[Mở lòng] Thứ Sáu tuần Thánh

Trong thứ sáu tuần thánh hôm nay, xin mời bạn cùng đi con đường Thánh Giá với Chúa Giê-su. Cụ thể, chúng ta dành thời gian, đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng Mc 14,43-15,47.

Con đường đau khổ của Giêsu được Mác-cô diễn tả như một cuộc hành trình gặp gỡ. Thực vậy, Giêsu đã gặp gỡ nhiều hạng người khác nhau. Carlo Martini đã nhìn điều này trong nhãn quan của dụ ngôn người gieo giống (Mc 4, 1-9). Chúa Giêsu chính là hạt giống được gieo vãi. Hạt giống đó đã gặp gỡ nhiều mảnh đất khác nhau.  

  1. Chúa Giêsu với Giuđa:

(43) Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến. (44) Kẻ nộp Đức Giêsu đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”. (45) Vừa tới, Giuđa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy !”, rồi hôn Người.

 

  1. Chúa Giêsu với những người bắt bớ:

(46) Họ liền tra tay bắt Người. (47) Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nói đứt tai. (48) Đức Giêsu nói với họ: “Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt tôi như bắt một tên cướp vậy ? (49) Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm”. (50) Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. (51) Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. (52) Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.

 

3 và 4. Chúa Giêsu với các thượng tế và Giêsu với Phêrô :

(53) Họ điệu Đức Giêsu đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư, tất cả  đều tựu lại.  (54) Ông Phêrô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với bọn lính canh. (55) Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, (56) vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau. (57) Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng: (58) “Chúng tôi nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ Khác, không phải do tay người phàm !” (59) Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ không ăn khớp với nhau.

 

(60) Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giêsu: “Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” (61) Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không ?” (62) Đức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. (63) Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa ? (64) Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao ?” Tất cả đều lên án Người đáng chết. (65) Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi !” Và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi.

 

(66) Ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới; (67) thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông Người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì !” (68) Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì !” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy. (69) Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy”. (70) Nhưng ông Phêrô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê !” (71) Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng; “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó !” (72) Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phêrô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần”. Thế là ông oà lên khóc.

 

Chương 15

5 và 6. Chúa Giêsu với Philatô, và Chúa Giêsu với Ba-ra-ba dưới sự so sánh của đám đông

(1) Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô.

(2) Ông Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Dothái sao ?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó”. (3) Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, (4) nên ông Philatô lại hỏi Người: “Ông không trả lời gì sao ? Nghe kìa, họ tố cáo ông biết bao nhiêu tội !” (5) Nhưng Đức Giêsu không trả lời gì nữa, khiến ông Philatô phải ngạc nhiên.

(6) Vào mỗi dịp lễ lớn, ông thường phóng thích cho họ một người tù, tuỳ ý họ xin. (7) Khi ấy có một người tên là Baraba, đang bị giam với những tên phiến loạn đã giết người trong một vụ nổi dậy. (8) Đám đông kéo nhau lên yêu cầu tổng trấn ban ân xá như thường lệ. (9) Đáp lời họ yêu cầu, ông Philatô hỏi:  “Các ông có muốn ta phóng thích cho các ông vua dân Dothái không?” (10) Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Người. (11) Nhưng các thượng tế sách động đám đông đòi ônbg Philatô phóng thích tên Baraba thì hơn. (12) Ông Philatô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Dothái ?” (13) Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá !” (14) Ông Philatô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác ?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá !” (15) Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá.

 

  1. Chúa Giêsu với lính tráng:

(16) Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong dinh, tức là dinh tổng trấn và tập trung cả cơ đội lại. (17) Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. (18) Rồi chúng chào bái Người: “Vạn tuế đức vua dân Dothái !” (19) Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. (20) Chế giễu chán, chúng lột áo điều Người ra để đóng đinh vào thập giá.

 

  1. Chúa Giêsu với ông Si-môn:

(21) Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Kyrênê. Ông là thân phụ hai ông Alêxanđê và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. (22) Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Đồi Sọ.

 

  1. Chúa Giêsu với các đao phủ:

(23) Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. (24) Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. (25) Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. (26) Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Dothái”. (27) Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. [(28) Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.]

  1. Chúa Giêsu với  những kẻ nhạo báng:

(29) Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, (30) có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi !” (31) Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. (32) Ông Kitô vua Ítraen ấy, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin”. Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

 

  1. Chúa Giêsu với Cha mình:

(33) Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. (34) Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani !” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (35) Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. (36) Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không. (37) Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (38) Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.

 

  1. Chúa Giêsu với viên đại đội trưởng:

(39) Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

 

  1. Chúa Giêsu với các phụ nữ dưới chân thập giá:

(40) Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong đó có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxê, cùng bà Salômê. (41) Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó.

 

  1. Chúa Giêsu với các bạn của Ngài:

(42) Chiều đã đến, mà vì hôm ấy lại là ngày sửa soạn, tức là áp ngày sabát, (43) nên ông Giôxép tới. Ông là người thành Arimathê, thành viên có thế giá của hội đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. (44) Nghe nói Người đã chết, ông Philatô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người đã chết lâu chưa. (45) Sau khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Giôxép lãnh lấy thi hài. (46) Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống, lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi lăn tảng đá lấp cửa mộ. (47) Còn bà Maia Mácđala và bà Maria mẹ ông Gioxê, thì để ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.

 

  • Gợi ý cầu nguyện

Theo tâm tình của Martini, chúng ta có những “mảnh đất” mà hạt giống là Chúa Giêsu gieo vãi xuống trên đường Thập Giá là:

  1. Chúa Giêsu với Giuđa: 14, 43-45
  2. Chúa Giêsu với những người bắt bớ: 14, 46-52
  3. Chúa Giêsu với các thượng tế: 14, 53-72
  4. Chúa Giêsu với Phêrô:  14, 53-72
  5. Chúa Giêsu với Philatô: 15, 1-15
  6. Chúa Giêsu với Ba-ra-ba dưới sự so sánh của đám đông: 15, 1-15
  7. Chúa Giêsu với lính tráng: 15, 16-20
  8. Chúa Giêsu với ông Si-môn: 15, 21-22
  9. Chúa Giêsu với các đao phủ: 15, 23-28
  10. Chúa Giêsu với những kẻ nhạo báng: 15, 29-32
  11. Chúa Giêsu với Cha mình: 15, 33-38
  12. Chúa Giêsu với viên đại đội trưởng: 15, 39
  13. Chúa Giêsu với các phụ nữ dưới chân thập giá: 15, 40-41
  14. Chúa Giêsu với các bạn của Ngài: 15, 42-47

 

Bây giờ chúng ta cùng chiêm ngắm và đi với Chúa Giêsu trên con đường gặp gỡ này. Ở mỗi chặng đường gặp gỡ, chúng ta dừng lại và quan sát xem Giêsu đi đứng, ăn nói và phản ứng như thế nào? Người đối diện với Chúa Giêsu đã nói với Chúa Giêsu điều gì? Họ có tâm tình và thái độ gì với Chúa Giêsu? Chúa Giêsu là ai đối với họ vậy?

Ngoài ra, cầu nguyện với từng chặng đường gặp gỡ, bằng cách nhập vai hoặc nhập cảnh trong đoạn đường này rất là hữu ích, vì nhờ đó thấm nhuần được những gì đã xảy ra với Giêsu, và qua đó có thể cùng cảm, cùng đi, cùng chia sẻ và cùng chịu đau khổ với Ngài. Khi nhập vai hay nhập cảnh, thì mỗi người cũng có thể khám phá ra mình là ai trong 14 người và nhóm người mà Giêsu đã gặp gỡ. Điều này giúp mình nhận ra được tương quan của mình với Giêsu và một cách nào đó cũng hiểu được mình nhiều hơn.

Một điều cần chú ý là sự im lặng của Chúa Giêsu.

Từ chặng 1-5 Chúa Giêsu có nói một chút. Nhưng sau đó thì Ngài im lặng cho tới chặng 11 Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng lên với Cha mình. Đó cũng là tiếng nói cuối cùng của Chúa Giêsu. Trong 14 chặng gặp gỡ này, chúng ta sẽ thấy nhiều người vây xung quanh Ngài và đã nhốn nháo như thế nào, họ rỉ tai với nhau ra sao. Còn Chúa Giêsu thì ở giữa họ và im lặng. Sự im lặng này đưa lại cho chúng ta ý nghĩa gì?

Khi đã nói tới sự im lặng của Giêsu, thì cũng nên nhắc tới những lời nói của Ngài. Ngài đã nói gì trên 14 chặng gặp gỡ này?

 “Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt tôi như bắt một tên cướp vậy ? Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm”. (cảnh 2)

Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không ?” (62) Đức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (cảnh 3 + 4)

Ông Philatô hỏi Người: “Ông là vua dân Dothái sao ?” Người trả lời: “Chính ngài nói đó”. ( cảnh 5)

“Êlôi, Êlôi, lama sabácthani !” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (cảnh 11)

 

Các lời nói này có ý nghĩa gì vậy? Chúng ta hãy cùng nghiền ngẫm những lời nói đó trong bối cảnh của nó! Cũng xin nhắc đến tiếng kêu lớn của Giêsu với Cha mình chính là lời nói cuối cùng của Ngài và tiếng kêu này cũng là tiếng nói quan trọng nhất trên cả chặng đường đau khổ và gặp gỡ của Ngài. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên con đường đau khổ của Ngài, chúng ta cũng tự hỏi mình xem, còn chúng ta sẽ đi con đường đau khổ như thế nào? Chúng ta cần phải chuẩn bị gì để có thể đứng vững và bền bỉ tới cùng trên con đường đau khổ đó?

Carlo Maria Martini cũng đã nối một nhịp cầu giữa con đường gặp gỡ đau khổ của Chúa Giêsu với đời sống hiện tại của con người qua sự nối kết với tâm tình của Thánh Phao-lô ở Eph 6, 10-17.

 

Theo Martini thì con đường đau khổ của Chúa Giêsu đã diễn tả được con đường khó khăn chật vật luôn phải chiến đấu của con người trong thế giới ngày hôm nay. Người Kitô Hữu theo nhãn quan của Phao-lô là một con người chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, và sẽ chiến thắng khi đã hy sinh tất cả con người và cuộc đời của mình.

  • “Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.” Trong hai câu 10-11 này chúng ta thấy Phaolô đang kêu gọi hãy tìm sức mạnh trong Chúa và hãy mang vũ khí của Thiên Chúa. Đây là điều cần thiết trên con đường theo Chúa, con đường đang sống động trên trần gian này. Nhưng tại sao lại phải làm như Phao-lô chỉ dạy?
  • “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. “  Đó chính là lập luận của Phao-lô. Ông đã chỉ ra cho chúng ta biết kẻ thù của chúng ta là ai. Trước kẻ thù đó con người với sức mình sẽ không đứng vững được. Cuộc chiến đấu này lại là cuộc chiến đấu thường nhật nữa chứ, vì vậy cần thiết biết bao khi luôn ý thức mặc lấy sức mạnh và vũ khí của Thiên Chúa.
  • “Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” 

 

Từ câu 13-17 Phaolô chỉ ra ý nghĩa của một người đứng dưới “lá cờ” của Thiên Chúa.

 

  • “ Lưng thắt đai là chân lý.” Đây là hình ảnh đầu tiên Thánh Phao-lô diễn tả. Vậy chân lý ở đây là chân lý gì vậy? (ss. Is 11, 1-9 và Is 59, 17).
  • Hình ảnh thứ hai là “ mình mặc áo giáp là sự công chính”. Sự công chính ở đây phát xuất từ Thiên Chúa. Với sự công chính này Thiên Chúa cứu rỗi kẻ nghèo hèn và tỏ lòng nhân từ với kẻ tội lỗi. Như vậy, chúng ta tham gia vào sự công chính trong đời sống hôm nay như thế nào?
  • Hình ảnh thứ ba là: “ chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an ”. Ở đây một cách gián tiếp chỉ ra một hoàn cảnh thiết yếu của Thế Giới đang cần đến Tin Mừng Bình An. Đẹp thay, ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi! (ss. Is 52, 7-12). Ở đây cũng chất chứa sự hăng hái của những người đang lao mình vào sứ mạng cao quý mà Giêsu là người Anh Cả đã và tiếp tục thực hiện.
  • Hình ảnh thứ tư  Phao-lô đã diễn tả: “ hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin!” Trong một thế giới đầy bất công, nhiều mánh lời ác nhân và luôn muốn nuốt chửng từng con người, thì khiên mộc là đức tin rất quan trọng. Thế giới đó đang vây quanh con người và đe dọa họ (ss. Tv 11), vì thế nhờ khiên mộc đức tin này con người mới có thể đứng vững, một đức tin vào Thiên Chúa, một đức tin mang đôi mắt của Tin Mừng.
  • Hình ảnh kế tiếp là: “ hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ!” Điều này có ý nghĩa gì? Martini đã giải thích rằng, hãy để ơn cứu độ của Thiên Chúa đi vào và ảnh hưởng trên cuộc sống. Đây chính là chỗ dựa và niềm hy vọng vững chắc nhất.
  • Hình ảnh cuối cùng là: “ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” Lời của Thiên Chúa ở đây là lời gì vậy? Theo Martini thì ở đây không phải là Logos, nghĩa là lời loan báo của Giêsu, mà là rhéma, nghĩa là những lời Thiên Chúa nói ra. Lời đó chính Giêsu đã nói ra: “Đã có lời chép rằng….” (Mt 4, 4). Với Phao-lô thì lời của Thiên Chúa chính là một cây gươm bảo vệ chúng ta. Như vậy, quan trọng biết bao khi để cho Lời Thiên Chúa thầm nhuần vào con người và đời sống chúng ta!

 

Tóm lại, người Kitô Hữu chỉ có thể đứng vững trên con đường chiến đấu, khi ý thức mang những vũ khí này trên người, trên cả cuộc sống của mình.

Kết thúc, chúng ta cùng cầu nguyện:

 

Lạy Chúa Giêsu, trong ngày Chúa chết, mặt trời đã bị “nhuộm đen”.

Chúa luôn luôn bị đóng đinh trở lại.

Ngay trong giây phút lịch sử này chúng con sống trong sự tối tăm về Thiên Chúa.

Vì phải đau khổ tột cùng và phải chịu đựng sự bất nhân của loài người,

nên khuôn mặt của Chúa đã bị “bôi đen”,

chẳng còn có thể nhận ra được nữa.

Nhưng chính trên Thánh Giá Chúa đã cho mọi người nhận ra Chúa.

Vâng, là một người đau khổ, và là một người yêu đang được giơ cao lên.

Ngay lúc này Chúa đã chiến thắng.  

Xin giúp chúng con, trong giây phút đen tối này và trong lúc lộn xộn giữa dòng đời,

vẫn nhận ra được khuôn mặt dấu yêu của Chúa.

Xin giúp chúng con luôn biết tin tưởng vào Chúa,

và luôn theo chân Chúa ngay trong giờ phút đen tối và thê thảm nhất.  

Xin hãy chỉ cho thế giới thấy khuôn mặt mới mẻ của Chúa.

Xin cho chúng con thấy ơn Chúa cứu độ. Amen

Tôi nhớ tới bài tập sống trong tuần thánh: tập giữ thinh lặng cả bên ngoài lẫn bên trong.

Kiểm tra tương tự

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu Chăm Sóc Con Người

Yêu thương ai đó, chúng ta sẽ biết cách chăm sóc người ấy với nhiều …

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *