Đời con dâng Chúa

Thời còn là một em thiếu nhi, nhiều lần các sơ có hỏi con về chuyện đi tu gì đó, con nghe mà chẳng hiểu, cũng chẳng biết thế nào. Con thấy đi tu cũng tốt, mà không tu thì cũng tốt. Đi tu cũng vui mà ở nhà như mọi người thì cũng vui. Khi ấy với con, sống vui giữa mọi người là điều quan trọng. Đi tu hay không, là điều gì đó to tát và nghiêm túc của tương lai.

Dù thế nào đi nữa, con vẫn rất nhớ và rất thích ngày lễ Dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền Thánh. Khi nhỏ xíu như thế, con chẳng hiều ý nghĩa gì đâu. Chỉ thấy là đi lễ cùng mẹ thì vui. Ngày lễ ấy cũng rất vui, vì trong thánh lễ có đốt nến sáng và hình như có cả quà nữa.

Giờ nghĩ lại, con thấy, có lẽ Chúa Giêsu Hài Đồng khi được Cha nuôi Giuse và Mẹ Maria ẵm lên Đền Thờ để dâng cho Thiên Chúa, thì em bé Giêsu cũng chẳng hiểu chẳng biết gì đâu. Đúng là đối với trẻ thơ, cha mẹ thật là quan trọng. Việc bế một em bé lên Đền Thờ quả là một việc rất bé nhỏ và giản đơn, thế mà lại cực kỳ quan trọng. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì lớn lao cho dân của Ngài. Đó là niềm vui khôn tả mà cụ già Simeon và cụ Anna nhận được từ Hài Nhi Giêsu. Trẻ thơ ấy là một con người, Đấng là ánh sáng muôn dân, là Đấng Mêsia bao đời mong đợi.

Niềm vui này là một niềm vui không hề đơn điệu không hề dễ dãi, vì đó là một niềm vui cần sự đánh đổi, vì Hài Nhi Giêsu còn trở thành cái cớ, để có người thì đứng dậy, có người thì gục ngã. Niềm hy vọng lớn lao mà Mẹ Maria ôm ấp cũng hàm chứa nỗi đau khôn tả như lưỡi gươm đâm thâu. Đó là tất cả những thực tế của cuộc sống, nhưng giờ đây, tất cả đang được biến đổi từng ngày.

Mầu nhiệm, dù con hiểu được đôi chút thì mầu nhiệm vẫn là mầu nhiệm. Hy vọng con dần dần hiểu hơn và yêu mến hơn. Người ta thường nói, có cùng hoàn cảnh thì mới hiểu nhau. Nếu điều ấy đúng, thì con không dám hiểu Chúa Giêsu đâu, vì nếu muốn hiểu Chúa, thì phải sống giống như Chúa, và đó là thách đố rất là lớn. Nhưng nếu không sống như Chúa, thì con chẳng bao giờ hiểu Ngài, hoặc có chăng là hiểu theo kiểu hiểu của con chứ không phải của Chúa.

Nhưng khi nói đời con dâng Chúa, hoặc khi nói con muốn sống giống như Chúa, muốn theo Chúa, thì có nhất thiết là con phải sống đời tu không? Dường như con thấy không hẳn thế! Vì con thấy, trong Tin Mừng, những người tốt lành, những người tội lỗi sám hối, những người đi theo Chúa, những người tin Chúa, họ thuộc đủ loại đủ lớp người và ngay cả những người không xếp được vào hạng nào cả, tức là những người bên lề xã hội.

Con thấy họ đều có một mẫu số chung, đó là những người sám hối và đi tìm Thiên Chúa, họ chẳng có gì dâng Chúa, mà chỉ có một tâm hồn khiêm cung và một thân thể tiều tụy đang vực dậy giữa khổ đau. Ngay cả Chúa Giêsu cũng vậy thôi, Chúa chẳng có gì dâng lên Chúa Cha ngoài trọn con người: này con xin đến để làm theo Ý Cha.

Có những người bỏ mọi sự mà theo Chúa giống như các môn đệ. Nhưng các ông cũng trầy trật lên bờ xuống ruộng trên bước đường theo Chúa. Các ông thật có phúc như có lần Chúa nói với các ông: Phúc cho mắt anh em được thấy, phúc cho tai anh em được nghe những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. Thế nhưng, để nhận được mối phúc ấy, các ông cần đánh đổi cuộc đời để theo Chúa.

Có những người theo Chúa với cách thức đơn sơ hơn. Khi Chúa chữa lành cho nhiều người, họ muốn tiếp tục theo Chúa, nhưng Chúa nói việc của họ là trở lại cuộc sống thường ngày mà ca tụng ngợi khen Thiên Chúa và làm chứng cho những người thân cận.

Có những người theo Chúa cách âm thầm kín đáo giống như ông Giuse Arimathê là thành viên trong Thượng Hội Đồng. Có người theo Chúa trong tột cùng của khổ đau và tuyệt vọng như anh trộm lành chịu án tử hình trên thập giá. Có người theo Chúa trong can đảm giống như biết bao người tội lỗi công khai nhưng sám hối và bất chấp tiếng cười chê của dư luận để tiến đến xin ơn tha thứ và ơn chữa lành của Chúa.

Có những người theo Chúa cách nhẹ nhàng giản dị. Họ tiếp bước với Chúa trên các nẻo đường, trong các làng mạc thành thị, trên các ngọn đồi, họ nghe Chúa nói, nhìn Chúa chữa lành bao người, và họ kín múc niềm vui từ nơi Chúa và nơi những người được chữa lành. Họ ngợi khen Chúa bằng tiếng ca khen mộc mạc của ngôn ngữ đời thường và bình dân, của cuộc sống đơn giản của họ.

Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường đến với Chúa, có bấy nhiêu cung cách để dâng tấm lòng lên Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu chủ động chạm đến tâm hồn mỗi người, chủ động đợi chờ và sẵn sàng thương xót, thương mến và tiếp đón. Tim đèn leo lét Người không nỡ tắt đi, một tâm hồn tan nát dày vò Người chẳng hề khinh chê. Vâng, này đời con, bất chấp tốt xấu thế nào, con cũng can đảm dâng lên Chúa. Xin Chúa thương đoái nhận và chúc lành cho từng cảnh đời của chúng con.

Tứ Quyết SJ
Trích từ sách Đến mà Xem, trang 76.

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …