Đời Sống Thánh Hiến: Hãy trỗi dậy và bước đi

IMG_2114Vượt qua hiện tại gian khổ với lòng say mê

và hướng về tương lai với niềm hy vọng.

+José Rodriguez Carballo, ofm – Tổng Giám Mục, Thư Ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến.

Bài nói chuyện cho tu sĩ tại Giêrusalem (22/4/2015) nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến,                                                      nguyên văn bằng tiếng Ý –

LM Nguyễn Công Đoan, S.J. đã trực tiếp được Ngài cho phép dịch ra tiếng Việt.

Nhiều người tự hỏi : Tình trạng sức khỏe hiện nay của đời sống thánh hiến ra sao? Có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo ai là người đặt câu hỏi và ai là người trả lời, và cũng tùy thuộc nhiều vào chỗ người ta nhìn đời sống thánh hiến với con mắt nào và khởi đi từ những phán đoán hay thành kiến nào.

Phần tôi, tôi không tự cho là mình có thể đưa ra một câu trả lời có tính khách quan và thuyết phục một trăm phần trăm. Tôi cũng không tự cho là mình đưa ra được một câu trả lời có sức đổi mới. Làm như thế thì tôi sẽ phạm vào tội tự cao. Chủ ý duy nhất của tôi, và có lẽ là tham vọng của tôi, là cống hiến một câu trả lời, cùng với câu trả lời của nhiều người khác, khả dĩ tiến gần tới một hình thức sống đời Ki-tô hữu ở ngay giữa lòng đời sống của Hội Thánh, và – không phải dễ dàng –tìm cho mình một lối đi giữa lòng một xã hội đang ngày một tục hóa, và trong một Hội Thánh mà không phải lúc nào cũng hiểu đời sống thánh hiến theo đúng bản chất của nó, nhưng nhiều khi chỉ nhìn theo khả năng cung cấp nhân lực của nó thôi.

  • Một thời kỳ mang dấu ấn của khủng hoảng[1]

Ba hình ảnh vừa mạnh vừa có sức gợi suy nghĩ

Trong số những người thử bắt mạch đời sống thánh hiến trong thời kỳ hiện nay, nhiều người mượn một số hình ảnh. Những hình ảnh này có một giá trị tích cực và một mặt tiêu cực.

Hình ảnh thứ nhất được dùng để nói về hiện trạng đời sống thánh hiến là “xế chiều”. Sự kiện: thiếu ơn gọi, nhiều công việc trước nay do những người sống đời thánh hiến điều khiển đã đóng cửa, nhiều môi trường hiện diện nay vắng bóng tu sĩ. Sự kiện này khiến nhiều người nghĩ rằng đời sống thánh hiến đang đau nặng. Có những người không ngần ngại đưa ra những dự kiến nghiêm trọng, khẳng định rằng đời sống thánh hiến đang đếm ngày chờ tắt thở, nhất là đời sống thánh hiến hoạt động của nữ giới, theo mô hình nó đã xuất hiện và phát triển trong ba thế kỷ gần đây, tập trung vào những công việc cụ thể như giáo dục và chăm sóc sức khỏe, và tự giới thiệu như là cánh tay phục vụ của Hội Thánh. Theo ý kiến đó thì số đông các Hội Dòng ấy được sinh ra như là để đáp ứng những nhu cầu riêng lẻ nhất định của một thời, nay thì xã hội đảm nhận những việc đó rồi; các Dòng Tu kia đã hoàn thành sứ mạng và không còn lý do tồn tại nữa. Những người theo ý kiến này là những người cho rằng đời sống thánh hiến đang ở lúc xế chiều; họ dùng hình ảnh này để nói về một cái gì đang tới ngày tàn.

Cách vận dụng từ “xế chiều” như thế hẳn cũng đúng; như khi chúng ta nói về “ngày đã xế chiều” hay “cuộc đời đã xế chiều” thì chúng ta nghĩ về một ngày sắp tàn hay một cuộc đời sắp hết. Tuy nhiên hình ảnh này cũng có thể mở ra niềm hy vọng. Tiếng gà gáy báo đêm tàn cũng là tiếng gà báo một ngày mới đang đến. Lúc xế chiều nói với chúng ta về một cái gi đang chết đi, mà cũng nói về một cái gì mới đang đến gần: lúc xế chiều bao giờ cũng nhường bước cho buổi bình minh. Liệu ta không thể nhìn ra hiện tượng này trong đời sống thánh hiến hiện nay sao? Hẳn là có. Trong đời sống thánh hiến có nhiều điều đã thay đổi so với quá khứ. Nhưng cũng có nhiều sức sống mới đang triển khai, cả trong những hình thức gọi là “mới” của đời sống thánh hiến cũng như trong những đặc sủng đã có trong lịch sử. Chỉ cần nhìn với con mắt đức tin để thấy “đồng lúa đã chin vàng đang chờ gặt hái” (x. Ga 4,35).

Có những người khác, nhấn mạnh tính trầm trọng của hiện trạng đời sống thánh hiến, dùng hai hình ảnh khác: hỗn mangđêm tối.

Hỗn mang là một hình ảnh mạnh, nhưng cũng gợi suy nghĩ, vì những âm vang kinh thánh của nó. Theo những âm vang đó thì hình ảnh này có những hàm nghĩa tiêu cực, nhưng cũng đưa chúng ta vào những viễn tượng rất tích cực. Chẳng hạn, hỗn mang chắc chắn nói với chúng ta về sự hỗn độn, nhưng cũng nói đến công trình kỳ diệu của tạo dựng. Đó là tình trạng của vũ trụ (x. St 1,1) trước khi xuất hiện trong đó tất cả những gì làm nên sự phong phú và vẻ đẹp của nó, trước khi xuất hiện trật tự của tạo thành, công trình của Đấng Tạo Hóa, Ngài dùng lời của Ngài mà đặt mọi sự vào vị trì của nó (x. Tv 148,5).

Hình ảnh hỗn mang cũng nói lên nỗi sợ hãi, sự mất phương hướng, nhưng cũng nói lên sự khải hoàn của lòng thương xót của Chúa và sự khai sinh của dân Chúa. Sợ hãi và mất phương hướng vì “vùng đất đáng sợ” của hoang địa (x.Đnl 1, 19), trước khi vào được Đất Hứa, đất chảy ra sữa và mật ong. Hoang địa là nơi thử thách, mà cũng là nơi dân Chúa được sinh ra, là nơi dân Chúa bất trung và “lẩm bẩm kêu ca” (x. Xh 14,11), nhưng cũng là nơi Chúa kêu gọi hoán cải (x. Đnl 8,2tt.15-16), và nơi khải hoàn của lòng Chúa thương xót (x. Ds 20,13); nơi Chúa muốn dùng để giáo dục và dắt dìu dân Chúa. Sợ hãi và mất phương hướng là những cái đóng đô trong lòng các môn đệ của Chúa Giê-su sau khi Chúa chết (x. Lc 24,11tt), nhưng đã bị xua tan bởi niềm vui gặp Chúa Phục Sinh (x. Lc 24, 41). Vậy thì hình ảnh hỗn mang nêu lên tình huống khủng hoảng, nhưng cũng nói cho chúng ta cơ may và sự mào đầu của một cái gì mới.

Chủ đề đêm tối rất phổ biến trong văn chương linh đạo Ki-tô giáo, nhất là trong truyền thống thần bí. Tiền thân của nó trong Kinh Thánh có thể gặp thấy ở chuyện Mô-sê tiến về phía “mây mù nơi Thiên Chúa ngự” (Xh 20, 21). Đối với các nhà thần bí, đặc biệt đối với Thánh Gio-an Thánh Giá, người đã làm cho thành ngữ này trở nên phổ thông để nói về bước đường của con người tiến về phía Thiên Chúa[2], đêm tối nói lên những lúc khủng hoảng sâu xa, những lúc thử thách, cắt tỉa và thanh luyện giác quan và tinh thần, ở đó chỉ có thể bước đi trong đức tin. Như vậy kinh nghiệm của các nhà thần bí mở cho chúng ta thấy ý nghĩa tích cực của đêm tối. Đối với các vị ấy, đêm tối mang theo ánh sáng của tình yêu, qua sự chiêm niệm. Theo cách hiểu này thì chúng ta hoàn toàn có thể nói được rằng cơn khủng hoảng phải sống trong đêm tối là cơn khủng hoảng của sự lớn lên.

Như đã nói trên, những hình ảnh xế chiều, hỗn mang và đêm tối không chỉ có một nghĩa: tích cực hay tiêu cực. Đúng hơn, ý nghĩa của nó tùy thuộc bối cảnh trong đó người ta nói đến. Điều được gợi lên là những tình huống mang dấu ấn của sự khủng hoảng riêng trong tiến trình vượt qua cái chết để đến sự sống, trong những bối cảnh khác nhau, những tình huống tế nhị và khó khăn qua đó chỉ có thể rút ra được sự sống nếu bén rễ trong đức tin; những tình huống không dễ dàng mà chỉ có thể biến thành thời thuận lợi (kairos) qua sự hiến tế và cái chết. Đó là một cuộc hiến tế bao gồm hành trình – chúng ta không biết bao lâu, nhưng chắc chắn không ngắn –trong đêm tối của sự bấp bênh, trong khi không ngừng tìm kiếm ý nghĩa tròn đầy của đời sống thánh hiến của chúng ta. Đó là một cái chết bao gồm sự chết đi đối với những bảo đảm mà đời sống thánh hiến đã tích lũy trong dòng lịch sử, để bám chặt vào Thiên Chúa của lịch sử, với một đức tin trưởng thành và một sự thanh luyện sâu xa khỏi những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, để đến với Thiên Chúa của lịch sử, Đấng xem ra Ngài đang ngủ, nhưng vẫn cùng đi với chúng ta trên một con thuyền đang bị bão tố của lịch sử xô đẩy (x. Mc 4,35tt).

Thời gay go, tế nhị và gai góc

Chờ mong một cuộc tạo thành mới trong khi tất cả xem ra còn chìm trong cảnh hỗn mang, dõi nhìn chân trời trong đêm tối, làm “lính canh chờ trời sáng” giữa lúc xế chiều không phải là dễ dàng và cũng không thể coi như đã cầm chắc trong tay, như những câu trả lời khác nhau được đưa ra trong hoàn cảnh như thế cho thấy. Lời mời gọi của Đức Beneđictô XVI ngỏ với chúng ta lần cuối về đời sống thánh hiến, ít ngày trước khi Ngài từ nhiệm khỏi Tòa Thánh Phêrô, thật đầy ý nghĩa khi Ngài xin chúng ta:”Đừng vào hùa với những tiên tri báo họa khi họ công bố sự tàn lụi hay vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Hội Thánh thời chúng ta”[3]. Phải chăng ngay trong hàng ngũ những người sống đời thánh hiến lại chẳng thiếu những tiên tri báo họa đó sao?

Đúng, trong hiện trạng của đời sống thánh hiến, cuộc băng qua hoang địa của hỗn mang, đêm tối và buổi xế chiều không phải dễ dàng. Cần phải “ý thức về thời kỳ chúng ta đang sống” (x. Rm 13, 11). Canh gác suốt ngày và suốt đêm, đứng vững và dõi nhìn chân trời với đôi mắt của con tim như người lính canh, để không bị kẻ thù bắt chợt (x. Is 21,6tt) “hãy tỉnh thức và canh chừng”[4], “với đèn thắp sáng” (x. Lc 12,35tt) để không làm nạn nhân của giấc ngủ mà rơi vào một cơn mê đưa thẳng đến tử vong, với một đức tin trưởng thành và một lòng trông cậy không thể chuyển lay, được nuôi bằng bánh Lời Chúa và Thánh Thể, để không gục ngã trên con đường chúng ta đã khởi bước mà không biết bao giờ mới kết thúc.

