Một bạn trẻ bối rối và thắc mắc rằng có nên cho tiền, khi người vô gia cư sống ở trên đường phố chìa tay xin giúp đỡ?
Phần lớn ai cũng đồng ý rằng giúp đỡ người khác là tốt. Bố thí một chút tiền nhỏ cho người đang cần là việc nên làm. Nhưng bạn trẻ này lại cảm thấy bối rối, không biết việc giúp đỡ người khác bằng tiền là tốt hay là xấu. Vì không phải lần nào cho tiền người nghèo đều là tốt hết. Nếu người ăn xin sử dụng số tiền kiếm được vào những việc gây tổn hại cho sức khỏe của họ, như mua đồ uống có cồn, rượu, bia thuốc lá… thì việc giúp đỡ ấy, lại là hành động gián tiếp làm hại kẻ khác!
Không dễ dàng để trả lời một lần là có hay là không, cho mọi trường hợp. Có nhiều lý do để biện minh cho việc ta mở ví tiền ra để giúp đỡ người khác hay không. Có lẽ, điều quan trọng nhất không phải là cho hay là không. Mà điều cần lưu tâm hơn, là tự hỏi lòng mình: tôi có đủ nhạy bén và có một tấm lòng yêu thương người khác không?
Hôm nay cả Giáo hội mừng lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua vũ trụ. Trong bài Tin Mừng nói về viễn cảnh Phán Xét Chung,[1] Đức Vua sẽ ngự đến trong vinh quang và xét xử từng người. Điều thú vị là cuộc Phán Xét Chung đầy ngạc nhiên.
Ngạc nhiên đầu tiên, là nội dung của điều sẽ bị đưa ra xét xử. Chúa Giê-su không nhắc đến việc Thiên Chúa phán xét con người về những tội lỗi mà chúng ta thường hay nghĩ đến khi nhắc đến cụm từ “tội lỗi” (như vi phạm Mười Điều Răn, phạm các tội trọng…), nhưng là phán xét về các lỗi lầm của sự thiếu sót. Trong ngày phán xét chung, Thiên Chúa xử phạt chúng ta về những hành động thương người mà lẽ ra chúng ta nên làm.
Bài Tin Mừng liệt kê sáu đòi hỏi về lòng thương người: cho ăn, cho uống, tiếp đón, cho áo mặc, thăm viếng khi đau yếu và đến hỏi han lúc tù đày.[2] Đây là những hành động nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Chúa không đòi hỏi ta phải làm những việc lớn lao vĩ đại, ra tay cứu cả thế giới. Nhưng chỉ đòi buộc ta sẵn lòng mở tay giúp đỡ người khác trong các nhu cầu căn bản của cuộc sống thường ngày. Có lẽ, sáu việc làm thương người này chỉ là con số tượng chưng, chứ chưa phải là tất cả. Điều Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện lòng thương xót đối với người thân cận là mãi mãi, vì nhu cầu của con người là vô hạn.
Ngạc nhiên thứ hai, những người đã thực thi lòng thương xót đối với người khác không hề biết gì về việc họ đã làm. Họ tỏ ra hết sức ngạc nhiên về phần thưởng mà họ nhận được. Khi Đức Vua nói với họ rằng họ đã mở rộng lòng thương xót đối với Ngài, thì họ không thể tưởng tượng được điều đó đã xảy ra như thế nào. Khi mở tay giúp đỡ „một trong những anh em bé nhỏ nhất”, họ không biết rằng họ sẽ được khen thưởng vì lòng tốt của họ. Không có sự tính toán nào trong sự hào phóng của họ. Họ cho đi bởi vì họ cảm động trước nhu cầu của người khác, chứ không phải bởi vì sẽ nhận được phần thưởng.
Những điều tốt lành đã làm cho người thân cận, họ được Thiên Chúa ân thưởng, được “thừa hưởng Vương Quốc”, được ơn cứu rỗi. Có phải Chúa Giê-su đang tạo ra một kẽ hở cho phép con người kiếm được sự cứu rỗi của chính họ thông qua những hành động của lòng thương xót? Một người khước từ Đức Giê-su Ki-tô có thể giành được sự cứu rỗi bằng cách cho người đói ăn không? Vì các sách Tin Mừng tỏ lộ cho chúng ta biết rằng ơn cứu độ là ân sủng của Thiên Chúa, và chỉ qua đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta mới nhận được. Nhưng ở đây, Chúa Giê-su không hề nói gì đến đức tin.
Trong thư gửi tín hữu Rô-ma[3], thánh Phao-lô nói về một trường hợp ngoại lệ đối với những người ngoại giáo (những người không biết Thiên Chúa, vì không được rao giảng), họ “theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy.” Họ cho thấy là “những gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ.” Thánh Phao-lô giải thích: “những ai được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật“. Tuy nhiên, điều này chỉ giải quyết những tình huống mà những người không biết về Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng không có lý do nào để bào chữa cho những người cố tình từ chối không tin vào Đức Giê-su Ki-tô, dù họ có công lao gì đi nữa.
Tất nhiên, Chúa Giê-su tự do cứu bất cứ ai mà Ngài muốn. Ngay cả kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá. Tên trộm thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”[4] – Lời van xin này tựa như một lời tuyên xưng đức tin rồi. Cho nên, chúng ta không nên chỉ dừng lại ở việc làm lành phúc đức và cho rằng những việc thiện này (thay cho đức tin) sẽ cứu độ chúng ta.
Nhưng chắc chắn một câu hỏi duy nhất trong Ngày Phán Xét Chung là, “Bạn có sống theo Điều Răn quan trọng nhất không?”, “Bạn có mến Chúa và yêu người thân cận không?“[5] Đời sống vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào thái độ sống của mình với Chúa và với người khác – những kẻ bị nguyền rủa phải chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính được hưởng sự sống muôn đời.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta rằng không làm điều tốt cũng tai hại như làm điều xấu. Đã nhiều lần Chúa Giê-su tỏ lộ cho các môn đệ và chúng ta về những điều mà Vương Quốc của Ngài đòi hỏi – những đòi hỏi rất khác với suy nghĩ quen thuộc của chúng ta. Những ai sống theo các đòi hỏi ấy sẽ được thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn từ thuở tạo thiên lập địa. Trong Vương Quốc ấy không có sự phân cấp phần thưởng hay hình phạt, mà chỉ có „được mời vào” hoặc „bị đuổi ra ngoài” mà thôi.
„Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)
Lạy Chúa, xin cho chúng con một con tim nhạy cảm với những nhu cầu của người khác, và đôi bàn tay quảng đại sẵn sàng mở ra nâng đỡ những người cần tới. Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
……………….
[1] Mt 25,31-46
[2] Mt 25,35-36.
[3] Rm 2,12-15.
[4] Lc 23,42
[5] Mt 22,34-40