Dâng hiến sáng tạo (6)

TỰ NHIÊN VÀ ÂN SỦNG

Đời sống tôn giáo[1] trong cơ bản là một sự tăng trưởng trong ân sủng. Con người tôn giáo được ban cho các trợ lực thiêng liêng để thấm nhuần ánh sáng Thiên Chúa và phát huy chính mình nhờ các ân huệ siêu nhiên. Nhưng các quyền lực siêu nhiên này chỉ là một khía cạnh trong sự kết hợp giữa linh hồn và thể xác, chúng được bổ túc bởi các năng lực xuất phát từ những yếu tố thể lý. Vai trò siêu nhiên của con người mật thiết gắn liền với các tài nguyên tự nhiên của nó.

Những khả năng tinh thần và thể xác được biểu lộ và kết hợp với nhau để xây dựng một hiện hữu tốt đẹp hầu đem lại lợi ích tối hậu cho con người toàn diện. Sự hoàn thiện và trưởng thành ở mức độ tự nhiên phải giúp phát huy đời sống thiêng liêng. Sức khỏe tâm thần phải làm cho tu sĩ cởi mở hơn đối với các chuyển động của ân sủng. Sức khỏe tâm thần tiên vàn quy về việc phát triển các năng khiếu tích cực của tinh thần và các tập quán tâm não* thuận lợi cho sự tăng trưởng của con người trong ân sủng. Nó cũng giả thiết sự hiểu biết những mô hình tâm não nào phải tránh, trong mức độ mà chúng làm phương hại đến sự thiện cao hơn của chính mình cũng như của kẻ khác.

Trưởng thành tâm lý và tăng trưởng thiêng liêng

Sự lớn lên trong đời sống thiêng liêng và trong trưởng thành tâm lý đều được xây dựng trên một thứ thành thục*, lão luyện nào đó như một hữu thể nhân linh và cả hai còn tuỳ thuộc những tương quan nhân loại. Chiều sâu đời sống thiêng liêng của mỗi người tùy thuộc vào sự viên mãn của các tương quan đối với Ngôi vị Chúa Kitô. Sự trưởng thành tâm lý mật thiết gắn liền với sự hội nhập cá vị và các tương quan hữu hiệu đối với người khác. Sự phát triển thiêng liêng và tâm lý của tu sĩ hệ tại ở việc luôn hướng về Chúa Kitô và tha nhân, chứ không phải tách lìa khỏi hai đối tượng đó.

Tiến trình này cốt ở hành động hơn là lẩn tránh, gia tăng hơn là giảm thiểu, yêu mến hơn là thù hận. Nói cách khác, sự toàn thiện thiêng liêng và sự trưởng thành tâm lý đều hướng tới một mục đích giống nhau, nhưng bằng những con đường khác nhau; tuy nhiên, cả hai điều hướng về hữu thể của con người hơn là vô thể.

Từ đó, các phương tiện tích cực thì thích hợp với sự tăng trưởng thiêng liêng và tâm lý hơn là các phương tiện tiêu cực. Nếu cần biết điều gì phải tránh, thì trái lại cũng cần biết điều gì phải làm, và biết rõ các giá trị nội tại cũng như ngoại tại, các tương quan, ý tưởng, tâm tình, cảm xúc và chọn lựa phải có. Mọi tu sĩ phải học biết mình là gì, mình có khả năng làm gì và sống ra sao để có thể trở thành một nhân cách toàn nhập*, sáng tạo, liên tục tăng trưởng trong ân sủng và tự nhiên, hướng đến Chúa Kitô. Bởi đó, họ cần phải biết các tập quán và cơ chế tâm não* nào làm phương hại đến sự hội nhập này và giảm thiểu hiệu năng của chính họ như một hữu thể nhân linh và như một tu sĩ. Họ cũng phải hiểu cách sống chủ quan nào có thể giúp họ bảo đảm sự thích nghi của mình vào đời sống thực tế.

Vai trò của Tâm lý

Tâm lý học thì cổ xưa như con người, nhưng những tìm tòi gần đây cung cấp nhiều hiểu biết mới về tác phong con người. Với những cái nhìn mới này, người ta nhấn mạnh nhiều hơn đến sự phức tạp cũng như tính duy nhất của ngôi vị. Vì công việc của chúng ta là ở trong môi trường đời sống hiện đại, vậy tốt nhất là tu sĩ có được mọi trợ giúp để đáp ứng nhu cầu. Những người mà chúng ta tiếp xúc trên mọi nẻo đường tông đồ, đã bị tràn ngập bởi đủ loại thông tin về tâm lý dưới dạng bình dân, người tu sĩ vì thế cần phải biết phân định giữa sự kiện và hư cấu trong khoa học mới này, cho dù là chỉ để đương đầu với những vấn đề người ta đem đến cho mình. Khoa Tâm lý hiện đại có thể đem nhiều lợi ích đáng kể, nhất là cho các tu sĩ, mà ơn gọi đặc biệt là phải làm việc với nhiều hạng người khác nhau.

Lợi thế chính của Sức khỏe tâm thần là nó hoàn toàn phù hợp với lý tưởng Kitô giáo. Sự thích ứng và trưởng thành tâm lý không đòi buộc điều gì nghịch lại với đức hạnh chân chính. Sư thăng tiến trong đời sống đức hạnh được trở nên dễ dàng nhờ những cơ năng tâm thần lành mạnh và sự thích ứng tâm lý rất cần thiết để tiến triển trong đời sống thiêng liêng. Đó là nền tảng tự nhiên thứ nhất để xây dựng siêu nhiên.

Sự tiến triển trong đời sống thiêng liêng không nhất thiết phải bị ngăn trở vì một sức khỏe thể lý yếu kém nhưng nó bị ngăn trở vì một tình trạng tâm thần không lành mạnh. Sự thiếu thích ứng cá vị làm suy yếu việc chú tâm vào những giá trị cao hơn. Người tu sĩ thiếu thích ứng về phương diện tâm lý thì quá bận tâm về chính mình, quá lo lắng về các nhu cầu của riêng mình, để có thể hoàn toàn tập trung chú ý vào Chúa Kitô. Những giao động hay “chấn động cảm xúc” (emotinal upsets / chocs émotionnels) ngăn cản không cho họ thấu hiểu các chân lý thần khải. Và từ đó cũng hạn chế sự triển nở của đức ái thần linh nơi họ. Một tu sĩ bị chìm ngập trong ám ảnh, bối rối, thúc bách và mơ mộng hay những hình thức căng thẳng thần kinh khác, không thể hiểu được ý nghĩa của sự siêu thoát đích thực, tinh thần khó nghèo, tình yêu tha nhân và nhất là hạnh phúc của tình yêu Thiên Chúa. Họ không được “tự do để tự hiến” hay “siêu thoát”: những đòi hỏi cấp thiết nơi các nhu cầu riêng tư làm tê liệt quá nhiều sự tự do của họ, nên họ không còn thời giờ và rảnh rỗi để nghĩ đến điều gì khác ngoài chính mình họ. Các nhu cầu riêng tư của họ thật quá khẩn cấp nên họ phải mất hết sức lực để đương đầu với chúng. Để có thể yêu mến, cần phải được tự do. Đời sống thiêng liêng thiết yếu hệ tại ở việc lớn lên trong tình yêu và tự do đối với chính mình. Người tu sĩ thiếu thích ứng sa lầy trong các sự cùng khốn nội tại; họ sống trong tình trạng hỗn loạn, vốn là nguyên nhân gây phương hại lớn lao cho bình an tâm hồn

[1] Thuật ngữ: “Đời Sống Tôn Giáo” (Religious Life /Vie religieuse) được sử dụng trong bản dịch trước tiên theo nghĩa rộng: việc tôn thờ Thiên Chúa trong đời sống của con người hoặc sinh hoạt tôn giáo của người tín hữu cách chung; từ đó thuật ngữ này cũng được hiểu theo nghĩa hẹp và thường dùng: “đời sống tu trì, đời sống dâng hiến của những người từ bỏ thế tục để hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa và anh em, đặc biệt dưới hình thức khấn dòng”.

* Những từ có đánh dấu * sẽ được người dịch chú thích ở cuối tài liệu, trong phần Tự vựng (Glossary).

Kiểm tra tương tự

Giới thiệu sách mới: VÂNG PHỤC TRONG ĐỜI TU – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA LINH ĐẠO I-NHÃ

Sự vâng phục là một trong ba lời khấn mà các tu sĩ phải tuân …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *