Trong số tiếp theo và cũng là số cuối cùng của Bản Nhạc Mùa Chay, chúng tôi mời bạn thưởng thức một nhạc phẩm với những lời ca chất chứa niềm hy vọng. Đó là niềm hy vọng vào sự chữa lành và ơn cứu rỗi giữa những chiến đấu và khổ đau. Mong rằng bản nhạc này như một ngọn nến nhỏ thắp lên trong bạn ngọn lửa của niềm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ có một giọng nói, nhưng thực ra mỗi người chúng ta có nhiều giọng nói và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Không chỉ có ngôn từ, mà chúng ta còn có cử chỉ, biểu tượng, âm nhạc, các bài hát, và cả sự thinh lặng.
Bằng nhiều cách khác nhau, ngôn từ, đặc biệt là ca từ trong âm nhạc thường chứa đựng những kỷ niệm, cảm xúc và cả những viễn tưởng. Các bản nhạc không chỉ thể hiện ý nghĩ, nó chứa đựng một cách trọn vẹn cả tâm hồn ta. Và tất nhiên, ngôn ngữ âm nhạc không chỉ dừng lại ở việc hát, nói, hay thậm chí xem. Đó còn là lắng nghe – bằng một cách đẹp đến lạ thường, vì khi lắng nghe, chúng ta được hòa mình vào trong bản nhạc. Ta thấy mình được đổ đầy niềm vui và bình an, hoặc được soi rọi vào nỗi đau và khát khao của mình, hay sự tiếc nuối và niềm hy vọng mà ta không thể tự mình diễn tả được.
Trong âm nhạc, chúng ta có thể tìm thấy cả một cộng đồng, cùng với lịch sử, kinh nghiệm mà họ đúc kết, và cả niềm tin của họ. Trong Phụng vụ Công giáo, chúng ta không chỉ tìm thấy mình trong lời cầu nguyện, mà còn trong đức tin của cả cộng đoàn ở mọi nơi trong mọi thời, đến với ta trong hiện tại, mời gọi ta hòa mình vào bài ca chung và truyền lại cho đời sau.
Trong mùa Chay, bằng ngôn từ và âm nhạc, trong từng cử chỉ và lời cầu nguyện, cộng đoàn đức tin trìu mến ôm chúng ta, không chỉ trong tiếng than khóc nài xin lòng thương xót và tha thứ, mà còn trong lời cầu nguyện hy vọng về một sự thay đổi mà bằng một cách nào đó, ta có thể phá vỡ những rào cản ngăn cách, để đến với nhau và đến với Thiên Chúa.
Khi điều đó xảy đến, chúng ta bước vào hành trình thay đổi và hát lên bài ca mới; để được cảm nghiệm sự sống thần linh (nếm trước hạnh phúc thiên đàng) mà mọi người ở mọi thời đều khát khao. Trong khoảnh khắc đó, mùa Chay mang tới dầu thơm để xức cho chúng ta, đó là loại dầu thơm cứu chữa những vết thương lòng, an ủi thần trí và những tâm hồn tàn tạ.
“There is a balm in Gilead” – “Dầu thơm ở Ga-la-át” là một thánh ca đặc trưng của người Mỹ gốc Phi. Bản nhạc này được thu thập và xuất bản vào thế kỷ 19, nhưng có lẽ đã nó tồn tại trước đó nữa. Với giai điệu nhẹ nhàng, giản dị tựa hồ một khúc hát ru. Đó là một bản thánh nhạc mang đến an ủi, một liều thuốc xoa dịu cho những “linh hồn âu lo” như cái tên của nó.
Một trong những bản thu âm truyền cảm và đẹp đẽ nhất của “Dầu thơm ở Ga-la-át” là bản song ca của Jessye Norman và Kathleen Battle. Jessye và Kathleen đã chứng minh rằng bài thánh ca sẽ trở nên tuyệt hảo khi chúng ta cùng nhau cất lên bài thánh ca đó, bài thánh ca của sự an ủi, cho tình hiệp thông. Và, ở cuối bài song ca đó, có một khoảnh khắc tuyệt đẹp. Họ hát solo, và sau đó song ca với nhau cụm từ “Ở Ga-la-át” trong đoạn kết đó là một khoảnh khắc lắng đọng, vượt lên trên cả sự khao khát, như thể họ đã nhìn thấy và bắt đầu chìm đắm trong không gian đó. Trong Mùa Chay Thánh này, mời bạn cùng chúng tôi dành chút thời gian để lắng nghe bản thánh nhạc “There is a balm in Gilead” – “Dầu thơm ở Ga-la-át” và hãy để trái tim của bạn ngân nga theo từng lời ca đó nhé.
Vui lòng chấp nhận sử dụng dịch vụ của Youtube để xem Video này.
Youtube là dịch vụ phát video trực tuyến được cung cấp bởi Google
Bài thánh ca này lấy cảm hứng từ lời tiên tri Giê-rê-mi-a 8:22: tiếng than thở khóc thương cho dân Giuđa bị hủy diệt, trước viễn cảnh Jerusalem bị tàn phá và dân sẽ phải lưu đày viễn xứ ở Babylon. Ga-la-át nổi tiếng trong thế giới cổ đại với dầu thơm chữa bệnh. Nhưng thảm kịch quá lớn và nỗi đau quá sâu đến nỗi Giê-rê-mi-a không thể tìm thấy sự an ủi, ngay cả ở Ga-la-át, bởi không dễ tìm ra phương thức chữa lành cho những gì đã xảy ra. Ông thốt lên: “Phải chăng không còn dầu thơm ở Ga-la-át, hay chẳng còn lương y nữa? … Ai biến đầu tôi thành nguồn nước, và đôi mắt tôi thành suối lệ, để tôi than khóc đêm ngày những người của cô gái dân tôi bị giết.”
Khi lắng nghe nhạc phẩm tuyệt vời này bạn sẽ thấy, mặc dù câu đầu tiên lấy cảm hứng từ sách Giê-rê-mi-a, nhưng thực chất được viết theo cấu trúc đảo ngược, từ câu nghi vấn sang câu khẳng định. “Dầu thơm miền Ga-la-át” là lời khẳng định với chúng ta: Dầu chữa lành ấy chính là Chúa Giêsu. Hẳn là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng sự yên bình trong bài hát này chỉ là một lời an ủi vụng về cho có. Lắng nghe kỹ, ta sẽ nghe thấy tiếng vọng xa xăm của một lời than khóc, chứa đựng ký ức về một dân tộc với dòng lịch sử trải dài đầy những đau khổ, áp bức và bóc lột.
“Dầu thơm ở Ga-la-át” không phải là bài ca của sự giận dữ. Với tất cả những ai có dịp nghe ca khúc này đều nhận thấy đây là bài ca của sự khoan dung. Bài thánh ca chỉ ra cho chúng ta cách mà linh hồn bầm dập của ta được hồi sinh: đó là tin tưởng bám lấy Chúa Kitô, Đấng hiện diện cả trong nơi thung lũng tối tăm. “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”. Bài thánh ca cũng đem đến niềm an ủi. Đó là sự chờ đợi kiên nhẫn trong tin tưởng và hy vọng, như những người phụ nữ đã làm dưới chân thập giá xưa và cả với chúng ta những người đang sống trong sự thinh lặng của ngày thứ Bảy Tuần Thánh, đều đang canh thức trông chờ ánh bình minh Phục Sinh.
“Dầu thơm ở Ga-la-át” là một bài thánh ca truyền giáo, nhắc nhở chúng ta rằng: trổi vượt trên những áp bức hiện tại là một điều tốt đẹp hơn, điều mà tất cả chúng ta có thể làm. Như trong bài thánh ca đề cập, ngay cả khi chúng ta không thể hát hay như các thiên thần hay truyền giáo tài ba như thánh Phaolô, chúng ta đều là những tông đồ loan báo Tin Mừng cứu độ vĩ đại – chúng ta đem Chúa Giêsu đến cho mọi người, để Ngài chữa lành tất cả các linh hồn đau khổ, dù họ có là ai hay ở bất kỳ đâu, kể cả họ có đang bị mắc kẹt trong quá khứ, vùng vẫy trong hiện tại hay thậm chí lạc bước trong tương lai tăm tối, thì lòng thương xót của Chúa đều có thể chạm tới họ. Chúa Kitô không bị ràng buộc bởi lịch sử của loài người và từ nơi Ngài tuôn đổ tình thương vô tận của Thiên Chúa phát xuất từ nguồn mạch tình yêu vĩnh cửu.
Chúng tôi vừa giới thiệu tới bạn ca khúc “There is a balm in Gilead” – “Dầu thơm ở Ga-la-át”. Hy vọng lời ca sâu lắng và cảm động của ca khúc này còn âm vang trong lòng bạn không chỉ trong mùa chay, mà trở nên thông điệp về hy vọng và sự an ủi cho bạn giữa những thử thách cuộc đời.
Tác giả: James Hanvey, SJ
Người dịch: Gabriel Ngọc
Nguồn: Faith Dimensions
Bài liên quan: