[Mở lòng] Thứ Ba sau Chúa Nhật I Phục Sinh

 

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?”19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 13-35).

 

Trong bầu khí Phục Sinh, chúng ta đi lại đoạn đường của hai môn đệ trên đường Emmau.

Chúng ta không biết nhiều về hai môn đệ mà Luca nhắc tới, mà chỉ biết rằng Luca đã kể lại cho chúng ta nghe về hoàn cảnh và tâm trạng của hai ông. Họ lên đường về lại quê hương xứ sở. Họ thất vọng hoàn toàn. Tất cả những gì họ kỳ vọng nơi thầy mình là Giêsu, giờ đây thực sự tan rã. Với hai bàn tay trắng và thê thảm hơn với một tâm hồn nặng trĩu buồn đau, họ lê bước trở về quê hương, về với vợ với con, về với công việc thường ngày, về với mái nhà thân quen trước đây. Có thể sẽ đau buồn hơn, nếu dân làng thấy họ không chỉ tay trắng, mà còn thấy lòng họ nát tan, rồi tiếng ra tiếng vào sẽ làm tay trắng có thể thêm trắng hơn, lòng nát có thể sẽ nát hơn.

Vì thế, mười một cây số đường bộ từ Giêrusalem về Emmaus mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, họ đã “tâm sự loài chim buồn” với nhau, “họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra”. Mà chuyện mới xảy ra là chuyện đau lòng về Thầy Giêsu bị bắt, bị kết án tử, và bị giết chết treo trên thập giá. Hơn nữa, cho đến hôm nay là ngày thứ ba rồi, lời tiên tri về việc sống lại của Giêsu sao mà vẫn là lời trống rỗng vậy? Và họ là những đệ tử còn cảm thấy mình mồ côi lẻ loi quá đi thôi. Ngoài ra, nỗi sợ người Do-thái sẽ bắt giam mình như bắt giam Thầy còn ám ảnh nữa chứ. Rắn mất đầu rồi bây giờ còn biết theo ai?

Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta cũng đã không ít lần vừa đi vừa than vắn thở dài, vì chúng ta chẳng thấy Chúa đâu nữa trong cuộc đời mình, Ngài hình như “ẩn mặt” thật kỹ và Ngài đã chết rồi. Chết ngay khi chúng ta đang gặp khổ đau, đang bị cuộc đời nhấn chìm xuống vực sâu, đang bị bóng đêm bao phủ. Buồn thật! Thất vọng hoàn toàn. Chúa Giêsu mà mình tin tưởng và kỳ vọng đâu rồi? Tại sao Ngài không xuất hiện, khi chúng ta đang gặp khổ đau? Như hai môn đệ ngày xưa, chúng ta đang đi trên một con đường bất an, một con đường tràn đầy thương đau và hoàn toàn thất vọng.

Nhưng Chúa Giêsu có thực sự bị cái chết làm chủ không? Chúa Giêsu có thực sự để cho chúng ta mồ côi một mình, và làm ngơ khi bóng đêm cuộc đời đang vây bủa và đe dọa chúng ta không?

 

Cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường.

“Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ”.

Một cuộc gặp gỡ trên đường là vậy đó. Vâng, trên con đường bất an và tràn đầy đau thương, lại có người đến để lắng nghe mình, để cùng chia sẻ với mình, thì thật là quý báu biết bao nhiêu. Nỗi buồn đau ôm ấp một mình sẽ nguy hiểm lắm, có người thứ hai để chia sẻ thì sẽ vơi bớt nhiều và sẽ đương đầu được, còn thêm một ngưới thứ ba vào nữa, thì “dây chập ba đâu dễ gì đứt”: “Một mình dễ bị tấn công, có hai người, ắt sẽ đương đầu nổi; dây chập ba đâu dễ gì đứt?” (Gv 4,12) Thực vậy, Chúa Giêsu xuất hiện để cùng gánh vác với hai môn đệ nỗi khổ đau các ông đang mang, để cùng chia sẻ với các ông những nỗi buồn giấu ẩn, và để lắng nghe những gì các ông cần phải nói ra. Hơn nữa, sự xuất hiện của Chúa Giêsu như là một cuộc lên đường đi kiếm người mình yêu, để cùng chia cơm sẻ bùi, chia buồn sẻ đắng với nhau: “Vừa rời họ mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi“(Diễm ca 3,4). Không chỉ là một cuộc chia sẻ qua đường, Chúa Giêsu còn quyết tâm đi với người mình yêu vào trong khuê phòng, nơi đó buồn đau, thất vọng sẽ phải nhường bước cho tình yêu và niềm vui vĩnh cửu.

Nhưng hai môn đệ có nhận ra người khách bộ hành là Chúa Giê-su mới xuất hiện không? “Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người”. Thầy mình mà lại không nhận ra? Phải chăng vì mắt họ vẫn còn bị ghèn của buồn đau và thất vọng che kín? Phải chăng Thầy của mình đã đổi hình biến dạng, nên dù gần đấy nhưng sao vẫn thấy xa, dù quen đấy nhưng sao vẫn là lạ.

Nhìn lại cuộc đời mình, có những lúc chúng ta cũng bị ghèn của đau buồn đóng kín, đến nỗi niềm tin vào Chúa của chúng ta không còn dung nhan gì nữa. Mắt chúng ta chẳng còn có thể nhận ra đựơc tình yêu của Chúa và sự hiện diện của Ngài. Thê thảm thật! Chúng ta cần phải làm gì đây?

 

“Chuyện gì vậy?”

Đừng lo! Lúc này chính là lúc Thiên Chúa sẽ ra tay. Kìa hãy nhìn và lắng nghe, Chúa Giêsu lên tiếng: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Câu hỏi của Chúa nói cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta, đặc biệt khi chúng ta đang lênh đênh phận người ngoài biển khơi không định hướng, đang bị sóng gió cuộc đời đe dọa. “Chuyện gì vậy?”  Câu hỏi của Thiên Chúa dành cho những người con yêu dấu đang buồn rầu thảm não. Câu hỏi này làm cho chúng ta phải dừng bước. Như các môn đệ khi xưa, chúng ta hãy dừng lại.

“Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay?” Câu nói trên của Cơ-lê-ô-pát như muốn đưa Chúa Giêsu vào trong câu chuyện, như mở một lối vào cho người bộ hành lạ lẫm, để cùng song bước trên cuộc hành trình. Được đà, Chúa Giêsu lên tiếng hỏi lần nữa: „Chuyện gì vậy?“ Và sau đó thì Chúa lắng nghe hai môn đệ kể câu chuyện đau buồn trong lòng họ. Ở đây, theo Henri Nouwen thì Chúa đã đi vào câu chuyện của từng cá nhân một. Ngài lắng nghe với tất cả tâm tình, đặt mình trong vị trí của họ, để cảm thông được nỗi lòng của họ đang có. Nỗi lòng chất chứa buồn đau và thất vọng. Thực vậy, Chúa Giêsu ở đó với hai môn đệ, ngay chỗ mà hai ông đang đứng, cùng bước đi với hai ông, ngay trên đoạn đường hai ông đang đi. Trên đường đó họ kể với người bộ hành lạ lẫm về chuyện ông Giê-su Na-da-rét.

Những lời của hai môn đệ như là một bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa là ngôn sứ và là Thầy dạy những điều tốt lành và uy thế, không chỉ trong lời nói, mà ngay cả trong hành động. Những điều Ngài dạy dỗ là Tin Mừng thực sự đem lại niềm vui cho mọi người. Niềm vui khám phá được Cha trên trời, niềm vui được Cha yêu thương, niềm vui được là con cái của Cha trong Vương Quốc của Ngài. Nhưng người ta có đón nhận Chúa Giêsu và những lời Ngài dạy không? Chắc chắn có một số người đã tin tưởng vào Chúa và đón nhận Tin Mừng, nhưng cũng có một số người đã loại bỏ Chúa hoàn toàn. Như các bậc vị vọng trong xã hội là các thượng tế và thủ lãnh, đã chối từ và ghen ghét Chúa Giêsu, đến nỗi họ đã bắt Người, kết án tử Người, và Chúa đã chết đau thương trên thánh giá. Tiếp đến, hai môn đệ đã nêu lên nỗi thất vọng của họ về Chúa Giêsu, đó là niềm hy vọng của họ vào Chúa sẽ giải thoát dân Do-thái thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma. Niềm hy vọng đó giờ đây bị tan tành ra mây khói. Cõi lòng của họ từ chỗ tràn trề hy vọng đã trở nên thất vọng và buồn rầu thê thảm.

Thật chú tâm, Chúa Giêsu đã lắng nghe những lời tâm sự và lòng khát khao của các môn đệ. Ở đây chúng ta có thể cảm nhận được tấm lòng của Chúa Giêsu. Ngài hiểu được tâm trạng đau buồn và bối rối của hai môn đệ. Vậy, Ngài trả lời ra sao?

 

Lời răn dạy

“Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.

“Các anh chẳng hiểu gì cả”. Thê thảm quá! Chúa Giêsu đã lên tiếng trách hai môn đệ. Sau đó thì Ngài mới bắt đầu mở lời dạy dỗ các ông. Trong lời của Ngài, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không phủ nhận những khổ đau mà Ngài đã chịu. Hơn nữa, Chúa cũng không chối từ niềm hy vọng khao khát ơn cứu thoát và sự tự do của các môn đệ. Điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là, Đấng mà các môn đệ tin tưởng theo gót, Đấng đã rao truyền Tin Mừng và làm biết bao nhiêu điều tốt lành, thực sự đã bị kết án tử cách bất công, đã chết tức tưởi trên thập giá, đã bị chôn trong mồ. Nhưng Đấng đó đã sống lại. Vinh Quang của Ngài đã đến sau những khổ đau. Con đường đau khổ đầy tràn bóng đêm kia được tiếp nối bằng đoạn đường mới đầy vinh quang. Đó là sự Phục Sinh vinh hiển, là con đường giải thoát nhân loại khỏi “thần chết”.

Thật vậy, Chúa Giêsu không thể là Đấng Mê-si-a, Đấng Cứu Thoát nhân trần, nếu trước đó Ngài không phải là người tôi tớ đau khổ, là người tồi tệ như bao con người tồi tệ, bị dẫm đạp, bị tra tấn, bị những trận đòn bất nhân, bị kết án bất công và chết thê thảm như bao con người bất hạnh. Nhìn như thế, chúng ta mới thấy được bước đường cứu rỗi của Chúa Giêsu giá trị dường nào.

 

Lửa bừng cháy trong lòng.

Trở về lại đoạn Phúc Âm. Khi nghe Chúa Giêsu kể như vậy, thì hai môn đệ phản ứng ra sao? Luca kể lại rằng, lúc đó thì lòng của họ bừng cháy lên. Họ đã hiểu được những lời Chúa Giêsu nói, nhưng họ hiểu bằng con tim, bằng cõi lòng, chứ không phải bằng cái đầu. Thực vậy, với cái đầu thông minh đầy lý luận của mình, thì con người không thể chấp nhận được con đường Chúa đi. Ai ai lại không muốn xa tránh sự chết? Ai ai lại ngu dại đâm đầu vào hố sâu? Vì thế, chỉ có con tim mới hiểu được lý lẽ của tình yêu. Con tim bừng cháy của Cơ-lê-ô-pát và bạn anh ta đã mở ra cho hai người một chân trời mới. Nơi đó họ đã nhận ra được một chân lý tuyệt đỉnh. Chân lý của sự sống chiến thắng sự chết. Chân lý của Thiên Chúa là nguồn sống viên mãn.

Nhìn lại bản thân mình, chúng ta cũng tự hỏi mình xem, chúng ta có dám tin tưởng vào một Thiên Chúa đi con đường đau khổ kia không? Lúc đầu, khi Thiên Chúa sinh vào cuộc đời, chúng ta đã reo vui và cất lời ca ngợi: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời!”. Giờ đây, khi nhìn thấy Ngài đi con đường đau khổ, chúng ta có dám tiếp tục vinh danh Thiên Chúa toàn năng đang quằn quại đau đớn, vinh danh một Thiên Chúa bất lực nằm chết trên Thập Giá không? Khi chúng ta đã nhận ra được tình yêu của Chúa Giêsu nở hoa trên thập giá, và tình yêu đó đã đâm trái trong biến cố Phục Sinh, trái tim chúng ta có bừng cháy lên không? Chúng ta có bước vào con đường thiêng liêng tìm gặp chân lý và sống theo chân lý không?

