CƯƠNG VỰC VIỆT NAM DƯỚI TRIỀU NGUYỄN

VI. Biên cương nước ta tại phía tây Nam bộ.

Phần này nghiên cứu hai đê tài : 1) Cương vực các tỉnh phía tây Nam bộ. -2) Vương quốc Chân Lạp (Kampuchia hay Cam Bốt) từng là thuộc quốc ở phía tây nam nước ta.

1. Cương vực các tỉnh phía tây Nam bộ.

Trước khi bị Pháp xâm chiếm, Nam kỳ chia ra 6 tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Trừ tỉnh Vĩnh Long, 5 tỉnh còn lại đều có biên giới phía tây giáp với Cam Bốt. Giữa Nam kỳ và Cam Bốt có vẽ 3 đường biên giới: a) Biên giới do sĩ quan Pháp nhận biết hồi năm 1861(frontière telle que d’abord percue par les officiers francais en 1861). b) biên giới định đoạt năm 1873 (frontière fixée en 1873). c) Biên giới theo các bản đồ vẽ năm 1909  (frontière selon l’Atlas en 1909)[30]

Với 3 đường biên giới nói trên, đường biên giới thứ 3 (c) phân ranh tỉnh Biên Hoà với Cam Bốt hầu như không có vấn đề gì Còn 2 đường biên giới thứ nhất (a) và thứ hai (b) phân ranh giữa các tỉnh Gia Định – Định Tường – An Giang – Hà Tiên với Cam Bốt, cho thấy chính quyền Pháp thuộc địa đã cắt một phần đất khá lớn của Việt Nam đưa sang Cam Bốt. Đây là vấn đề khá tế nhị và nhạy cảm. Nhưng cũng là vấn đề lịch sử cần làm sáng  tỏ, mặc dầu chúng ta khẳng định phải tôn trọng các đường biên giới lịch sử giữa Việt Nam và các nước láng giêng đã ký kết dưới thời Pháp thuộc. Như biên giới Việt Nam – Cam Bốt đã quyết định năm 1873 và khẳng định theo hiệp ước về nguyên  tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDC Kampuchia ký ngày 20-7-1983.

Theo sách Gia Định thành thông chí[31]Đại Nam nhất thống chi[32], vùng biên cương phía tây tỉnh Gia Định bị cắt một phần đất của huyện Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh đưa sang Cam Bốt, đây là phần đất mệnh danh Mỏ Vịt đâm sâu vào xứ Nam kỳ. Vùng biên cương phía tây tỉnh Định Tường bị cắt một phần đất của huyện Kiến Phong thuộc phủ Kiến Tường đưa sang Cam Bốt, đây là phần bưng biền của Đồng Tháp Mười rộng lớn. Vùng biên cương phía tây tỉnh An Giang bị cắt một phần đất của huyện Hà Âm thuộc phủ Tuy Biên (trước là phủ Tĩnh Biên) đưa sang Cam Bốt, đây là phân đất rộng lớn nằm dài trên phía bắc kinh Vĩnh Tế. Vùng biên cương phía tây tỉnh Hà Tiên bị cắt một phần đất của tổng Hà Nhuận thuộc huyện Hà Châu, phủ An Biên đưa sang Cam Bốt, đây là phần đất rộng lớn bao gồm núi Linh Quỳnh (cách biên giới ngày nay khoảng 25km) và cả miền duyên hải tới gần Vũng Thơm (Kompong Som)[33]. Đến nay chúng ta không biết cụ thể Pháp đã cắt đất của Việt Nam đưa sang Cam Bốt một diện tích tổng cộng bao nhiêu km2?

2. Nước Chân Lạp nay là Kampuchia, Cao Mên hay Cam Bốt từng là thuộc  quốc lớn của Việt Nam ở biên cương phía tây nam.

Từ thế kỷ XVIII, Chân Lạp luôn là nước phiên thuộc của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Khi Gia Long vừa lên ngôi lập ra nhà Nguyễn và thống nhất đất nước, sứ thần các nước Chân Lạp, Xiêm La, Vạn Tượng, Nam Chưởng (cũng gọi là Lào Lung) đem quốc thư đen mừng (tháng 5 năm Nhâm Tuất 1802)[34]

Tháng 4 năm Đinh Mão – Gia Long thứ 6 (1807), vua Chân Lạp mới xin cầu phong: vua Chân Lạp là Nặc Chăn sai bầy tôi là Oc-nha Vị Bôn Rạch đến xin phong. Vua y cho. Sai tham tri Binh bộ Ngô Nhân Tĩnh. . . mang sắc phong Chăn làm quốc vương (Ấn bạc mạ vàng. . . , lễ tuyên phong cử hành tại thành gỗ La Bích). Định 3 năm một lần cống, bắt đầu từ năm nay”[35]

Tháng 6 năm Kỷ Sửu – Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), sau khi “Thống chế lãnh ấn Bảo hộ nước Chân Lạp. . . là Nguyễn Văn Thụy (Thoại) chết. . . Đặt quan Bảo hộ Chân Lạp văn võ đều 1 người. Lấy Thống chế Nguyễn Văn Tuyên lãnh ấn Bảo hộ nước Chân Lạp . . . và Tả tham tri Binh bộ là Bùi Đức Minh làm Hiệp đồng bảo hộ”[36].

Tháng giêng năm Ất Mùi (1835), cho “đổi đồn An Man ở Nam Vang làm thành Trấn Tây.Vua thấy thành Trấn Tây buổi đầu mới thiết lập, công việc bề bộn, sai bộ Lại chọn những viên chức . . . lây 20 người . . . cho đi theo Tống đốc Trương Minh Giảng và Tuần phủ Lê Đại Cương để sai phái công việc . . . Bọn Giảng lại tâu xin đặt ở thành Trấn Tây 1 đội pháo thủ và 1 đội chăn voi. . . Vua y cho, rồi dụ sai mộ 1 . 000 dân ngoại tịch. . . đặt làm Trấn Tây tả vệ và Trấn Tây hữu vệ”[37]. vậy là thi hành chính sách trực trị hơn bảo hộ! Trấn Tây Thành cũng như Gia Định Thành hay Bắc Thành là một đơn vị hành chính lớn của cả nước . Mọi việc quân dân chính đều thay đổi : Trương Minh Giảng làm Trấn Tây Thành Tướng quân, Lê Đại Cương làm Trấn Tây Thành Tham tán, Bùi Công Huyên làm Trấn Tây Thành Đề đốc. Toàn hạt Trấn Tây Thành đều dưới quyền cai quản của Giảng và Cương, không phải mang ấn và hàm bảo hộ nước Chân Lạp. Toàn hạt Trấn Tây Thành chia ra 17 phủ với địa danh Việt hóa như Ba Nam, Hóa Di, Chân Thành, Tầm Vu…[38]

Trong 12 năm (1835 – 1847) trực trị Trấn Tây Thành không được ổn thỏa, một bộ phận vương triều và nhân dân Khơ me bất mãn lại có ý ngả theo Xiêm La. Đầu năm 1845, lão tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri đem quân sang xâm chiếm Trân Tây Thành và can thiệp vào chuyện phế lập trong triều đình Cao Miên. Thiệu Trị liền cho Đô thông Vũ Văn Giải làm Phủ biên tướng quân và Nguyễn Tri Phương làm Khâm sai đại thần kéo quân sang đối Phó với Chất Tri. Chất Tri xin điều đình bãi quân sau mấy trận chiến bại. Kết quả là: “Chuẩn cho sứ bộ (Cao Miên) tiến kinh (Huế), xét lòng thành thực có thể cho tập phong, noi theo lệ chế cũ, sai tuyên phong Ong Giun làm Cao Miên quốc vương, truy niệm nghiệp nhà. . . Nước người dựng lại, trả cả thổ địa, nhân dân. . . Làm việc nghĩa, dựng lại một nước đã mất; ra cái ơn, nối lại tôn tự không còn. Cho Cao Miên lâu giữ cõi xa, kính dâng lễ cống. Mới xuống chiếu kéo quân vê, tâu khúc nhạc khải hoàn” vào đầu năm 1847[39]. Thế là quy chế trực trị Trấn Tây Thành chấm dứt. Vương quốc Cao Miên lại trở về vị trí và nhận triều cống định kỳ.

Tóm lại, cương vực đất nước ta dưới triều Nguyễn  rộng lớn hơn bao giờ hết. Cương vực ấy đã được các văn bản pháp quy sổ sách địa bạ, bản đồ chính xác và cả công pháp quốc tế thừa nhận. Nhưng chính quyền thuộc địa Pháp đã cắt xén nhiều nghìn km2 diện tích cho lân bang và thành lập các quốc gia tự trị trên cơ sở các thuộc quốc của Việt Nam xưa, làm cho ranh giới nước ta bị thu hẹp rất nhiều. Tuy nhiên, ngày nay nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố vẫn tôn trọng các đường biên giới lịch sử ấy do quá khứ để lại. Thiện chí của nhân dân và quốc gia Việt Nam thật đã rõ ràng.

 


[1] Quốc sử quán, Đại Nam thực lục. Chính biên. T.III Viện Sử học phiên dịch Nxb Sử học Hà Nội, 1963 , tr. 169- 170.

[2]Như trên, tr.288.

[3] Đồng Khánh địa dư chí. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên , Philippe Papin dịch. XB : Viện Nghiên cứu Hán – Nôm. Ecole Francaise d’extrême-orient, Ecole Pratrque des Hautes Etudes. Nxb Thế Giới. Hà Nội, 2003. Tập I, tr.865-867.

[4] Như trên.

[5] Bonifacy, Les mines de 1a province de Tuyên Quang en 1861. Trong Revue Indochmoise. Hà Nội, 1912.

[6] Nguyễn Đình Đầu, Mấy nét về mỏ đồng Tụ Long của nước ta bị phong kiến Trung Quốc xâm chiếm. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 10- 1979, tr.28-32.

[7] Tập bản đồ hành chính 64 tỉnh thành phố Việt Nam. Nxb Bản đồ. Hà Nội, 2005, tr. 15,

tỉnh Hà Giang, tỷ lệ 1 :650.000.

[8] Thực lục, Sđd, Tập X, tr.329-330.

[9] Lê Thành Khôi, Le Việt Nam. Histoire et civilisation. Les Editrons deMinuit. Paris, 1955. Bản đồ trích dẫn đặt tại trang 532 .

[10] Auguste Pavie, Atlas of the Pavie Mission (1879-1895). White Lotus press. Bangkok, 1990 . tr. 2 .

[11] Thực lục, Sđd, Tập X, tr.323.

[12] Thực lục, Sđd. Tập IX, tr. 125.

[13]Như trên, tr.49.

[14] Như trên, tr.58.

[15] Như trên, tr.96 .

[16] Như trên, tr.59.

[17] Như trên, tr.97.

[18] Như trên, tr.86.

[19] A. Pavie, Sđd, tr.53.

[20]Thực lục, Sđd, Tập IX, tr. 115-116.

[21] Đào Duy Anh, Đất nước  Việt Nam qua các đời. Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr. 196.

[22] Thực lục, Sđd, Tập XXV, tr.291 -292.

[23] Như trên, tr. 101 – 103 .

[24] Như trên, tr. 132- 134.

[25] Như trên, Tập I, tr.214.

[26] Như trên, Tập III, tr. 122.

[27] Như trên, Tập IX, tr.212-213 .

[28] Như trên, Tập XXIII, tr. 115- 117.

[29] Như trên, Tập XXIII, tr.265-266.

[30] Philippe Langlet, Quách Thanh Tâm, Atlas historique des six provinces du sus du

Vietnam du milieu du XIXe au début du XXe siecle. Les Indes Savantes. Paris, 2001. Bản

đồ trích trang 19.

[31] Trinh Hoài Đức, Gia Đình thành thông chí. Nxb Giáo dục, 1998.

[32] Quốc Sử quán, Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Vệt. Nguyễn Tạo dịch. Nxb

Nhà Văn hóa. Sài Gòn, 1 973 .

[33] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn. Hà Tiên. Nxb. TPHCM. 1994,

Tr. 185- 187.

[34] Thực lục, Sđd, Tập III, tr.45 và 65.

[35] Như trên, tr.347.

[36] Thực lục, sđd, Tập IX, trang 254-255.

[37] Như trên, Tập XVI, tr. 22.

[38] Như trên, Tập XVII, tr. 185.

[39] Như trên, Tập XXVI, tr.299-305.

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *