Con đường hạnh phúc | Suy tư Tin Mừng CN 6 TN Năm C

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Hạnh phúc là một trong những khát vọng thẳm sâu nhất của con người. Tuy nhiên, thực tế có những cách hiểu khác nhau về hạnh phúc, tùy theo quan điểm của mỗi người, mỗi nền văn hóa, và mỗi tôn giáo. Trong Kitô giáo, Chúa Giêsu đã chỉ ra con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực trong bài giảng về Tám Mối Phúc Thật (Mt 5,3-12). Tiếc là con đường này không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất thách đố, vì nó đi ngược lại với lối suy nghĩ tự nhiên của thế gian. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói:

 

“Mối Phúc chính là bản tuyên ngôn của Tin Mừng, là kim chỉ nam cho đời sống người Kitô hữu.”

 

Trước khi thực hành, chúng ta thử suy tư vài điểm dưới đây.

 

  1. Khiêm nhường và tín thác 

Chúa Giêsu mở đầu bài giảng với lời chúc phúc dành cho những ai có tinh thần nghèo khó: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đây không phải là sự nghèo đói vật chất đơn thuần, mà là tâm thái khiêm nhường, nhận biết sự lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tôi nghĩ Chúa Giêsu không cổ xúy một đời sống bần hàn, nghèo túng. Thay vào đó, Chúa mời gọi chúng ta không bám víu vào vật chất hay danh vọng, nhưng biết tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Hiểu theo nghĩa này, Giáo hội vẫn chia sẻ rằng:

 

“Những ai nghèo khó trong tâm hồn là những người cậy dựa hoàn toàn vào Thiên Chúa, chứ không phải của cải thế gian” (GLHTCG, số 2544).

 

Tương tự, Chúa Giêsu cũng chúc phúc cho những ai hiền lành (Mt 5,5) và những ai than khóc (Mt 5,4). Hiền lành không phải là yếu đuối thoái thác, nhưng biết sống trong sự bình an và tín thác vào Chúa, ngay cả khi bị thử thách. Những ai đau buồn cũng được chúc phúc, vì họ biết nương tựa vào Thiên Chúa để tìm được nguồn an ủi đích thực. Tôi nghĩ hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến từ sự sung túc bên ngoài, mà từ sự bình an bên trong. Đây là cái bẫy rất lớn bày ra cho mọi thời và mọi người. Từ cổ chí kim, tiền tài danh vọng vẫn đưa ra lời hứa hẹn rằng chúng ta sẽ được hạnh phúc. Tuy nhiên, càng chạy theo danh vọng, người ta càng có nguy cơ xa rời hạnh phúc. Người giàu cũng khóc là vậy! Thay vào đó, thực tế là khi con người biết đặt trọn niềm tin vào Chúa, họ lại rất hạnh phúc. Một trong những đóa hoa của hạnh phúc mà chúng ta có thể cảm nhận được đó là tính tình hiền lành. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên nhủ:

 

“Hiền lành là cách biểu lộ sức mạnh thực sự của Kitô hữu, vì đó là sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần.”

  1. Dấn thân vì người khác

Hạnh phúc không thể là thành quả của một đời sống ích kỷ. Người ta thường ví von rằng: hạnh phúc càng cho đi, chúng ta lại càng nhận được gấp bội. Do đó, Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu còn hướng chúng ta đến hành động của tình yêu thương và công bằng. Chúa Giêsu nói tiếp: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,6). Hạnh phúc không chỉ đến từ việc tìm kiếm điều tốt cho bản thân, mà còn từ sự dấn thân để xây dựng một thế giới công bằng hơn. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từng nói:

 

“Chỉ khi sự thật và công lý được thực thi, con người mới tìm thấy bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực.” 

 

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng thương xót: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Có lẽ lòng người ngày càng khô cứng trước nỗi đau của đồng loại? Thế giới hôm nay đầy rẫy sự thờ ơ. Là người con của Chúa, chúng ta được mời gọi sống yêu thương, tha thứ và giúp đỡ tha nhân. Chỉ như thế, chúng ta mới đang sống theo tinh thần của Tin Mừng. Điều này cũng liên hệ đến những ai có tâm hồn trong sạch (Mt 5,8), vì chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ, ngay thẳng, và không vụ lợi mới có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. 

  1. Kiên trì trong thử thách 

Chúa Giêsu không hứa hẹn một con đường dễ dàng cho những ai theo Ngài. Nhưng đây là sự thật: chúng ta sẽ được hạnh phúc đích thực, nếu trung kiên theo Chúa đến cùng, dù có bị bách hại hay gặp thử thách. “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9). Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh, mà còn là sự hòa hợp trong tâm hồn, trong các mối quan hệ, và trong xã hội. Đây là điều kiện để hạnh phúc. Người kiến tạo hòa bình trước hết phải là người có được bình an trong tâm hồn. Sau là họ gieo rắc tình yêu và tha thứ trong thế giới đầy tổn thương này.

 

Sau cùng, Chúa Giêsu khẳng định: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính” (Mt 5,10). Lịch sử Giáo Hội chứng kiến biết bao vị thánh đã hy sinh vì niềm tin vào Chúa. Tại Việt Nam, dòng máu các anh hùng tử đạo chẳng phải đang nuôi sống biết bao tâm hồn đang muốn theo Chúa sao? Các ngài chấp nhận đau khổ ở đời này vì niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu. Thử thách, dù khó khăn, nhưng không phải là dấu chấm hết, mà là cơ hội để tiến gần hơn với Thiên Chúa. Chân phước Anrê Phú Yên khích lệ mỗi người:

 

“Hãy giữ nghĩa cùng Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.

 

Ước gì tám Mối Phúc Thật là một con đường để chúng ta bước vào. Nếu thế gian định nghĩa hạnh phúc qua sự giàu có, quyền lực và hưởng thụ, thì Chúa Giêsu lại mời gọi con người tìm hạnh phúc trong sự khiêm nhường, lòng yêu thương và công chính. Đây là một hành trình không dễ dàng, nhưng là hành trình đáng giá. Bạn và tôi vẫn tin lời Chúa Giêsu nói rằng: “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12). Đừng quên Nước trời là nơi tràn đầy hạnh phúc, nơi chúng ta đang hướng về. 

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Kiểm tra tương tự

Manna: Tìm một dấu lạ từ trời (Thứ Hai Tuần 6 Thường niên – Mc 8,11-13)

Lời Chúa: Mc 8, 11-13 11 Những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh …

Nhiều trường Công giáo hiện nay, Đức Tin chỉ còn là “lớp kem phủ trên chiếc bánh thế tục”

  Linh mục Dòng Tên Walter Ong, nhà giáo dục vĩ đại và đồng thời …