 

Tại bàn ăn, bánh trao tay, mắt mù tối bừng mở.

Luca kể tiếp rằng: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ”. Chiều đã về, bụi tre đầu làng đã xuất hiện, ba người bộ hành giờ đây đã trao cho nhau rất nhiều những tâm tư và những tâm tình. Qua đó, giữa họ đã nảy sinh một mối giây liên kết sâu sa. Nên ai lại để cho Bạn Đường ra đi, mà không một ly nước làm cho tình bạn thêm tươi mát, không một bữa ăn để nói với nhau lời tri ân và tạ từ. Vì thế, dù cho Chúa Giêsu như muốn tiếp tục rảo bước đi, thì hai môn đệ vẫn quyết giữ Ngài lại. Và Giêsu đã đồng ý dừng bước và đi vào làng. Điều này an ủi chúng ta biết bao. Trong cuộc đời của chúng ta, có những lúc cùng đi với Chúa trên đường, và tới một mốc điểm nào đó, Chúa có thể giả vờ muốn chia tay đấy, nhưng nếu chúng ta khôn ngoan giữ Ngài lại, thì Ngài sẽ dừng bước. Ngài sẽ bước vào căn nhà của chúng ta, và cùng dùng bữa với chúng ta, khi chúng ta ý thức mở rộng cửa đón mừng Ngài: „Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta“ (Kh 3,20).

Chúa Giêsu đã bước vào ngôi nhà đơn sơ ở làng Em-mau, và ngồi xuống để chia sẻ bàn ăn với hai người bạn đường, như chia sẻ và ăn mừng tình bạn dù cũ nhưng luôn mới này. Và điều gì đã xảy ra tại bàn ăn? “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất”.

Ở đây, theo Henri Nouwen, thì điều mà Luca kể lại, chính là trung tâm điểm cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đó chính là ngay tại bàn ăn. Là bữa ăn của tình huynh đệ, bữa ăn tạ ơn tình yêu Thiên Chúa giành cho nhân trần. Chính tại bữa ăn này, khi thấy Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ bánh ra trao cho mình, thì đôi mắt của hai môn đệ đã mở ra, và họ nhận ra Người. Tuyệt vời quá sức! Người bộ hành lạ lẫm kia chính là Thầy mình rồi. Tất cả những gì là lạ giờ đây đã tỏ tường hoàn toàn, từ giây phút bất ngờ chạm mặt, đến câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra hai lần: “Chuyện gì vậy?”, đến khi các ông buồn bã kể cho Chúa Giêsu nghe về chính Chúa. Sau đó, các ông say sưa nghe Chúa Giêsu giải thích điều các ông đã thấy, đã từng chứng kiến, nhưng chẳng hiểu gì, cho đến lúc chia sẻ với nhau một tấm bánh.

Nhưng khi các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu, thì Ngài đã biến mất. Ngài biến mất nhưng để lại một niềm vui lớn lao, làm trỗi dậy lại niềm hy vọng thuở nào, và cấy rễ cho niềm hy vọng đó được sâu hơn. Để qua đó, một sức sống mới trỗi dậy trong họ. Sức sống này mạnh đến nỗi: „ Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.“

 

  • Bài tập sống trong tuần lễ Phục Sinh: Sống với niềm vui Phục Sinh.

 

Mỗi ngày sống, khi thức giấc, điều đầu tiên chúng ta làm, là hãy chạy đến với Chúa Giê-su Phục Sinh và chúng ta hãy nở một nụ cười thật tươi với Ngài.

Và trong mỗi ngày sống, chúng ta hãy làm một điều gì đó đem lại niềm vui cho người khác.

Kiểm tra tương tự

Đường Về – Suy niệm 14 chặng đàng Thánh giá

DẪN NHẬP Anh chị em thân mến, chúng ta đã đi được một thời gian …

Tông Đồ Cầu Nguyện, 27-03-2024

  TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY27/03/2024​ CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG ​​ Đón nhận rủi …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *