Đạo đức – cuộc gặp gỡ và tương quan với tha nhân
II. Mối tương quan huyền nhiệm với tha nhân theo cái nhìn của Levinas
II.1. Một sự hiện diện trước khuôn mặt tha nhân
Trong Totality and Infinity, Levinas đề cập đến mối tương quan với tha nhân trước hết như là “một sự hiện diện trước khuôn mặt của tha nhân.”[i] Nơi Levinas, khuôn mặt (the face) trở nên hình ảnh đại diện cho mỗi người, với những nét riêng biệt, không ai giống ai. Nó là cửa ngõ dẫn đi vào khung trời huyền nhiệm của người khác.
Nơi khuôn mặt, sự hiện diện sống động của tha nhân được tỏ lộ; một sự tỏ lộ vượt trên mọi ý tưởng tôi có về tha nhân… Trong từng khoảng khắc, khuôn mặt ấy phá hủy tất cả mọi hình ảnh hay những tư tưởng do chính tôi phác họa lên hay đo lường được. Nó không tỏ lộ theo cách của tôi, nhưng theo cách của chính nó (kath’auto – according to itself).[ii]
Khuôn mặt sống động ấy đang gọi mời từng người đến để hiện diện mặt đối mặt (face-to-face) với nó cách riêng tư và cá vị. Dĩ nhiên, sự hiện diện này không theo nghĩa đứng trước tha nhân, phóng tầm mắt ra và nắm bắt, nhưng đúng hơn, một sự hiện diện trong thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn để biết ra khỏi cái tôi vị kỷ của mình và những cái mình đã có, cũng như biết đình chỉ lối nhìn muốn nắm bắt. Nhờ đó mình được dạy dỗ về tính vô hạn nơi khuôn mặt tha nhân, đồng thời được chính tha nhân ban tặng đầy tràn kinh nghiệm về họ, vốn mãi không bao giờ vơi.[iii]
Với ý thức về một sự hiện diện như thế, hai khuôn mặt giờ đây đứng đối diện nhau cách chân tình nhất, không một chút đề phòng. Khuôn mặt không còn bị che đậy bởi mặt nạ, hay đầy ấp những mưu mô và toan tính. Nó trở nên “thân thiện và không ác cảm”, “trong sáng và chân thành”, “đơn sơ và giản dị”, vì bị lột bỏ mọi ý hướng quy kỷ và tham vọng chiếm hữu.[iv] Chỉ thế thôi, tương quan ấy đã là mối tương quan đạo đức rồi! Tuy nhiên, theo Levinas, mối tương quan đạo đức này không thể dừng lại ở cấp độ hiện diện mặt đối mặt. Cuộc gặp gỡ chân tình và huyền nhiệm ấy cần phải đi xa hơn, và Levinas nhấn mạnh rằng cuộc gặp mặt ấy phải đi vào đối thoại (discourse).
II.2. Đối thoại
Với Levinas, “mối tương quan với tha nhân được nhìn nhận cách căn bản như là một cuộc đối thoại.”[v] Nhìn nhận này khởi đi từ thực trạng như được đề cập ở trên, khuynh hướng biến tha nhân thành đối tượng để tri nhận và giải thích. Điều này cũng hàm ý tương quan giữa mình với tha nhân chỉ là tương quan muốn nắm bắt và thống trị. Không may thay, Levinas chỉ ra, khuynh hướng này chẳng đem lại bất cứ thỏa mãn nào cho nỗ lực truy tìm chân lý. Nó chỉ làm cho thế giới này nên hỗn loạn, mất trật tự, nếu không nói là phi nhân.[vi] Để giải quyết thực trạng này, tức là giúp con người đạt được sự thật và nên đạo đức, Totality and Infinity đã đề ra một phương thế độc đáo, phương thế đối thoại với tha nhân.[vii]
Như đã nói, kinh nghiệm đích thật về tha nhân không thể có được do mình nắm bắt, nhưng do chính tha nhân tỏ lộ, mặc khải cho theo cách riêng của tha nhân (kath’auto).[viii] Tỏ lộ ấy được diễn tả cách sống động nơi khuôn mặt, với nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi đấy, theo Levinas, khuôn mặt cũng đang đối thoại với mình; “mọi biểu lộ của khuôn mặt thực sự là một cuộc đối thoại.”[ix]
