Dâng hiến sáng tạo (19)

III. NHỮNG MẦM MỐNG ẤU TRĨ

Những người lo âu, xao xuyến

Chúng ta sống trong thời đại hạt nhân, trong một thế giớ đầy dị ứng, lo âu, sợ hãi. Sự xao xuyến, lo sợ và căng thẳng dần dần thấm nhập vào văn hóa kỹ thuật của chúng ta, mà chúng ta không thể chống cưỡng lại được. Ít nhất chúng ta cũng có thể học sống hữu hiệu hơn với hoàn cảnh đó. Sự sợ hãi và xao xuyến như hình thức tâm bệnh, trong khi làm tê liệt nhân cách, có thể ngăn cản hành động của ân sủng trong tâm hồn. phần lớn việc điều ứng của con người cốt ở việc tránh xa hay xoa dịu sự sợ hãi và sự áy náy có tính cách tâm bệnh.

Chúng ta dùng chữ sợ hãi (fear) để chỉ sự thoái hồi hay phản ứng lẩn trốn trước sự đe doạ của những đối tượng xác định, hoàn cảnh, con người hay sự vật. Tự nó, sợ hãi là một xúc cảm lành mạnh, có tính kích động và có thể được coi như phương thế bảo vệ đối với những thứ nguy hiểm. Nhưng sự sợ hãi không kiểm soát được có thể tai hại đối với sức khỏe tâm thần hay thể xác, hơn bất cứ loại kinh nghiệm nào khác. Sự sợ hãi có thể hòa lẫn với giận dữ và tạo nên sự thất đoạt* (frustration); sự thất đoạt kéo dài có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự hội nhập của nhân cách.

Sự xao xuyến (anxiety)căng thẳng (tension) cốt ở một tình trạng tâm thần sợ hãi liên tục và dai dẳng, nhưng không có liên hệ rõ rệt với một vật, một người hay một nơi nào. Sự xao xuyến là một cảm tưởng bất hạnh đang đe dọa và biểu lộ bằng một sự thiếu tự tin trước một hoàn cảnh nguy hiểm mà người ta sợ có thể xảy ra. Tình trạng áy náy thường rất lờ mờ và có thể mô tả như những tâm tình thiếu xác tín và bất ổn. Có một sự khác biệt giữa sợ hãi, áy náy thông thường và những hình thức bệnh hoạn của chúng. Đối diện với một cơn nguy biến, con người bình thường thấy sợ, nhưng một sự sợ hãi tương ứng với sự nghiêm trọng của trường hợp. Nếu sự đe dọa rất nhỏ, thì sự sợ hãi hay xao xuyến cũng tương đối nhẹ nhàng. Nơi một con người bình thường, các phản ứng sợ hãi rất hữu ích và có mục đích bảo vệ, chớ không gây xáo trộn đến độ làm cho họ mất hết khả năng tự vệ. Các phản ứng sợ hãi và áy náy bình thường được đặt dưới sự kiểm soát của ý thức và không bao gồm những sự ức chế quá đáng hay vô hiệu

Triệu chứng bất an

Trước khi cứu xét các tình trạng tâm bệnh sợ hãi và xao xuyến, thật hữu ích khi quan sát một vài thái độ chứng tỏ có tình trạng áy náy và những căng thẳng tiềm ẩn. Những hiện tượng có tính chất thần kinh này không nhất thiết đưa đến tâm bệnh nhưng người ta có thể thấy nơi đó dấu hiệu của một sự bất ổn nội tại và nếu kéo dài hay trở nên nghiêm trọng hơn, thì sẽ đưa đến nguy hại.

Chứng nói lắp hay ấp úng vào những lúc chán nản hay mệt nhọc thần kinh chứng tỏ có những căng thẳng bên trong và nơi người lớn, thường có những tập quán nguồn gốc lâu đời. Nếu tu sĩ mang chứng tật này sau khi vào tu, thì có thể đi tìm nguyên nhân nơi việc thích nghi đối với tập thể và có thể sửa đổi phần nào. Nếu nó bắt đầu từ lúc nhỏ thì có thể do một sự xáo trộn thể lý kéo dài, cả khi những nguyên nhân sơ khởi đã bị loại trừ.

Thường xuyên cảm thấy lộn xộn trong tư tưởng và do dự trong ý tưởng vào những lúc chán nản mệt nhọc, chứng tỏ tình trạng xao xuyến rất nguy hại. Khi tập quán sợ hãi đưa đến một sự xáo trộn trong tư tưởng, thì nó hoạt động ngược lại chức năng đích thực của nó, là bảo vệ khỏi sự thiệt hại.

Một tu sĩ thường xuyên bực dọc khi mệt mỏi, kèm theo sự bất lực không thể biểu lộ tâm tình hay thích nghi tâm tình vào hoàn cảnh, có thể bị chi phối quá nhiều bởi những căng thẳng nội tại. Một tu sĩ luôn thấy mình trong tình trạng áy náy xao xuyến, thường sống phó mặc cho các thái độ sợ hãi, vốn làm giảm sút hiệu năng của mình như một ngôi vị.

Nhiều tình trạng thể lý và tác phong có liên hệ với các sự căng thẳng mãnh liệt và sợ hãi. Một tu sĩ luôn mệt mỏi mà không thấy nguyên nhân nào ở cơ thể thì chắc bị sự sợ hãi và áy náy của mình khống chế cả trên bình diện thể lý lẫn tâm thần. Những tâm tình xao xuyến, tự chúng làm ta kiệt sức và một tu sĩ bị các tâm tình sợ hãi thống trị không thể tránh cảm thấy mệt nhọc thường xuyên. Các thái độ sợ hãi thường đi đôi với những sự chú tâm quá đáng vào tình trạng sức khỏe; bởi thế, một tu sĩ có thể hành hạ chính mình vì những sự đau yếu: kém mắt, đau đầu, nhức mỏi, và những hiện tượng khác theo sau sự áy náy. Những sự xao xuyến này làm cho họ trở thành bực dọc, giao động trong cách ứng xử, thiếu kiên nhẫn khi làm việc và hay thay đổi trong các công việc đạo đức. Mối bận tâm về các tật bệnh làm họ bất kể đến người khác. Tật hay nói đi nói lại, gõ nhịp trên bàn, khua tràng hạt, cắn móng tay… các điều này cho thấy một tinh thần áy náy và căng thẳng.

Sự giao động thấm nhập khắp nơi trong văn hóa chúng ta và tu sĩ sẽ khó tránh hấp thụ một vài ảnh hưởng của môi trường đó. Nhưng nếu biết khước từ các phiền muộn vô ích thì cũng giúp bảo đảm sự bình an nội tâm; điều này phòng ngừa được sự mệt nhọc không cần thiết nơi tinh thần cũng như thể xác.

Tất cả những trạng thái mà chúng ta vừa mô tả (nhất là tâm tình xao xuyến) biểu lộ những xung đột cảm xúc. Sự hiện diện của một hay hai triệu chứng này có thể không quan trọng mấy, nhưng khi số lượng gia tăng, hay khi người ta nhận thấy nhiều điểm lệch lạc về thần kinh, thì biết rằng đương sự vướng phải cơn bệnh xao xuyến.

Các xáo trộn tâm thể lý

Căng thẳng là hình thức thông thường của sợ hãi và áy náy. Trong những giai đoạn căng thẳng, người ta có thể thấy các hậu quả thể lý cách trực tiếp. Một vài xáo trộn như: các chứng dị ứng (allergies), tăng huyết áp, hen suyễn, mụn nhọt và nhức đầu được gọi là tâm thể lý bởi vì chúng có liên hệ với các cảm xúc và thường liên quan đến tình trạng sợ hãi. Các hậu quả thể lý của sự căng thẳng kéo dài có thể trầm trọng.

Sự xao xuyến tâm bệnh

Những người bình thường xử lý các sự thất đoạt, xao xuyến và sợ hãi nho nhỏ một cách suông sẻ. Những tu sĩ có xu hướng tâm bệnh thì bị hoang mang, giao động quá mức khi đối diện với hoàn cảnh. Sự xao xuyến tâm bệnh thì vô lý và không có đối tượng. Nếu một tu sĩ luôn bận trí vì tim đập mạnh, đổ mồ hôi quá nhiều, vì đau đầu hay những cơn bệnh thể lý khác, đến độ không thể làm việc bổn phận, thì người ấy là nạn nhân của một sự xao xuyến bệnh hoạn. Những tu sĩ áy náy quá mức thì không thể đương đầu với các biến cố của đời sống hằng ngày một cách thích hợp.

Áy náy tâm bệnh không có một nguyên nhân thực sự: hoặc một vật hay một hoàn cảnh đang đe dọa; nó là hậu quả của những nhu cầu tâm linh căn bản chưa được giải quyết. Một sự thiếu an ninh sâu thẳm, một sự thiếu vắng tình thương, thiếu được nhìn nhận và thiếu thành công đưa đến một tình trạng xao xuyến tổng quát. Chúng ta gặp lại ở đây mối tương quan rất ý nghĩa giữa các nhu cầu căn bản và sự hội nhập của nhân cách. Sự xáo trộn cảm xúc mà người tu sĩ áy náy nhận thấy vì một sự thất bại vô nghĩa trong khi dạy học, trong khi lao động hay trong bất cứ địa hạt nào đòi họ phải cố gắng, bắt nguồn từ một sự bất an sâu thẳm nào đó. Những phản ứng cực đoan đối với bệnh tật hay các biến cố cực nhọc cho thấy một con người chất đầy xao xuyến.

Các úy kỵ (phobias)

Nhiều khi sự sợ hãi gắn liền với một sự vật hay một hoàn cảnh xác định: người ta gọi tình trạng đó bằng tên úy kỵ (phobia). Các úy kỵ hay sợ hãi ám ảnh là những sự sợ hãi thường xuyên, vô lý và không thể cưỡng lại, đối với sự vật hay biến cố xác định; đó là những sự sợ hãi hoặc hoàn toàn hoặc phần nào không thể giải thích được, vì thiếu nền tảng khách quan. Phải biết rằng mọi úy kỵ đều do kinh nghiệm mà đến, bởi đó có thể giáo dục những người mắc bệnh đó, ít nhất một phần nào, nhờ lối ám thị và soi sáng họ về các nguyên nhân thực sự của căn bệnh. Chế nhạo họ hay lý luận với họ đều là những phương thế vô hiệu nghiệm.

Ám ảnh (obsession)

Một loại xao xuyến thông thường nơi các tu sĩ là hình thái sợ sệt có tính chất ám ảnh, được bộc lộ qua tác phong bối rối. Ám ảnh là những ý tưởng ngoan cường và kỳ dị mà đương sự không có khả năng kiểm soát hay xua đuổi. Các tư tưởng bối rối mày có thể chỉ có tính cách tạm thời vào lúc đầu và rất dễ đẩy lui. Sau đó nó có thể làm cho tu sĩ phải vất vả bằng cách ảnh hưởng trên tác phong. Cứ trở đi trở lại và càng lúc càng thêm ám ảnh, các tư tưởng này sẽ xâm chiếm đời sống của bệnh nhân và người ấy tìm đủ mọi cách để giải thoát, như bằng các “nghi thức trừ tà”, các cử chỉ xua đuổi, nhưng vô ích. Những người bị ám ảnh cố gắng làm dịu bớt nhu cầu an ninh đang hành hạ họ bằng một cuộc sống rất đều hòa. Rất tỉ mỉ về phương diện trật tự và sạch sẽ, họ thường có tham vọng áp đặt các tật xấu của mình cho người khác. Người tu sĩ bị ám ảnh thì cứng nhắc, đòi hỏi và không dung thứ đối với những ai không phù hợp với các nguyên tắc của họ.

Mặc cảm tội lỗi (guilt feelings)

Chứng tật luôn luôn rửa tay, tẩy rửa mọi sự vì sợ vi khuẩn, sợ đụng chạm một vài vật vì chúng không “sạch” nhiều khi là những phản ứng tiêu biểu cho những mặc cảm tội lỗi và những hình thái xao xuyến. Lặp đi lặp lại một công việc, đếm đi đếm lại các vật sở hữu để sắp xếp chúng trong một trật tự khắt khe, cũng thuộc về loại trên. Các công việc vô ích này đem đến một sự dịu bớt tạm thời nhưng lại tạo nên nhu cầu mới là cứ làm lại một động tác. Giữa các đòi hỏi ám ảnh và các sinh hoạt vô lý để xoa dịu, có một cái vòng lẩn quẩn.

Người bối rối không thể phân biệt giữa tội trạng thực sự và mặc cảm tội lỗi. Những người bình thường, được lương tâm và tinh thần trách nhiệm hướng dẫn, quan niệm những công việc xấu của họ như là xấu; ý thức về điều đó, họ dùng các phương tiện để sửa mình và đền bù những thiệt hại. Những người bối rối thì luôn bị khuấy phá bởi mặc cảm tội lỗi, vốn là những phản ứng cảm xúc đơn thuần và hậu quả của những ảnh hưởng vô thức và những dồn nén quá mạnh. Lý luận của người bị ám ảnh nói cho họ biết là họ có tội, vì họ cảm thấy có tội, nhưng lắm khi cũng không biết là tội gì. Mặc cảm tội lỗi xuất phát từ những tình trạng xao xuyến mù mờ và thường được xác định bởi các cảm xúc hơn là những dữ kiện trí tuệ của ý thức. Cũng như các tình trạng áy náy khác, sự bối rối và mặc cảm tội lỗi vốn là đặc điểm của nó, là những dấu hiệu thiếu trưởng thành tâm lý, không ích lợi cho tiến bộ thiêng liêng. Trường hợp các tu sĩ bối rối cho thấy một thí dụ rõ rệt về các hậu quả tai hại của ấu trĩ tâm lý trên sự tăng trưởng thiêng liêng và sự thánh thiện cá nhân. Những lương tâm tế nhị thì biết phó thác cho sự trông cậy chứ không phải cho sự sợ hãi.

Thúc động (compulsions)

Ám ảnh thì quy về các tư tưởng dai dẳng và loạn tâm; còn xung động (động lực thúc bách) quy về nhu cầu vô lý và không thể cưỡng lại là cần phải thực hiện một vài hành động. Hai thứ có những điểm chung, nhưng cũng có loại ám ảnh mà không có xung động hay thúc bách.

Người tu sĩ xung động (compulsive) có thể cảm thấy bị thúc giục đóng hết mọi cửa sổ và kiểm soát mọi cửa ra vào, mỗi buổi tối, mặc dầu không có phận sự gì. Hay khi tối về phòng, thì sắp xếp quần áo cẩn thận, chu đáo, cả khi mất rất nhiều thời giờ cho những công việc vô ích và mệt nhọc này. Một dấu hiệu áy náy có tính cách thúc bách khác là nhu cầu ghi hết mọi điều mình phải làm ngày mai trong một quyển sổ tay. Và sáng hôm sau thì mất hàng giờ kiểm soát sổ sách để xem mình có làm đúng hay không và nếu không thì nguy to! Người tu sĩ xung động thường bị thúc đẩy hối hả chạy quanh, và làm một số điều vào phút cuối trước khi đi đâu đó, và bởi thế cũng làm cho các bạn đồng hành phải khổ tâm chờ đợi.

Người tu sĩ xung động trở nên bối rối, ương ngạnh, họ rất tỉ mỉ trong các tiểu tiết. Họ cố gắng xếp đặt, kiểm soát tất cả trong đời sống và không để điều gì xảy đến bất thần. Sự hồn nhiên và thay đổi làm họ khổ cực. Họ biến đổi tác phong của họ thành một thứ máy móc tuyệt đối như một cách bảo vệ an ninh: đối với họ, đó là cách sống duy nhất. Họ còn muốn áp đặt cách sống của mình cho kẻ khác. Đặc điểm của họ về phương diện thiêng liêng, là sống theo quy luật của riêng mình chứ không theo quy luật chung, mặc dầu để bảo đảm hơn, họ cố gắng xây dựng những dự định riêng tư vào trong khuôn khổ của cộng đoàn. Bởi đó, họ thường bất công trong những lời phê bình đối với những ai không chấp nhận đường lối khắt khe của họ; và họ quên rằng nhân đức tuân thù cách cực đoan biến thành tật xấu.

Những người xung động dễ bị ảnh hưởng bởi các công việc dị đoan (tử vi, đoán mò, bói quẻ v.v…) trong khi quên rằng những việc hão huyền này nghịch hẳn với các nguyên tắc cứng nhắc của họ.

Thường những tu sĩ xung động có thể tuân thủ kỷ luật đời sống chung mà không khổ cực lắm, bao lâu người ta không đòi hỏi họ điều gì đặc biệt. Cách chung họ có cách hành động đặc biệt của họ và không thể thay đổi. Nếu người ta đụng chạm tới thói quen của họ hay khi họ trải qua một cơn khủng hoảng, phải đau yếu hay gặp tai nạn, thì họ lại dễ mất tinh thần và lắm khi không thể trở lại bình thường được. Sau cơn bệnh, sự xáo trộn cảm xúc ngăn cản họ làm việc lại một cách bình thường. Một sự thay đổi, những đau khổ hay bệnh tật bất ngờ có thể làm cho họ gặp một cơn khủng hoảng xao xuyến trầm trọng.

Phương thuốc chữa những cơn bệnh sợ sệt

Sau đây là một vài đề nghị hữu ích để vượt thắng các mối lo sợ.

Trước tiên, nếu người ta sợ một vật hay một hoàn cảnh nào thì nên liên kết các ý tưởng vui thích với điều lo sợ để làm cho nó hấp dẫn hơn.

Thứ hai, một sự hiểu biết rõ hơn về những điều làm khiếp sợ có thể hiệu nghiệm. Cách chung, chúng ta có khuynh hướng sợ điều chúng ta không biết.

Thứ ba, khuyến khích người áy náy thực hành một vài động tác thích hợp như: bơi lội, lái xe, đá bóng là những động tác có thể giúp họ thắng sự sợ nước, sợ đi xa và sợ cạnh tranh.

Trực tiếp đối diện với các hoàn cảnh mình sợ cũng có thể hữu ích. Một tu sĩ khiếp sợ bệnh ung thư có thể an tĩnh hơn khi học biết các phương thế để khám phá nó đúng lúc. Biết các sự việc rõ ràng hơn cũng có thể làm giảm bớt áy náy. Khi người ta biết trước điều gì sẽ xảy đến và chuẩn bị kỹ lưỡng, thì người ta ít cảm thấy căng thẳng. Thường thì một tu sĩ hoạt động và luôn có việc thì không bị các sự xao xuyến dày vò và những người biết mình muốn gì, thì quá thích thú với công việc của mình nên không thể bị xao nhãng vì các sự sợ hãi có tính cách băng hoại. Nguyên nỗ lực thắng vượt khó khăn cũng đủ làm giảm bớt khá nhiều các sự xao xuyến đi theo nó. Càng tiêu hao sức lực để đương đầu với khó khăn, người ta càng ít lo sợ phải gặp chúng.

Trong một buổi thuyết trình cho các tu sĩ, một nhà chữa trị tâm lý nổi tiếng (sau này là tu sĩ Chartreux) Dom Verner Moore, có khuyên bảo thính giả của ông hãy hướng về sự toàn thiện và một đời sống thiêng liêng sâu đậm, không phải bằng cách cố gắng trở thành những vị thánh, nhưng cố gắng thực hiện ý muốn Thiên Chúa. Đó là một cách chứng tỏ: tu sĩ phải chú trọng đến Chúa nhiều hơn nghĩ đến mình. Người ta có thể đi đến sự thánh thiện bằng những phương thế sai lầm, những phương thế bị đồng hóa với các động năng điều chỉnh bệnh hoạn, mặc dầu xem ra như chúng có tốt lành cách nào chăng nữa. Muốn đạt đến toàn thiện bằng cách chú trọng quá đáng về mình, người ta có thể nuôi dưỡng những động năng thích ứng tai hại hay củng cố những thứ đã có trước. Sự trưởng thành tôn giáo của chúng ta được đo lường bằng mức độ tiến triển trên một nền tu đức hướng về Chúa Kitô bằng cách cắt đứt những bận tâm vị kỷ của chúng ta.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *