Dâng hiến sáng tạo (34)

VI. HƯỚNG DẪN TÂM LINH

Chúng ta hiểu thế nào là hướng dẫn (hay tư vấn)? Vấn đề thật căn bản cho đời sống tu trì. Có thể nói, sự phồn vinh và sa sút của một cộng đồng tùy thuộc nơi đó.

Từ ngữ “hướng dẫn” (counseling)* có thể hiểu theo một nghĩa rất rộng, để chỉ một hình thức trợ giúp, khuyên bảo, giải thích hay trong một nghĩa rất hẹp, đặc biệt dành cho khoa tâm lý trị liệu. Trong mọi trường hợp, mục đích cũng chỉ là một, giúp đỡ một người nào đó.

Hướng dẫn theo nghĩa rộng

Nếu hiểu theo nghĩa rộng, hướng dẫn (tư vấn) viên là bất cứ ai chuyên lo trợ giúp kẻ khác về phương diện tinh thần bằng một hình thức thông giao liên vị nào đó. Khi một tu sĩ cho người đồng bạn mượn một quyển sách chẳng hạn, thì kẻ ấy không làm công việc hướng dẫn mặc dầu tự bản tính, sách vở có thể giúp ích cho người bạn. Mặt khác, một tu sĩ kiên nhẫn nghe một đồng bạn tả lại bầu khí khủng khiếp của một kỳ thi chẳng hạn; bên ngoài kẻ ấy xem ra không cho bạn gì cả nhưng trong thực tế và theo đúng nghĩa, thái độ của kẻ ấy có thể là một sự “hướng dẫn”. Bằng cách lắng nghe thuật lại những cảm xúc của người bạn, kẻ ấy không cho bạn một điều gì, nhưng cho bạn chính mình. Trong cuộc sống, hai cách cho này đều có thời gian và vị trí của chúng, nhưng phải hiểu đúng bản chất của chúng. Nếu một tu sĩ cần một cục xà phòng, thì việc bề trên có lắng nghe hay không, ít có ý nghĩa, nếu không cho điều họ cần: họ cần bánh xà phòng chứ không cần một người biết nghe cách lịch sự. Một tu sĩ đến mượn máy vi tính của một đồng bạn; người này có nghe họ cách chăm chỉ cũng vô ích; nếu họ không mượn được máy vi tính, thì vẫn cảm thấy bị thất đoạt.

Điều ngược lại cũng hoàn toàn vô lý như vậy. Một tu sĩ đến gặp bề trên, vì đang căng thẳng và muốn bề trên giúp ra khỏi tình trạng này. Nếu bề trên cho y viên thuốc đau đầu và khuyên đi ngủ sớm thì thật là quá dễ! Một tu sĩ khác vì gặp nhiều thử thách trong công việc, nên đến tâm sự với người bên cạnh. Nếu người này trả lời cách tỉnh bơ: “tất cả những thứ đó chỉ là tưởng tượng” và biếu người ấy viên kẹo rồi mời về, thì viên kẹo sẽ hết sức đắng đót cho con người ấy. Những thí dụ trên đây có vẻ kỳ cục nhưng biểu lộ khá rõ ràng thực tại chính xác của các tương quan và trao đổi trong cuộc sống thường ngày. Đời sống tu trì cũng đầy dẫy những thứ vô lý như vậy. Điều cần phải lưu ý là làm sao hiểu biết các nhu cầu nhân linh cách tốt đẹp hơn.

Hướng dẫn theo nghĩa chuyên nghiệp

Trong thế giới chuyên nghiệp của tâm bệnh, tâm lý và giáo dục, “tư vấn” là một kỹ thuật tâm lý trị liệu với mục đích giúp đỡ thân chủ biết định hướng và ổn định nhân cách của mình. Chữa trị tâm thần bằng phương pháp hướng dẫn đặc biệt chú ý đến việc giải quyết các giao động tâm cảm nơi người bình thường hay các xáo trộn quan trọng hơn nơi những người mắc bệnh tâm thần. Có nhiều thứ “hướng dẫn trị liệu” như: phân tích, giáo dục cá nhân hay tập thể v.v… Chúng ta chỉ đề cập đến “hướng dẫn” theo một nghĩa rộng: tiến trình thông giao liên vị, nhờ đó một người cố gắng giúp người khác đang gặp vấn đề cá nhân hay xung đột. Việc hướng dẫn trị liệu được đặt trong một khung cảnh bệnh viện và chỉ có thể thực hiện bởi một chuyên viên. Công việc hướng dẫn theo nghĩa rộng liên quan đến tất cả mọi người, vào một lúc nào đó. Tất cả chúng ta đều được mời gọi thi hành chức năng cố vấn trong những việc rất nhỏ. Người tu sĩ trong một cộng đồng luôn chung sống và làm việc với anh, chị em mình trong các nhóm nhỏ, thường gặp những trường hợp tương tự. Có nhiều thái độ và yếu tố khả dĩ làm cho việc hướng dẫn trở thành hữu hiệu, trong khi một số khác làm nó phải thất bại. Nhiều khi những giao tiếp với mục đích bác ái và thiện chí có thể không đem lại lợi ích nào trong việc làm nhẹ bớt một giao động cảm xúc nếu không nói là còn làm nặng hơn.

Sự trợ giúp hữu hiệu

Đây là một vài suy nghĩ thực tiễn về cách tốt đẹp nhất để giúp đỡ nhau trong đời sống cộng đồng. Những sự thất bại trong lãnh vực này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết hơn là thiếu thiện chí. Không phải luôn dễ dàng để thẩm định điều gì đáng làm hơn trong một vài trường hợp nhất định: cho lời khuyên hay chỉ chú ý lắng nghe? Thời gian, kinh nghiệm và sự cởi mở đối với kẻ khác sẽ làm cho cảm năng (sensitivity) của chúng ta bén nhạy hơn trước những nhu cầu sâu xa nhất của người khác. Một tu sĩ muốn có những chỉ dẫn chính xác, muốn biết về các phép tắc trong nhà hay biết cách sử dụng một khí cụ, đương nhiên mong đợi những câu trả lời thích đáng. Nhưng chắc chắn không phải một lời khuyên hay một chỉ dẫn có thể làm thỏa mãn một tu sĩ bị xâu xé vì áy náy, buồn nản hay những giao động cảm xúc. Nói chuyện với họ, giải thích hay khuyên bảo, không làm cho họ bớt lo âu. Bởi thế chúng ta hiểu chữ hướng dẫn như sự kiện sẵn sàng giúp đỡ hơn là ý tưởng ban phát một dịch vụ. Chúng ta có thể là người hỗ trợ kẻ khác bằng cách đi vào tương quan liên vị với họ. Điều này giúp họ cởi mở và bộc lộ chính mình.

Cố gắng giúp đỡ một tu sĩ áy náy bằng cách đem đến cho họ của cải vật chất thì vô ích, bởi vì một tu sĩ bị xáo trộn trong đời sống tâm cảm thì không van xin vật chất; họ yêu cầu kẻ khác giúp đỡ họ, cứu chữa họ; điều này không phải là ban phát một sự cứu trợ hay đồ tiếp tế. Trợ giúp, nâng đỡ một người là muốn thông hiệp với người ấy trên mức độ tâm cảm*. Ban phát cứu trợ có thể là cung cấp những chỉ dẫn hay đồ dùng cần thiết. Một tu sĩ áy náy, trầm uất và cần được nâng đỡ, không chấp nhận một sự trao đổi thuộc trật tự ý thức hệ nhưng ở cấp độ tâm cảm. Những lời khuyên lơn, chỉ bảo, thay vì làm dịu bớt sự căng thẳng có thể làm cho nó gia tăng, bởi vì khuyên lơn nhủ bảo là những tư tưởng thuộc lãnh vực trí tuệ, trong khi sự căng thẳng, băn khoăn, suy nhược là những xúc cảm, những hình thức năng động vốn phải được hiểu đúng theo bản tính của chúng trước khi các ý tưởng thiện hảo có thể được tiếp nhận.

Cách giải quyết hoàn toàn có tính cách trí tuệ đối với một tu sĩ căng thẳng, âu lo và suy nhược, diễn tả một thứ tinh thần tự cao kẻ cả nào đó. Và bởi thế càng làm cho bệnh nhân thêm khổ cực. Để có thể hiểu được các ý tưởng, giải thích sự căng thẳng của mình, bệnh nhân cần cảm thấy sự nồng nhiệt của tiếp đón và chấp nhận; cần cảm thấy rằng một người khác thật sự hiện diện với mình. Người tu sĩ muốn giúp anh chị em mình cần phải chứng tỏ cho kẻ ấy thấy sự sẵn sàng của mình qua thái độ dịu dàng, khả ái, nhất là đến với kẻ ấy mà không có thái độ tự vệ nào.

Một tu sĩ bị xáo trộn trong đời sống tình cảm, căng thẳng, yếu nhược, không thể thẩm định giá trị của những lời khuyên cho đến khi các xúc cảm giảm đi và họ có thể suy nghĩ cách hợp lý về những vấn đề của mình. Điều cốt yếu là phải nhận biết cách xử sự nào tốt nhất tùy theo trường hợp và hoàn cảnh. Nhiều khi chúng ta có những cách nâng đỡ kẻ khác rất lạ lùng. Một tu sĩ giải thích cho bề trên là họ cảm thấy đuối sức và chắc cần ngủ thêm vài giờ. Bề trên đồng ý cho phép, nhưng đồng thời cho người ấy biết là còn phải giao cho y một số công việc khác nữa. Kẻ bất hạnh ra về, hoàn toàn thất đảm về điều mình vừa nghe nên không thể chợp mắt vào những giờ ngủ thường lệ, còn nói gì đến các giờ phụ trội. Một thí dụ khác: một đồng nghiệp yêu cầu bạn giải thích cho y một bài toán. Bạn sẵn sàng chấp nhận nhưng đồng thời còn nhắc cho người kia rằng, họ rất là lầm lẫn để đương đầu với những điều phức tạp như thế trong khi không có đủ phương tiện. Lời giải thích cuối cùng này giết chết lợi ích của lời trước bằng cách gieo rắc tâm tình bất an nơi kẻ khác.

Chúng ta có thể nói chuyện, làm việc, giải trí với kẻ khác, sống với họ từ sáng đến chiều mà không cố gắng giúp ích cho họ một cách rõ rệt. Và có thể một vài hoàn cảnh không đòi hỏi gì khác ngoài các tương giao hoàn toàn vô thưởng vô phạt; nhưng nếu chúng ta muốn làm ích cho kẻ khác, nếu chúng ta có hoàn cảnh để làm điều đó với tư cách bề trên, giám đốc, thầy dạy hay bạn hữu, thì nên suy xét coi cần phải có những cách thế nào và thái độ tinh thần nào. Cũng cần khám phá những tâm tình và thành kiến cá nhân hay bất cứ điều gì khác có hại cho những ý hướng thiện hảo của chúng ta. Một tu sĩ được bề trên hay anh em nâng đỡ trong đức ái, thì có thể cảm thấy nhiều mức độ thông hiệp hay thay đổi nơi bản thân. Nếu có một sự thay đổi nào đáng kể nơi người ấy: bình an, hiểu biết thực tại nhiều hơn, thay đổi tác phong, thì luôn luôn tùy thuộc những hoàn cảnh thuận tiện và thiết yếu cho những tương quan tốt đẹp.

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *