Đi tu là gì?

Chúa Nhật 4 Phục Sinh được gọi là ngày Chúa Chiên Lành. Đó chính là Đức Giêsu Kitô luôn chăm sóc đoàn chiên của Ngài. Chúa Nhật này Giáo Hội đặc biệt mời gọi mỗi bạn trẻ lắng nghe tiếng Chúa gọi để bước vào đời tu[1]. Chắc chắn Chúa không mời gọi tất cả bạn trẻ đi tu, nhưng lời gọi ấy chỉ được dành cho một số người. Để nhận ra tiếng gọi ấy luôn là một hành trình khám phá. Chút chia sẻ dưới đây mở ra cho các bạn trẻ thấy được thế nào là con đường hiến dâng? Hoặc thắc mắc như nhiều bạn trẻ: Đi tu là gì?

1. Bước theo Đức Giêsu

Đi tu không phải là theo một người nào đó trong nhà dòng. Đó cũng chẳng phải là hành trình đi một mình. Trên hết đó là tiến trình: lắng nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi; sau đó, đáp lời để bước theo Ngài (sequela Christi). Khao khát của người tu sĩ là được ở với Ngài. Trong mối tương quan này, người tu sĩ hiểu hơn về Thiên Chúa. Với họ, việc bước theo Đức Giêsu là quan trọng nhất, vì khi đó, họ sẽ đi đúng đường. Ngược lại, những ai đi tu mà vắng bóng Đức Giêsu, người ấy chẳng thể hạnh phúc an bình trong nhà Dòng.

Dĩ nhiên Đức Giêsu có cách giúp người tu sĩ thấy được con đường phía trước để bước theo. Đó là linh đạo, là con đường của nhà Dòng mà người tu sĩ đang bước đi. Mỗi linh đạo cho người tu sĩ gần hơn với Thiên Chúa. Linh đạo là lối mòn chắc chắn mà Thiên Chúa đã chỉ cho đấng sáng lập dòng hoặc tu hội. Bởi thế, người ta nói rằng: dòng chỉ là con đường để bước theo Đức Giêsu. Trên con đường đó, Thiên Chúa luôn đồng hành với các tu sĩ qua những người cụ thể. Đó là những người cùng tu với họ, những người có trách nhiệm hướng dẫn họ. Người tu sĩ may mắn không cô độc khi bước theo Giêsu. Ngược lại, họ có nhiều trợ giúp từ nhà dòng, phía Giáo Hội để họ trung thành với con đường Đức Giêsu mời gọi.

Có lẽ nhiều bạn trẻ bỡ ngỡ khi bước theo Đức Giêsu. Không sao! Lúc đầu như một em bé tập đi, chúng ta có người nâng đỡ trong nhà dòng. Thiên Chúa có cách để dẫn người tu sĩ trẻ sống triển nở hơn mỗi ngày. Đừng quên ơn gọi luôn cần làm mới lại. Đi với Chúa lâu trong nhà dòng, nếu không chăm sóc cho ơn gọi, đời tu sẽ trở nên buồn chán. Đó là thử thách luôn có trong đời tu. Chỉ người tu sĩ nào biết bám vào Chúa và nhà dòng, người ấy mới phát hiện ra con đường của Chúa muốn mình đi. Đừng liều lĩnh đi một mình, nhưng đi sau, nhìn dấu chân của Đức Giêsu đang in đậm trong hội dòng, trong mỗi ngày sống. Khi đó, người tu sĩ sẽ không lẻ loi.

2. Sống với ước mơ của Chúa

Đi tu chắc không thể rảnh rỗi và nhàn nhã. Ăn không ngồi rồi chưa bao giờ là lựa chọn tốt của người tu sĩ. Trên hết, Chúa Giêsu gọi chọn bạn trẻ để họ sống với Chúa và cùng với Ngài thực hiện những ước mơ. Chúa muốn người tu sĩ ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Đó là công việc chính được người tu sĩ diễn tả qua mọi khía cạnh của đời sống. Dù họ ở trong tu viện khép kín, người tu sĩ cũng được mời gọi chu toàn đời thánh hiến, được mời gọi cầu nguyện cho mỗi người, cho Giáo Hội. Dù lao mình vào xã hội để phục vụ con người, các tu sĩ cũng được trao trách nhiệm thánh hóa tha nhân, giúp người ta trở về với Thiên Chúa. Dù trong công việc nào, người tu sĩ cũng được mời gọi để trở nên nhân chứng của Tin Mừng.

Ước mơ của Thiên Chúa tuy cao cả, quan trọng và cấp bách, nhưng trong đó luôn mang nhiều thách đố. Người tu sĩ được Chúa vạch ra cho những kế hoạch; Ngài mời gọi họ hãy sống với ước mơ của Ngài. Hãy để cho ước mơ của mình làm một với ước mơ của Chúa. Hoặc nói đúng hơn, “Bởi đã nhận sứ mạng của Chúa làm của mình nên Giáo Hội loan báo Tin Mừng cho hết mọi người nam nữ, dấn thân phục vụ việc cứu độ toàn diện con người.”[2] Khi đó, người tu sĩ mới hy vọng thực thi sứ mạng một cách đúng đắn. Thực ra, người tu sĩ chẳng tài giỏi đến nỗi tự mình hoàn thành sứ mạng Chúa trao. Có chăng họ chỉ là người cộng tác với Thiên Chúa để biến ước mơ của Ngài thành hiện thực. Chính Thiên Chúa mới là tác giả của thành công nơi sứ vụ của người tu sĩ hoặc của nhà dòng.

Nếu ai đó bước vào đời tu, thì nhà Dòng sẽ chỉ cho họ những ước mơ cụ thể của Chúa. Đó là những kế hoạch tông đồ của nhà Dòng. Ước mơ của Chúa không mơ hồ, cao vời hoặc hão huyền, nhưng nó được cụ thể bằng những cách nhà Dòng đang cố gắng giúp đỡ tha nhân. Để có được điều này, nhà dòng cùng nhau lắng nghe ý Chúa, chiêm ngắm thời đại và bàn luận để thấy điều gì cần làm. Khi đó, việc loan báo Tin Mừng sẽ sống động hơn nhiều, và các tu sĩ cùng chung một hướng đi, ước mơ của Chúa hy vọng trở thành hiện thực.

3. Con đường dành cho mỗi bạn trẻ

Tôi không chắc bạn có ơn gọi dâng hiến hay không, nhưng hãy cho Chúa một cơ hội. Nghĩa là bạn thử để Chúa nói, bạn lắng nghe, để Chúa mời, bạn đáp lại, để Chúa thôi thúc, bạn cảm nhận. Trong tương quan ấy, bạn có thể nhận ra Chúa muốn gì nơi mình. Đi tu cũng được, lập gia đình cũng tốt, hoặc ở vậy phục vụ Chúa giữa đời cũng hạnh phúc. Quan trọng là biết Chúa muốn gì nơi mình. Chỉ khi đó, người ta mới có thể hạnh phúc và mạnh mẽ để chu toàn ý Chúa dành cho cuộc đời mình. Trong ý hướng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn với từng người trẻ:

“Trong việc phân định ơn gọi của mình, các con đừng loại trừ khả năng hiến thân cho Thiên Chúa trong ơn gọi linh mục, đời sống tu trì hoặc các hình thức thánh hiến khác. Tại sao không? Các con hãy yên tâm rằng nếu các con nhận ra ơn gọi từ Thiên Chúa và làm theo nó, nó sẽ mang lại cho cuộc đời các con một sự sung mãn trọn vẹn.”[3]

Trong mỗi nhà dòng đều có người giúp các bạn trẻ nhận ra ơn gọi. Đặc biệt ngày quốc tế ơn gọi, Giáo Hội đồng thanh cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Cụ thể bạn thấy sao về bốn từ mà ĐGH Phanxicô nói về ơn gọi hiến dâng: nỗi đau, lòng biết ơn, sự khích lệ và khen ngợi?[4] Khi bạn cho Chúa một cơ hội, nghĩa là bạn lui tới với người có trách nhiệm để nhận ra tiếng Chúa đang thì thầm trong tâm hồn mình. Nếu lòng bạn rộn ràng niềm vui dâng hiến, thinh thích với đời sống tu trì, hãy liên lạc với nhà dòng, để được giúp đỡ. Những người chăm lo ơn gọi vốn có nhiều kinh nghiệm để cùng bạn nghe rõ hơn tiếng Chúa gọi mời.  

Tuổi trẻ thường là giai đoạn của lựa chọn. Đó là những lựa chọn mang tính quyết định cho cuộc đời. Chính giai đoạn này Thiên Chúa cũng đang thủ thỉ với mỗi bạn bước theo Ngài. Con đường tu trì luôn mở ra cho mỗi bạn trẻ. Nếu bạn thực sự nhận được lời mời của Đức Giêsu để tìm hiểu đời sống tu trì, cứ mạnh dạn để khám phá tiếng gọi rộn ràng ấy. Nếu Chúa muốn, Ngài có cách để giúp bạn chọn được một con đường hợp nhất để sống hạnh phúc. Hành trình ấy người ta gọi là đi tu. Tu với Chúa và với nhà dòng, với những con người mình phục vụ và cống hiến.

Tạm kết

Ước gì các bạn trẻ khi cảm thấy ít nhiều đời tu hấp dẫn mình, có vẻ Chúa đang mời gọi mình, luôn sẵn sàng lên đường tìm hiểu. Để trên hành trình ấy, các bạn dám biến đổi đời mình để loại đi những ước muốn trần tục, thêm vào những ước ao thánh thiện. Bởi các bạn trẻ cần biết rằng:

“Với những người bỏ lưới, bỏ thuyền để theo Chúa, Ngài hứa cho họ niềm vui của một cuộc sống mới, làm cho tâm hồn được đầy tràn và Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của họ.”[5]

Tái bút: Nếu bạn ước ao hiểu thêm về đời tu, tôi hạnh phúc trao cho bạn cuốn sách vừa xuất bản: Người trẻ và ơn gọi hiến dâng . (https://ducbahoabinhbooks-osp.com/product/nguoi-tre-va-on-goi-hien-dang).

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Ngày này còn cầu nguyện cho ơn gọi linh mục triều mà tôi không đề cập ở đây.

[2] Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 82.

[3] Tông Huấn Christus Vivit, số 276.

[4] Đọc thêm: Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày quốc tế ơn gọi 2020

[5] Xem: Sứ điệp ĐTC nhân Ngày Thế giới cầu cho ơn gọi 2019.

Kiểm tra tương tự

Bạn biết gì về Ngai tòa thánh Phêrô?

  Theo truyền thống, chiếc ghế nhỏ này từng được Thánh Phêrô sử dụng khi …

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *