« Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất » (20.11.2018 – Thứ ba, sau Chúa Nhật XXXIII Thường Niên)

« Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất »
(Lc 19, 1-10)

 

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

  1. « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này »

Cuối bài Tin Mừng theo thánh Luca trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói về ông Gia-kêu rằng :

Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này.

(c. 9)

Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu. Đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng trong tháng cầu cho các linh hồn. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho gia đình chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng : « Ơn cứu độ đã đến cho nhà của chúng ta ». Bởi vì ơn cứu độ là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

Tuy nhiên, trong lời công bố ơn cứu độ, ban cho nhà ông Gia-kêu, có một từ ngữ phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là từ « hôm nay ». Thực vậy, Chúa nói : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Như thế, ơn cứu độ mà Đức Giê-su ban cho chúng ta không chỉ là ơn giải thoát khỏi sự chết ở đời sau, nhưng còn là ơn giải thoát khỏi tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc trong gia đình của chúng ta ngay ở đời này và ngay hôm nay. Như mỗi người chúng ta đã nghe nói hay đích thân có kinh nghiệm, những điều thuộc về Sự Dữ, gây ra bầu khí chết chóc, đó là vô ơn, ích kỉ, áp đặt, ghen tương, nghi ngờ, dò xét, xét đoán, cố chấp, bạo lực, tham lam, chiều theo lòng ham muốn và dục vọng. Nhưng điều này không làm cho chết ngay, nhưng tạo ra bầu khí tang thương không kém. Ơn cứu độ mà Chúa muốn ban cho gia đình chúng ta không chỉ giải thoát chúng ta khỏi sự chết đời đời, nhưng còn giải thoát chúng ta ngay hôm nay khỏi những khuynh hướng xấu gây ra bầu khí chết chóc, nghĩa là làm cho sự chết hiện diện ngay trong lòng sự sống !

 

  1. Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia

Nhưng câu chuyện về gia đình của ông Gia-kêu còn mang lại cho chúng ta một tin vui khác nữa, đó là ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình hoán cải của một mình ông Gia-kêu. Thật vậy, một mình ông đã có lòng ước ao xem cho biết Đức Giê-su là ai, bằng cách leo lên cây ; và Đức Giê-su đã không chỉ dừng lại dưới gốc cây cho ông xem thấy, nhưng còn muốn ở lại nhà của ông :

Này ông Da-kêu, xuống mau đi,
vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!

(c. 5)

Đó là điều vượt quá những gì mà ông đã mong ước. Và như chúng ta thấy, ông không chỉ vui mừng đón rước Đức Giê-su, nhưng còn thay đổi đời sống của mình một cách cụ thể và tận căn, qua việc bố thí và đền bù.

Như thế, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến. Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người kiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường.

Vậy, chúng ta hãy bắt đầu hành trình hoán cải từ chính bản thân chúng ta, để qua chúng ta Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà chúng ta, cả cộng đoàn chúng ta ngay hôm nay. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu ?

 

  1. Xem cho biết Đức Giê-su

Chúng ta hãy trở lại một lần nữa với hành trình hoán cải của ông Gia-kêu, để tìm ra ánh sáng cho hành trình hoán cải của chính chúng ta. Như chúng ta đã có thể nhận ra, tất cả hành trình hoán cải của ông Gia-kêu đã bắt đầu từ lòng ước ao biết Đức Giê-su là ai.

Có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai.

(c. 2-3)

Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy có lòng ước lòng ước ao hiểu biết Đức Giêsu sâu xa hơn, và nếu chúng ta chưa có lòng ước ao này, thì chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta. Bởi vì sự biết Đức Ki-tô rất quí báu và rất ngọt ngào, như kinh nghiệm của ông Gia-kêu, kinh nghiệm của các tông đồ, và như thánh Phao-lô đã kinh nghiệm và đã nói : « Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi » (Phil 3, 8). Và để gặp gỡ và hiểu biết Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi đến với Thánh Lễ và các bí tích. Và ngoài Thánh Lễ và các bí tích ra, chúng ta không còn cách nào khác để hiểu biết Chúa ; vì ở đó Lời Chúa được công bố và giải thích, và ở đó Mình Máu Thánh của Chúa, ơn tha thứ và những ơn huệ khác được trao ban cho chúng ta.

Và trong trường hợp của ông Gia-kêu, để thực hiện lòng ước ao biết Đức Giê-su là ai, ông đã phải vượt qua nhiều trở ngại : ông đã phải leo lên cây chờ cho Đức Giê-su đi ngang qua, bởi vì người thì đông, còn ông thì không được cao. Nhưng đó chỉ là khó khăn về thể lí ; cũng là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng một khó khăn khác, đó là dư luận ; bởi vì ông bị mọi người khinh chê, xa lánh và bị coi là quân tội lỗi, như bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta : « Nhà người tội lỗi mà ông ấy (tức là Đức Giê-su) cũng vào trọ ». Cũng như Gia-kêu, chính chúng ta cũng phải vượt qua nhiều trở ngại của bản thân và của dư luận nữa để đến với Chúa. Xin Chúa thêm sức, lôi cuốn chúng ta và ban cho chúng ta lòng mến Chúa.

Vì vậy, chúng ta hãy quan sát thật kĩ hành trình tìm cách xem thấy Đức Giê-su của ông Gia-kêu ; hành trình gồm 3 bước :

  • Trèo lên cây. Đoán biết đường đi của Đức Giê-su, ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung !
  • Đức Giê-su dừng lại và ngước nhìn lên cây. Người đi tới chỗ đó, dừng lại, ngước mắt nhìn lên và nói với ông : « Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
  • Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người.

Ông Gia-kêu chạy tới phía trước, chỉ để xem Đức Giê-su , nhưng chính Đức Giê-su ngỏ lời trước. Chúng ta hãy dừng lại để đo lường sự khác biệt : một đàng là xem từ trên cao, nghĩa là từ xa, đàng khác là sự ngỏ lời để thiết lập tương quan, bất chấp sự bất xứng. Ông Gia-kêu chỉ muốn xem thấy Đức Giê-su thôi, và ông đã chọn một chỗ thích hợp : ở trên cao và kín đáo, không ai thấy. Nhưng Ngài đã gọi ông ra khỏi chỗ ông ẩn nấp. Đức Giê-su chọn ở lại với ông một cách nhưng không, khi ông còn đầy bất toàn, khi ông vẫn còn là chính ông, chưa được biến đổi. Đức Giê-su đặt lòng tin trọn vẹn nơi ông.

Chúng ta dường như cũng có nhiều chỗ ẩn nấp, những khu vực an toàn, những phần giữ lại để lỡ ra còn đường mà rút lui…Vậy, tôi có nghe được lời này của Chúa nói với tôi không : « Này con, xuống mau đi (chú ý chữ « mau »), vì hôm nay Thầy phải ở lại nhà con » ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Mến Yêu Hằng Ngày, 23-12-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 2, 23-12-2024 (Lc 1,57-66) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *