Nước mắt người thầy

 

Ghé lại chốn xưa, tôi thẫn thờ bước lại từng hồi ức trên nền lá xác xơ. Ngôi trường đã thay đổi quá nhiều sau ngần ấy năm xa cách. Nó gạch dài tầng tầng lớp lớp những luyến tiếc xót xa hòa lẫn niềm an ủi vô bờ. Tôi cố ngơ đi những mảnh buồn vụn vặt của một thời đứng lớp nhưng lại không thể ngăn nổi từng giọt lệ cay xè trên khóe mắt bờ mi. Lòng vẫn siết những lời cảnh cáo, lòng vẫn đau sau bao phen răn đe. Cúi đầu lặng lẽ nhìn học trò lao vào chốn khổ nơi đau. Thế mà, cái tâm của Thầy vẫn không thỏa, cái sức của Thầy cũng phải chùn chân. Gạt hàng lệ, tôi cũng về kịp buổi lễ tri ân thuở trước. Ngày ấy, thiếu gì niềm vui từ những đứa con ngoan, thiếu chi an ủi nơi những người trò giỏi. Không thiếu những lời tán dương chúc mừng, không thiếu những tiếng cám ơn cử chỉ ân cần, đủ thứ hoa quà, đủ sự tôn vinh. Cớ chi một người Thầy lại không được nhận những điều ấy cùng với muôn thứ thành công, vạn tiếng tâm tình tương giao. Đời ông giáo cũng trăm nỗi sầu vạn niềm vui cùng lớp lớp học trò.

Giờ đây, tôi vẫn là Thầy nhưng chỉ có cái tiếng trong cõi thinh lặng ngàn xưa. Giờ đây, lớp lớp học trò đã thành ông nọ bà kia mà mấy ai còn nhớ đến, mấy người còn muốn gọi tên. Thời ông giáo đâu nghĩ đến đây, thời đứng lớp đâu ngờ xa vậy. Nơi cõi thinh lặng, tự mình lật từng trang luyến tiếc, âm thầm ngược từng dòng vỗ về. Dường như cái lẽ tôn sư trọng đạo chỉ là quá khứ, hình như cái lòng tri ân chỉ là huyền mơ. Còn học trò mới còn Thầy Cô, còn học hành mới còn ngày nhà giáo. Hai chữ “chào mừng” đã phai mờ theo tên tuổi, đã cuốn phăng theo thời gian. Thời ấy, gặp Thầy thì chào, có dịp thì mừng. Bây giờ, đâu còn Thầy, nào có dịp. Vậy cái thời ấy chào làm gì? Cái thời ấy mừng làm chi? Để giờ đây mang bao luyến tiếc, chất nặng xót xa. Rồi một ngày, bàng hoàng nhìn nấm mộ của mình không chút khói hương, lạnh lẽo quạnh hiu.

Có chào cũng chỉ là người sống, có mừng cũng chỉ là Thầy nọ Cô kia. Đâu ai còn tri ân ai còn nhớ tới những người đã khuất. Nào mấy người nhớ đến nấm mồ của chúng tôi, mấy kẻ tưởng lại những ngày xa cũ. Ngày nhà giáo vẫn tràn ngập niềm vui cùng bao lời tri ân bao tiếng chúc mừng. Nhưng ngày này, đâu đó vẫn còn những người như tôi. Ghé lại chốn xưa, tìm về ký ức, tôi nức lòng mong chờ những khoảnh khắc nhớ thương của học trò. Ước gì những món quà xưa thành những nén hương gói trọn tâm tình, ước chi những lời tri ân những bài ca chúc mừng một thời thành tiếng nguyện lời kinh cho người thầy đã khuất. Cõi thinh lặng ngàn xưa, tôi đẩy đưa chút tình, tôi dìm mình trong mong ước, tôi bước đi trong nhớ thương, và vật vã với đầy mảng ký ức. Thật tình cờ, ngày tôn sư trọng đạo nằm thọt lỏm giữa bầu không khí biết ơn, giữa làn gió nhớ thương của tháng cầu cho các linh hồn. Tôi vẫn ở đây, vẫn chờ đợi những tấm lòng tri ân âm thầm, vẫn ngóng mong cái nhớ cái thương của kẻ còn sống. Biết đâu vẫn còn… vì tôi đã bất lực. Không chỉ mình tôi, các Thầy các Cô vẫn chờ mong rất nhiều nơi các em. Không chỉ khi còn sống mà khi đã ra đi, không chỉ khi còn Thầy mà khi đã giã từ thời ấy.

Có lẽ cả thời ấy và bây giờ, mọi nỗi hỉ nộ ái ố của đời ông giáo, không ai có thể thấu hiểu bằng một người Thầy. Người Thầy từ ngàn năm thuở trước, trên cuốn Tin Mừng nhỏ con, nơi xa xăm sâu thẳm có đáng trở thành mẫu gương cho tôi? Ngẫm nghĩ đời mình, gẫm suy đời Thầy, tôi đã trọn một đời để mời gọi bạn chiêm ngắm Người. Thầy Giêsu đã từng gạt nước mắt vì trò, và Người cũng đã gạt nước mắt cho tôi…

Lyeur Nguyễn

Kiểm tra tương tự

Để trẻ em được là trẻ em lâu hơn

Ngày càng có nhiều phụ huynh cam kết không cho con mình sử dụng điện …

Hướng dẫn trẻ nhỏ khám phá sức mạnh chữa lành từ lòng thương xót và lời nguyện chuyển cầu

Tôi biết một người mẹ có hai con trai nhỏ thường xuyên cãi nhau. Một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *