Đời sống cá nhân và xã hội, cũng như bất cứ hành vi nào của con người trong thế giới, luôn luôn bị tội lỗi đe doạ. Thế nhưng, “bằng cách chịu khổ vì chúng ta”, Đức Giêsu Kitô không những làm gương cho chúng ta để chúng ta bước theo Người, mà Người còn mở ra cho chúng ta một con đường. Nếu đi theo con đường ấy, cuộc sống và cái chết của chúng ta sẽ được thánh hoá và mặc một ý nghĩa mới” [1]. Trong đức tin và thông qua các bí tích, người môn đệ Đức Kitô gắn bó mật thiết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu để con người cũ của mình, cùng với những khuynh hướng xấu, chịu đóng đinh với Đức Kitô. Rồi khi trở thành thụ tạo mới, họ được ân sủng tăng sức để có thể “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4). Điều này “không chỉ đúng với các Kitô hữu, mà còn đúng đối với mọi người thiện chí, vì ân sủng vẫn đang hoạt động cách vô hình trong tâm hồn những người ấy. Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ai ai cũng được mời gọi hưởng chung một định mệnh duy nhất “ một định mệnh thần thánh “ nên chúng ta phải tin rằng Thánh Thần sẽ ban cho mọi người khả năng trở thành những người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào chỉ có Chúa biết mà thôi”[2].
Sự biến đổi nội tâm con người, làm cho họ dần dần trở nên giống Đức Kitô, chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để các mối quan hệ của họ với người khác được biến đổi thật sự. “Thế nên, cần lưu ý tới những khả năng tâm linh và luân lý của con người, cũng như nhu cầu cần hoán cải nội tâm thường xuyên, để tạo ra những thay đổi về xã hội thực sự có ích cho họ. Nhìn nhận thế ưu tiên của việc hoán cải tâm hồn không có nghĩa là loại bỏ, trái lại còn bắt chúng ta phải tìm những phương dược thích hợp để sửa chữa các tổ chức và các điều kiện sống có nguy cơ dẫn tới tội, để chúng trở nên phù hợp với các chuẩn mực của công bằng, thúc đẩy điều tốt hơn là ngăn cản điều tốt”[3].
Không thể yêu tha nhân như chính mình và kiên trì giữ vững cách sống ấy nếu không có quyết tâm vững vàng và liên tục để làm cho mọi người và mỗi người được tốt, vì ai trong chúng ta cũng thật sự chịu trách nhiệm về mọi người [4]. Theo giáo huấn của Công đồng, “mọi người đều có quyền đòi chúng ta phải kính trọng và yêu thương, dù họ suy nghĩ và hành động khác với chúng ta về các vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo. Thật vậy, càng tìm hiểu sâu xa lề lối suy nghĩ của họ qua lòng tốt và yêu thương của mình, chúng ta càng có khả năng đối thoại với họ dễ dàng hơn” [5]. Muốn theo con đường này, chúng ta cần có ơn Chúa: Chúa sẽ ban cho con người ơn ấy để giúp con người vượt thắng các khuyết điểm, để kéo con người ra khỏi vòng luẩn quẩn của dối trá và bạo động, để nâng đỡ và thôi thúc con người khôi phục lại, với một tinh thần luôn luôn mới mẻ và sẵn sàng, cả một mạng lưới quan hệ trung thực và đúng đắn với anh chị em đồng loại của mình [6].
Ngay cả mối quan hệ với vũ trụ được tạo dựng và các hoạt động của con người nhằm chăm sóc và biến đổi vũ trụ ấy cũng luôn luôn bị đe doạ bởi tính kiêu ngạo và tình yêu vị kỷ vô trật tự của con người, nên cần phải được thanh luyện và kiện toàn bằng thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô. “Được Đức Kitô cứu chuộc và được Thánh Thần biến đổi thành thụ tạo mới, con người có khả năng, thậm chí có bổn phận yêu thương mọi sự trong công trình tạo dựng của Chúa: con người tiếp nhận chúng từ Thiên Chúa, con người phải ngắm nhìn và tôn trọng chúng như chúng đang được ban ra từ bàn tay Thiên Chúa. Con người phải cám ơn vị ân nhân thần linh ấy về tất cả các điều đó, sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do. Bằng cách đó, con người thật sự làm chủ thế giới như thể không có gì hết nhưng lại có tất cả: “Mọi sự là của anh em; nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23) [7].
(Công Lý và Hòa Bình, Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm dịch thuật), số 41-44)
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,
liêm chính khi xét xử.
Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,
dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.
Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
Xin cho con được nghe
tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.
Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi
và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con. (Tv 50,3-14)
…………….
[1] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1043.
[2] Ibid.
[3] Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1888.
[4] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 565-566.
[5] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 28: AAS 58 (1966), 1048.
[6] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1889.
[7] CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 37: AAS 58 (1966), 1055.