Không những vậy, khuôn mặt còn mời gọi người đối diện với nó trao đổi về những gì họ có, họ nhìn nhận về nó. Nó sẽ chủ động biểu lộ cảm xúc đồng ý hay không đồng ý về những điều họ chia sẻ. Nó cũng sẽ nói lại, nếu như họ biến nó thành đối tượng để tri nhận và nắm bắt. Nó sẽ “tự giải phóng mình ra khỏi ách thống trị của ai đó, bằng cách ngay lập tức đặt vấn đề với người đó.”[x]
Dĩ nhiên, đối diện với những tra vấn mà khuôn mặt ấy gợi lên, hay những tỏ lộ nó trao tặng, người đối diện được thúc bách để quay ngược lại nơi chính mình, để xem xét lại những quan niệm đã có về tha nhân. Họ dường như được đánh thức, đừng có vội vã trong cái nhìn của mình, nhưng hãy hoài nghi về mọi suy nghĩ của mình. Họ thấy mình cần phải thay đổi thái độ, cần gạt đi mọi cái nhìn có sẵn, để mở ra, lắng nghe và đáp lại. Cứ như vậy, mối tương giao này sẽ vươn xa hơn, đến mức phá vỡ những kìm kẹp của tính cộng gộp (Totality) để vươn xa tới siêu việt.[xi] Ở đó, cuộc đối thoại trở nên thánh thiêng, “trở nên một buổi cử hành phụng vụ.”[xii]
Thực ra, phân tích trên đây muốn nhấn mạnh đến điều sâu xa hơn: điểm tới của đối thoại. Điểm tới ấy “chính yếu nằm ở chỗ giúp tôi ý thức quyền của người khác trên tôi,…, quyền trách vấn tôi (call me into question).” Sự thừa nhận này được thể hiện qua nỗ lực đáp lại khi “tự xem xét lại chính mình.”[xiii] Với ý nghĩa đó, Levinas xem đạo đức như là “một cuộc tra vấn của tha nhân dành cho tôi,” kẻ luôn mang trong mình mong muốn nắm bắt người khác.[xiv] Qua đó, mỗi người tự biết giới hạn mình, hầu mở ra và đón nhận sự trao tặng của tha nhân.
Không dừng lại ở đây, Levinas đẩy nỗ lực đáp lại của mỗi người với tha nhân tới chỗ nhận lấy trách nhiệm. Việc gánh lấy trách nhiệm này như là một cách cụ thể hóa tương quan đối thoại giữa mình với tha nhân. Đấy là bổn phận mà mỗi người tự thấy mình phải làm cho tha nhân. Tại sao vậy?
II.3. Mang lấy trách nhiệm cho tha nhân
Sự thực, theo Levinas, đối diện với bất cứ cái nhìn nào, khuôn mặt của tha nhân luôn có sức phản kháng với người đối diện, vì nó muốn chống lại thói sở hữu, cũng như hành vi bạo lực của người đối diện nó.[xv] Tuy nhiên, nó phản kháng không bằng cách đối đầu, dùng bạo lực đối lại bạo lực. Trái lại, khuôn mặt ấy phản kháng bằng cách chiếu tỏ siêu việt tính cho người đối diện thấy. Nó chiếu tỏ qua những diễn tả rất tự nhiên của nó. Nhờ đó, nó có thể làm thức tỉnh, lay chuyển họ.[xvi] Khuôn mặt ấy nói với họ và mời gọi họ đi vào mối tương quan với nó, một mối tương quan không có bạo lực.[xvii] Chính cuộc gặp gỡ ấy sẽ lay chuyển họ, đánh thức nhân tính và buộc họ đến chỗ nhận lấy trách nhiệm.
Thế nên, nếu một tên sát nhân chĩa súng vào mặt ai đó, họ sẽ không phản kháng lại. Thay vào đó, khuôn mặt họ sẽ tỏ lộ sự cao quý và nét diệu hiền. Khuôn mặt gợi lên cho kẻ sát nhân ý thức về siêu việt tính nơi người đang đối diện với nó. Tính siêu việt nơi tha nhân khiến cho tên sát nhân nhận thấy mình như bị chất vấn và bị đòi hỏi, đừng giết người. Tự do và lòng lương thiện tiềm ẩn nơi kẻ sát nhân được khơi dậy. Kẻ sát nhân không thể giả điếc làm ngơ trước khuôn mặt đang diễn tả “sự trần trụi, đơn côi, và lời khẩn nài đừng giết họ.”[xviii] Nói khác đi, anh ta không thể trốn tránh đòi hỏi tôn trọng tha nhân và trách nhiệm đối với họ.
Chung quy lại, nhờ khuôn mặt của tha nhân luôn tỏ lộ chiều kích siêu việt, thánh thiêng, bất khả xâm phạm, nên cảm thức trách nhiệm nơi mỗi người được đánh thức, khi mỗi lần gặp gỡ và đi vào tương quan với tha nhân. Việc tách rời trách nhiệm ra khỏi tương quan đối thoại trở nên điều không thể.
Qua toàn bộ các phân tích trên đây, có thể thấy được rằng Levinas đã xây dựng một nền đạo đức không có bất cứ quy tắc hay luật lệ hướng dẫn hành động nào. Thay vào đó, đạo đức là đi vào tương với tha nhân, để cho tha nhân soi sáng, lay chuyển và thúc bách. Từ đó, mỗi người khám phá nơi mình trách nhiệm và bổn phận với tha nhân. Tắt một lời, chỉ qua tha nhân, mình mới biết phải sống thế nào.
III. Một vài ghi nhận cá nhân
Qua những gì vừa bàn luận trên đây, có thể ghi nhận rằng quan niệm đạo đức của Levinas trong Totality and Infinity được ví như hồi chuông làm thức tỉnh triết học phương Tây. Thật vậy, nếm trải nhiều biến cố đau thương của con người, Levinas không ngừng đặt vấn đề về ý nghĩa và vai trò của suy tư triết học. Levinas chỉ cho thấy những suy tư triết học trước đó đã làm giảm đi giá trị thánh thiêng của con người, khi muốn thâu tóm và hệ thống hóa. Triết học đã xem hiện hữu của con người như là vấn đề để xem xét, chứ không còn là một huyền nhiệm. Với Levinas, triết học thực sự phải là triết học giúp nhìn nhận cái siêu việt và vô hạn nơi con người.
Điểm ghi nhận thứ hai, triết học của ông đã giúp làm thức tỉnh lối sống quy kỷ, lấy mình làm trung tâm. Một lối sống đã gây ra nhiều tấn thảm kịch cho lịch sử nhân loại. Khi đề cao chỗ đứng của tha nhân, suy tư của Levinas trở thành tiếng kêu rên thảm thiết của biết bao người trong chiến tranh, nghèo đói và áp bức. Levinas đề nghị con người hãy ra khỏi mình và bước đến phục vụ tha nhân. Đây chính là điều thế giới hôm nay cần. Cái nhìn đạo đức của Levinas sẽ giúp cho thế giới này vượt thắng được sự vô cảm, dửng dưng trước những đau khổ và bế tắt của tha nhân. Nhờ đó, thế giới này sẽ nên nhân bản hơn.
Tuy nhiên, phải chăng vì quá nhạy cảm trước đau khổ của người khác, Levinas hơi có phần cực đoan khi đề cao tha nhân đến mức chỉ qua tha nhân, mình mới biết sống thế nào. Levinas có lẽ đã hướng cái cực đoan ấy đến Heidegger, khi phê bình suy tư của ông. Liệu phê bình đó có thật sự xác đáng? Liệu nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của chính mình có đồng nghĩa với sự chối bỏ tha nhân? Phải chăng nỗ lực để không sống vật vờ trong cõi người ta cũng đồng nghĩa với việc tránh né trách nhiệm của mình với tha nhân?
Sự thật, nơi Heidegger, nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của Dasein nhằm giúp cho Dasein sống bản chân nhất. Nói khác đi, suy tư của Heidegger nhằm giúp cho Dasein không trôi dạt vật vờ trong cõi người ta, bị người khác làm mờ đi hiện hữu của mình. Heidegger không muốn cho Dasein đánh mất đi căn tính của chính mình. Dasein cần phải quay về với những cái gì là của mình, đảm nhận cuộc hiện hữu của mình trong tính cá vị và bất khả thay thế. Nói như vậy, không hàm ý bảo Dasein không có tương quan với tha nhân. Heidegger không hề có ý loại trừ hiện hữu của tha nhân trong nỗ lực tìm kiếm chính mình của Dasein. Bởi trong quan điểm của Heidegger, Dasein hiện hữu là hiện hữu với (being with).
Thực ra, xét cho cùng, khi Levinas đề cập đến tha nhân, cách nào đó, ông cũng ngầm ý nói về cái tôi. Bởi khi mình ý thức mình đang hiện diện trước tha nhân, người khác tôi, điều hiển nhiên mình cũng đang ý thức về chính tôi, về sự hiện hữu của mình. Vì chỉ khi ý thức về tôi, tôi mới nhận ra được cái khác tôi. Thế nên, khi mời gọi tôi nhận lãnh trách nhiệm với tha nhân, Levinas ngầm ý xem tôi như một chủ thể đóng vai trò chủ động.
Thế nên, dưới góc độ này, triết học của Levinas và Heidegger không đến mức phải đả phá nhau. Thay vào đó, triết học của Heidegger có vai trò bổ trợ cho suy tư của Levinas và ngược lại. Trước khi lãnh nhận trách nhiệm cho tha nhân, tôi cũng cần biết rõ về tôi; đồng thời, qua tha nhân, tôi được soi sáng hơn về tôi.
Dầu vậy, Levinas phê bình Heidegger thiết nghĩ cũng có lý do của nó. Như trong dịp nói chuyện với Philippe Nemo (1982), lý do để Levinas có cái nhìn khác về Heidegger là vì ông ta đã có một thời tham gia phục vụ cho Đức Quốc Xã. Với Levinas, điều này quả khó tha thứ cho Heidegger. Hơn nữa, nó còn làm suy tư của Heidegger giảm đi sức thuyết phục. Nó đánh mất đi tính khả tín. Chính vì thế, Levinas đã đặt lại vấn đề với Heidegger.[xix]
Cuối cùng, khi thực hiện bài viết này, người viết nhớ đến vụ giết hại một gia đình ở Bình Phước. Người viết tự hỏi, phải chăng kẻ sát nhân không nhận được mệnh lệnh không được giết người, khi nhìn thấy sự thảm thiết và yếu đuối của người bị hại? Hắn ta không nhìn thẳng vào mặt người bị hại hay sao? Tự hỏi như vậy để thấy rằng suy tư của Levinas có phần thiếu thuyết phục với tất cả mọi người. Nói khác đi, suy tư của Levinas chưa có đủ lý do mạnh để đưa đòi buộc hãy tôn trọng và có trách nhiệm tha nhân trở thành một ràng buộc đạo đức. Hơn hết, đòi buộc ấy mang tính gọi mời mọi người.
Thế nên, suy tư của Levinas không thể chối bỏ suy tư đạo đức trước đây của triết học Tây phương, như thuyết nhân đức của Aristotle, mệnh lệnh tuyệt đối của Kant và thuyết duy lợi. Dù muốn dù không, ba học thuyết đạo đức này cho tới bây giờ vẫn là chuẩn mực khách quan để đánh giá các hành vi đạo đức của con người.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại rằng vì Levinas đưa đạo đức của mình lên hàng đệ nhất, nên không thể nào cung cấp những quy tắc hướng dẫn đạo đức cụ thể. Bởi lẽ, triết học đệ nhất phải là triết học suy tư về những gì là ngọn nguồn và nền tảng nhất. Nền tảng đó là hãy mở ra và đi vào tương quan với tha nhân siêu viêt, để rồi, mỗi người có được động lực phục vụ họ
Kết luận
Trên đây, bài viết vừa đề cập đến cái nhìn khá mởi mẻ và hiện sinh về đạo đức của Levinas. Qua khảo cứu này, phần nào đó mỗi người có thể nhận thấy được ý nghĩa của lời mời mở ra và đi vào tương quan với tha nhân. Tương quan để nhận lãnh trách nhiệm phục vụ tha nhân.
Việc khảo cứu đề tài cũng trở nên lời mời gọi người viết dấn thân sống tương quan với người khác, để chiêm ngắm vẻ đẹp huyền nhiệm nơi họ, để được khơi dậy lòng khao khát trở nên con người sống cho tha nhân và vì tha nhân. Lời mời gọi ấy thực sự đang chất vấn tôi. Ước mong sao lời mời ấy cứ vang vọng mãi trong đáy lòng tôi cho đến khi tôi hoàn tất ơn gọi làm người của mình.
Paul Ngân. Nguyễn Thành Ân, S.J.
Học viên Triết I
***
[i] TI, 50.
[ii] TI, 50-51.
[iii] TI, 39, 50-51.
[iv] TI, 51.
Ethics and Infinity, 85-86.
[v] TI, 39.
[vi] TI, 65.
[vii] Levinas nhấn mạnh điều này rải rác nhiều nơi trong Totality and Infinity, cụ thể: TI, 39-40, 64-77, 194-197.
[viii] TI, 65.
[ix] TI, 66.
[x] TI, 195.
[xi] TI, 39-40, 65-70, 194-197.
[xii] TI, 202.
[xiii] TI, 40.
[xiv] TI, 43.
[xv] TI, 197.
[xvi] TI, 199.
[xvii] TI, 198.
[xviii] TI, 199-200.
[xix] Ethics and Infinity, 40-41.