CN V Phục Sinh – Ga 14, 1-6

Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ.

Ga 14, 1-6

1. Lòng ước ao TC

– Tông đồ Philipphe nói với ĐGS: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Lời nguyện xin này của tông đồ Philipphe diễn tả cho chúng ta lòng ước ao TC; và lòng ước ao TC không chỉ có nơi Philipphe và nơi các môn đệ, nhưng còn nơi mọi con người, nơi mỗi người chúng ta. Bởi vì, con người được dựng nên theo hình ảnh TC, nên con người không thể không khát khao TC, dù ý thức hay không ý thức. Xin Chúa khởi dậy lòng khát khao Ngài nơi chúng ta, để chúng ta biết hướng về Ngài trong mọi sự, biết bình tâm với mọi sự, biết tương đối hóa mọi sự, và nhất là để nhận biết Ngài nơi ĐGS.

– Thật vậy, để đáp lại lòng khát khao Ngài, TC bày tỏ cho chúng ta qua nhiều dấu chỉ: đó là những điều tốt đẹp trong sáng tạo, đó là những dầu chỉ trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, nhưng nhất là qua Dấu Chỉ lớn nhất, Đức Giêsu Kitô: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2).

– TC đã bày tỏ chính mình cách minh nhiên nhất nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhưng lại gây ra cho các môn đệ, cho loài người và cho chính chúng ta khó khăn lớn nhất. Thật vậy,

  • Khi ĐGS nói với các môn đệ : « Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi ». Thì tông đồ Tô-ma, đại diện cho các môn đệ, lại nêu câu hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”
  • Và khi ĐGS nói: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”, thì tông đồ Philiphe nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”!

– Như thế, xem ra các môn đệ vẫn chưa biết gì hết : Thầy đinh ninh các học trò của mình đã biết ; nhưng học trò của Thầy thì, điều căn bản nhất cũng không biết ! Vậy thì tại sao có một khoảng cách lớn như thế, giữa căn tính của ĐGS và sự nhận biết của các môn đệ?

2. Con đường TG

– Chắc chắn, vấn đề không phải là các môn đệ kém trí nhớ, nhưng là chậm hiểu ; và không phải là chậm hiểu ở bình diện trí năng, nhưng ở bình diện « tin năng » ; như sau này, ĐKT phục sinh sẽ trách hai môn đệ Emmau : « Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh » (Lc 24, 25-27).

– Vậy, đâu là vấn đề của các môn đệ ? Vấn đề là đây : điểm đến của Thầy là TC Cha, nhưng đường đi không phải là con đường « thăng thiên » trực tiếp quang vinh, nhưng là con đường đi ngang qua cái chết, và là cái chết bi đát nhất, như Ngài đã nói : « Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con » (13, 18). Nhưng thật ra, đó chính là con đường mà Tô-ma đã từng nói tới, nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa : « Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16). Và chắc chắn, đây cũng là vấn đế của các môn đệ thuộc mọi thời, là vấn đề của chúng ta : chúng ta có tin và hiểu rằng, thân phận con người của chúng ta như thế đó, số phận đôi khi “hẩm hiu” của riêng chúng ta như thế đó, là đường đi về với TC Cha không?

3. « Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống »

– Nếu chúng ta còn chưa « chịu », thì câu trả lời của ĐGS mang lại cho chúng ta một luồng sáng và một sức mạnh hoàn toàn mới, mới đến độ, Ngài chưa từng tỏ bày với các môn đệ, và cũng luôn luôn mới đối với chúng ta nữa, mỗi khi chúng ta lắng nghe và lưu lại trong điều mình lắng nghe :

« Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy…
Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha »

– Như thế, con đường Thầy đi và điểm đến là Chúa Cha đều hội tụ nơi ngôi vị của ĐGS. Nhưng tất cả vấn đế là ở chỗ, đó là con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường « điên rồ và sỉ nhục », nhưng, đối với TC, lại là con đường của « sự thật và sự sống », là con đường của sức mạnh và khôn ngoan, là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng người của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.

– Đây là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong TC Cha, khi đi trên con đường ĐGS đã đi, để nhận ra rằng, không chỉ mai sau, nhưng ngay hôm nay, lời sau đây của ĐGS được thực hiện :

Thầy ở đâu anh em cũng ở đó,
trong cung lòng của TC Cha

 

Kiểm tra tương tự

Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết

  Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó …

10 sách nói tuyệt vời gia đình cùng thưởng thức

  Đây là những cuốn sách sẽ giúp cả người lớn lẫn trẻ em say …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *