Đối diện với sống và chết

“Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ có được mạng sống ấy” (Mt 10,39).

Bạn có bất ngờ khi biết rằng những người sợ chết nhất cũng chính là những người sợ sống nhất? Ai chạy trốn cái chết thì cũng đang chạy trốn sự sống?

Hãy nghĩ đến những người đang sống trong tầng nhà dưới mái, trong một góc nhỏ của một nơi không có ánh sáng, cũng chẳng có quạt máy. Anh ta ngại bước xuống cầu thang vì nghe bảo có người đã bị té và gãy cổ. Anh cũng chẳng dám băng qua đường vì nghe bảo đã có hằng ngàn người bị xe cán trên đường. Và dĩ nhiên, nếu không dám băng qua đường, thì làm sao có thể băng qua đại dương, băng qua lục địa hay băng qua thế giới ý tưởng này sang thế giới ý tưởng khác? Người đàn ông ấy đã bám chặt vào cái góc nhà để tránh cái chết, nhưng khi làm thế ông cũng đồng thời xua đuổi cuộc sống.

Chết là gì? Là mất, là biến, là buông ra, là giã từ. Khi bám víu điều gì là bạn không chịu buông ra, không chịu giã từ, là bạn kháng cự lại cái chết. Và dù bạn không biết, chính lúc đó bạn cũng đang kháng cự lại cuộc sống.

Vì cuộc sống thì luôn vận động, còn bạn thì kẹt cứng; cuộc sống thì luôn trôi chảy, còn bạn lại bị tù hãm; cuộc sống luôn uyển chuyển và thong dong, còn bạn lại cứng ngắc và đóng băng. Cuộc sống cuốn đi tất cả, còn bạn lại muốn dừng lại và dừng mãi.

Bạn sợ cuộc sống và sợ cái chết, vì bạn đang đeo bám.

Khi không đeo bám gì hết, khi bạn chẳng sợ mất, bạn sẽ được tự do trôi đi như dòng suối, lúc nào cũng mát mẻ, lấp lánh và sinh động.

Có những người không thể chịu nổi ý nghĩ sẽ mất người thân hay người bạn, họ thà không nghĩ đến điều ấy. Cũng có những người sợ gặp thách đố, sợ mất đi một lí thuyết, một ý thức hệ hay một niềm tin mà mình hằng yêu quí. Lại có những người tin chắc rằng mình không thể sống mà không có người này hay người kia, chỗ này hay chỗ nọ, vật này hay vật kia.

Bạn có muốn biết cách đo lường mức cứng ngắc và chết khô của mình không? Chỉ cần xem mình cảm thấy đau khổ tới mức nào khi phải mất đi một tư tưởng, một con người hay một sự vật yêu quí. Đau khổ và muộn phiền chính là phản ảnh sự đeo bám của bạn. Tại sao bạn đau khổ quá nhiều trước cái chết của một người thân hay một người bạn? Bạn chẳng bao giờ dành thời giờ để suy nghĩ nghiêm túc rằng sự vật nào cũng đổi thay, trôi qua và chết.

Thế nên, bạn mới giật mình trước cái chết, sự mất mát và chia li. Bạn quyết định sống trong căn gác nhỏ dưới mái, tức là sống tromg ảo tưởng để cho rằng vạn vật không bao giờ thay đổi, vạn vật cứ trước sau như một. Đó là lí do tại sao khi cuộc sống vỡ tung ra làm ảo tưởng của bạn tan tành, bạn cảm thấy vô cùng đau đớn.

Muốn sống, bạn phải nhìn thẳng vào thực tế, bạn sẽ thấy không còn sợ phải mất người này người kia, và bắt đầu cảm thấy thích thú sự mới mẻ, sự thay đổi và bất trắc. Bạn sẽ thấy không còn sợ phải mất những gì mình quen biết, nhưng thích thú đợi và đón tiếp những gì không quen, không biết.

Nếu muốn sống như thế, thì đây là một bài tập có thể gây đau khổ nhưng sẽ mang đến cho bạn niềm vui của tự do.

1. Hãy tự hỏi mình có điều gì hay có người nào mà nếu phải mất, bạn sẽ cảm thấy hết sức buồn. Bạn có thể là một trong những người không dám nghĩ tới cái chết hay sự thiệt mất một người họ hàng, một người bạn, một người yêu. Nếu đúng như thế, và  trong mức độ ấy, kể như bạn đã chết. Vấn đề còn lại là phải đối diện với cái chết, sự mất mát, sự chia tay đối với những vật và những người thân    thương.

2. Hãy điểm qua những người và những sự vật, từng người và từng vật một. Rồi tưởng tượng họ đã chết, đã mất hay đã chia tay vĩnh viễn với bạn. Hãy nói lời cám ơn và từ biệt với từng người, từng vật.

3. Bạn sẽ cảm thấy đau khổ, đồng thời cảm thấy không còn hiện tượng đeo bám nữa. Rồi một điều gì đó xuất hiện trong ý thức của bạn, từ cô đơn cô độc biến thành sự mênh mông vô biên của không trung. Tự do có là ở trong sự cô đơn cô độc ấy. Sự sống có là ở trong nỗi cô đơn ấy.

Ở trong tình trạng đeo bám ấy, bạn sẽ ước được trôi đi, được tận hưởng, được nếm cảm từng giây phút của cuộc sống, vì cuộc sống bây giờ đã trở nên ngọt ngào hơn do đã được giải thoát khỏi mọi lo âu, căng thẳng và bất an, khỏi sợ bị mất, sợ bị chết, là những tình cảm luôn đi kèm theo mỗi khi chúng ta ước mong được tồn tại mãi và bám víu.

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương

Kiểm tra tương tự

Giới Truyền thông: Những người mang Hy Vọng và Sự Thật

  Nói về Năm Thánh của giới Truyền thông, diễn ra từ ngày 24 đến …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *