Đàng thánh giá năm 2020 – Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện

ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ

HƯỚNG TỚI SỰ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN

Mở đầu:

Chủ sự: Anh chị em thân mến,

Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta là một “người trẻ ở giữa những người trẻ để làm gương mẫu cho người trẻ và để thánh hiến họ cho Thiên Chúa” (Christus Vivit (CV) số 22). Người không chỉ là Thầy, là Chúa, mà Người còn là bạn của người trẻ nữa. “Đôi cánh tay Người dang ra trên thập giá là dấu hiệu hùng hồn nhất cho thấy Người là một người bạn thực sự hết mình:“Người yêu thương những kẻ thuộc về Người còn ở trần gian, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). (CV số 118).

Nói theo ngôn ngữ của Thánh Gio-an tông đồ thì: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).

Một trong những cách ‘thí mạng vì anh em’ là, sẵn sàn đáp lại lời mời gọi của HĐGMVN là:  “Các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi” của họ. [1]

Xin Chúa vì cuộc Vượt Qua vinh thắng của Con Một Chúa, mà chúng ta suy niệm nơi Đàng Thánh Giá này, ban cho Chương trình Mục vụ Giới trẻ của Giáo Hội, cách riêng của Giáo Hội Việt Nam có được kết quả tốt đẹp theo thánh ý Chúa. Và xin cho các Ki-tô trẻ, dù đang sống trong một thời đại có nhiều thời cơ mà cũng lắm nguy cơ, họ vẫn có thể thấm nhuần và can đảm thực hành các bài học của Đức Giê-su nơi Đàng Thánh Giá của Người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

Chặng thứ nhất : Đức Giê-su bị kết án tử hình

Lời Chúa: (Chủ sự) Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: “Ðây là vua các người!”  Họ liền hô lớn: “Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!”  Ông Phi-la-tô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da”. Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. (Ga 19, 14-16)

Suy niệm: (người hướng dẫn) Vì muốn giết cho được Đức Giê-su, người Do-thái đã nhắc khéo ông Phi-la-tô: “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da” (Ga 19,12); các thượng tế thì quyết liệt chối bỏ Người, họ lớn tiếng tuyên xưng lòng trung thành với Xê-da. Còn ông Phi-la-tô thì sao? Thưa, vì danh giá của bản thân, vì áp lực của đám đông dân chúng và các thượng tế, ông đã kết án tử hình Đức Giê-su, mặc dù trước đó ông đã tìm cách tha Người. (x.Ga 19,12).

Ngày nay ở nơi này chỗ khác, có khi ngay tại gia đình. Đức Giê-su vẫn đang bị hiểu lầm, chống đối, loại trừ và xét xử bất công nơi những người trẻ vô tội, bạn hữu của Người. Mong cho mỗi người chúng ta, cách riêng là những người đang có trách nhiệm đồng hành với người trẻ, không mắc phải sai phạm cố chấp như ông Phi-la-tô.

Cầu nguyện: (cộng đoàn) Lạy Chúa Giê-su là Thầy và là Bạn của giới trẻ. Xin giải thoát những bạn trẻ đang bị giam giữ, hành hạ và đối xử bất công. Vì Chúa là Đấng “công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Rm 3,4). Xin cho chúng con luôn biết sống chân thật với hết mọi người, và can đảm bệnh vực và làm chứng cho sự thật. Amen


Chặng thứ hai : Đức Giê-su vác thập giá

Lời Chúa: Vậy họ điệu Ðức Giê-su đi. Người tự mình vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha. (Ga 19,17)

Suy niệm: Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, đã từng cứu người bị áp bức, chữa lành người bệnh tật, và cho cả kẻ chết sống lại. Vậy mà giờ đây, Người phải tự mình vác lấy thập giá, bước đi trong đau đớn, tủi nhục cho người ta đóng đinh mình vào, nghĩa là không còn gì thuộc về mình nữa, kể cả tấm thân chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng người ta ngắm nhìn. (x. Is 53, 2).

Vì yêu nhân loại, Đức Giê-su đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận tôi đòi (x. Pl 2, 6-8), vác lấy thập giá nặng nề là tội lỗi của cả nhân loại, vác đi đến nơi chịu đóng đinh và chết treo trên thập giá đó. “Như thế, cùng với Đức Ki-tô vác thập giá, cùng với Đức Ki-tô chúng ta chịu đau khổ bởi thập giá, nhưng chính thái độ tưởng như “tiêu cực” đó lại là cơ hội để chúng ta được chúc phúc, bởi vì trong đó chất chứa tình yêu cùng hy sinh” [2]. Nhưng buồn thay! có những Ki-tô hữu chỉ thích có nhiều thập giá bằng vàng bạc, hay gỗ đá quý để mang trên mình, nhưng lại  tìm mọi cách có thể, để không phải vác thập giá bổn phận mình mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nhờ xưa Chúa đã vác thập giá của chúng con, mà nay chúng con có công phúc khi vác thập giá của mình. Chúng con cám ơn Chúa. Xin cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ, đang vì tương lai của giới trẻ mà phải vác những thập giá vô hình, nhận ra đó là cơ hội mình được Chúa chúc phúc. Amen


Chặng thứ ba : Đức Giê-su ngã xuống đất lần thứ nhất

Lời Chúa: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng ÐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. (Is 53,5-6)

Suy niệm: Đức Giê-su, người Tôi Trung của Thiên Chúa chấp nhận ngã xuống đất để đỡ nâng chúng ta đứng lên mỗi khi ngã xuống vì phạm tội. Và cho dù chúng ta có sa ngã hết lần này đến lần khác đi nữa, thì “Người vẫn luôn mãi ôm lấy chúng ta sau mỗi lần chúng ta vấp ngã, để giúp chúng ta trỗi dậy và đứng vững. Bởi vì sự sa ngã tệ hại nhất có thể hủy diệt sự sống của chúng ta, đó là khi chúng ta cứ nằm lì ra đấy và không chấp nhận để mình được giúp đứng lên”  (CV số 120)

Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ của thời đại hiện nay, đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm, vô trách nhiệm, nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai … [3] khiến cho nhiều người trẻ đã phải gục ngã ê chề, và phải mang hậu quả là tật bệnh nơi thân xác và tâm hồn suốt quãng đời còn lại, gây tổn thương và thiệt hại cho cả Giáo Hội và xã hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho bài học yêu thương của Chúa thấm nhập vào chúng con, để chúng con không nhìn các bạn trẻ cơ nhỡ lỡ lầm, bằng ánh mắt miệt thị khinh chê,  nhưng biết thương cảm, giúp đỡ và cầu nguyện cho họ. Và xin đừng để họ buông mình theo thế gian, sống như không còn gì để mất, chỉ vì thất vọng về quá khứ của mình. Amen

Chặng thứ bốn: Đức Giê-su gặp Đức Mẹ

Lời Chúa: Ðứng gần thập giá Ðức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Ðây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19: 25-27)

Suy niệm: Mẹ Ma-ri-a luôn đồng hành với Đức Giê-su con của Mẹ trên từng cây số. Mẹ “không lẩn tránh cũng không ảo tưởng, Mẹ Ma-ri-a sát cánh bên đau khổ của Con mình; ngài nâng đỡ Con bằng ánh mắt nhìn và che chở Con bằng trái tim. Ngải chia sẻ đau khổ của Con, nhưng không bị đè bẹp bởi đau khổ ấy. Mẹ Ma-ri-a là người phụ nữ mạnh mẽ thưa tiếng “xin vâng”, là người nâng đỡ và đồng hành, bao bọc và chở che.” (CV số 45)

Ngày nay, Đức Ma-ri-a là mẹ chăm sóc chúng ta, con cái của ngài, trên hành trình cuộc đời vốn thường gặp mệt mỏi và quẫn bách, lo sao để ánh mắt hy vọng không bị dập tắt… Dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế Đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta.”  (CV số 48)

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trao trối chúng con cho Mẹ Ma-ri-a. Xin cho tất cả những ai đang gặp cảnh gian truân, cách riêng là các bà mẹ đang phải lo buồn vì con cái, cảm nghiệm được tình mẫu tử bao la của Người. Và đang khi chúng con say mê kết nối trên điện thoại, xin nhắc nhớ chúng con và các bạn trẻ, mỗi ngày đừng quên nối kết với Mẹ bằng Tràng Hạt Mân Côi. Amen.

Chặng thứ năm : Ông Si-môn vác đỡ thập giá Đức Giê-su

Lời Chúa: Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Ðức Giê-su. (Mc 15, 21)

Suy niệm: Chúng ta không thấy thánh sử Mác-cô ghi một lời nói, hay một hành động nào của ông Si-môn tỏ ra kháng cự những người bắt ông phải vác thập giá đỡ Đức Giê-su. Điều này có nghĩa gỉ? Phải chăng đúng vào lúc Đức Giê-su sức tàn lực kiệt, thì Chúa Cha sai ông Si-môn đến vác đỡ thập giá cho Người, cũng như tại núi Ô-liu trong đêm kinh hoàng Người bị bắt, thiên sứ đã đến tăng sức cho Người (x. Lc 22, 39-43).

Để không thất vọng khi gặp gian truân. Chúng ta cần phải xác tín rằng: Thiên Chúa đã không rời xa, không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả những lúc dường như Người thinh lặng. Khi chúng ta cần Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29,14); Người vẫn ở bên ta dù ta đi tới đâu (x.Gs 1,9)  Người chỉ yêu cầu chúng ta không bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Nhưng cho dù chúng ta đi lạc khỏi Người, “Người vẫn trung thành, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình (2Tm 2,13)  (x .CV số 154).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su. mỗi khi chúng con gặp cám dỗ bị Chúa bỏ rơi. Xin nhắc nhớ chúng con lời Chúa đã hứa: “Ta sẽ không để mặc ngươi, không bỏ rơi ngươi!” (Hr 13,5). Ước gì những ai đang cảm thấy mỏi gối chùn chân trên đường đến với người trẻ, được kiên trì bền chí đến cùng, vì tin có Chúa luôn đồng hành nâng đỡ mọi lúc mọi nơi. Amen.

Chặng thứ sáu : Bà Vê-rô-ni-ca lau mặt Đức Giê-su

Lời Chúa: Người tôi tớ đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. (Is 53, 2-3)

Suy niệm: Khuôn mặt từ bi nhân hậu của Đức Giê-su, xưa nay vẫn được mọi người kính yêu, nể phục. Nay vì lòng độc ác của con người mà khuôn mặt ấy đã ra dị dạng kinh hãi, đến nỗi kẻ qua người lại ai trông thấy cũng khinh chê, che mặt chẳng thèm nhìn. May mắn cho Đức Giê-su! vẫn còn có bà Ve-ro-ni-ca thương cảm, bà đã can đảm bước đến trao tấm khăn cho Người lau mặt, mặc cho bọn lý hình hung hãn cản ngăn.

“Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa” [4]. Ước gì nhờ được Giáo Hội đồng hành hướng dẫn, các Ki-tô trẻ có được sự nhiệt tâm và lòng can đảm để thực thi đức ái như bà Ve-ro-ni-ca.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa bảo vệ và gìn giữ mạng sống con (Tv 41,3). Xin đừng để chúng con ra nhát đảm sợ sệt, mỗi khi đức ái đòi hỏi chúng con phải dấn thân trong cảnh nguy khó. Và xin cho những người trẻ kém may mắn, được trang bị những điều kiện thích hợp, để phát huy những khả năng của họ một cách tốt nhất. Amen

Chặng thứ bảy : Đức Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai

Lời Chúa: Anh em hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường. Hãy làm mọi sự vì đức ái  (1Cr 16,13-14)

Suy niệm: Đức Giê-su phải ngã xuống đất một lần nữa, chỉ vì nhân loại chưa chú tâm đủ đến việc tỉnh thức, cầu nguyện và tập đi đàng nhân đức mỗi ngày một hơn, mà vẫn cứ mải mê đua đòi thể hiện mình, chạy theo các “đường link” do ma quỷ lập ra, nối kết mình với những thực tại vô luân lý và đạo đức Ki-tô giáo.

“Có biết bao bạn trẻ khóc thét vì không ai nghe lời cầu cứu của họ! Thay vào đó, họ phải đối diện với vẻ khó chịu và thờ ơ từ phía những người chỉ muốn tận hưởng hạnh phúc cho riêng mình.” [5] Những người như thế thật đáng trách, vì đã không đồng hành với người trẻ để giúp họ vượt khó, hay cải tà quy chính khi họ vấp ngã trên đường đời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa một thế giới từng ngày biến đổi, xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và khôn ngoan, chọn lựa những gì phù hợp với đường lối Chúa. Và xin cho những ai đang tự hào về khả năng thức thời của mình, đừng quên lời dạy của Thánh Phao-lô: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12). Amen.

Chặng thứ tám: Những phụ nữ Giê-ru-sa-lem khóc thương Đức Giê-su

Lời Chúa: Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Ðức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em”. (Lc 23, 27-28)

Suy niệm “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của các chị” (Lc 23, 28). Lời này giúp chúng ta thêm hiểu biết về Đức Giê-su là, ngay cả khi lâm cảnh ngặt nghèo cần được giúp đỡ xót thương. Người vẫn không thể nào chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13) là Tình Yêu (x.1Ga 4,8).

Thật khó để chúng ta có được lòng trắc ẩn chân thành với người khác, khi mà bản thân đang rơi vào cảnh khổ đau đến vô phương cứu chữa. Ước gì, mỗi người chúng ta thấm nhuần được bài học quên mình của Đức Giê-su, để xứng đáng là nhân chứng tình yêu của Người, và sẵn sàng góp phần hữu hiệu vào Chương trình Mục vụ Giới trẻ của Giáo Hội.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn nhớ lời Chúa dạy: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35), để chúng con sẵn sàng cho đi những gì đang cần đang thiếu, mà không mong được đáp đền. Vì Chúa là Tình Yêu, xin cho những ai đang đồng cam cộng khổ với người trẻ, nhận ra quà tặng tình yêu đến từ ân sủng Chúa. Amen.

Chặng thứ chín : Chúa Giê-su ngã xuống đất lần thứ ba

Lời Chúa:  Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người.  (Gc 1,12)

Suy niệm: Mỗi lần ngã xuống là một lần đau đớn thêm lên, cô đơn sầu khổ thêm nhiều, và cám dỗ buông xuôi lại về trong Đức Giê-su. Người có bỏ cuộc không? Thưa không, Người vẫn trỗi dậy đi trọn đường Thập giá bằng sức mạnh của tình yêu và sự vâng phục ý Chúa Cha.

“Có những lúc tất cả các năng lực tuổi trẻ chúng ta, những ước mơ và lòng hăng hái có thể tàn lụi vì chúng ta bị cám dỗ khựng lại nơi chính mình, nơi các vấn đề của mình, nơi các cảm giác tổn thương và những dằn vặt của mình. Đừng để điều này xảy ra với các con! Các con sẽ già đi trước tuổi đấy!” (CV số 166). Mong sao, gương sáng kiên trì của Đức Giê-su và lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây, giúp chúng ta kiên trì chịu những cơn thử thách đến cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã kiên trì vác thập giá đến cùng, để mở đường cho chúng con về thiên quốc. Xin đừng để chúng con gục ngã giữa đường. Ước gì lời của Thánh Phao-lô: “Không một thử thách nào xảy ra cho anh em, mà lại vượt quá sức loài người” (1 Cr 10, 13a) nên sức mạnh giúp chúng con kiên trì chịu đựng thử thách vì yêu mến Chúa. Amen

Chặng thứ mười : Đức Giê-su bị lột áo

            Lời Chúa: Đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.”  Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Áo xống tôi, chúng đem chia chác, cả áo dài, cũng bắt thăm luôn. Đó là những điều lính tráng đã làm. (Ga 19, 23-24)

Suy niệm: Trước khi tước đoạt mạng sống của Đức Giê-su, lính tráng đã không ngần ngại lột hết cả hai áo của Người ra. Vì muốn phục hồi phẩm giá của con người là con cái Thiên Chúa, mà A-dam và E-và đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng. Đức Giê-su đã phải phơi mình trần trụi “cho chỗ kín bị lột trần, cho chỗ nhục bị lộ ra” (Is 47, 3) trông thật nhơ nhuốc trước bàn dân thiên hạ.

Ngày nay, nỗi sợ hãi và sự trần truị vì tội đã phạm của A-dam và E-và năm xưa (x.St 3,10), vẫn đang phơi bày nơi những thực tại gian ác và âm mưu thâm độc trong cách hành xử nơi con người với nhau. Bằng chứng là khi muốn chiếm hữu, hơn người hay thỏa mãn xác thịt, người ta không ngần ngại ra tay chém giết, cướp giật, giành giật và lột trần chiếc áo nhân phẩm của nhau. Đáng tiếc thay! không ít người trẻ đang là nạn nhân của lối hành xử này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chấp nhận thân mình trần trụi, để phục hồi phẩm giá là con Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của nhau. Nhiều bạn trẻ đã rập theo thói đời này mà đánh mất nhân phẩm của mình, xin Chúa thức tỉnh và dẫn đường chỉ lối, để họ “có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: Cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2) Amen


Chặng thứ mười một :  Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá

Lời Chúa: Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Ðức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ lấy áo Người chia ra mà bắt thăm. (Lc 23, 33-34)

Suy niệm: Thời Đức Giê-su, đóng đinh thập giá là hình thức hành hạ con người cách man rợ, tàn nhẫn và khiếp sợ nhất. Đó cũng là hình phạt dành cho những kẻ phản loạn và những tên cướp khét tiếng. Đức Giê-su “Đấng chẳng hề biết tội là gì” (2 Cr 5,21), nhưng Người đã đón nhận hình phạt đó, để cứu chúng ta khỏi phải chết vì đôi tay đã làm những điều gian ác, và đôi chân đã bước đến những chỗ ô nhơ.  

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta: “Hãy dán mắt vào đôi tay dang rộng của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi.” (CV cố 123) Khốn cho những ai không tin vào lòng thương xót của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu. Vì Chúa đã chịu đóng đinh vào thập giá, xin cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc chúng con. Xin cho các hoạt động giới trẻ của Giáo Hội, ngày càng thêm phong phú và hấp dẫn, có sức đánh động và lôi cuốn được nhiều người trẻ, ra khỏi những cuộc chơi nguy hại đến linh hồn và thân xác. Amen

Chặng thứ mười hai : Đức Giê-su chết trên thập giá

Lời Chúa: Đức Giê-su nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !” ; rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19, 28-30)

Suy niệm: Lời kêu khát của Đức Giê-su trên thập giá, làm vang vọng lại trong chúng ta thứ lương thực của Người là thi hành ý muốn của Chúa Cha và hoàn tất công trình của Nguời. (x. Ga 4,34). “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19, 30), lời này không có nghĩa là chấm hết mọi sự, Người sắp chết. Nhưng là một lời công bố, từ nay nhân loại sẽ được hồi sinh, trở nên thụ tạo mới trong Thần Khí nhờ cái chết trong sự vâng phục của Đấng đã tự ý hy sinh mạng sống mình và có quyền lấy lại mạng sống ấy (x. Ga 10,18)

Thánh Phao-lô dạy rằng: “Thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý nuốn của Thiên Chúa thì tồn tại muôn đời” (1Ga 2, 17). Nhưng tiếc thay! mỗi khi xác thịt chúng ta lên cơn khát dưới mọi hình thức, thay vì chống trả lại nó, chúng ta lại tìm mọi cách để có thể thỏa mãn. Nguy hiểm là có khi thõa mãn rồi mà lòng vẫn thèm, vẫn khát, vẫn hẹn gặp lại. Nếu cứ để mình “chết chìm” trong dục vọng như thế, chúng ta không thể có được ơn tái sinh để có thể hoàn tất đời mình trong ơn nghĩa Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết để diệt trừ nộc độc sự chết là tội lỗi nơi chúng con. Xin cho chúng con, cách riêng là các bạn trẻ hằng ngày biết hãm mình ép xác, chế ngự giác quan và nói không với những khát vọng bất chính. Ước gì chúng con luôn được tái sinh nhờ biết thi hành ý muốn của Chúa. Và xin cho những người đã qua đời được cùng Chúa sống lại hiển vinh. Amen

 

Chặng thứ mười ba : Hạ xác Đức Giê-su xuống khỏi thập giá

Lời Chúa: Khi ấy có một người tên là Giô-xếp, một người lương thiện, công chính.[…] Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Ông hạ thi hài xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục trong đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. (Lc 23, 50-53)

Suy niệm: Cung kính chiêm ngắm thân xác Đức Giê-su được hạ xuống khỏi thập giá, chúng ta mới thấy Người đã phải trả một cái giá quá sức tưởng tượng, đó là sau khi phải chịu tra tấn, đánh đòn, sỉ nhục và vác thập giá, Người còn phải chết treo trên thập giá giữa trời nắng cháy để tháo gỡ con người ra khỏi xiềng xích tội lỗi.

Đáp lại tình Người, chúng ta quyết tâm không để cho công danh sự nghiệp nó “đóng đinh” mình vào thế gian, đến nỗi không thể thoát ra để có thể trở nên “một môn đệ theo Đức Giê-su cách kín đáo” (Ga 19, 38), một “người lương thiện, công chính” (Lc 23,50), hằng để tâm “mong chờ Nước Thiên Chúa” (Lc 23,51) giống như ông Giô-xếp. Sống tốt đời đẹp đạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin rộng lòng tha thứ cho chúng con, “vì trong mọi sự, chúng con đã nặng nề sai lỗi, đã chẳng tuân theo mệnh lệnh Ngài” (Đn 3, 29). Ngày nay nhiều bạn trẻ đang phấn đấu, để được “treo mình” trên cái giá vinh hoa phù phiếm, xin cho họ đừng quên rằng “phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa” [6] Amen.

 

Chặng thứ mười bốn : Đức Giê-su được an táng trong mộ đá

Lời Chúa: Những người phụ nữ đã đến từ Ga-li-lê với Đức Giê-su cũng đi theo ông Giô-xếp. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem thi hài Người được đặt như thế nào. Rồi các bà trở về, chuẩn bị hương liệu và dầu thơm. Nhưng ngày Sa-bát, các bà nghỉ lễ như Luật truyền.  (Lc 23, 55-56)

Suy niệm: Tin vào lời Thầy của mình đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.” (Ga 11, 25), nên sau khi các bà “xem thi hài Đức Giê-su được đặt như thế nào” (Lc 23,55) trong ngôi mộ, các bà về nhà “chuẩn bị hương liệu và dầu thơm” (Lc 23,56) để sau ngày nghỉ lễ mang đến xức xác Thầy của mình. Quả thật, nhờ tin vào Lời Chúa, các bà đã được vinh dự là những người đầu tiên lãnh nhận và loan báo Tin Mừng Chúa Phục sinh cho mọi người.(x. Lc 24, 1-10)

Cầu mong rằng tất cả các bạn trẻ Công Giáo tại Việt Nam, đều tích cực thực hiện lời mời gọi của HĐGMVN: Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giê-su bằng cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thách, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó nhận ra Người luôn đồng hành với các con. Và các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô Phục Sinh cho mọi người. [7]

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “chúng con cảm tạ Chúa, vì Chúa ở lại với chúng con cho đến ngày tận thế. Xin cho chúng con ngày càng hiểu biết và yêu mến Lời Chúa hơn, để Lời Chúa luôn là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Xin cho chúng con luôn là những môn đệ và tông đồ trung tín của Chúa trong hành trình trần thế này, cho đến ngày được ở cùng Chúa Trên Quê Trời. Amen [8]

Lời nguyện kết thúc:

Lạy Chúa là Cha giầu lòng thương xót. Chúa đã tái sinh chúng con và làm mọi sự nên mới nơi cuộc Vượt Qua của Con Một Chúa, Chúa chúng con. Chúng con hết lòng ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Chúa. Cậy nhờ lòng thương xót và muôn ơn lành của Chúa. Chúng con dám xin cho chúng con được mang vào thân cho đủ mức, những gian nan thử thách Chúa còn phải chịu, vì lợi ích của Hội Thánh là thân thể Chúa. (x. Cl 2,8), và vì sự lớn lên và trưởng thành toàn diện của những người trẻ, mà Hội Thánh luôn luôn quan tâm đồng hành.

Sau cùng, lạy Chúa Giê-su là Thầy và bạn của giới trẻ. Chúa đã khẩn cầu với Chúa Cha cho chúng con: “Con không cầu xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17, 15). Vậy xin Chúa gìn giữ các bạn trẻ. Và

Xin cứu con thoát khỏi địch thù, lạy Chúa bên Ngài con trú ẩn

Điều đẹp ý Ngài xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con.

Xin thần khí tốt lành của Chúa, dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu.

Lạy Chúa, vì danh dự của Ngài, xin cho con được sống.

Bởi vì Ngài công chính, xin cứu con khỏi bước ngặt nghèo.  (Tv 142, 9-11)

 

Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen

  

Giuse Đinh Quang Thiều

 

 

 

[1] Thư Chung HĐGMVN 2019, số 7

[2] Lm GB.Nguyễn Ngọc Thế, Đòi hỏi của Chúa Giê-su có còn hợp với thời đại Goolge, Youtube, 5G, và với xã hội 5.0 ?).

[3] x.Thư Chung 2019 HĐGMVN, số 3

[4] Thư Chung HĐGMVN 2019, số 5

[5] Sứ điệp ngày quốc tế giới trè lần thứ 35, năm 2020

[6] Ca từ một bài hát của Nguyên Kha

[7] x.Thư Chung HĐGMVN 2019, số 8

[8] HĐGMVN, Kinh nguyện giới trẻ: Chúa ở lại với chúng con

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

Mễ Du: Tòa Thánh sẽ cần phải phê duyệt những cái được cho là thông điệp trong tương lai

I.Media – xuất bản ngày 19/09/24   Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Giáo …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *