Và cũng đã đủ lớn để mong bé lại…

Một ‘điểm’, dù rất nhỏ, bao giờ cũng đầy đặn và bớt mông lung hơn một đường thẳng. Nếu như đường thẳng là nơi vài mặt phẳng bao la nào đó gặp gỡ, thì điểm là nơi chính xác một số đường thẳng tít mù kết giao. ‘Điểm’ tuy nhỏ nhưng tinh tế và đáng quý, dù rằng nhiều điểm mới tạo nên được đường thẳng lẫn mặt phẳng! Trẻ thơ cũng vậy; chúng nhỏ bé, nhưng tinh khôi, tròn trịa và đầy đặn như trăng rằm. Bảo sao Chúa Giê-su vẫn nhắc: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt. 19, 14). Mà thật ra, khuôn mẫu “trẻ thơ” tuyệt hảo là chính Chúa Giê-su.

* * *

Nên như trẻ thơ…

Đó là tìm lại được sự hồn nhiên của trẻ thơ. Đứa trẻ hay được “chụp mũ” là ích kỉ, nhưng ngay cả sự ích kỉ đó cũng thật tinh tuyền. Đứa trẻ chỉ biết có mình, đó là điều tự nhiên. Trong cái hành tinh tri thức và nội tâm bé hơn hạt tiêu của trẻ, việc nó chỉ nghĩ cho riêng mình cũng là điều chính đáng. Bởi lẽ, chỉ khi trẻ biết yêu mình trước, dần dần và tự nhiên nó khám phá ra niềm vui yêu thương sẽ tăng bội khi chia sẻ với người khác, với thiên nhiên; một đứa trẻ không yêu nổi mình thì lớn lên khó biết yêu ai. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Ngài quan tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng của mình (hằng ngày đều tìm lui vào thanh vắng để cầu nguyện); Ngài biết đâu là điều cần nhất cho bản thân cũng như tha nhân.

Người lớn có chia sẻ cách tinh ròng, vô vị lợi như trẻ hay không? Mặt khác, có những người lớn mải lo chia sẻ cái mình có đến nỗi lãng quên khả năng tiếp nhận và nuôi dưỡng điều mình cần. Thiện nguyện đôi khi lại là một hình thức hướng ngoại và ích kỉ tế nhị, trau chuốt: cho đi của cải để nhận lại bình an, làm vừa lòng bản thân bằng cách an ủi tha nhân… Quên mình phục vụ, nhưng thành ra làm thui chột bản thân và đi tìm chính mình.

Nên như trẻ thơ…

Đó là biết nhìn sự vật – hiện tượng đúng với thực chất của chúng. Đứa trẻ tiếp thông thực tại mà không cần thông qua khái niệm, đại lượng hay đặc tính. Đứa trẻ thấu suốt mọi sự bằng con tim. Nó nhìn người khác mà không hề dán nhãn. Nó ngạc nhiên trước bao điều mới mẻ; ký ức không mang theo định kiến vào tâm trí nó, nhưng thay vào đó là một khung trời ý nghĩa lồng lộng. Khung trời trẻ thơ không có chỗ cho lề luật, không nhuốm màu đua tranh định đoạt tốt – xấu, hơn – thua… Nó đang sống trong vườn địa đàng, và cũng là công dân xứng đáng của thiên đàng. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Ngài vượt lên trên lề luật để tìm tha thứ, yêu thương và cứu vãn con người, vì “cái” Ngài nhìn thấy trước hết nơi một tội nhân là một con người với hạt mầm hướng thiện bên trong. Ánh mắt của Ngài vượt xa mọi định kiến, mở ra cho con người một vùng trời ý nghĩa nơi cung lòng thương xót của Chúa Cha.

Người lớn đối diện với thực tại nhưng thường quan tâm đến các thuộc tính; đôi mắt họ thường tỏ ra mù lòa trước điều cốt yếu. Người lớn thường không quan tâm đối phương là-ai cho bằng đối phương có-gì, làm-gì. Họ thường mang trong mình những thành kiến, nhãn mác, toan tính và nỗi sợ… được dệt nên bởi ký ức và cảm xúc. Người lớn cũng thường mang quy chuẩn xã hội ra để xét đoán, trách phạt, tính toán… Họ tự đặt mình nằm ngoài thiên đường để bám lì trong cõi thế sự hãy còn thích thú với phân chia thiện – ác, đúng – sai, lợi – hại, thiệt – hơn…

Nên như trẻ thơ…

Đó là phán đoán từ hành động chứ không phải từ lời nói. Đứa trẻ đặt niềm tin vào việc làm của người lớn hơn là những câu nói. Nó ưa thích thứ ngôn ngữ không lời, như khi mẹ nó bồng bế, nựng nịu, chăm bẵm, tắm rửa, vỗ về… Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Đối với Ngài, câu cửa miệng “Dầu ai có bỏ Thầy đi nữa, thì con, con cũng không bỏ Thầy” không đáng mong chờ nơi người môn đệ cho bằng động thái ‘từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy’ hay ‘bán hết của cải, phân phát cho người nghèo, rồi theo Thầy’… Bài giảng vĩ đại nhất của Chúa Giê-su được “thị phạm” ngay trên thập giá. Tình yêu hệ ở hành động hơn là lời nói.

Người lớn thường quá để ý tới những câu nói. Trong khi đó, điều cần làm cho nhau, và cho Chúa, thì họ lại ngó lơ.

Nên như trẻ thơ…

Đó là biết tự phán xử bản thân ở bất cứ nơi đâu, như khi đứa trẻ đối diện với một bức tường hay một tấm gương. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: ngày sống của Ngài không bao giờ thiếu những phút hồi tâm xét mình. Ngài cũng dạy các môn đệ: “Con xem rác trong mắt anh em làm gì, còn xà kia trong đôi mắt con sao không thấy?”

Người lớn thường giỏi xét đoán người khác, và thường rất vội vàng. Đối với họ, xét mình bao giờ cũng khó hơn săm soi người khác.

Nên như trẻ thơ…

Đó là tự cho phép mình sống trên một tinh cầu thật nhỏ bé; “hành tinh quê hương” của đứa trẻ chẳng lớn hơn ngôi trường hay ngôi nhà. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Ngài dành 30/33 năm cuộc đời dương thế để sống phận người tại làng quê Na-da-rét; trong 3 năm thi hành sứ vụ công khai, Chúa cũng chỉ quanh quẩn trong lãnh thổ xứ Palestin. Trước khi sai các tông đồ đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng, Chúa nhắn nhủ các môn đệ: “Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel.” Đâu phải Chúa mang não trạng cục bộ, bởi lẽ Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, ngoài Ngài ra không ai có thể làm gì để cứu cả nhân loại. Thực tế, đối với người tông đồ, ý thức về ranh giới trong sứ vụ là hết sức cần thiết để thi hành sứ mạng của Thiên Chúa (hẳn không đơn thuần là việc do bàn tay con người).

Người lớn thường thích đi thật xa, phiêu du đến những miền đất lạ. Họ muốn ôm cả trọn thế giới bao la như thể họ là một đấng cứu độ khác, nhưng thật ra họ chỉ ôm được những gì họ khát khao chiếm cứ. Họ sống trong nguy cơ đánh mất nhiều thứ, nhất là đánh mất chính mình – “vong thân”.

Nên như trẻ thơ…

Đó là sống không máy móc. Dự phóng của trẻ thơ không thể bị o ép bởi quy luật cạnh tranh do người lớn áp đặt. Đứa trẻ không thích hoạt động như một cái máy hay như một con rối bị giật dây; tuổi thơ của nó trôi qua thật chậm vì nó biết cảm nhận cuộc sống. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Cuộc sống của Ngài rất linh hoạt và thích nghi: Chúa chữa bệnh vào ngày Sa-bát; Chúa dùng bữa với “bọn thu thuế và phường tội lỗi”; Ngài có quyền làm phép lạ nhưng cũng có quyền từ chối. Ngài vâng phục để sống theo ý định của Chúa Cha nhưng thật ra đó cũng là ý muốn mà Chúa Giê-su ôm ấp. Chúa Giê-su thật sự làm chủ cuộc sống của Ngài.

Người lớn thường “tiêm” vào tâm tưởng trẻ thơ hoài bão trở thành ông này bà nọ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, phi công, ca sĩ, linh mục… như thể họ đang phóng chiếu ước mơ của riêng họ vào tương lai của đứa trẻ. Hầu hết người lớn đã bị “lập trình” sẵn với quá nhiều cơ sở dữ liệu và hàm lệnh: họ sống vội cho đúng quy trình, cho kịp hoàn thành mọi sự trước “chu kỳ sống” tiếp theo.

Nên như trẻ thơ…

Đó là chẳng quan tâm liệu có ai hâm mộ mình hay không. Đứa trẻ là thế nào thì nó tỏ ra và đón nhận như thế nấy. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Ngay sau khi làm phép lạ và được tán dương, Chúa lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện; Ngài cũng bảo các môn đệ “hãy sang bờ bên kia”.

Người lớn thường lấy làm thích thú và muốn ở lại khi có ai hâm mộ, tán dương… Họ chẳng muốn nghe gì khác ngoài lời khen, kể cả lời chúc khen dành riêng cho kẻ hợm hĩnh và ảo tưởng. Người lớn sẵn sàng làm một chuyện đáng xấu hổ để khỏi bị xấu hổ. Rồi họ chạy thụt hơi trong cái vòng quanh quẩn của hư danh, quyền lực, tri thức và sự kiêu ngạo.

Nên như trẻ thơ…

Đó là cần có bạn. Mỗi người bạn của đứa trẻ là duy nhất dù nó có rất nhiều bạn. Bởi lẽ, làm bạn là để thuộc về nhau và dành riêng cho nhau. Bạn của trẻ có khi chỉ là một bông hoa, một chú chó, một cô búp bê… không lẫn vào trăm nghìn thứ khác vì đã trở-nên-cho-nhau trong một mối liên hệ mật thiết, riêng tư. Đứa trẻ chú tâm ngắm nhìn và trò chuyện với bông hoa mỗi ngày, và vì thế bông hoa kia trở nên quan trọng đối với nó. Đứa trẻ biết bạn của nó là ai. Nó mong chờ đến lúc được diễn tả nghi thức này nọ với bạn bè, có khi trong những trò chơi hay màn kịch, vì đối với trẻ, nghi thức là cả một không gian và thời gian gặp gỡ sống động và đáng nhớ. Chúa Giê-su làm gương trẻ thơ: Ngài chủ động kết bạn với các môn đệ để các ông được làm bạn của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu”. Ngài gọi tên, thậm chí đặt tên, và hiểu biết từng người trong số các môn đệ; Ngài sống, chết đi và sống lại cho từng người. Ngài yêu mến Giáo Hội cách riêng như hiền thê – người bạn đời. Ngài muốn ở cùng Giáo Hội ngang qua các bí tích – những dấu chỉ và nghi thức hữu hình đi kèm sự gặp gỡ thông truyền ân sủng.

Người lớn cũng cần bạn, nhưng tình bạn đối với người lớn là một phương tiện hơn là một mối tương quan. Họ mải đi tìm những xứng đáng làm bạn mình mà quên tìm cho mình một người mình có thể chủ động kết bạn. Nghi thức trong tương giao đối với người lớn ngày càng trống rỗng và vô nghĩa, dần dần trở thành thủ tục xã giao.

Nên như trẻ thơ…

Đó là được tự do bộc lộ mức độ trưởng thành của mình. “Con còn nhỏ mà!” Chúa Giê-su – Ngôi Lời Nhập Thể – đã ra đời trong hình hài và thân phận của một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ. Năm 12 tuổi, đang khi hào hứng đàm đạo với các bậc khôn ngoan thông thái trong đền thờ  về việc “nhà Chúa”, cậu thiếu niên Giê-su đã khiêm tốn để cha nuôi Giu-se và mẹ Maria đưa về nhà tiếp tục dạy dỗ, và cậu hằng vâng phục cha mẹ.

Nhiều người lớn biết mình ấu trĩ nhưng thường không chấp nhận cho người khác nói về mình như thế. “Tôi đã ngần này tuổi đầu!” Ai cũng muốn xem mình như đã viên mãn.

* * *

Nếu bạn không bắt gặp đôi điều về người lớn như được diễn tả trên đây, hãy lấy làm tự hào và sung sướng vì bạn đang phần nào nên như trẻ thơ. Người lớn nào cũng mang trong mình đứa trẻ mà trước kia kẻ ấy từng là. Bạn đã lớn? Và đã đủ lớn để mong bé lại hay chưa? Hãy học cùng Giê-su!

Bart. Nguyễn Anh Huy, SJ

Kiểm tra tương tự

Những trải lòng của một người đã vượt qua thói cầu toàn

Khi nói đến chủ đề cầu toàn, tôi có đôi điều muốn chia sẻ. Kinh …

10 điều người đàn ông nên tìm kiếm nơi một người phụ nữ

Nhan sắc bề ngoài quan trọng như thế nào? Dựa theo Kinh Thánh, đó không …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *