Nắng dọi xuống mặt đường. Cây tỏa lá xanh ngắt che chắn cả một khoảng đường đi. Những bầy chim tá túc dưới tán cây đang ríu rít trêu chọc nhau. Chúng rỉa lông cho nhau và thi thoảng quẹt chiếc mỏ nhỏ xíu lên tảng đá bên cạnh thân cây. Tảng đá có vẻ cổ kính, mọc nhiều rong rêu và hoàn toàn nằm trong bóng mát của cây xanh. Đã có một câu chuyện dài giữa cây và đá mà chỉ những cây cổ thụ, những chú chim nay đã gần đất xa trời mới biết câu chuyện ấy. Nhiều loài chim và côn trùng tá túc dưới tán cây và nô đùa cạnh tảng đá không vì nơi ấy mát mẻ hơn những tán cây khác, nhưng vì chúng đã được nghe kể lại câu chuyện của cây và đá. Dường như chúng cũng mong muốn điều gì đó…
Ngày ấy cây mới là hạt giống nhỏ xíu dưới lòng đất. Chẳng biết cớ sự nào đã làm rơi hạt giống nhỏ xíu xuống đây. Có thể do một bác nông dân nào đó cố tình hoặc vô ý chọn hoặc đánh rơi hạt giống vào vị trí này, nhưng có vẻ mọi chuyện là vô tình thì đúng hơn. Bởi xung quanh cây chẳng có cây nào cùng giống loài với nó cả, trơ trọi mình cây giữa bao nhiêu loài cây khác. Hay bởi một cơn gió nào đó thoảng đưa hạt giống đến đây tựa như cuộc đời tầm gửi. Hoặc bởi một chú chim nào đó đã bén duyên cho cây hiện hữu ở chốn này. Có nhiều giả thiết đặt ra nhưng không có giả thiết nào là đúng. Cũng vậy, tảng đá cũng nằm chơ vơ trên mặt đường và ngay phía trên chỗ hạt giống nằm.
Nóng! Từ lòng đất hạt giống nguyền rủa tảng đá, bởi không được gieo xuống đủ sâu để hưởng trọn sự ẩm ướt và dưỡng chất của đất, mà lại gần cạnh chỗ tảng đá nằm. Độ nóng của đá dưới ánh nắng mặt trời tỏa ra một lượng nhiệt lớn ảnh hưởng tới những bãi cỏ xung quanh cũng gần như chết khô, trong đó có cả hạt giống. “Bác đá ạ! Bác có thể vui lòng nhích xa chúng tôi chút xíu được không?” Bác đá gãi đầu phân bua: “Tôi cần phải có ai đó lăn đi giúp, chứ làm sao tôi có thể tự lăn đi được!”. Những phàn nàn mỗi ngày thêm nặng nề. Có những chỗ cỏ vàng úa và sắp chết khô cố gắng thoi thóp van xin đá: “Bác ơi! Bác rời đi giúp!”. Đá chỉ biết thinh lặng. Tự ngẫm về sự hiện hữu của mình, đá tự hỏi: “Tôi có ích gì cho đời này? Cớ sao tôi lại được đặt ở đây, giữa một vùng trơ trọi. Cớ sao không là một vùng núi đá xa xôi nào đó, nơi mà tôi được hoan hỉ hợp đoàn?” Đá dằn vặt cắn rứt, trách mình rồi… lại quay lại trách mình. Một cảm thức vô dụng khó tả vực lên trong tâm thức của đá.
Nảy mầm. Hạt giống tới ngày nảy mầm. Nằm ngay dưới tảng đá, hạt giống chẳng hiểu vì sao mình lại lên mầm nhanh như vậy. Chỉ sau hơn một tuần được gieo xuống và không được ai chăm bón cũng như tưới tắn, nhưng mầm vọt lên nhanh như thổi. Vừa vươn lên chút xíu thì mầm xanh phát hiện mình nằm giữa nhúm cỏ đã chết khô vàng úa. Mầm xanh tự hiểu đời mình. Bác đá mở mắt nhìn mầm xanh mỉm cười. Mầm xanh nhắm mắt lại không muốn nhìn nữa. Trong phút nhắm mắt mầm thấy mình đang khóc. Khóc tức tưởi. Trời cho mầm sự sống, cho hiểu biết đoán trước vận mệnh mình. Đá kia nóng hổi giữa trưa làm chết bao nhiêu thực vật xung quanh, còn mầm xanh thì đâu là gỗ đá. Trong những ngày được đất bọc dưỡng, mầm đã cảm thấy bực bội bởi hơi nóng của đá dù cách một lớp đất. Nay trực diện đối mặt mới thấy khó chịu biết nhường nào.
“Chào bạn mầm bé nhỏ!” Bác đá mở lời chào mầm xanh trước. Mầm chẳng mở mắt nhìn, hồi sau đáp lại vài từ cụt lủn: “Câm đi! Kẻ tàn ác!”. Đá im ru. Mầm im ru. Mặt trời lên đỉnh điểm, mầm bắt đầu khó chịu với cái nóng kinh khủng từ tảng đá tỏa ra. “Trời ơi! Kiểu này tôi chết chắc!”. Bác đá buồn rầu chẳng đáp tiếng nào. Màu xanh non lá đang nhuốm sang màu nâu vì bị cháy. Quá trưa đến chiều những đỉnh lá non của mầm đã gần như cạn kiệt. Mầm cảm giác mọi sức lực bị sức nóng từ đá lan ra đã hút trọn vẹn chẳng còn gì sót lại. Có chăng sống hết đêm này rồi mai tụ đoàn đám cỏ cháy quanh mình thôi.
Khóc! Đá ước mình có thể khóc. Khóc để có những giọt nước tắm cho mầm xanh. Cố nhăn mặt, ép hai mí mắt cũng không khóc được. Đá tìm cho mình xúc cảm về một kỷ niềm buồn xa xưa cũng không thể lục lọi bất cứ điều gì. Đá đang nỗ lực dù mầm xanh không biết. Mầm chỉ gặm nhấm cái chết dần chết mòn của mình trong tủi hổ và buồn bã và chẳng đoái hoài chút nào tới đá.
Sáng hôm sau, mầm mở mắt ra vẫn biết mình còn sống. Mớ lá đã cháy còng queo phía đầu. Đối diện trước mầm là tảng đá to đùng. Mầm thấy đá vội nhắm mắt xoay đầu hướng khác. Giữa trưa cái nắng lại tiếp tục thiêu đốt. Mầm xanh không chịu nổi, đã cất lời nguyền rủa chứ không kiệm lời như hôm qua nữa: “Bác đá này! Sao bác ích kỷ và tàn nhẫn đến thế?” Bác đá vội hỏi: “Sao cháu nói bác như thế?” Trong tức tưởi mầm xanh nói một tràng thật dài: “Bác ích kỷ vì bác chỉ biết có mình bác thôi! Bác đâu để ai sống cạnh mình. Bác tỏa hơi nóng khiến bao nhiêu loài cỏ cây quanh bác đều chết khô. Bác nhìn tôi xem, nay mai rồi tôi cũng chết như thế thôi. Bác ích kỷ khi các thảm cỏ van xin bác rời đi mà bác chẳng chịu rời. Bác bảo bác không tự lăn được thì sao bác không nhờ người đi đường lăn giúp, như thế là bác có ý cố hữu ở đây để giết chúng tôi có phải không? Bác tàn nhẫn bởi thấy chúng tôi – những thực vật sống quanh bác- lần lần ra đi mà bác vẫn vui vẻ sống chẳng đoái hoài tới chúng tôi. Tôi và bác có thù hằn gì với nhau mà bác không cho tôi một con đường sống”. Đá im bặt trong đau đớn. Không nói nên lời.
Mưa. Mưa tầm tã. Mưa xối xả. Trong vài giờ cả cánh đồng ngập lênh láng nước. Những cây cỏ và lúa không trụ được đã nổi lềnh bềnh. Xác bao nhiêu côn trùng trên mặt đất cũng đang lềnh bềnh. Mọi thứ đều ngập trong biển nước. “Bựt!” mầm xanh nghe có cảm giác nhói ở phần rễ. “Bựt!” lần thứ hai mầm xanh đã bị giật khỏi mặt đất, thân mầm bị bứng lên một khúc rồi nằm bềnh trên mặt nước. Mầm chỉ kịp la: “Á! Cứu!” Vừa kêu vừa quay tìm ai có thể giúp mình. Chỉ thấy mỗi bác đá. Mầm xanh định im bặt không kêu cầu bác đá vì nhớ lại những điều đáng ghét bác đá đã gây ra, mầm cũng nhớ những lần nguyền rủa bác đá nặng lời nhưng những lần ấy… bác chỉ im bặt. Phải chi bác ấy đáp một lời thì bây giờ mầm xanh mở lời cũng đỡ thẹn thùng hơn. Có vẻ mầm xanh chuyển từ thái độ kiêu hãnh ban đầu sang thái độ ngượng ngùng xấu hổ. Bác đá vừa thấy mầm xanh bựt gốc đá vội la toáng lên: “Bám vào thân của bác!”. Mầm xanh trong phút thẹn thùng nghe bác đá không ngừng kêu. Mầm xanh cố cùng vẫy mớ rễ yếu ớt nhỏ xíu của mình cựa quậy cố sờ được thành đá sần sùi. Có những sợi rễ đã bị đứt vì cứa phải cạnh bén của đá, mầm xanh thét lên: “Đau quá! Đau quá bác ơi!”. Bác đá vẫn thất thanh: “Ráng lên! Bám vào thành mặt bằng của bác để cháu không bị trôi đi”. Mầm cố quăn queo chùm rễ, cuối cùng đụng được mặt ngang sần sùi của đá, mầm ráng hết sức níu vào những chỗ sần sùi ấy. Bác đá vội nói: “Ráng giữ lại! Đợi vài giờ nước rút hẳn buông rễ ra!”. Mầm chỉ thẹn thùng thinh lặng, thi thoảng có tiếng lí nhí: “Bác tốt vậy sao!”.
Trời chạng vạng. Nước rút. Mầm buông lỏng bộ rễ rớt “phịch!” xuống mặt đất. Mỏi khủng khiếp. Rã rời thân mình. Có những chỗ lá bị dập và phía đọt gần như gãy ngọt sớt. “Cháu có sao không?” Bác đá hỏi to. Mầm cố gượng trả lời: “Cháu không sao bác ơi! Cám ơn bác giữ cháu lại!”. Mầm chợt giật mình vì mình vừa nhỡ cám ơn… kẻ mà mình ghét cay ghét đắng. Nhưng thôi lỡ cám ơn rồi cũng không sao. Đêm xuống nhanh. Mầm chưa kịp tìm chỗ đất mềm đâm rễ xuống sau trận mưa, mầm thấy mình lạnh lẽo và đau đớn khủng khiếp. Bác đá vội bảo: “Nép sát chân thành đá, bác chắn cho cháu!”. Mầm co ro cả đêm dưới thành đá. Hơi nước ẩm tỏa lên ngai ngái khó chịu, nhưng đá hấp hết vào mình để mầm không còn cảm giác khó chịu. Nhìn mầm ngủ ngon lành, đá vui mừng khôn xiết.
Mấy ngày sau mầm dần hồi phục. Bộ rễ đã bám chắc hơn trên mặt đất nhưng lần này mầm chọn chỗ bám rễ cạnh bác đá và nghiêng theo chiều nghiêng của đá. “Cháu làm gì vậy? Không sợ chết khô à? Sao mọc gần bác vậy?” Mầm xanh cười: “Bác đã cứu cháu mà!”. Sau trận mưa lớn hôm đó cũng là khởi đầu mùa mưa. Ngày nào cũng có những cơn mưa tắm mát cho mầm xanh và bác đá. Nắng có chói chang và nóng gắt nhưng cơn mưa lại khiến cả hai dịu lại. Thảm thực vật xung quanh cũng mọc lại và vui đùa với mầm và bác đá. Mầm phát triển nhanh chóng thành cây xanh trưởng thành. Chỉ mấy tháng mùa mưa mà cây đã phủ cả tảng đá và thảm cỏ xung quanh tảng đá. Giờ thì thân cây uốn cong theo chiều nghiêng của đá và bám rễ chắc nịch. Bác đã vui vẻ giữ cho đất được yên và rễ cây được cố định. Cây cứ thế vươn cao vươn cao. Mấy mùa mưa lại về có những đám rêu xanh đã mọc lên trên bác đá. Có những cây xanh sống bám đã tựa vào thành đá mà sống. Chim, bướm và các loại côn trùng lại kéo về chung sống dưới tán cây và bác đá.
Cây đã khôn lớn và tự hỏi: “Nhờ đâu mình có được hôm nay?” Vòng suy nghĩ của cây luẩn quẩn khiến cây thấy ân hận vô vàn. Những lời trách cứ bác đá là lời khắc sâu làm tổn thương bác đá. Buổi tối, khi mọi sinh vật chìm vào giấc ngủ, cây thì thào gọi bác đá, bác trả lời trong cung giọng âm trầm của tuổi cao niên khó ngủ. “Bác ơi! Cháu cám ơn bác! Cháu trách lầm bác rồi!”. Cây rỏ nước mắt hòa màn sương đêm ướt cả tảng đá và thảm cỏ. Cây đã hiểu nguyên cớ hạt giống nảy mầm là nhờ sức nóng của bác đá hợp với hơi ẩm của đất. Cây đã hiểu những thảm thực vật không chết vì nóng, nhưng mùa khô chúng thích nghi bằng cách sống dưới bộ rễ và mùa mưa thì vươn lên xanh tốt. Cây hiểu vấn đề không vì bác đá không kêu người đi đường lăn đi giúp nhưng vì bác nói người ta không nghe được, chỉ có thế giới loài vật ngỡ như vô tri mới nghe được tiếng của bác mà thôi. Cây hiểu bao lần bác đá bảo vệ mình khỏi sự tấn công của chim chóc đến đe dọa mầm xanh non nớt, cụ thể là thoát chết qua trận mưa ngập lênh láng năm ấy. Cây hiểu vấn đề rắc rối không bởi bác đá mà bởi chính mình. Chỉ khi cây chịu lớn lên mới che được bác đá khỏi cái nóng, che được mảng cỏ dưới kia và che chắn cho bao nhiêu chim chóc, sinh vật sống dưới lòng đất. Điều quan trọng hơn hết là cây đã hiểu không phải bác đá không chịu thay đổi, nhưng do cây có chịu thay đổi cái nhìn nên tích cực hơn, để cây trở nên yếu tố sinh động, như bác đá đã góp phần, hay không mà thôi. Cuối cùng, cây nhận ra sự hiện diện của mình cũng như của bác đá không là vô tình, mà bởi sự sắp đặt của Tạo Hóa muốn cây và đá ở cạnh nhau.
Little Stream