“Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ” (ĐHV 694).
Ngày hôm nay, con người đang sống trong nền văn minh hiện đại với nhiều thành tựu khoa học và kỹ thuật vượt bậc, điều này làm cho đời sống của nhân loại thêm khởi sắc hơn. Thế nhưng, giữa muôn vàn sự phát triển đó đau khổ vẫn luôn hiện hữu trong kiếp nhân sinh. Bởi đã là con người, ai đều cũng phải kinh qua đau khổ, có thể vì bệnh tật, chiến tranh, đói khát, thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh, …và rất nhiều dạng đau khổ trong đời sống con người. Những đau khổ đó luôn mang đến cho con người nỗi sợ hãi, sự đau đớn về tinh thần và thể xác hay thậm chí là cái chết, cho nên, ai cũng mong muốn tránh khỏi đau khổ.
Tuy nhiên, đau khổ cũng không phải luôn đem đến cho con người những điều đen tối nhất trong cuộc đời, tiểu thuyết gia người Pháp Alexandre Dumas đã nói rằng: “Chỉ người đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận hạnh phúc tột cùng”. Quả vậy, đau khổ như người thầy dạy cho chúng ta những bài học, kinh nghiêm và cho ta sự trưởng thành lớn lên từng ngày. Nhưng điều này, đòi hỏi cách đón nhận đau khổ nơi mỗi người, cánh đối diện và vượt qua nó như thế nào? Nhìn vào cuộc đời của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta mới thấy được những đau khổ, bất công mà ngài phải gánh chịu trong hành trình làm người. Thế nhưng, cách ngài đón nhận đau khổ đó là niềm vui, sự biết ơn, hạnh phúc và tràn đầy hy vọng vào Đức Ki-tô Đấng đã chịu đau khổ và đóng đinh vì tội lỗi của chúng ta. Bởi không một đau khổ nào nằm ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chính thánh Phaolô đã quả quyết rằng: “Ơn ta đủ cho con, vì sức mạnh của ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con”.
Quả vậy, Chúa Giê-su là mẫu gương cho chúng ta trong việc chấp nhận những đau khổ mà Chúa Cha ban tặng. Chính Ngài cũng đã phải trải qua đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (x. Hr 5, 8). Bởi Người đã đã vâng lời Chúa Cha khi Ngài nhập thể xuống thế làm người, sinh hạ trong điều kiện khó khăn, lớn lên bị người đời ruồng bỏ, khinh chê và chịu đánh đập, nhục mã rồi bị treo trên cây Thánh giá, dù Người chẳng mắc tội gì. Tuy nhiên, với tình yêu Ngài đã tự hiến chính thân xác mình làm giá cứu chuộc cho nhân loại, chính Ngài là cầu nối giúp chúng ta đi vào mối tương quan với Thiên Chúa, và cũng chính Ngài là sợi dây gắn chặt mọi người nên một với nhau trong thân thể của Ngài.
Cho nên, con đường theo Chúa là con đường của sự từ bỏ, chấp nhận và vui vẻ hiến dâng. Bởi, chính Chúa Giê-su đã nói: “Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết cắt tỉa đi những thói hư tật xấu, những sự ích kỉ đố kị và ghen tuông, thay vào đó là một đời sống bác ái, yêu thương và sẻ chia với nhau trên con đường lữ hành trần gian. Ngoài ra, theo Chúa đó chúng ta phải biết đón nhận những khó khăn trong đời sống và biến những khó khăn đó trở nên niềm vui và sự hy vọng cho nhiều người. Chúng ta được mời gọi là tấm gương phản chiếu Đức Ki-tô đang sống nơi trần gian.
Như xưa Chính Mẹ Maria đã đứng kề bên chân Thánh giá, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta lòng can trường, vững vàng khi gặp mọi thử thách trăm chiều. Và xin cho chúng con : “Khi đau khổ cực độ, con hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ” (ĐHV 694). Amen
Mọn Hèn
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)