Điều gì làm nên sự khác biệt nơi Dòng Tên? (1)

Đức Giáo Hoàng Phaolô III trao cho Thánh Inhã trọng sắc (Regimini Militantis Ecclesiae) thành lập Dòng Tên ngày 27.09.1540

Tác giả: Hồng Y Avery Dulles, S.J.

 

Đặc sủng là ân huệ của Chúa, được trao ban không phải để thánh hoá riêng một người nhưng để sinh ích cho người khác. Thánh Phaolô có hẳn một danh sách các đặc sủng được nhắc đến trong chương 12 của Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Chúng bao gồm ơn nói tiên tri, ơn nói các thứ tiếng lạ, ơn làm phép lạ và ơn giải thích các thứ tiếng lạ. Nếu những đặc sủng này được trao ban cho một số người trong Giáo hội, vậy đặc sủng nào đã được ban cho Thánh I-nhã thành Loyola? Ai là người thụ hưởng những ân huệ này? Liệu những đặc sủng này có còn được ban cho đến ngày hôm nay? Và nếu như vậy, ai là người được nhận lãnh những ơn này?

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ nói những điểm cơ bản của đặc sủng mà Thánh I-nhã đã lãnh nhận một cách tuyệt diệu, và với ơn Chúa, ngài muốn ứng dụng và truyền trao đặc sủng này trong Dòng tu mà ngài đã thành lập.

Thánh I-nhã sống một cuộc đời cực kỳ có định hướng. Bắt đầu từ những ngày dài dưỡng bệnh tại Loyola sau khi bị thương trong trận chiến tại Pamplona năm 1521, Chúa đã dẫn ngài qua nhiều thăng trầm mà đỉnh cao là việc thành lập và gầy dựng Dòng Tên. Mặc dù Dòng Tên khi mới thành lập vào năm 1540 chỉ vỏn vẹn có 10 thành viên, bao gồm cả nhóm nòng cốt là ba vị thánh mà chúng ta mừng kính trong năm nay, tất cả đều nhất trí rằng Đấng sáng lập Dòng Tên thực sự, sau Thiên Chúa, không ai khác ngoài Thánh I-nhã. Ngài được ban cho một ơn ngoại thường – một đặc ân, có thể gọi như vậy – ơn lãnh đạo. Thành tựu nổi bật của ngài là thành lập một dòng tu có nhiều điểm khác biệt so với các dòng tu đã tồn tại trước đấy. Đó là một dòng tu dành cho nam, khấn sống giữa thế gian với đôi mắt liên lỉ hướng về Thiên Chúa, về Chúa Giêsu Kitô và về nhu cầu của Giáo hội.

Ba đặc nét này của tầm nhìn I- nhã được diễn đạt cách ngắn gọn trong sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng Phaolô III vào năm 1540, và được xác chuẩn trong một sắc chỉ tương tự của Đức Giáo Hoàng Giuliô III vào năm 1550. Cả hai sắc chỉ này đều trích dẫn đầy đủ Định Thức Thể Chế được chính Thánh I-nhã soạn thảo. Định Thức mở đầu với những câu từ mạnh mẽ như sau: “Ai ước muốn chiến đấu cho Thiên Chúa dưới cờ Thánh Giá trong Dòng chúng tôi, mà chúng tôi ước ao được gọi bằng tên Chúa Giêsu, và phục vụ một mình Chúa và Hội Thánh là Hiền Thê của Người, dưới quyền Đức Giáo Hoàng Rôma, Đại Diện của Đức Kitô trên trần gian, sau lời khấn trọng thể sống trọn đời khiết tịnh, thanh bần, và tuân phục, phải ghi khắc trong lòng những điều sau đây”.

Lấy Chúa là tâm điểm

Đặc tính đầu tiên của người Giêsu hữu trong Định Thức Thể Chế là trở nên một chiến sĩ của Thiên Chúa. Định Thức nói rằng bất kỳ ai bước vào Dòng,

“đầu tiên phải đặt Thiên Chúa lên trên hết, rồi sau đó là bản chất của Dòng mà người đó đã khấn hứa, cũng là con đường dẫn người đó tới Thiên Chúa”. Theo thói quen của mình, ở đây thánh I-nhã phân biệt giữa phương tiện và cùng đích. Cùng đích khiến Dòng Tên tồn tại là cho vinh danh Thiên Chúa hơn. Trong Hiến pháp Thánh I-nhã soạn thảo cho Dòng, ngài nhắc lại định thức “Ad Maiorem Dei Gloriam” hoặc sử dụng các từ tương tự tới 376 lần. Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa, Ngài xứng đáng với tất cả những lời chúc tụng và phụng sự mà chúng ta dâng lên Ngài. Việc sử dụng tính từ so sánh “greater” (maiorem) rất có ý nghĩa. Nó biểu hiện cho ước muốn phải tốt hơn, phải tìm kiếm hơn nữa (magis). Điều mà chúng ta đã và đang làm hiện tại là không bao giờ đủ.

Bước theo Chúa Giêsu

Theo Thể Chế, đặc tính thứ hai của người Giêsu hữu là hướng về Chúa Giêsu, Đấng mà theo cách nói của Thánh I-nhã, là con đường dẫn đến sự sống. Định Thức Thể Chế chỉ rõ rằng Dòng Tên phải được đặt theo tên Chúa Giêsu. Thánh I-nhã chưa bao giờ nghĩ rằng ngài là người đứng đầu các Giêsu hữu. Ngài chỉ muốn là một người bạn đồng hành với anh em trên bước đường theo Chúa. Chúa Giêsu mới là vị thủ lãnh thực sự của Dòng.

Thánh I-nhã nhận được một ơn rất cao trọng trong lúc đang cầu nguyện tại nguyện đường La Storta, ngoại vi thành Rome vào tháng 10 năm 1537, cùng với Peter Faber và Diego Laínez. Thánh I-nhã cho biết, ngài “được Thiên Chúa viếng thăm cách đặc biệt”. Ngài thấy Chúa Giêsu vác thập giá trên vai trong sự hiện diện của Chúa Cha, Đấng nói với thánh I-nhã rằng: “Ta muốn con phụng sự chúng ta”. Kể từ giây phút đó trở đi, thánh I-nhã luôn tin rằng Chúa Cha đã đặt ngài bên cạnh Chúa Con; ngài nhất quyết rằng dòng tu mới lập phải được gọi là Dòng Chúa Giêsu (ở Việt Nam gọi là Dòng Tên)

Khi giúp suy niệm về bài “Hai Cờ Hiệu” trong Linh Thao được viết vài năm trước đó, Thánh I-nhã gặp những thao viên muốn xin ơn để được đứng dưới ngọn cờ của Chúa Giêsu. Vì thế trong Định Thức Thể Chế ngài muốn những ai gia nhập Dòng phải thể hiện được ước mong chiến đấu dưới ngọn cờ Thập giá. Đây là một cam kết nỗ lực không ngừng để vượt qua những khó khăn và can đảm chiến đấu, không màng thương tích, nhưng noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã ôm lấy thập giá để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.

Phục vụ Giáo Hội

Đặc tính thứ ba là chiều kích Giáo Hội. Là một người hoàn toàn và trọn vẹn thuộc về Giáo Hội, Thánh I-nhã viết trong Định Thức Thể Chế rằng các ứng sinh Dòng Tên phải quyết tâm phục vụ “chỉ mình Thiên Chúa và Hội Thánh Hiền thê của Người”. Ở đây chúng ta có thể nhận ra âm hưởng nổi tiếng của Thánh I-nhã trong “Các quy tắc cùng cảm nghĩ với Giáo Hội” ở phần kết của Linh Thao, rằng ngài từ chối bất kỳ sự đối nghịch nào giữa phụng sự Thiên Chúa và Giáo Hội. Ngài viết: “Tôi xác tín rằng trong Đức Kitô Chúa chúng ta là Tân lang, và trong Hội thánh là Hiền thê của Người, chỉ có duy nhất một Thần khí thúc đẩy, Người là Đấng cai quản và hướng dẫn linh hồn đạt đến ơn cứu rỗi”. Theo thánh I-nhã, hàng giáo phẩm và Giáo Hội Roma là Hiền thê đích thực của Đức Kitô Chúa chúng ta, và là Mẹ thánh của chúng ta”.

Lòng trung thành Thánh I-nhã dành cho Giáo hội không phải là những ý niệm trừu tượng, nhưng là một Giáo hội hiện hữu cụ thể ở trần gian với quyền tối thượng nơi Đức Giáo Hoàng. Các vị Giáo Hoàng thời Thánh I-nhã có thể không phải là người thánh thiện và khôn ngoan nhất, nhưng ngài nhìn lên họ với đôi mắt của đức tin và thấy trong từng vị đại diện của Chúa Kitô những lời giáo huấn và đường lối cai quản Giáo hội hoàn vũ. Ngay từ năm 1534, khi bảy người bạn đường đầu tiên khấn tại Montmartre, họ đã có ý định đặt mình dưới quyền của Đức Giáo Hoàng, xin ngài giao cho họ những sứ vụ mà ngài cảm thấy cấp bách nhất. Sau khi bản Thể Chế được Đức Thánh Cha chuẩn nhận vào năm 1540, thánh I-nhã dành phần còn lại của cuộc đời mình tại Rome để được gần gũi Đức Thánh Cha.

Như vậy, tôi đã trình bày những mục tiêu của Dòng Tên một cách tổng quát nhất, đó là vinh danh Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội và vâng phục Đức Giáo Hoàng. Thánh I-nhã còn phải cụ thể hóa ra hoạt động tông đồ nào Dòng Tên sẽ phục vụ. Điều này cũng được nhắc đến trong Định Thức Thể Chế. Tiếp theo câu tôi đã trích dẫn, Thánh I-nhã viết: “Ai muốn vào Dòng phải nhớ mình là phần tử của một Dòng được thành lập trước hết với mục đích chính yếu là bảo vệ và truyền bá đức tin, cùng giúp các linh hồn tiến tới trong đời sống và giáo lý Đức Kitô”. Sau đó ngài đề cập đến những phương cách khác nhau để đạt tới mục tiêu này: “Công khai giảng dạy và bằng mọi cách thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, bằng Linh Thao hay dạy giáo lý cho trẻ em và người ít học, cũng như bằng việc ban bí tích Giải Tội và các bí tích khác để đem lại cho các tín hữu niềm an ủi thiêng liêng”. Trong câu tiếp theo, Định Thức nói về những công việc bác ái như hòa giải những người bất hòa, cứu giúp và phục vụ những tù nhân hoặc bệnh nhân trong các bệnh viện, cùng thực thi các công tác bác ái khác.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2007/01/15/what-distinguishes-jesuits
Chuyển ngữ: Huy Văn
Hiệu đính: Trung Thu

Kiểm tra tương tự

App Hành hương Dòng Tên có phiên bản tiếng Việt

App Hành hương Dòng Tên (Jesuit Pilgrimage), được phát hành từ cuối năm 2022 để …

Sách “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”

Lời giới thiệu của Lm. Giuse Cao Gia An, SJ, Tiến sĩ chú giải Kinh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *