2. Những Tia Sáng Hi Vọng Hướng Về Tương Lai Tốt Đẹp
Có thể nói, xét ở khía cạnh lý trí, hiện nay trong lúc dịch bệnh vẫn đang còn bùng phát mạnh mẽ mà lại đề cập đến chuyện tương lai, xem ra là điều có phần hơi ‘vội vàng’ và không được phù hợp lắm. Tuy nhiên, có lẽ sự hi vọng sẽ không bao giờ là điều thừa, ngay cả khi phải ở trong những hoàn cảnh thách đố cùng cực, bởi nó sẽ giúp con người tìm thấy sức mạnh để chiến đấu với những khó khăn hiện tại, cũng như lạc quan để tái thiết cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ở đây, người viết xin trình bày ‘những tia sáng hi vọng hướng về tương lai tốt đẹp’ dưới ánh sáng của Giáo hội Công giáo cách chung, cũng như được cụ thể qua các Giáo huấn của Học thuyết xã hội Công giáo. Đối với Học thuyết Xã hội Công giáo, có 4 nguyên tắc nền tảng và tâm điểm là: (1) Nguyên tắc phẩm giá con người; (2) Nguyên tắc công ích; (3) Nguyên tắc bổ trợ; và (4) Nguyên tắc liên đới. Những nguyên tắc này, diễn tả toàn bộ sự thật về con người theo sự nhận biết của lý trí và đức tin, được khai sinh từ: “Cuộc gặp gỡ giữa thông điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng được tóm tắt trong giới răn tối thượng về lòng mến Chúa và yêu người trong công lý, với những vấn đề phát sinh từ đời sống xã hội”.[1] Dựa trên nền tảng và sự soi sáng của 4 nguyên tắc này trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cũng như những gì đang diễn ra trong thực tế, ta có thể rút ra những bài học hết sức ý nghĩa và cần thiết để thắp lên niềm hi vọng hướng về tương lai tốt đẹp.
Phẩm giá của con người không chỉ hệ tại ở những gì người ta ‘có’, mà còn hệ tại ở điều người ta ‘là’. Mỗi người thể khác nhau ở cái người ta ‘có’ như: Kinh tế, địa vị, điều kiện an sinh xã hội, môi trường sống… nhưng vẫn bình đẳng với nhau ở cái ‘là’: Phẩm giá thánh thiêng mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, và không điều gì có thể làm mất đi phẩm giá cao quý này, bởi con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cách cụ thể, điều này được hiểu dưới 3 khía cạnh:[2] (1) Nhân phẩm là bản chất thiết yếu của con người, nối kết linh hồn và thể xác. Chỉ con người mới có khả năng siêu nghiệm để vươn đến siêu việt, có lương tâm bất khả xâm phạm và có ý chí tự do; (2) Phẩm giá thể hiện qua việc con người là từng ngôi vị độc đáo riêng biệt có lý trí và liên đới với mọi người khác, giống như mầu nhiệm Ba Ngôi. Khía cạnh này thể hiện trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội; (3) Phẩm giá con người thể hiện qua việc được ban cho cai quản và chăm sóc thế giới. Bên cạnh đó, Công đồng Vatican II trong phần nói về giáo huấn xã hội của Giáo Hội, đã ra hẳn một tuyên ngôn nói về điều này: Dignitatis Humanae (Phẩm giá Con người). Theo Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo (GLHTCG) khẳng định phẩm giá cao quý của con người như sau: “Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người là “có khả năng hiểu biết và yêu mến Tạo Hóa” (x.GS 12,3). Con người là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ (x.GS 24,3); chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”.[3] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng: “Trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, con người chính là trọng tâm và linh hồn của tư duy xã hội Công giáo”.[4] Chính vì thế, con người dù ở trong hoàn cảnh thách đố nào đi nữa, cũng không thể mất đi phẩm giá linh thiêng và cao quý của mình. Trong thực tế, khi nhìn vào những gì đang diễn ra có thể thấy được rằng, mặc dù không diễn tả trực tiếp bằng lời cụ thể như những gì được trình bày trong các Giáo huấn của Xã hội Công giáo ở trên, nhưng phẩm giá và sự sống cao quý của con người vẫn luôn đặt lên hàng đầu qua những hành động cụ thể: Các nước sẵn sàng chịu thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế để bảo vệ sức khỏe và sự sống cho con người, đặc biệt tại những nơi có dịch bùng phát như đã nói ở phần trước. Và đây chính là cơ sở và nền tảng để thắp lên tia sáng hi vọng cho nhân loại giữa ‘đêm tối’ đang bủa vây để hướng về một tương lai tốt đẹp và yên bình sau những sóng gió chênh vênh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, vấn đề công ích hay lợi ích chung đang được đặt lên hàng đầu. Học thuyết xã hội Công giáo nhấn mạnh rất nhiều tầm quan trọng của công ích, nhằm đảm bảo quyền lợi và cuộc sống ấm no cho tất cả mọi người: “Công ích – tức là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”,[5] hay “công ích” là “tất cả các điều kiện cần thiết giúp con người đạt được sự phát triển toàn diện”[6]. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công ích[7], đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò cộng tác của mỗi người vì lợi ích chung: “Các bạn đừng sống riêng lẻ hay khép kín, như thể các bạn đã được công chính hóa rồi, nhưng hãy hợp lại để cùng tìm kiếm lợi ích chung”.[8] Cách nào đó, khi nhìn vào tất cả những gì mà Thế giới đang nỗ lực làm, ta có thể hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Cụ thể như việc các nước sẵn sàng chịu thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế để ngăn dịch bệnh và giảm thiểu số người chết vì dịch bệnh bằng cách: Giảm hoặc ngừng sản xuất, giao thương kinh tế và đi lại giữa các nước hạn chế tối đa… để giảm nguy cơ lấy bệnh. Cách nào đó, điều này quả thật là hiếm khi xảy ra trong dòng lịch sử phát triển của nhân loại, khi cả Thế giới như ‘dừng lại’, bỏ qua các lợi ích về mặt kinh tế và rất nhiều lợi ích khác, để cùng nhau nhắm đến một mục tiêu duy nhất là ngăn chặn và dập tắt đại dịch Covid-19, nhằm đảm bảo cuộc sống an bình cho mọi người.
Có thể nói, con người cách nào đó luôn sống liên đới và hỗ trợ nhau ít nhiều trong cuộc sống, nhưng dường như phần lớn chỉ dừng lại ở khía cạnh vật chất. Trái lại, sự liên đới giữa con người với nhau trong bối cảnh đại dịch là một điều hết sức đặc biệt, hơn cả vật chất, điều đó còn có ý nghĩa là sống vì nhau và cho nhau. Theo giáo huấn của Học thuyết xã hội Công giáo, sự liên đới, đặc biệt trong những lúc nguy nan, được xem như một nhân đức:“Chắc chắn rằng sự liên đới là một nhân đức Kitô giáo”.[9] Theo Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo: “Nguyên tắc liên đới, còn được gọi là nguyên tắc của “tình thân nghĩa” hay “bác ái xã hội”, là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo”.[10] Trong bài viết “The Meaning of Solidarity in Catholic Social Teaching”, tác giả Gerald J. Beyer cho rằng:[11] Liên đới đã trở thành một khái niệm trung tâm trong đạo đức Kitô giáo, có nền tảng dựa trên Thánh kinh – đặc biệt là lệnh truyền của Chúa Giê-su là: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Bên cạnh đó, tác giả cho rằng bản chất của sự liên đới trong giáo huấn xã hội Công giáo có 3 khía cạnh chính yếu: (1) Liên đới mang tính nhân học; (2) Liên đới như một mệnh lệnh đạo đức, và (3) Liên đới như một nguyên tắc được cụ thể hóa trong các chính sách và thể chế lập pháp. Trong số các khía cạnh này, yếu tố nhân học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện mối liên đới giữa con người với nhau, vì ‘không ai là một hòn đảo’. Sự liên đới được thể thiện cách cụ thể như: Hợp tác với nhau để tìm ra vắcxin chống dịch – đến nay đã có hơn 170 nước tham gia kế hoạch nghiên cứu vắcxin ngừa Covid-19 trên toàn cầu[12], chia sẻ lương thực, hỗ trợ tài chính, trang thiết bị y tế, chia sẻ các kinh nghiệm phòng chống dịch… những việc làm ý nghĩa này thực sự là một động lực để thắp sáng lên niềm hi vọng cho nhân loại để hướng về một tương lai tươi sáng hơn.
Liên đới là một trong những điều quan trọng và có một ý nghĩa rất đặc biệt trong đời sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Theo quan điểm của Giáo huấn xã hội Công giáo, việc sống cho nhau và giúp nhau thắp lên niềm hi vọng là sứ mạng chung của tất cả mọi người, đặc biệt đối với người người môn đệ bước theo Đức Kitô: “Vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”.[13] Và hơn thế nữa Giáo hội còn nhấn mạnh: “Vận mệnh tương lai của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hi vọng”.[14] Có thể nói, Giáo hội luôn bước đi với mọi người và cho mọi người qua việc mang niềm hi vọng đến cho Thế giới, đây cũng chính là sứ mạng và trách nhiệm của cá nhân mỗi người chứ không của riêng một ai. Đặc biệt đối với người Kitô hữu, sự hi vọng còn hướng họ đến cuộc sống mai hậu trên Quê trời: “Hi vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy”.[15] Theo Rubén A. Gaztambide-Fernández, cho dù chúng ta áp dụng nguyên tắc liên đới như thế nào đi chăng nữa, thì nên nhớ ba khía cạnh quan trọng này: Luôn luôn đặt trong mối tương quan với người khác, đòi hỏi mỗi cá nhân phải ý thức về bổn phận với người khác, phải có sự dấn thân bằng hành động nhằm mang đến điều tốt đẹp cho tất cả mọi người không phân biệt.[16] Nói cách khác, liên đới không phải là một điều gì đó trừu tượng hay mang tính lý thuyết, mà là sự ý thức tính thuộc về nhau và sống vì nhau một cách cụ thể trong đời sống. Trong gian nan và thách đố, cả nhân loại đang chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn, đây sẽ là một điểm tựa vững chắc để sự hi vọng có thể được thắp sáng lên.
Paul Khuê,S.J.
[1] X. Compendium of the Social Doctrine of the Church (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo), Libereria Editrice Vaticana (2004), số 160.
[2] X. Alejo José G. Sison, Ignacio Ferrero, and Gregorio Guitián, “Human Dignity and The Dignity of Work: Insights from Catholic Social Teaching,” Business Ethics Quarterly 26, no. 4 (2016), tr. 503.
[3] X. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012, số 356.
[4] X. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Bách Chu Niên – Centesimus Annus (1991), 11: AAS 83 (1991), 807
[5] X. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Giáo hội trong Thế giới ngày nay – Gaudium Et Spes, bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X (1965), số 26.
[6] X. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Hiền mẫu và Tôn sư – Mater et Magistra,” (1961), số 65.
[7] X. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012, các số 1905 – 1912.
[8] Ibid, số 1905.
[9] X. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Quan Tâm Đến Vấn Đề Xã Hội – Sollicitudo Rei Socialis (1987), số 40.
[10] X. Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Hà Nội, nxb Tôn Giáo, 2012, số 1939.
[11] X. “The Meaning of Solidarity in Catholic Social Teaching” (Gerald J. Beyer).
[12] X. TTXVN/Vietnam, “Hơn 170 nước tham gia kế hoạch vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu,” vietnamplus.vn (24/08/2020), link https://www.msn.com/vi-vn/news/techandscience/h%c6%a1n-170-n%c6%b0%e1%bb%9bc-tham-gia-k%e1%ba%bf-ho%e1%ba%a1ch-v%e1%ba%afcxin-ng%e1%bb%aba-covid-19-tr%c3%aan-to%c3%a0n-c%e1%ba%a7u/ar-BB18jvnq
[13] X. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục Vụ Giáo hội trong Thế giới ngày nay – Gaudium Et Spes, bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X (1965), số 1.
[14] Ibid, số 31.
[15] Ibid, số 21.
[16] EDT Rubén A. Gaztambide-Fernández , University of Toronto, “What is solidarity? During coronavirus and always, it’s more than ‘we’re all in this together,” The Conversation (14.04.2020), link https://theconversation.com/what-is-solidarity-during-coronavirus-and-always-its-more-than-were-all-in-this-together-135002
Hơn lúc nào hết, lúc này thế giới cần phải liên đới với nhau. Và phải coi trái đất này như một “ngôi làng” mà ở đó mỗi quốc gia hay mỗi tổ chức,… đều là người hành xóm thân thiết với nhau trong cùng ngôi làng đó.
Cầu mong qua cơn Đại dịch này, Thế giới thực sự tỉnh thức và sống tình liên đới với nhau.