Mùa Thu 2017
Là một tu sĩ Dòng Tên đang đồng hành cùng Gia đình SVCG Thiên Ân, tôi vừa trải qua chuyến tông đồ xã hội cùng Nhóm tại vùng Suối Tượng tỉnh Đồng Nai. Hôm nay “lạc trôi” trên Facebook Thiên Ân, tôi nhìn thấy biết bao hình ảnh và bình luận hóm hỉnh về chuyến đi với đủ các thể loại: vui đùa cũng lắm mà lo lắng cũng nhiều. Đột nhiên, trong đầu tôi lóe lên một tư tưởng: Sau tất cả những hoạt động sôi nổi này thì trong con tim của mỗi bạn còn đọng lại những gì đây? Quả vậy, những gương mặt trẻ trung xinh tươi kia thường khiến người ta quên mất rằng đằng sau mỗi tấm hình luôn có một “phó nháy” và đằng sau mỗi con người luôn có một câu chuyện. Vào ngày hôm ấy, tôi đã may mắn được chứng kiến một câu chuyện thật đáng gẫm suy.
Trong đêm văn nghệ, tôi và một bạn sinh viên (Xin được giấu tên) tình cờ biết đến một em gái người Việt gốc Khơ-me, 17 tuổi, tên là Huyền. Là con út trong một gia đình nghèo có tới 7 người con, em chỉ học đến lớp năm thì đã phải rời ghế nhà trường để ở nhà đánh cá phụ bố mẹ chăm sóc gia đình. Em sinh sống ở khu Nhà Bè mé bên kia hồ Trị An, cách địa điểm tổ chức Trung thu của Thiên Ân nửa tiếng chèo ghe và 15 phút chạy xe máy. Đến với Đêm hội Trăng rằm, em không chỉ tìm niềm vui cho riêng mình mà còn tìm niềm vui cho bốn đứa cháu đen nhẻm đang vòi quà.
Khi tôi và bạn sinh viên đang đứng phía sau khán giả, thì đột nhiên em Huyền chạy ra từ giữa đám đông đến chỗ bạn sinh viên để hỏi mượn đồ sạc điện thoại. Em muốn quay phim lại tiết mục múa của các bạn nữ Thiên Ân vì “Cử điệu và trang phục đẹp quá!”, em nói. Lúc sau, một trong bốn đứa cháu, khoảng 7 tuổi, cũng chạy đến. Vì có mặt ở đó, tôi tiến đến hỏi cháu nhỏ xem văn nghệ có vui không. Cháu bẽn lẽn gật đầu mà hai tay cứ ôm chặt lấy chân của cô mình không rời. Bạn sinh viên lại quay qua hỏi em Huyền: “Nếu lỡ tí nữa về trời mưa thì sao em?”.
Em ấy chân chất trả lời: “Mưa thì mình núp, hết mưa thì đi tiếp, chứ có sao đâu chị!”.
Vì quan tâm, bạn sinh viên lại hỏi: “Đường về tối om à! Làm sao em về được?”.
Em Huyền như đồng lòng: “Dạ! Thì cũng phải về thôi chị! Tụi em tự mò đường về. Đôi lúc phải lội sình lầy mới về được tới nhà đó chị.”.
“Em có hay đi ra ngoài chơi không?”, bạn sinh viên tiếp tục,
“Tụi em ăn ngủ làm việc suốt ngày trên ghe, đâu có tiền đâu mà đi chị!”, em Huyền đáp.
“Vậy ngủ trên ghe tới tối mưa dột thì sao em?”
“Thì chịu vậy thôi chứ biết làm sao hả chị? Đứa nhỏ nhà nào yếu thì chết hoài à!”
Bạn sinh viên như chết lặng…
Về phần mình, như một người ngoài cuộc, tôi nhận thấy nơi em Huyền có một sự bình thản đến lạ thường. Em chỉ trả lời đúng và đủ chứ không thêm hoặc bớt sự thật. Và em cũng không hề than phiền hoặc oán trách số phận chút nào. Tôi tự nhủ: “Trên đời này, có bao nhiêu người được như em?”.
Oái ăm thay! Người xao xuyến buồn rầu không phải là em gái Khơ-me nhưng lại là bạn sinh viên đang đứng chung với tôi. Nghe được những chia sẻ của em Huyền, bạn sinh viên tỏ ra đau lòng đến nỗi những cảm xúc của một ngày vui như vội chìm khuất vào đêm đen. Nỗi đau ấy không chỉ kéo dài trong chốc lát mà còn nhức nhối mãi đến lúc bạn đã về nhà. Thậm chí, nỗi đau dường như trở thành ấn tượng duy nhất còn đọng lại trong lòng bạn sau chuyến đi. Lấy làm lạ, tôi mới hỏi: “Đi tông đồ xã hội đã nhiều, thế tại sao lần này con lại xao xuyến mãnh liệt đến như vậy?” Bạn sinh viên trả lời: “Trước tới giờ con đi nhiều nhưng chỉ quan tâm đến việc mình phải làm mà thôi chứ con rất ít khi tiếp xúc với người dân để lắng nghe, để thấu hiểu tình cảnh của họ…”. Như để kết thúc cuộc trò chuyện, bạn sinh viên thỏ thẻ một cách lo lắng: “Sau chương trình Trung thu, trời mưa to quá thầy! Không biết em Huyền sẽ ra sao…”. Quả vậy, trời mưa quá to và quá lâu; con đường đất bên ngoài lại quá dài và quá tối… Chính tôi cũng tự hỏi: “Em ấy sẽ về nhà thế nào đây?”. Tôi âm thầm phó thác em cho sự quan phòng của Thiên Chúa…
Nhưng liền sau đó, tôi nhận ra mình đã bị “hố” thê thảm! Sự thật là dù có biết đến và cầu nguyện cho em hay không thì từ trước đến nay em vẫn được Thiên Chúa bảo bọc theo một cách thức không ai có thể hiểu nổi. Tôi nhận ra rằng em là một “Người nghèo của Chúa” và việc được biết em cũng như được chia sẻ tí chút niềm vui nỗi buồn với em chính là một mối phúc lành dành cho tôi. Như để vớt vát chút sỉ diện, tôi cười nhạo vào sự ngây ngô của chính mình nhưng không quên tạ ơn Chúa đã cho tôi một kinh nghiệm vô giá. Ở bên trong khu nhà chung của giáo họ, những tiếng cười đùa của các bạn sinh viên vẫn khanh khách bên tai tôi. Tuy nhiên, với sự thán phục, lòng tôi không thôi vọng về khu Nhà Bè, phía bên kia hồ Trị An, nơi có một em gái Khơ-me dù làn da cháy nắng và vóc dáng quê mùa nhưng… tâm hồn thật đẹp!
Phao-lô Nguyễn Hữu Phong SJ
Thủ Đức, 3/10/2017