Đất Việt như thế nào thời Cha Đắc Lộ đặt chân đến (6)

Vào thời cha Đắc Lộ đặt chân đến đất Việt, tức là những năm 1625, tên gọi Việt Nam chưa có trong ngôn ngữ sử dụng của người châu Âu cũng như chưa được sử dụng giữa người Việt. Tên gọi Việt Nam mới xuất hiện dưới thời hoàng đế Gia Long (1802-1819) thống nhất đất nước. Vào thời truyền giáo của các tu sĩ Dòng Tên, có hai vương quốc trên đất Việt: vương quốc Đàng Ngoài với kinh đô là Thăng Long (nay là Hà Nội), và vương quốc Đàng Trong với kinh đô từ năm 1636 là Kim Long (nay là Huế).

Người châu Âu cũng như người Bồ Đào Nha gọi hai vương quốc trên đất Việt là “Tongking” có nghĩa là Đông Kinh, tức kinh đô phía đông. Họ cũng gọi đất Việt là Cochinchina. Chữ Cochinchina xuất phát từ tiếng Nhật “Kô-shi” được phiên âm từ chữ Trung Quốc “Giao Chỉ”. Hai tên gọi Tongking và Cochinchina không tương ứng với các tên gọi hành chính thời Pháp thuộc. Ở đây, chúng ta sử dụng lối gọi của cha Đắc Lộ, tức là Đất Việt thời đó có vương quốc phía bắc tức đàng ngoài, và vương quốc phía nam tức đàng trong. Cần lưu ý rằng, vương quốc phía nam thời đó tương ứng với miền trung hiện nay.

Vào thời đầu công nguyên, dân tộc Việt Nam nằm trong dòng văn hóa Trung Quốc vì bị Trung Quốc đô hộ rất lâu, hàng ngàn năm, nhưng người Việt vẫn giữ được tiếng nói riêng và bảo tồn văn hóa riêng của mình. Dấu vết quốc gia đầu tiên trên đất Việt, là vương quốc Âu Lạc trong thế kỷ thứ III trước Thiên Chúa Giáng Sinh, nằm trong đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc, mà di tích là thành Cổ Loa, ngày nay cách Hà Nội 25 cây số về hướng bắc. Thành này bị một viên tướng chiếm vào năm 207 trước công nguyên. Ông này lập nên một quốc gia riêng về phía Nam Trung Quốc. Quốc gia này kéo dài khoảng 1 thế kỷ. Vùng đất bao gồm tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc và miền bắc Việt Nam hiện nay.

Đến năm 111 trước công nguyên, nước này bị nhà Hán chiếm, từ đó đô hộ suốt một ngàn năm với nhiều hậu quả về mọi mặt. Người Hán đã đưa vào Việt Nam ba tôn giáo là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Người Hán cũng du nhập các cơ cấu tổ chức quốc gia của họ vào đất Việt, nhưng các cơ cấu này bị người Việt cảm nhận như là những phương tiện đàn áp. Sự phản kháng của người Việt được cụ thể hóa thành nhiều cuộc nổi dậy.

Sau thời nhà Đường (618-906), Việt Nam dành lại được độc lập, khi vương quốc Trung Hoa vỡ ra thành nhiều nước nhỏ chống đối nhau. Năm 936, nước Đại Việt ra đời và độc lập, có vua lãnh đạo riêng. Kinh đô từ thế kỷ XI là Thăng Long (Hà Nội). Đây là một quốc gia tập quyền với hệ thống quan lại nhà nghề, được tuyển chọn qua các kỳ thi theo lối người Hán tổ chức. Văn Miếu được dựng năm 1076 tại Thăng Long. Đây được xem như một đền thờ văn chương để phục vụ tập thể các quan chức. Văn Miếu là nơi diễn ra các kỳ thi và là đền thờ Khổng Tử. Hiện nay Văn Miếu là một trong những đền đài nổi tiếng nhất của thành Hà Nội. Cũng trong thời kỳ này, khởi đầu cuộc bành trướng xuống phía nam, nghĩa là xuống miền trung Việt Nam hiện nay, nơi định cư của hai dân tộc Chăm và Khmer. Những chiến thắng quyết định trong công cuộc này xảy ra trong thế kỷ XV.

Trung Quốc đánh chiếm và đô hộ Việt Nam lần thứ hai trong vòng 20 năm (1408-1428), nhưng rồi lại phải rút lui, và quốc gia độc lập Đại Việt với nhà Lê được tái lập trở lại. Xã hội Việt Nam giờ đây bị ảnh hưởng nhiều bởi Khổng giáo, ưu thế trước đây của Phật giáo mất dần. Dĩ nhiên, vị thế lớn của Trung Quốc vẫn được công nhận về mặt biểu tượng, qua việc các vua chư hầu như Đại Việt, Hàn Quốc, và các vương quốc khác, hàng năm phải sai những đoàn triều cống mang lễ vật sang Bắc Kinh. Nhờ các đoàn triều cống này, mà một số sách chữ Hán của các tu sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc viết về đạo Chúa đã được mang về Việt Nam rất sớm, còn bên Hàn Quốc được mang về vào cuối thế kỷ XVIII.

Những biến chuyển trong thế kỷ XVI và XVII dẫn tới thay đổi quan trọng. Nhà vua bị các vị chúa tiếm quyền và đất nước chia đôi. Thoạt tiên, các vua nhà Lê bị nhà Mạc tiếm quyền, sau đó được các chúa Trịnh đưa trở lại. Nhưng quyền hành của các vua chỉ còn lại phần nghi lễ và việc triều cống hoàng đế Trung Quốc, còn quyền hành thực tế do chúa Trịnh nắm giữ. Từ năm 1600 đất nước chia đôi. Các chúa Trịnh cai trị ở miền bắc, còn nhà Nguyễn ở miền nam tự xây dựng quyền lực. Năm 1627, Trịnh Tráng kéo quân từ bắc để vào đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở nam, nhưng rốt cuộc phải rút quân về. Biên giới bắc và nam được phân chia ở sông Gianh, Đồng Hới. Vương quốc phía nam kéo dài 600km. Nối tiếp đó là vùng đất của vương quốc Champa. Vùng đồng bằng sông Cửu Long thời đó còn thuộc về vương quốc Campuchia. Chỉ tới năm 1720, các chúa Nguyễn mới vươn tay tóm được quyền hành trên toàn phần đất của miền nam Việt Nam hiện nay. Thời đó, vương quốc phía bắc có khoảng 4 triệu dân, vương quốc phía nam có khoảng 2 triệu dân.

Các phần trước:
Cha Đắc Lộ và chữ quốc ngữ (1)
Truyền giáo trên đất Nhật (2)
Tại sao Cha Đắc Lộ được Bề trên chấp thuận sai đi truyền giáo (3)
Cha Đắc Lộ vào Dòng, được đào tạo tại Roma, lên đường đi Ấn Độ (4)

Cha Đắc Lộ bước đầu tại Ấn Độ, và hướng về Nhật Bản (5)
Phần tiếp theo:
Đàng Ngoài – Đàng Trong, vài nét về văn hóa tôn giáo (7)

Lược trích: Tứ Quyết SJ
Hoa Trái ở Phương Đông, Tác giả: Klaus Schatz, S.J.,
Người dịch: Phạm Hồng Lam, NXB Phương Đông, 2017.

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng

  Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *