Có nên so sánh ?

Cuộc sống vốn muôn mặt.

Con người vốn muôn vẻ.

Có người gặp nhiều may mắn, có người xem ra bất hạnh, sự thiệt-hơn là do lối so sánh.

Có người đẹp thế này, có người duyên thế nọ, sự khác biệt khiến chúng ta dễ có sự so sánh hơn thua.

Nếu thói quen so sánh chỉ hiểu như một phản ứng vô thức thoáng qua thì không có vấn đề gì, nhưng một khi hệ lụy của nó làm ảnh hưởng đến đời sống chúng ta cách nào đó, cần xét lại: Có nên so sánh ?

Có thể nói, lối so sánh luôn đặt con người trong một cuộc chiến, nghĩa là có thắng – thua. Giả như so sánh tài nấu ăn của người khác với mình, bạn cảm thấy xấu hổ vì bản thân thua kém. Nhưng bạn đã sai lầm khi lấy sở trường của họ mà đặt chung với sở đoản của bạn. Họ có thể là một tay đầu bếp cừ khôi nhưng lại là một người chơi thể thao tồi. Còn bạn, bạn không thể giỏi giang trong việc nấu ăn song, lại là một vận động viên nhất trường. So sánh như thế, bạn sẽ tự đặt mình trong cuộc chiến giằng co. Tốt hơn, bạn đừng nên so sánh vì mỗi người là một nét đẹp.

Chúng ta vừa xét trường hợp trên không cùng một bình diện, nhưng nếu cả hai cùng một bình diện thì chúng ta có nên so sánh ? Chẳng hạn, người kia là một tay nấu ăn giỏi, bạn cũng có sở trường nấu ăn như họ mặc dù không chuyên nghiệp như người kia. Cả hai cùng chung một sở trường song, ở hai cấp độ khác nhau. Chúng ta sẽ giải thích thế nào ? Thiết tưởng, Dụ ngôn Những nén bạc trong Tin Mừng sẽ soi sáng cho chúng ta. Nhờ tài nấu ăn xuất chúng, người kia có thể là một chuyên gia đầu bếp, họ được Chúa ban cho năm nén và họ cần phải sinh lợi ra năm nén khác là phục vụ cho mọi người. Còn bạn, Chúa ban cho bạn hai nén, bạn chỉ cần sinh lợi thêm hai nén khác bằng cách phục vụ nấu ăn trong gia đình nhỏ bé của mình. Như thế, chúng ta không có lý do nào để so sánh với người khác.

Như chúng ta biết, so sánh làm tiêu tốn thời gian: khi có ý định so sánh, chúng ta phải mất một thời gian nào đó để suy xét, đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một vốn thời gian để hoạch định cho dự phóng bản thân, nếu không muốn nói, đôi khi chúng ta đánh mất những cơ hội vụt qua trong đời.

So sánh còn làm đốt cháy phần lớn năng lượng bản thân. Thật vậy, thay vì dồn hết năng lực vào một cuộc tranh tài nào đó, chúng ta lại cứ chăm chăm chú chú vào những thành quả của người khác khiến bản thân mất hết nhuệ khí để vươn lên.

Thậm chí, so sánh còn mưu toan cướp mất niềm tự hào của bản thân. Vốn sinh ra từ một gia đình nghèo nhưng nhờ nỗ lực, chúng ta có thể vui hưởng và tự tin với thành quả nhỏ bé hiện thời. Nhưng vì chịu ảnh hưởng của lối sống so sánh, chúng ta lại xấu hổ khi chạm trán với những con ông này bà nọ ? Nỗi bất hạnh đó chính chúng ta gây nên và tự gánh chịu ! Thay vì, tự phong cho mình là một tấm gương vượt khó, chúng ta lại chất thêm lên mình sự mặc cảm tuổi thơ. Chính lối so sánh đã cướp đi niềm tự hào của bản thân và làm sao nhãng những giá trị và ý nghĩa niềm vui trong cuộc sống vốn dành tặng cho mình.

Ngoài ra, cách sống so sánh còn có thể bào mòn và hủy hoại chúng ta từ bên trong bằng những nếp nghĩ và lối sống tiêu cực. Có câu chuyện kể rằng: Một vị vua trồng cạnh lâu đài mình đủ thứ hoa và trái. Quả thật, vườn cây của nhà vua có cảnh sắc tuyệt đẹp. Cảnh sắc ấy cũng là nguồn vui và thư giãn cho nhà vua mỗi khi đi dạo. Rồi một ngày kia nhà vua phải đi xa. Khi trở về, ông vội vã ra thăm vườn và hết sức đau lòng khi thấy cỏ cây trơ trụi.

Ông đến gần cây hoa hồng vốn cung cấp những cánh hoa nhan sắc tuyệt vời, hỏi xem có chuyện gì đang xảy ra. Cây hoa hồng tâm sự: “Tôi nhìn thấy cây táo kia và tự nhủ chẳng bao giờ mình sinh sản được những trái ngon như thế, rồi tôi chán nản và khô héo”.

Nhà vua lại đến thăm cây táo đang tàn úa và nghe nó kể lể: “Tôi nhìn cánh hồng kiêu sa đang tỏa hương và tự nhủ sẽ chẳng bao giờ tôi được đẹp đẽ và dễ thương như thế, rồi tôi bắt đầu khô héo”.

Như chúng ta thấy, cả hai cùng so sánh và ước mơ điều của đối tượng kia đang sở hữu mà không nhận ra giá trị của hiện hữu chính mình. Chung cục, họ chết dần với ước mơ là bản sao của người khác. Lời khuyên của tác giả John Mason thật chí lý: Sinh ra là một bản thể đừng chết đi như một bản sao. Và như thế, so sánh sẽ dẫn đến một điều hết sức tai hại là mất đi bản sắc của chính mình.

Từ những gì vừa trình bày, chúng ta không tìm được lý do để biện minh cho lối sống so sánh này. Nhưng không vì thế, nó không có trường hợp ngoại lệ. Thật ra, chúng ta chỉ có thể sống so sánh khi giúp bản thân sống cầu tiến và yêu thương hơn.

Chúng ta có thể ghi nhận những nỗ lực cùng những thành tựu và thành công của người khác, tất nhiên không phải để nuôi trong lòng những đố kỵ, căm ghét hay khinh miệt song, lấy đó làm động lực giúp bản thân vượt khó: họ làm được, mình cũng sẽ làm được nếu bản thân tiếp tục nỗ lực. Thiển nghĩ, trong trường hợp này cuộc đời của thánh Inhaxiô Loyola sẽ soi sáng khả dĩ giúp chúng ta vượt qua. Trong lúc nằm dưỡng thương, thánh nhân đã đọc cuốn Hạnh các thánh, và đã thốt lên rằng: Thánh Phanxicô đã làm được, thánh Đa Minh đã làm được, tôi cũng sẽ làm được. Từ đó, ngài gắng sức học hỏi và cầu nguyện để tìm ra cho mình một con đường nên thánh. Nếu so sánh có thể giúp mình đạt đến những tầm cao thì đó là một thái độ đúng đắn và đáng trân trọng. Và khi đó, chúng ta có thể so sánh với chính mình của ngày hôm qua, vì mỗi ngày là một bước tiến. 

Hoặc thay vì ngước lên cao thấy những người hơn mình về nhiều mặt, bạn có thể rảo quanh khắp các bệnh viện và nhìn xuống những mảnh đời bất hạnh, căn bệnh nào đó đôi khi đã cướp đi  những ước mơ của họ. Bạn còn hơn họ nhiều ! Bạn cần so sánh với họ để tìm cách xoa dịu nỗi đau của họ cũng là cách làm dịu cơn khát khao bất tận của bạn. Bạn có thể tập sống so sánh để biết cảm thông và yêu thương.

Đến đây, chúng ta cũng đã có một đánh giá toàn diện về vấn đề so sánh. Có nhiều cách thế để tiếp cận và giải quyết trở ngại này từ các nhà chuyên môn. Thiết nghĩ, chúng ta cần áp dụng một thái độ căn bản này: lòng thán phục. Thật vậy, chỉ những người có lòng thán phục họ mới thực sự trân trọng những gì là chân, thiện và mỹ. Thay vì với bản tính tự nhiên muốn phủ nhận những điều tốt đẹp nơi người khác, chúng ta cần tập nhìn cách tích cực, và trân trọng những nỗ lực cố gắng của người khác. Đồng thời, nhờ tinh thần học hỏi lẫn nhau, chúng ta sẽ tích tụ trong mình một nội lực hầu khả dĩ tự tin thực hiện những ước mơ của mình. Và như thế, ước mơ của chúng ta được xây dựng nhờ thành tựu và thành công của người khác. Thiết tưởng, đó là bài học của loài hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời để tiếp nhận những gì là tinh hoa của trời đất nhờ đó, mà hoa luôn vươn cao và khoe sắc bất chấp mọi nghịch cảnh cuộc đời.

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.    

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

 

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *