Cơm độn của má

Mỗi lần có người thấy tôi ăn cơm độn thêm với chuối, bắp hay khoai, họ thường lấy làm lạ với kiểu ăn của tôi. Dù thức ăn không thiếu, nhưng tôi chọn cho mình một lối ăn đậm chất quê hương, vì đó là lối ăn của đứa con xa quê như tôi luôn hướng về cội nguồn của mình. Còn có người đã cười chọc: “Ăn gì mà kỳ cục! Chẳng giống ai!”. Mỗi lần nghe ai nói như thế, tôi lại cặm cụi ăn trong hạnh phúc.

Tôi vẫn nhớ như in những lần má bới cho tôi tô cơm độn khoai lang và đưa kèm thêm vài trái chuối. Dù bữa ăn có mấy con cá rô mới câu được dưới ao, nhưng những món độn vào cơm là không thể thiếu. Lần đầu cầm lấy tô cơm độn của má ăn ngon lành, nhưng ăn từ từ rồi cũng ngán. Đã có lần tôi trách vì sao má không cho tôi một bữa cơm trắng cho phỉ, má cười hiền từ mà ánh mắt đượm nỗi buồn rười rượi: “Vì nhà mình hết gạo rồi con à!”.

Nhà tôi nghèo nhưng so làm sao với thời gian khó khăn của gia đình ông bà ngoại trước đây. Tôi là con một. Ba má làm việc cật lực để lo cho tôi cái ăn và cái mặc tươm tất và đôi lúc ba má đã không có bộ đồ lành lặn dù là ngày tết cận kề. Còn ông bà ngoại tôi, như lời kể của má, cũng rất vất vả để lo cho mười mấy người con trưởng thành. Ráng cho mấy đứa út đi học còn mấy đứa cả thì chịu khó nghỉ học ở nhà lo cho các em. Má tôi là con áp út, nên được đi học tới hết lớp chín. Đó là phần phúc của má so với các anh chị trong gia đình.

Vì cái nghèo không bao giờ có giới hạn và thời hạn, nên mọi chi tiêu đều hết sức tằn tiện mà chờ ngày khấm khá hơn. Riêng trong khoản ăn uống thì “cơm độn” là món quen thuộc. Với những vị lão niên như ông bà ngoại hay ba má tôi, tôi tin các vị đã học được câu “chan cơm bằng nước mắt” theo đúng nghĩa đen của nó. Bởi đã từng chịu cái đói vây hãm và mỗi khi thấy miếng gạo trắng thì muốn khóc. Khóc vì mừng mà cũng khóc vì buồn. Mừng vì lâu lắm mới có gạo trắng để bỏ vào lưỡi mà nghiến từng chút một cho thỏa vị ngọt và mùi cám còn ám. Nhưng buồn vì mười mấy miệng ăn thì ai ăn ai nhịn. Kết quả là ông bà ngoại tiên phong ăn khoai lang, khoai mì, bắp được độn trong cơm mà nhường cho các con ăn cơm trắng. Các con không khóc mà ông bà ngoại khóc vì nhìn lũ nhỏ ăn ngon lành. Sau này, khi ông bà ngoại mất, má cũng nấu hoài món ăn ấy, mà… mỗi lần cắn miếng khoai, miếng chuối rồi nhìn tôi và… má khóc.

Tôi chọc: “má khóc nhè!”. Má cười mỉm lấy tay hất đầu tôi: “Thằng quỷ!”. Dần lớn, tôi hiểu ý nghĩa về món cơm độn mà má hay nấu cho tôi ăn. Món cơm ấy là món cơm gợi nhớ về những ngày khó khăn gian khổ. Tôi nhớ hoài lời má giải thích vào những ngày tôi sắp xa nhà: “Má hay nấu cơm độn vì má muốn nhớ hoài cái thời khổ cực mà hạnh phúc. Cái thời còn có ông bà ngoài, các Dì, các Cậu của con trong mái nhà. Nhớ cái hồi mấy mấy miệng ăn túm quanh nồi cơm độn. Con nhớ nhen! Dù giàu có cách mấy, sang trọng cách mấy cũng đừng coi thường món cơm này, vì nhờ nó mà bà ngoại nuôi má khôn lớn và nhờ nó mà má nuôi con khôn lớn.” Má vừa nói vừa kéo tay áo lau nước mắt đang lã chã trên gò má. Má chìa tay đưa tôi ít tiền khi lên Sài Gòn đi học, tay kia má đưa một bao đựng nhiều thứ khoai và bắp, rồi dặn: “Đem theo có gì độn cơm ăn nghen con!”

Sài Gòn với bao nhiêu món ăn ngon, tôi vẫn chọn cho mình món cơm độn vài buổi trong tuần. Hổng biết sao tôi cũng y như má, mỗi lần cắn củ khoai là mỗi lần rớt nước mắt. Cuộc sống của tôi giờ đã đầy đủ hơn nhiều rồi, nhưng tôi vẫn ăn theo lối ăn của má và ông bà ngoại. Tôi chọn điều đó vì nó nhắc tôi cả một thời xa xưa khổ cực và hạnh phúc của ông bà cha mẹ. Chính tôi- thành quả của ông bà cha mẹ – đang được thừa hưởng cái tốt đẹp hơn mà lớn lên sung túc từng ngày. Tôi thực hạnh phúc và hãnh diện vì điều đó.

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ khấn lần đầu của thầy Gioan Vũ Đức Ba

Hôm nay ngày 18 tháng 01 năm 2025, cùng với Giáo Hội hoàn vũ, Dòng …

Phép lạ Chúa làm cho mỗi gia đình | Suy tư Tin Mừng CN 2 Thường Niên năm C

  “Họ hết rượu rồi.” (Ga 2,3)   Quý vị thân mến,   Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *