mùa chay).
Đêm nay, đêm mừng Chúa đã phục sinh,
Đêm từng đoàn người tiến lên lãnh nhận bí tích rửa tội, già trẻ tai gái, từ những em bé còn được mẹ bồng ẵm trên tay cho tới các ông bà cụ, các em thiếu nhi và thanh thiếu niên, tất cả reo vui bên dòng nước thanh tẩy
chỉ riêng 3 giáo xứ liền kề đã có 200 + 120 + 176 người,
tất cả là những khuôn mặt lam lũ trên vùng đất đang phải chống chọi với khô hạn,
thảm họa
đói khát
đêm nay tôi nằm cạnh một gia đình có miếng lúa chết khô và vườn tiêu chết đứng,
dòng nước thanh tẩy như thể không cứu sống nổi ruộng vườn,
thế nhưng Đấng Phục Sinh vừa hiện ra ngay trong nấm mồ của đói nghèo, bên dòng nước thanh tẩy, đấng đầy tràn ân nghĩa và sự thật, trao ban tình yêu và sự sống, đã đưa tất cả vào trong giấc ngủ an bình
nhận chìm tất cả nơi lòng thương xót của Thiên Chúa,
Và tôi thấy Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người.