Cuốn tự truyện mới ra của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những kỷ vật ngài yêu mến nhất

Lá thư của bà, hai pho tượng thánh Giuse, mề đay Đức Mẹ Đồng Trinh… Đó là những kỷ vật thiêng liêng mà Đức Phanxicô đặc biệt trân trọng.

“Một tấm vải liệm thì không có túi” – đó là lời của bà Jorge Mario Bergoglio đã từng dạy cháu – ngụ ý rằng người ta không thể đem theo bất kỳ thứ gì khi về thế giới bên kia. Lời dạy này được Đức Phanxicô khắc ghi từ dạo ấy, và cũng vì thế mà ngài luôn cố gắng tránh việc gắn bó quá mức với của cải vật chất. Nhưng cũng có một số kỷ vật lại mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với ngài, đến mức ngài luôn giữ chúng kề cận bên mình.

 

Đức Thánh Cha cầu nguyện trước bức linh ảnh “Đức Mẹ gỡ nút thắt”, một trong những kỷ vật thiêng liêng yêu quý của ngài. Ảnh: Aleteia

 

Trong cuốn tự truyện mới ra mắt của mình: Life: My story through History (Tạm dịch Cuộc sống: Câu chuyện đời tôi theo dòng Lịch sử – NXB Harper Collins, 20/03/2024), Đức Giáo hoàng đã nói về một số kỷ vật thánh nho nhỏ mà ngài đặc biệt ưa thích. 

 

Tượng Thánh Giuse

Đức Phanxicô luôn để một bức tượng Thánh Giuse Ngủ trên bàn đầu giường của mình. Ngài đã giữ bức tượng đó từ hồi còn làm Giám tỉnh Dòng Tên ở Argentina (1976-1979).

Kể từ đó, ngài cũng đã thói quen “thỉnh thoảng đặt dưới chân tượng Thánh Giuse những mẩu giấy viết ra những khó khăn ngài phải vượt qua”.

Đức Thánh Cha có lòng sùng kính đặc biệt đối với vị cha nuôi của Chúa Giêsu.

Lòng sùng kính này được minh chứng qua sự gắn bó của ngài với một bức tượng Thánh Giuse khác – tượng Thánh Giuse ẵm Chúa Con.

Ngài thường cầu nguyện trước bức tượng này vào mỗi đầu giờ chiều. 

 

Mề đay Đức Mẹ Đồng Trinh

Đức Phanxicô đeo nơi cổ một mặt tượng Đức Mẹ Đồng Trinh.

Ngài đã nhận mặt tượng này từ bà Concepción Maria Minuto, một phụ nữ gốc Sicilia từng phụ việc giặt giũ với mẹ ngài hai lần một tuần.

Trong kí ức của Đức Giáo hoàng, bà là một người sống giản dị, nhưng gan dạ.

Trong nhiều năm sau này, bà đã từng cố gắng liên lạc với ngài, nhưng cha Bergoglio đã quá bận rộn và không thể gặp mặt bà.

Điều này về sau đã làm ngài day dứt, nhưng cuối cùng ngài vẫn có dịp gặp lại, và kịp đồng hành thiêng liêng với bà trong những giờ cuối cùng trước khi bà qua đời.

Ngài cho biết: “Mỗi lần nhìn mề đay mà bà tặng tôi, tôi đều nghĩ đến và cầu nguyện cho bà”

 

Góc cầu nguyện

“Ở một chiếc kệ trong góc phòng của Đức Giáo hoàng có đặt bức tượng thánh Phanxicô thành Assisi và bức ảnh thánh Têrêsa thành Lisieux, hai vị thánh mà Ngài tôn kính, và một cây thánh giá lớn mà ngài quỳ trước đó cầu nguyện hàng ngày, một tay dựa vào tường”.

Năm 2013, vị Giáo hoàng người Argentina đã chọn tông hiệu Phanxicô, lấy theo tên vị thánh Phanxicô thành Assisi, để đáp lại lời nhắn nhủ của Đức Hồng y Hummes là chớ quên người nghèo.

Ngày 15/10/2023, Đức Giáo hoàng đã công bố Tông huấn C’est la confiance (Tạm dịch “Chính lòng tin cậy”) nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh Têrêsa.

Một lòng sùng kính khác của Đức Phanxicô, lần này cũng là một hoa trái khác từ cầu nguyện, là với “Đức Mẹ gỡ nút thắt”.

Đức Giáo hoàng đã nảy sinh lòng sùng kính với bức họa Đức Mẹ theo phong cách Baroque này trong một dịp ghé thăm nước Đức vào năm 1986.

Dù chưa bao giờ có dịp thấy phiên bản gốc của bức linh ảnh này, vốn đặt ở một nhà thờ từng thuộc Dòng Tên ở Augsburg, ngài vẫn treo một bản sao của bức linh ảnh này trong phòng tiếp khách của Nhà Thánh Marta tại Vatican, nơi ngài cư ngụ và thường tiếp đón khách khứa. 

 

“Kho tàng” trong cuốn kinh nhật tụng

Đức Phanxicô gần như “không bao giờ rời xa” cuốn kinh nhật tụng của mình, một pho sách nhỏ chứa Các Giờ Kinh Phụng Vụ và lời kinh nguyện của Giáo Hội. Trong quyển này, ngài cất kĩ ba bản văn.

Đầu tiên là một lá thư viết một nửa bằng tiếng Ý và một nửa bằng tiếng Tây Ban Nha mà người bà Rosa đã viết cho ngài nhân dịp thụ phong linh mục vào năm 1967. Bà viết: “Trong ngày hồng ân này, khi con được đón lấy Chúa Cứu Thế trên đôi bàn tay đã xức dầu Thánh hiến của con, và khi con đường dài dẫn đến sứ mạng tông đồ sâu xa nhất được mở ra trước mắt con, bà tặng con món quà nhỏ này, không quý giá về vật chất nhưng mang nhiều giá trị tinh thần”. Món quà được nhắc tới trong lá thư là một bộ vật dụng dùng để xức dầu bệnh nhân.

ĐGH cũng kẹp trong quyển sách kinh bức “di thư” của bà Rosa (bà qua đời năm 1974). Trong thư này, bà đã nhắn nhủ cháu mình: “Nếu có một ngày nào đó mà đau đớn, bệnh tật, hay sự mất mát của một người con yêu thương nhấn chìm con trong đau khổ, hãy nhớ, chỉ cần con cất lên một tiếng than thở trước nhà tạm, nơi vị tử đạo vĩ đại và đáng tôn kính hơn bất kì vị tử đạo nào khác đang ngự, và chỉ cần con chiêm ngắm Mẹ Maria dưới chân Thánh Giá, thì đến cả những vết thương sâu nhất và đau đớn nhất của con  cũng có thể được chữa lành”.

Cuối cùng, Đức Phanxicô giữ trong quyển kinh nhật tụng của mình bài thơ “Rassa Nostran-a” của thi sĩ Nino Costa, một bài thơ gợi nhắc về gốc gác của ngài. Đây là bài thơ ngợi ca những người Piemonte vì nghèo khó phải rời quê hương nước Ý để đi kiếm sống. “Dân tộc bản địa phóng khoáng, và kiên định” đó cũng là dân tộc của cha ngài, người vốn sống ở một làng nhỏ thuộc vùng Portacomaro trước khi di cư đến Argentina. 

Tác giả: Camille Dalmas
Người dịch: Nam Anh
Nguồn: Aleteia

Kiểm tra tương tự

Hàn Quốc – Quê hương của hơn 10.000 vị tử đạo

Hàng ngàn Kitô hữu đã tử vì đạo tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian …

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …