Chúng ta đã biết về tầm quan trọng của sự vâng phục trong đời tu. Nó vừa giúp cho cá nhân trưởng thành hơn và cũng giúp cho đời sống tu cũng như sứ mạng được diễn ra cách tốt đẹp. Khi đã tuyên khấn vâng phục, hẳn là ai cũng muốn mình sống trọn vẹn lời cam kết này. Hơn ai hết, bề trên cũng mong muốn các thành viên trong hội dòng mình thực thi lời khấn này ở mức độ hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, thách đố làm cản trở sự vâng phục vẫn luôn tồn tại, khiến cho nó không được giữ với một sự tinh tuyền và lý tưởng vốn có. Một sự vâng phục tốt trong đời tu chỉ có thể là kết quả của sự hợp tác giữa bề trên và bề dưới. Chỉ một bên nỗ lực thì không đủ. Vậy thì, mỗi bên phải nỗ lực ra sao?
Bề trên có lẽ phải luôn ý thức rằng mình được chọn để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đoàn, chứ không phải để thống trị họ. Bề trên được trao quyền như một công cụ để thực thi sứ mạng này. Một thái độ trịnh thượng, hống hách, tách khỏi bề dưới sẽ là một rào cản rất lớn đối với sự vâng phục. Một bề trên khôn ngoan là người luôn cố gắng tạo tương quan với bề dưới, khuyến khích họ cùng cộng tác với mình, biết rõ từng điểm mạnh điểm yếu của bề dưới, ngỏ hầu có thể giao cho họ những sứ mạng phù hợp, không quá sức với họ để không đặt ơn gọi của họ vào sự nguy hiểm, và cũng đủ thách đố để họ có thể phát huy được khả năng tiềm ẩn. Ý thức về tinh thần phục vụ theo gương Đức Giêsu sẽ giúp bề trên có được sự khiêm nhường, và nhận thức rõ rằng họ không chỉ là người giao sứ mạng cho người khác, mà chính họ cũng là người đang thực thi một sứ mạng. Để có được điều này, bề trên phải có một đời sống thiêng liêng vững chắc, một sự kết hiệp mật thiết với Chúa, rồi nhờ đó, họ trở thành một mẫu gương cho hết thảy thành viên.
Bề trên phải biết lắng nghe người khác, phải luôn mở lòng đón nhận những chia sẻ, tâm tư của anh chị em, đủ mềm mỏng để trao ban những an ủi, nhưng cũng phải đủ cứng rắn để sửa dạy bề dưới của mình. Họ phải luôn tế nhị trong hành động, cẩn trọng trong lời nói, không làm điều gì khiến bề dưới bị tổn thương. Họ phải cố gắng tạo tương quan với tất cả anh chị em, kể cả những người nhỏ bé nhất trong cộng đoàn. Nhờ đó, họ có thể tổ chức đời sống chung sao cho có trật tự, huấn luyện bề dưới thật tốt và có được những định hướng tông đồ đúng đắn. Họ biết rằng chẳng phải vì mình trỗi vượt hơn người khác nên mới được chọn là bề trên, nhưng chính vì anh chị em tin tưởng mình và đặt nơi mình một niềm hy vọng lớn. Bởi thế, họ phải luôn ở giữa anh chị em, hướng dẫn và cùng với anh chị em đi tìm và thực thi ý Chúa, liên kết anh chị em lại với nhau trong tình huynh đệ bền chặt. Vì là người có trách nhiệm đầu tiên của cộng đoàn nên họ phải có sự khôn ngoan, phải biết thực thi công bằng, quan tâm đến những nhu cầu, lắng nghe những đóng góp của mọi người, không được đưa ra những mệnh lệnh mâu thuẫn với lợi ích của cá nhân hay tập thể, càng không nên ra lệnh một cách ngẫu hứng, chẳng có một sự suy xét cẩn thận nào.
Bề trên cũng cần có một ý thức mạnh mẽ về sự yếu đuối và giới hạn của mình, để bất cứ khi nào họ cũng sẵn sàng mở lời hỏi ý kiến người khác, xin người khác giúp đỡ. Hơn hết, họ phải biết tạo điều kiện cho bề dưới phát huy sở trưởng của mình, khích lệ họ có những sáng kiến. Dĩ nhiên, không phải sáng kiến nào của bề dưới cũng buộc phải làm theo, nhưng ít ra, qua việc này, bề trên sẽ hiểu bề dưới hơn và biết đâu, bề trên sẽ được soi sáng bởi một ý tưởng nào đó của bề dưới.
Bề trên cũng cần có một khả năng ngoại giao tốt, biết tạo tương quan và liên kết với các dòng tu khác và với hàng giáo phẩm để công việc tông đồ của dòng được hợp nhất với chương trình của giáo phận và Giáo hội. Sự liên hết này không nhằm củng cố cho vị trí quyền lực hay chỉ để đơn thuần là mở rộng tương quan nhằm dễ dàng nhờ vả khi cần thiết. Nó hơn hết và trước kết thể hiện một sự liên đới của dòng với Giáo hội và với các thành viên khác trong Giáo hội. Không có mối liên kết này, dòng sẽ bị cô lập và đóng kín trong chính mình. Nhờ luôn mở ra với thế giới chung quanh, cộng với sự khôn ngoan trong nhận định, mọi mệnh lệnh của bề trên ắt hẳn sẽ được bề dưới dễ dàng đón nhận.
Mọi thành viên khác trong cộng đoàn được mời gọi để luôn tích cực cộng tác với bề trên, với một ý thức mạnh mẽ rằng bề trên hợp pháp đích thực là đại diện của Chúa, là người được Chúa sai đến để hướng dẫn mình trong đời tu, để truyền đạt ý của Ngài cho mình. Để có được điều này, họ phải không ngừng chăm lo cho đời sống thiêng, luôn hiểu được ý nghĩa của sự vâng phục. Dù muốn hay không, họ cũng phải có một niềm tin vào hoạt động của Chúa nơi bề trên, dù có khi bề trên có những phán quyết làm họ không hài lòng. Sự bỏ mình trong vâng phục được thể hiện ở việc họ luôn sẵn sàng tìm lý do để biện minh cho bề trên hay những gì bề trên mong muốn hơn là cứ khăng khăng ý mình, tìm cách phê bình, chỉ trích.
Ngay từ khi mới bước chân vào đời tu, người tu sĩ phải được huấn luyện để có được sự dung hoà giữa việc đưa ra ý kiến cá nhân và vâng phục bề trên của mình. Sẽ là một nền huấn luyện thất bại khi tu sĩ nào “ra lò” cũng chỉ biết răm rắp nghe lệnh mà chẳng có chút ý kiến hay sáng kiến gì. Nhưng cũng không thể gọi là thành công khi bề dưới nào cũng sẵn sàng to tiếng cãi lại bề trên mỗi khi bề trên trao sứ mạng rồi biện minh rằng đó là thực thi quyền tự do ngôn luận. Bề dưới phải luôn bỏ mình, bỏ những ý riêng của mình, bỏ thói ngông cuồng tự phụ, bỏ niềm kiêu hãnh về những gì mình có hay những gì mình đã làm được. Trong đời tu, những điều này chẳng giúp ích gì và cũng chẳng có nghĩa gì. Thay vì nhiệt tình phản đối bề trên, hãy dùng sự nhiệt tình đó cho việc tông đồ của mình. Bề dưới phải nỗ lực để có được sự vâng phục với đức tin, niềm hy vọng và lòng yêu mến. Nếu không có được điều này, người tu sĩ sẽ rất dễ bị hoang mang, lo lắng và cảm thấy bất mãn khi phải chịu thiệt thòi nào đó.
Giữa bề trên và bề dưới, trước khi đưa ra một quyết định nào đó, cần có một sự đối thoại trong bầu khí cầu nguyện, trong sự chân thành, cởi mở, với ý hướng mong sao tìm ra ý Chúa. Nếu cả hai có thể đạt được điều này, ắt hẳn sẽ không có khó khăn mấy để có một sự vâng phục hoàn hảo.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Bài tiếp theo: Vấn đề đối thoại trong vâng phục