Có tha thứ được không?

Tục ngữ Việt Nam có câu: “nhất tội nhì nợ”. Có tội và mắc nợ là nỗi thống khổ lớn lao của con người. Tuy vậy, kỳ diệu và may mắn thay, con người có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ giải phóng con người khỏi gánh nặng của lầm lỗi. Tha thứ là chuyện khó khăn, nhưng đó không phải là điều bất khả đối với những người tin theo Chúa Giêsu.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên A[1], ông Phêrô đã đặt câu hỏi với thầy Giêsu: “Lạy thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?”. Một câu hỏi rất thật tình, đầy lòng thiện chí và cũng ẩn chứa căng thẳng khôn nguôi giữa việc sống cho mình và sống cho người. Theo luật Môsê, người ta nên tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình ba lần.[2] Ba lần đã là một con số đáng mong đợi theo lề luật. Khi Phêrô nâng việc tha thứ lên tới bảy lần, ông có thể nghĩ mình đã là một người hết mực nhân từ. Việc đặt ra một giới hạn để bảo vệ phẩm giá chính mình thật là chính đáng. Tuy vậy, khi đi theo Chúa Giêsu, có điều gì đó thẳm sâu trong lòng thôi thúc ông phải đặt lại giới hạn của tha thứ. Chúa Giêsu là người kiện toàn lề luật, Phêrô muốn hiểu sâu hơn về luật tha thứ, và cũng muốn tha thứ như Thầy của mình.

Chắc hẳn tha thứ không phải là điều dễ dàng. Theo lẽ tự nhiên, ai cũng có quyền được người khác tôn trọng phẩm giá. Việc xúc phạm đến tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích của một người cũng là xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Được trao ban cho trách nhiệm gìn giữ và phát triển phẩm giá của bản thân, người bị xúc phạm sẽ cảm thấy bị tổn thương, tủi hờn, giận giữ. Những cảm xúc phòng vệ này nổi lên cách tự nhiên nơi mỗi con người. Tuy vậy, cảm xúc ấy vẫn cần được nhận biết và gìn giữ để bản thân không bị kiểm soát và thúc đẩy đến mức cực đoan của những hành động trả thù, hoặc quay trở lại làm hại đến chính mình. Chúa Giêsu hiểu đau khổ của Phêrô khi bị người khác xúc phạm. Chúa không quở trách vì những cảm xúc khó chịu nơi ông, Chúa hướng ông đến sự tha thứ.

Sống với tha nhân, việc xúc phạm đến nhau là điều không thể tránh khỏi. Vì những giới hạn yếu đuối, và do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, con người ai cũng có tội. “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Xét trong sự liên đới với nhau trong một gia đình nhân loại, tội một người ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Thánh Phaolô đã ví mỗi cá nhân như một bộ phận của thân thể cộng đoàn. “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau, nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1 Cr 12,24-26). Đối với người bên cạnh mình, ta lại càng dễ dàng xúc phạm đến họ. Một lời nói vô tình, một ánh nhìn phán xét, sự ích kỷ ghét ghen, thói kiêu ngạo khoe khoang, các đam mê dục vọng – tất cả đều là thứ vũ khí sắc nhọn và có sẵn mà ta có thể gây tổn thương cho họ bất cứ lúc nào.

Người ta có lý khi nói rằng người ở gần mình nhất, người mình tin tưởng nhất lại là người có thể gây cho mình sự tổn thương nặng nề nhất. Nếu không tha thứ, những xúc phạm ấy có thể đưa đến những rạn nứt đỗ vỡ không bao giờ có thể hàn gắn được. Đã có bao cuộc chia lìa xảy ra trong mối tương quan giữa những người đã từng rất thân thiết: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em trong gia đình, những người bạn tâm giao… Khi thiếu vắng sự tha thứ và được thứ tha, nhiều đau thương tàn khốc tích luỹ dần từ những xúc phạm nhỏ nhặt hằng ngày. Câu hỏi mà Phêrô đưa ra trong đoạn Tin Mừng nói trên chắc hẳn cũng là nỗi ray rứt và bối rối của những ai sống phận làm người giữa cuộc nhân sinh. Tha thứ không dễ, mà không tha lại chẳng đành. Tha mấy lần cho đủ!

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của Phêrô bằng một câu trả lời vượt ra khỏi ý của người hỏi. Phêrô hỏi về mức giới hạn của tha thứ, Chúa dẫn Phêrô tới một sự tha thứ không giới hạn. Chúa diễn giải tinh thần tha thứ ấy bằng dụ ngôn tên đầy tớ không biết thương xót. Bảy lần so với bảy mươi lần bảy cũng nhỏ nhoi như một trăm đồng bạc so với mười ngàn nén bạc. Tiền công nhật của một người Do Thái thời Chúa Giêsu chỉ được một đồng bạc. Người ấy phải làm việc hai mươi năm mới kiếm được một nén bạc. Món nợ mười ngàn nén bạc là món nợ vô hạn không bao giờ có thể trả được.[3] Ấy vậy, khi đã được chủ tha cho món nợ khổng lồ, tên đầy tớ lại không thể tha món nợ nhỏ cho người bạn của mình. Giá như anh nhớ đến món nợ cuộc đời của mình, giá như anh biết ơn vì những gì đã nhận được, chắc anh sẽ chẳng hành xử như vậy đối với bạn bè mình. Tiêu chuẩn để tha thứ không còn là việc tha nhân đã xúc phạm đến mình như thế nào, nhưng là mình đã được tha thứ làm sao.

Điều cốt yếu trong tha thứ là khai thông những vướng mắc, hàn gắn những rạn nứt, xây dựng chiếc cầu nối tương quan giữa người với người. Nếu ai chỉ nghĩ đến mình, nếu ai loại người khác ra khỏi cuộc đời mình, chắc người đó không thấy mình cần phải tha thứ. Như vậy, tha thứ còn là điều cần thiết cho chính người bị xúc phạm. Người biết tha thứ tự giải phóng mình khỏi nhà tù vững chắc của một con tim khép kín trong cay đắng sầu hận. Tha thứ phá vỡ những bức tường ngăn cách, nối những nhịp cầu để toàn nhân loại giang rộng vòng tay yêu thương, cùng nhau ôm lấy và phủ lấp những giới hạn yếu đuối phận người. Vòng tay lớn rộng ấy chắc chắn có tâm điểm là một Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng đã tự huỷ chính mình để mang ơn tha thứ xuống cho thế trần.

Lạy Cha chúng con ở trên Trời… xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Amen.

Đaminh Lê Văn Luận, SJ

………..

[1] Mt 18,21-35. Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên A, ngày 13.09.2020.

[2] John F Walvoord, Roy B Zuck, The Bible knowledge commentary : an exposition of the scriptures, vol III (USA: Victor Books, 1985), 62.

[3] John F Walvoord, Roy B Zuck, The Bible knowledge commentary : an exposition of the scriptures, vol III (USA: Victor Books, 1985), 63.

Kiểm tra tương tự

Lễ Hiển Linh và Sternsinger là chương trình gì ?

  Các bài Thánh Kinh trong Lễ Hiển Linh giúp ta nhìn thấy các nhà …

“Cuộc đời” Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được chuyển thể thành phim

  Bộ phim do Lucky Red – công ty hàng đầu của Ý sản xuất, …

Một bình luận

  1. Tôi xin góp ý:
    -Có tha thứ được không?
    * AI THA CHO AI?
    Theo tôi:
    Loài người với loài người.
    Chúa với loài người.
    1/ loài người tha cho loài người-chỉ là mức tương đối.Vì có những tội không thể tha không được( tha trắng) mà phải có đền bù cách này hoặc cách khác thì mới láy lại công bằng, bình thường hóa tình cảm được/ giữa cá nhân với cá nhân; cá nhân với tập thể; tập thể với tập thể( từ qui mô nhỏ đến qui mô rộng lớn…)
    2/Chúa tha cho loài người( không có trường hợp ngược lại):
    Loài người bất cứ ở thời gian nào,hoàn cảnh nào…luôn luôn là lũ đàn con thơ ngây,thơ dại trước mặt Chúa!một tội nào đó loài người phạm đến Chúa, nơi loài người cho là tội nặng! nhưng đối với chúa,tội đó vẫn chỉ là tội vụn vặt,tội của trẻ nít. chẳng những thế,Chúa hơn loài người còn ở chỗ:- loài người không biết trước đối tượng sẽ phạm lỗi gì,mức độ nào..với mình! Nhưng với Chúa, chưa đẻ ra nhân loại thì ngài hằng thừa biết trước từng cá nhân,tập thể..100% chúng phạm mình thế này thế nọ,,,như sự việc đã xẩy ra rồi.Chúa thương loài người còn gấp triệu triệu lần so với cha mẹ thương con nữa đó.
    Cho nên:-CHÚA KHÔNG HỀ CHẤP TỌI,PHẠT VẠ LOÀI NGƯỜI VÌ TỘI NHỎ NHẶT.
    (giết Chúa mà chúa còn tha huống chi đối với tội….kiểu con nít !!!?)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *