IV. THÍCH ỨNG CÁ NHÂN
Chấp nhận và từ rẫy
Những cách thức chấp nhận và từ rẫy người khác thì có nhiều và một vài thứ rất tinh vi. Nên biết rằng người ta có thể chấp nhận một người nào nhưng không tán đồng những khuyết điểm của người ấy. Sự chấp nhận và từ rẫy là những hình thức tương quan cá nhân tích cực và tiêu cực. Như chúng ta đã thấy, diễn tiến tích cực thì thuận lợi cho việc tăng trưởng cá nhân hơn thể thức tiêu cực với toàn những lời trách móc. Cách thức quở trách cũng diễn tả thái độ chấp nhận hay khước từ của chủ thể. Khiển trách người nào một cách vô tư nghĩa là không có dấu hiệu giận dữ là chấp nhận con người trong khi loại trừ lỗi phạm.
Khi lời trách cứ được biểu lộ mà không có đam mê, thì có sự phân biệt giữa lỗi phạm và tình cảm. Đương sự không cảm thấy bị từ rẫy. Những sự sửa lỗi với lòng hiền hòa thì có lợi, còn khi có đam mê xen vào thì thường không ích lợi gì, vì lúc đó người ta chỉ còn giữ lại cái cảm tưởng của một sự bực dọc. Sự phân biệt này thật căn bản. Những lời được nói ra mà không có sự giận dữ thường đi xa hơn. Cách nói năng và hành động của chúng ta bộc lộ sự chấp nhận hay từ rẫy nhiều hơn là điều chúng ta nói hoặc làm. Sau đây là một vài ví dụ về cách diễn tả sự chấp nhận trong một cộng đồng.
Những câu chuyện hướng về điều làm cho người khác vui thích, về các ước vọng và hy vọng của họ mà không có dấu hiệu kiêu kỳ, thì đương nhiên tỏa chiếu nhiệt tình và tiếp nhận. Cũng thế, đón nhận người khác theo bản tính của họ, mà không quở trách họ để uốn nắn họ theo một khuôn mẫu tiền chế, chứng tỏ một sự chấp nhận đích thực.
Làm cho một người hiểu, bằng thái độ và tác phong của chúng ta, rằng: người ấy hoàn toàn có khả năng tự điều khiển là một cách chấp nhận người ấy trong sự thật và trong tinh thần Kitô giáo.
Khi một tu sĩ trẻ rủi ro làm rách một quyển sách hay làm hư một cái tủ, thì bề trên có thể khiển trách hoặc ra hình phạt. Đó là thói quen, vốn thường được chấp nhận trong đời sống cộng đồng. Nhưng thái độ của bề trên và bề dưới sau đó là một “trắc nghiệm” về sự chấp nhận hỗ tương. Tương quan của họ sau khi sửa lỗi, vẫn như trước hay có một hàng rào giữa nhau. Nếu sau biến cố, bề trên cũng vẫn tử tế như trước, thì nơi vị ấy, sự chấp nhận cá vị không thay đổi. Nhưng sự chấp nhận có hai chiều. Tu sĩ bị quở trách cũng phải nhận lỗi và không để cho hận thù len lỏi vào trong thái độ đối với bề trên.
Gương mẫu của bề trên quan trọng biết bao! Chính thái độ của hai người sau biến cố, cho thấy cấp độ của sự chấp nhận đích thực.
Điều này cũng đúng trong trường hợp bất hòa giữa hai tu sĩ. Chấp nhận là sự nhanh nhẹn mà họ chứng tỏ để giao hòa với nhau, sau khi đã xin lỗi nhau. Đa số chấp nhận công thức nhưng không nhất thiết chấp nhận người sử dụng công thức. Chính vẻ lạnh lùng đối với kẻ khác chứng tỏ sự khước từ chấp nhận kẻ khác, mặc dầu khuyết điểm của họ. Trong thực tế sự chấp nhận hỗ tương được biểu lộ bằng thái độ và cách thức nhiều hơn là bằng lời nói.
Đức ái đích thực được nhận thấy cách tốt đẹp nhất qua thể thức chúng ta chấp nhận kẻ khác. Lịch sự tối thiểu mà tương quan xã hội đòi buộc không phải là dấu hiệu của đức ái. Lịch sự qui về văn tự của lề luật chớ không phải tinh thần bác ái. Các tương quan nhân loại dựa trên “lịch sự” hơn là trên đức ái và việc chấp nhận kẻ khác thì hoàn tất lề luật theo văn tự chớ không có gì khác.
Đến mức độ nào chúng ta có thể chấp nhận một người mà không chú trọng đến khuyết điểm của họ? Đó là dấu hiệu để đo lường đức ái của chúng ta đối với người ấy.
Tình thương của Chúa Cứu Thế
Suốt cả quảng đời công khai, Chúa Cứu Thế không ngừng dạy bảo rằng: đức ái cốt yếu là sự chấp nhận mỗi người vì phẩm cách của họ. Chúa Cứu Thế yêu Gioan, mặc dầu Gioan trẻ tuổi và có phần nào “lệ thuộc”. Ngài đã yêu Phêrô mặc dầu tính bốc đồng và hấp tấp của ông. Chúa yêu Tôma mà đức tin đã nghiêng ngả. Chúa không tìm cách biến đổi nhân cách của các đồ đệ trước khi chấp nhận họ như những con người. Người thâu nhận họ với cá tính của họ, rồi sau đó làm cho họ lớn dần bằng tình yêu và gương sáng của Người. “Được chấp nhận” là điều cho phép ta, vào lúc thuận tiện, trở thành những Kitô hữu dũng cảm và giá trị. Phúc âm ghi lại biết bao nhiêu lần gặp gỡ của Chúa Cứu Thế trong đời sống công khai của Người. Người chứng tỏ đã chấp nhận người phụ nữ ngoại tình như thế nào, bằng cách bênh vực bà và tha thứ cho bà với tất cả lòng nhân hậu, khi những người tố cáo bà đã bỏ đi. Người chấp nhận dùng bữa tại nhà Simon với các người Biệt phái, mặc dầu Người biết họ sẽ không chấp nhận Người. Họ quá kiêu hãnh để có thể chấp nhận Người! Họ bị đóng khung trong sự kiêu căng và cuồng tín của mình. Nhiều lần Chúa Giêsu đã quở mắng họ vì sự ngoan cố và thiếu thông cảm của họ, trong khi họ tự cho mình là mẫu mực của việc tuân giữ lề luật mà không có đức ái đích thực bên trong. Chúa còn gọi họ là mồ mả tô vôi. Thật kinh khủng! Sự chấp nhận kẻ khác mà không kể đến lỗi lầm hay hoàn cảnh của họ là một trong những bài học bác ái lớn nhất mà Chúa Cứu Thế để lại cho chúng ta. Nhưng đó cũng là một trong những trở ngại lớn nhất ngăn cách người biệt phái với Chúa Cứu Thế.
Tình yêu đích thực được thúc đẩy bởi các nguyên động siêu nhiên và sự chấp nhận đối với từng người, nhờ một sự thấu hiểu trưởng thành về tâm lý, đó là những đặc tính thiết yếu của đức ái Kitô giáo chân chính.