Câu chuyện của dân It-ra-en cho chúng ta thấy con đường qua hoang địa quả là gay go. Trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, thường mang dấu ấn của sự hoang vu, của sự im lặng của Thiên Chúa và sự khô khan thiêng liêng, thật không dễ nhận ra được là Ngài đang cùng đi với chúng ta (x. G 23,8-9) và đang hành động ngay trong cơn “khủng hoảng” và những lúc tối tăm. Trong những lúc ấy cần được trang bị thật kỹ: mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô và mang lấy binh giáp của ánh sáng, như thánh Phao-lô khuyên nhủ (x. Rm 13,11-14).

Thời của sáng suốt

Không phải mọi sự đều ổn trong đời sống thánh hiến, như một số người cảm thấy có nhiệm vụ phải nói lên điều ấy, nhưng cũng không phải mọi sự đều tệ hại như những vị tiên tri báo họa loan truyền. Ở vào một thời kỳ khủng hoảng như thời chúng ta, nhất thiết phải đón nhận một sự thách đố đầu tiên cho đời sống thánh hiến hiện nay, mà nhiều người gọi là sự thách đố mở đường, theo nghĩa là nó mở đường cho chúng ta tiếp cận nhiều thách đố khác: thách đố nhìn thẳng vào chính mình[5], thách đố làm sáng tỏ tình trạng của đời sống thánh hiến trong thời hiện nay, đảm nhận nó với tinh thần tự trách nhiệm của một người trưởng thành.

Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật, với sự thanh thản và tinh thần trách nhiệm nghĩa là gì?

Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm bao gồm sự vượt qua ngôn từ hoa mỹ về đời sống thánh hiến và sự công thức hóa đơn giản về lý tưởng đời tu[6], để tập quen phân tích một cách nghiêm túc hiện trạng mà đời sống thánh hiến đang trải qua, chấp nhận với một óc thực tế lành mạnh sự kiện chúng ta đang sống một tình trạng khủng hoảng, một thời kỳ khủng hoảng mà chính triết tự của từ ngữ vạch cho thấy là chúng ta cần phải sáng suốt và lấy những quyết định can đảm, dù không phải luôn được mọi người hoan hô[7].

Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm bao gồm vượt trên sự tìm kiếm một số cách giải thích những nguyên nhân đã đưa chúng ta tới tình trạng khủng hoảng: cần thiết phải phản ứng lại, phải thực hiện những bước cụ thể để ra khỏi tình trạng này. Những phân tích, những chẩn đoán là cần thiết, nhưng không đủ. Đến lúc phải hành động, ngay dù không chắc chắn một trăm phần trăm rằng điều chúng ta làm là điều thích đáng nhất với thời kỳ chúng ta đang sống. Ở đây, câu nói của Antonio Machado thật chí lý: “Khi ta đang đi, không có con đường, nhưng con đường hình thành dưới bước chân ta” (Viandante, non c’è strada, si fa strada camminando).

Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm đòi ta vượt qua cám dỗ cáo lỗi và tránh né trách nhiệm của mình. Một tình trạng nguy hiểm, khá thường xảy ra, làm tê liệt hiện tại và phá hỏng tương lai, đó là sự truy tìm thủ phạm, tạo những con dê tế thần, hoặc tự biện minh. Tình trạng hiện nay của đời sống thánh hiến phức tạp đến nỗi nhiều yếu tố và nhiều tác nhân phối hợp trong đó. Tiến trình làm rõ sự thật phải xét tới điều ấy và – cần phải nhớ kỹ – không thể làm được việc ấy nếu không đưa việc tự phê tới chỗ kiểm tra sâu xa, sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ và ngăn chặn những sai lầm tương lai.

Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm nghĩa là không ngừng lại ở những nỗ lực để sống còn, hoặc ở cấp cơ chế hoặc ở cấp cá nhân, như: chỉ lo sửa chữa “bề mặt”, viết hoặc viết lại lịch sử oai hùng của quá khứ, viết những văn bản thật hay, tự che mắt bằng một chủ nghĩa hoạt động quay cuồng, chọn lẩn trốn bằng thần bí hoặc ngụy thiêng liêng… Điều ấy có thể làm ta khỏi chú ý đến bổn phận khẩn cấp là dựa vào điều thiết yếu, hoặc trộn lẫn những ước mơ và lý tưởng với thực tế.

Thách đố làm rõ sự thật cách thanh thản và với tinh thần trách nhiệm đòi hỏi tất cả những điều đó. Thách đố này không dễ đáp ứng, nhưng lại khẩn thiết phải đưa ra một sự đáp ứng bởi vì nó mang tính Tin Mừng sâu xa. Năm mươi năm sau Công Đồng, đã đến lúc phải làm điều này. Nhất thiết phải làm rõ sự thật về tình trạng chúng ta đang sống và lấy những quyết định mà chúng ta cho là thích hợp để thời khủng hoảng biến thành thời thuận lợi (kairos) và thời của ân sủng.

Chắc hẳn việc này sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng về hình ảnh mà chúng ta đã xây dựng về đời sống thánh hiến. Tôi thấy một hình ảnh có vẻ rất ý nghĩa, hình ảnh đất sét trong tay thợ gốm (x. Gr 18,1-6). Đời sống thánh hiến luôn được mời gọi, và cách riêng trong thời hiện nay, để cho bàn tay yêu thương của Thiên Chúa như người thợ gốm nặn hình. Có khi Ngài đòi chúng ta phải đập vỡ cái bình đẹp đẽ mà chúng ta đã thừa kế, ngắm nghía, yêu mến và tái tạo, để sống một giai đoạn mới trong cuộc phiêu lưu kỳ diệu mà Chúa khiến chúng ta thành nhưng người tiên phong: tái lập đời sống thánh hiến.

Đây là bước khởi đầu đau đớn nhưng cần thiết của sự hoán cải: đập vỡ cái tôi / chúng ta lý tưởng đã nặn thành, mà có khi xa vời cái tôi / chúng ta thực tế. Không có cuộc khủng hoảng này thì sẽ không làm rõ sự thật, sẽ không có cuộc tái sinh của đời sống thánh hiến và cũng chẳng có cuộc tái sinh trong sự sống mới đã khởi đầu nhờ phép Rửa (x. Rm 6, 4). Cũng còn cần sự liêm khiết sâu xa khi đối diện với thực tế và sự trung thành với thực tế, vì chỉ có thế đời sống thánh hiến mới có thể thưa “vâng” với Thiên Chúa là Đấng mời gọi trong lịch sử và trong đời sống hàng ngày.

Thời thuận lợi để phân định

Những điều đã nói trên đây đòi phải phân định. Trong tiếng La-tinh và Hy Lạp, từ mà ta dịch là “phân định” bao hàm: lượng giá, tách ra và phân biệt giữa hai sự vật. Rút cuộc đối với chúng ta trong mạch văn này, phân định là phân biệt tiếng nói của Thiên Chúa với những tiếng nói khác, điều đến từ Thiên Chúa với điều trái ngược với Thiên Chúa[8]. Nói theo thánh Phanxicô At-xi-di, phân định là lần theo con đường của đức tin giúp ngưới tín hữu “có được thần khí của Thiên Chúa và tác động thánh của thần khí”[9], để có thể “làm điều Chúa muốn và muốn điều đẹp lòng Chúa”[10]. Đối với thánh Inhaxiô Loyola, phân định là tìm kiếm trong mọi sự điều gì đẹp lòng Chúa Cha hơn[11]. Trong việc phân định nói ở đây thì không phải là chọn giữa cái tốt và cái xấu, vì quy luật luân lý đã đủ cho việc đó, nhưng là chọn giữa cái tốt và cái tốt hơn, giữa hai cái tốt, như thánh Biển Đức nói trong Luật Sống của Ngài.

Nguồn mạch cuối cùng của phân định không phải là chúng ta, nhưng là Thần Khí, Đấng thanh luyện, soi sáng và thắp lửa, Đấng ban một lòng yêu mến khả dĩ biến đổi người Ki-tô hữu nên “con người có thần khí” (x. Rm 5,1-5; 1Cr 1,12), khiến người đó có thể “xét đoán mọi sự” nhờ sự khôn ngoan nhiệm màu của Thiên Chúa, vốn bị che dấu đối với kẻ khôn ngoan theo thế gian, nhưng được mạc khải cho những người khiêm hạ và bé nhỏ (x. Mt 11,25tt), biết “lắng nghe”, để biết được tất cả những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta (x. 1Cr 1,7.12).

Phân định ở đây chủ yếu không phải là phân tích, nhưng là sự biến đổi bên trong, phát triển đời sống theo thần khí có khả năng đem cho người tín hữu có được “đôi mắt của Thần Khí”, để “thấy – nhận biết – tin” và tuân theo tất cả ý muốn của Chúa[12]. Phân định của Ki-tô hữu và của đời sống thánh hiến nhắm điều này: mở lòng vô điều kiện cho ý muốn của Thiên Chúa Cha và cho thái độ nền tảng là sẵn sàng tuân theo ý muốn ấy trong mọi sự cách vô điều kiện.

Nếu phân định là yếu tố quyết liệt và cốt yếu trong đời sống Ki-tô hữu, như sự tìm kiếm và thi hành ý muốn của Thiên Chúa, thì trong đời sống thánh hiến còn hơn thế nữa, nhất là trong thời buổi này, dù vẫn là “tế nhị và khó khăn”, mà có khi chính vì thế, là thời thuận lợi để phân định dưới ánh sáng đức tin: “Chúng ta đang bước đi trong đức tin chứ không phải trong sự hưởng kiến” (2Cr 5,7). Những người đươc thánh hiến, trên bình diện cá nhân, không thể tránh né câu hỏi mà thánh Phanxicô At-xi-di tự đặt cho mình: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Cũng như ở bình diện cộng đoàn, họ không thể không tự hỏi: Thưa anh em, chúng tôi phải làm gì? (Cv 2,37). Tất cả khởi đi từ đức tin, điều duy nhất đưa tới một kinh nghiệm thiết thực về Thiên Chúa là Đấng đang cùng đi với chúng ta (x. St 28, 16) và bao bọc chúng ta mọi phía (x. Tv 139,1tt).; đàng khác, kinh nghiệm này còn đưa chúng ta vào một cuộc sống được dẫn dắt bởi Thần Khí là tác nhân đích thật của phân định.

Ở bình diện cá nhân, đối với thánh Phanxicô At-xi-di, việc phân định giả thiết có sự cởi mở với ý muốn của Thiên Chúa, hòa nhịp với Thánh Thần, bình tâm thiêng liêng, đồng hóa với Đức Ki-tô, nhìn thực tại với lòng biết ơn và một thái độ căn bản sẵn sàng vô điều kiện. Phân định cũng đòi hỏi một sự lột bỏ, “hoàn toàn không sống cho chính mình”, lòng yêu mến vô vị lợi, sự khiêm nhường và sự vâng phục trong đức ái[13]. Đối với thánh Têrêxa, phân định bao hàm lòng yêu mến mãnh liệt và vô vị lợi, hoàn toàn thanh thoát và phục vụ vô điều kiện[14]. Trên bình diện cộng đoàn, phân định giả thiết có cộng đoàn / huynh đoàn với sự nhận thức đầy đủ về căn tính nhân bản, Ki-tô và tu trì của nó cùng với cái nhìn thực tế về khả năng và giới hạn của nó. Cộng đoàn / huynh đoàn trong đó có những nét trưởng thành và hội nhập tâm cảm, với khả năng đối diện những xung đột bằng suy tư và đối thoại. Cộng đoàn / huynh đoàn mở ra với cách đọc những dấu chỉ thời đại theo tin mừng, không rơi vào sự tự mãn. Cộng đoàn / huynh đoàn sống chiều hướng cánh chung, tiến đến gặp gỡ những giá trị cuối cùng, sẵn sàng dựa trên đó mà đánh giá mọi sự, xa lánh sự dữ mà gắn bó với sự lành (x. 1Th 5, 21-22).

Phân định phải được thực hiện dưới ánh sáng của Tin Mừng, của đặc sủng riêng và của những dấu chỉ thời đại.

Nếu đời sống thánh hiến được bén rễ trong Tin Mừng và được mời gọi trở thành “lời giải thích sống động” của Tin Mừng[15], thì sự trung thành đầu tiên với đời sống thánh hiến là trung thành với Tin Mừng, với Đức Giê-su, Tin Mừng của Chúa Cha cho nhân loại. Vì thế đời sống thánh hiến phải để cho mình “luôn được mời gọi bởi Lời mạc khải”[16] và “không ngừng duyệt xét chính mình dưới ánh sáng của Lời Chúa”[17], cách riêng của Tin Mừng là “cốt lõi của Lời Chúa”[18]. Đời sống thánh hiến không thể tách khỏi Tin Mừng trong lúc làm rõ sự thật về chính mình và phân định để vượt từ cái tốt sang cái tốt hơn. Chính từ Tin Mừng, đời sống thánh hiến rút được “ánh sáng cần thiết cho việc phân định cá nhân và cộng đoàn”, nó giúp “tìm những con đường của Chúa trong các dấu chỉ thời đại”[19]. Tin Mừng là tiêu chuẩn đầu tiên để phân định: tất cả những gì có thể coi là chính đáng theo Tin Mừng sẽ là chính đáng đối với đời sống thánh hiến.

Đàng khác, trong việc phân định, người sống thánh hiến phải luôn đặt trước mắt đặc sủng mà, khi tuyên khấn, mình đã cam kết sống, giữ gìn, đào sâu và phát triển không ngừng với “sự trung thành sáng tạo”[20], hòa hợp với thân thể Đức Ki-tô đang lớn lên không ngừng, và đòi sự đồng hóa sâu xa với Ngài.

Đời sống thánh hiến đa dạng, và sự phong phú nằm trong sự đa dạng này. Sự đa dạng xuất phát từ những đặc sủng khác nhau, nổi lên như một cách đáp lại những đòi hỏi nhất định của đời sống Ki-tô hữu và “từ một sự nhiệt thành sâu xa của lòng khao khát nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô để làm chứng về một khía cạnh nào đó trong màu nhiệm của Ngài”[21]. Đặc sủng là hoa trái “của Thánh Thần, Đấng không ngừng tác động trong Hội Thánh”[22], là ơn ban của Thánh Thần[23] cho Dân Chúa, và Hội Thánh được mời gọi biết đón nhận, làm cho sinh hoa trái, xem xét, xác nhận, giữ gìn, bảo vệ và giúp trưởng thành với lòng biết ơn”[24].

Sau hết, trong việc nhận định phải đặt trước mắt những dấu chỉ của thời đại: những biến cố trong đời sống như dấu ấn của một thời đại nhất định trong lịch sử và qua đó Ki-tô hữu cảm thấy được Thiên Chúa mời gọi đưa ra một câu trả lời theo Tin Mừng. Như vậy những dấu chỉ thời đại là những tia sáng có mặt trong đêm tối của cuộc sống chúng ta và của dân chúng ta, là những ánh đèn chiếu làm nảy sinh hy vọng, trong mức độ nó cho phép chúng ta nghe ra tiếng Chúa và khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong những biến cố của lịch sử.

Nếu đối với Ki-tô hữu việc biết giải nghĩa những dấu chỉ ấy là một đòi hỏi (x. Lc 12, 56), thì những người sống thánh hiến không thể bỏ qua việc chú ý cao độ đến những dấu chỉ thời đại. Họ phải hiện diện trong Hội Thánh như là những chuyên viên khảo sát thời điềm và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng[25]. Việc đọc và đáp ứng các dấu chỉ thời đại theo Tin Mừng sẽ ngăn bước không cho tu sĩ dậm chân tại chỗ và tự lặp lại, mà ngược lại cho phép họ “tái hiện cách can đảm tính năng nổ, sáng tạo và sự thánh thiện của các vị sáng lập”[26].

Mùa thuận lợi để vun gốc bón rễ

Một số người dùng hình ảnh mùa đông để nói về một cơ may mới cho đời sống thánh hiến.

Hình ảnh mùa đông cũng có nhiều nghĩa. Bề ngoài mùa đông là một thời của cái chết. Nhiều cây trụi lá. Không có bông cũng chẳng có trái. Thiên nhiên có vẻ như khô cằn, ngủ kỹ và có vẻ như đến lúc chết.

Nhưng bên dưới cái vẻ chết chóc này và sự cằn cỗi xem ra như tận cùng trước mắt chúng ta, lại ẩn dấu một sức tái sinh mãnh liệt. Mùa đông là thời cho thảo mộc hoạt động ở chiều sâu và các bộ rễ rất năng động, bảo đảm cho sự sống tiếp tục nhờ hoạt động khiêm tốn và lặng lẽ của chúng.

Trong đời sống thánh hiến cũng xảy ra như vậy. Ơn gọi giảm sút, nhiều người bỏ cuộc, kim tự tháp tuổi tác bị lật ngược, vì người già nhiều hơn người trẻ. Sự trung thành bị thử thách cùng với niềm hy vọng và sự kiên nhẫn, giống như lòng tin, niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của dân It-ra-en bị thử thách trong cuộc hành trình lâu dài qua hoang địa.

Trong hoàn cảnh này, có bàn tay Hội Thánh dắt dìu, đời sống thánh hiến được mời gọi làm việc về điều chính yếu, về điều gì thật sự cho nó ý nghĩa sâu xa, vượt trên con số và hiệu năng. Mùa đông là thời đi vào gốc rễ ẩn sâu, và tuy đau đớn, mùa đông là thời vượt qua tới một cuộc sống mới, tới một cách thức mới để bảo đảm ý nghĩa Tin Mừng là điều không bao giờ được thiếu trong đời thánh hiến, và đôi khi làm cho nó được “hiển thị” rõ hơn, trong khi nhớ rằng nó đi đôi với sự tự hủy (kenosis), sự hạ thấp, cái chết (x. Ga 12, 24), và với một số nhỏ, và tất cả những điều ấy đòi một lòng tin mạnh mẽ, không thể chuyển lay, một lòng trông cậy vững chắc cả khi không còn gì để hy vọng, một niềm trông cậy có tính phấn đấu, một sự kiên trì bền bỉ trong mọi thử thách (x. Gc 5,7-8). Đó là sự “hiển thị” và sự “phong nhiêu” của công trình cứu chuộc của Đức Ki-tô (x. Pl 2, 5-8). Sự “hiển thị” và “phong nhiêu” này không bao giờ được thiếu trong đời sống thánh hiến, sẽ bảo đảm cho nó một tương lai đầy hy vọng (x. Pl 2, 5-8).

 

  1. Thử chụp X-quang đời sống thánh hiến: giữa ánh sáng và bóng tối.

Không dễ tiếp cận thực tại hiện nay của đời sống thánh hiến mà không rơi vào một sự chủ quan nào đó. Thực vậy, việc bắt mạch đời sống thánh hiến trong giai đoạn hiện nay đi từ một cái nhìn tích cực thái quá, không thấy ở đó một vấn đề nào, đến một cái nhìn cho rằng tai họa sắp tới, chỉ chú ý tới những yếu tố tiêu cực mà chắc hẳn là có trong đó. Cái nhìn thứ nhất có nguy cơ không chú ý tới những vấn đề thực tế mà đời thánh hiến đang trải qua; cái nhìn thứ hai có nguy cơ không nhìn ra tác động của Thần Khí đang tiếp tục thổi tràn trề vào những người sống đời thánh hiến, và qua đó vào đời sống của Hội Thánh.

Cũng như trong mọi thực tại của Hội Thánh, trong đời sống thánh hiến cũng có ánh sáng và bóng tối, có những dấu hiệu của sự sống và những dấu hiệu của cái chết, sự thánh thiện và tội lỗi (x. ĐSTH 13). Xét vì mục đích của bài này, chúng ta hãy nhìn lướt qua những ánh sáng và bóng tối trong đời sống thánh hiến hiện nay, điều làm chúng ta buồn, điều làm chúng ta băn khoăn và cả điều thôi thúc đi tới một cuộc sống thánh hiến có khả năng thức tỉnh thế giới, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi. Tôi tiếp cận thực tế này dựa trên sự hiểu biết của tôi về đời sống thánh hiến, sự hiểu biết được mở rộng trong một năm rưỡi làm việc ở Bộ Tu Sĩ, nhờ phân tích những tài liệu nhận được và nhờ đối thoại liên tục với thực tiễn đời sống thánh hiến qua những cuộc gặp gỡ với những người sống thánh hiến và nhất là các vị Bề Trên Tổng Quản nam nữ.

Việc dự đoán tương lai của đời sống thánh hiến lại càng không dễ. Nó không ở đây hay ở kia, mà ở trong tay Thiên Chúa. Dù sao, tuy không thấy hoàn toàn điều Thánh Thần đang khơi dậy trong đời sống thánh hiến, nhưng xét theo những mầm sống mới mẻ đang nảy sinh giữa chúng ta, theo nhịp của những thực tại khác đang chết đi, chúng ta đã có thể nhận dạng một số mầm non của cái mới mẻ và tương lai.

Với sự run rẩy và sợ hãi, chúng ta tiếp cận cả hôm nay và ngày mai – mà trong nhiều trường hợp đã là hôm nay rồi – của đời sống thánh hiến.

Điều làm chúng ta đau buồn

Một đời sống thánh hiến tự kỷ trung tâm, quy về chính mình, bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho người ở gần và kẻ ở xa”.

← Một đời sống thánh hiến bận tâm về con số hơn là về ý nghĩa Tin Mừng, bận tâm về những công trình phải duy trì hơn là về tính ngôn sứ phải có trong mình.

← Một đời sống thánh hiến quan tâm tới sự an toàn xuất phát từ chỗ bám vào những cái đã quen từ xưa – “xưa nay vẫn làm thế” – hơn là đi tới những biên cương hiện sinh của hôm nay.

← Một đời sống thánh hiến bị kềm chế bởi một thứ “suy nhược thiêng liêng” làm cho lo lắng, vì nó đưa tới chỗ an phận trong sự tầm thường, ngăn cản sống hiện tại với lòng say mê và nhìn tương lai với niềm hy vọng.

← Một đời sống thánh hiến bị khống chế bởi sự nguội lạnh: “một thứ bất mãn kinh niên, làm khô cạn tâm hồn” (Niềm Vui Tin Mừng [NVTM] 277), làm “tê liệt” bất cứ nỗ lực nào của sự “trung thành sáng tạo” (X. NVTM 81), sản sinh một sự mệt mỏi căng thẳng, nặng nề, bất mãn (x.NVTM 82), nó khống chế nhịp sống bằng một nỗi âu lo về hiệu quả tức thời, không chịu nổi sự chống đối, thất bại, phê bình, thập giá (x. NVTM 82).

← Một đời sống thánh hiến không có tính thần bí, không có động lực và chán chường, chỉ theo thói quen; một đời sống thánh hiến sản sinh “cuộc sống nửa chừng”, chết ngộp vì sức ỳ của một trật tự bất di bất dịch và những truyền thống không được xét lại; những cuộc sống không phải là sống, vì bị khống chế bởi sự vận hành của cơ chế.

← Một đời sống thánh hiến chuyên nghiệp hóa hơn là làm chứng về Thiên Chúa của sự sống, Đấng làm nảy sinh lòng say mê, niềm hy vọng và niềm vui, khơi dậy sự hấp dẫn mãnh liệt, ơn sủng và thiện cảm, mời gọi, lôi kéo và hấp dẫn.

Điều làm chúng ta băn khoăn

Không truy tìm thủ phạm không có nghĩa là nhắm mắt trước thực tại, trong đời sống thánh hiến chúng ta phải nhận ra những triệu chứng làm chúng ta băn khoăn, vì nó che khuất vẻ đẹp của việc đi theo Đức Ki-tô trong đó. Nếu chúng ta vạch ra những triệu chứng ấy thì không phải là để rơi vào mặc cảm tội lỗi, nhưng, đơn giản là để tìm cach vượt qua những triệu chứng ấy.

Điều làm chúng ta băn khoăn:

↓ Sự dòn mỏng đang thấy trong một số Dòng Tu. Sự dòn mỏng này có những biểu hiện khác nhau: con số thành viên giảm sút[27]; vắng mặt khỏi nhà Dòng[28], sống ngoại vi[29], thải hồi[30], những khiếu nại lên Bộ Tu Sĩ hoặc Tòa án Tối Cao, thiếu thay đổi người trong việc quản trị, điều thường thấy nhất trong các nữ đan viện tu kín, do đó việc xin chuẩn hạn cho các Viện Mẫu đang trở thành một sự thực hành quá thường xuyên[31]. Sự dòn mỏng cũng nhận thấy trong việc sáp nhập, liên kết và xóa bỏ những Dòng Tu[32]. Với đời đan tu thì cũng năng xảy ra việc bãi bỏ những đan viện[33].

↓ Khoảng cách giữa quy luật và khả năng thực tế của một số Dòng Tu. Khoảng cách này tỏ ra qua nhiều sự miễn chuẩn luật riêng[34]. Tôi nghĩ tốt hơn là nên thay đổi Hiến Pháp. Nhiều điều trong Hiến Pháp có thể chuyển sang phần Quy Chế hay Nội Quy, những Quy Chế hay Nội Quy không cần sự can thiệp của Tòa Thánh. Không hiếm trường hợp “xin chữa” (sanatio) nhất là liên quan tới nhà tập, điều này chứng tỏ thiếu hiểu biết Luật, Luật riêng hoặc Luật chung của Hội Thánh.

↓ Con số xuất tu lên cao mỗi năm[35] và thiếu người trẻ thế chân người già, vì thế không ít Dòng Tu sẽ phải biến mất trong một thời gian ngắn và một số khác được mời gọi sáp nhập với những Dòng Tu có đặc sủng tương tự.

↓ Con số những Dòng Tu đang được Tòa Thánh đặt Thụ Ủy quản trị[36] là lớn, và nhiều cuộc Thanh Tra Tông Tòa[37] đang diễn ra, chủ yếu vì bốn tình huống đau đớn và có khi là gương xấu: các vấn đề tình cảm, một số trường hợp liên quan tới chính các vị nam nữ sáng lập viên[38]; việc huấn luyện, đôi khi trái với Công Đồng: quản lý tài chánh thiếu trong sáng, trong đó đồng tiền “cai trị thay vì phục vụ” (x. NVTM 57-58)[39]; độc tài trong việc thi hành quyền bính.

↓ Việc quản trị tài chánh không thỏa đáng của một số Dòng Tu. Hiện nay việc quản trị tài sản là một vấn đề khiến một số Dòng Tu băn khoăn. Có trường hợp vì tích lũy quá nhiều tiền bạc, có những trường hợp khác vì việc quản trị các tài sản không thỏa đáng, khiến Dòng Tu rơi vào tình trạng thiếu hụt khó xử. Trường hợp sau này thường là do quản trị theo cách cá nhân, nhất là nơi các vị quản lý.

↓ Cách thi hành việc phục vụ của quyền bính không thỏa đáng trong một số Dòng Tu, khiến người ta bám lấy quyền hành và theo một “chính sách” mà không ít trường hợp theo “thói đời” nhiều hơn là Tin Mừng. Đang gia tăng con số những bề trên cả nam lẫn nữ muốn trường kỳ nắm các vị trí quyền lực, và không thiếu những trường hợp độc tài.

↓ Tính cách “thế tục” xuất hiện nơi một số không ít những người sống thánh hiến, thấy được trong một “lối sống” chẳng phù hợp bao nhiêu với tinh thần của các vị nam nữ sáng lập viên. Chúng ta không thể im lặng trước lối sống trưởng giả và se xua của một số tu sĩ, họ làm lu mờ bộ mặt của đời sống thánh hiến.

↓ Một hoạt động chủ nghĩa làm tha hóa, xa vời việc cổ võ tính sáng tạo, lại còn làm giảm thiểu đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và chính lý tưởng của đời thánh hiến. Hoạt động chủ nghĩa nói trên thường mang theo sự giảm suy động lực, được nuôi dưỡng bởi sự thất chí, oán hận, chán nản, lãnh đạm.

↓ Sự tìm kiếm thành tựu bản thân, không quan tâm tới đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa, biểu lộ một cá nhân chủ nghĩa xâm thực, nhìn mọi sự bằng con mắt tự kỷ trung tâm.

Điều làm chúng ta vui mừng

Khoảng thời gian ngăn cách giữa chúng ta với Công Đồng hẳn là tế nhị và khó khan, “không thiếu căng thẳng và khắc khoải”, cũng là một thời giàu hy vọng, với nhiều kế hoạch thấm nhuần Tin Mừng cách sâu xa, trong đó nhiều người sống đời thánh hiến, có lẽ đại đa số, đã dấn thân “với một đà lực mới” trong việc canh tân sâu xa về mặt thiêng liêng và tông đồ đem lại hoa trái là một đời sống thánh hiến “được đổi mới và đầy sức sống” (Đời Sống Thánh Hiến [ĐSTH] 13).

Vì tất cả những điều đó, trong khi chúng ta nhớ lại giai đoạn này với lòng biết ơn (Khởi đầu thiên niên kỷ mới, 1), chúng ta vui mừng vì:

→ Sự trung thực của số đông những người sống đời thánh hiến đang tích cực nỗ lực làm cho đời thánh hiến nhập thể vào hiện tại, với một chọn lựa rõ ràng là đi đến những vùng ngoại biên khác nhau của cuộc sống.

→ Sư khai sinh của những Dòng Tu mới, chứng tỏ lối sống đi theo Đức Ki-tô này luôn đổi mới[40]. Nhiều đan viện khác nhau đã được thiết lập, nhất là ở châu Mỹ và châu Á[41].

→ Một đời sống thánh hiến trở nên phong phú nhờ một linh đaọ hiệp thông đưa tới mở ra với “cái khác”, cái dị biệt, cả trong lòng đời sống thánh hiến, cũng như trong Hội Thánh và bên ngoài Hội Thánh; nhờ một linh đạo nhập thể trở thành ngôn sứ; nhờ một linh đạo toàn diện, trong khi không ngừng hưóng thẳng con mắt và trái tim vào Chúa, vẫn không coi rẻ những gì thuộc riêng về người nam và người nữ đã được tạo dựng theo hình ảnh giống Thiên Chúa.

→ Một đời sống thánh hiến được sinh động bởi một lòng khao khát mãnh liệt sống đặc sủng tận căn hơn và một sự trung thành say mê sáng tạo.

→ Một đời sống thánh hiến quan tâm cống hiến một nền huấn luyện phù hợp với thời hiện tại và chuẩn bị cho việc đọc những dấu chỉ của thời đại: một nền huấn luyện toàn diện, thường xuyên, có đồng hành…

→ Một đời sống thánh hiến đặt ưu tiên vào con người và nhằm đơn giản hóa cơ cấu, đặt cơ cấu xuống phục vụ con người và đặc sủng cùng sứ mạng riêng của mỗi Hội Dòng, không cắm sào trong nỗi luyến tiếc những cơ cấu và những thói quen không còn mang sức sống trong thế giới hiện nay (x. NVTM 108), cũng chẳng còn là kênh truyền thích hợp cho đặc sủng riêng của một Hội Dòng.

→ Một đời sống thánh hiến biết nhìn thế giới không phải như một nguy cơ hay một đe dọa, nhưng như là “tu viện” và cánh đồng thích hợp cho sứ mạng; một đời sống thánh hiến phóng vào thế giới tầm nhìn cởi mở để đối thoại và hội nhập văn hóa.

→ Một đời sống thánh hiến có ý thức rõ ràng về tính cách thuộc về Hội Thánh, trong khi không từ bỏ tính cách ngôn sứ và một tinh thần phê phán lành mạnh trong lòng Hội Thánh.

Điều thôi thúc chúng ta

Cả đời sống thánh hiến lẫn Hội Thánh đều không được phép tê cứng, bại liệt, không đếm xỉa tới thế giới trong đó mình phải phục vụ. Đứng trước một sự thay đổi mô hình có tính lịch sử như cuộc thay đổi chúng ta đang sống, trong đó người nam và người nữ đều thay đổi cách hiểu chính mình và cách hiểu những tương quan của mình với nhóm của mình và với đấng siêu việt, đời sống thánh hiến đang đứng trước một thách đố lớn: tìm một “khuôn mặt lịch sử” có ý nghĩa hơn với con người hôm nay, tránh xa hai cám dỗ có vể mâu thuẫn nhau nhưng lại nguy hiểm như nhau: bám vào quá khứ, thương tiếc nhớ nhung một cái gì đó mà chẳng bao giờ sẽ trở lại; hay túm lấy cái mới mẻ đầu tiên xuất hiện ở chân trời, không phân định xem nó có thúc đẩy chúng ta theo hướng của Thần Khí “muốn thổi đâu thì thổi” (x. Ga 3, 8). Những người sống thánh hiến không thể là người luyến tiếc quá khứ hay người phiêu lưu, nhưng là những người nam, người nữ để cho mình được tái sinh không ngừng nhờ hơi thở của Thần Khí.

Thần Khí thúc đẩy chúng ta tới

↑ Một đời sống thánh hiến cảm thấy mình luôn ở trên đường, tập trung vào Chúa, và trở thành dấu chỉ của sự siêu việt: sự thánh hiến, đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, sứ mạng; ra khỏi trung tâm, có khả năng đi tới ngoại biên.

↑ Một đời sống thánh hiến khát khao Thiên Chúa, được linh hoạt bởi sự không ngừng tìm kiếm một Thiên Chúa là Đấng để cho gặp gỡ và cuốn hút chúng ta vào với sự hiện diện của Ngài trong thế giới; một đời sống thánh hiến mạnh vì một linh đạo thống nhất, có sức năng động vươn tới và thông dự; một đời sống thánh hiến sẵn sàng để cho mình được Thiên Chúa làm lại, tái tạo, “như đất sét trong tay thợ gốm” (x. Gr 18,1-6); một đời sống thánh hiến có tính thần bí, chiêm niệm, biết nhìn ra sự cao cả thánh thiêng của người bên cạnh và khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi con người; một đời sống thánh hiến biết mở ra cho tình yêu Thiên Chúa; một đời sống thánh hiến được dẫn dắt bởi đức tin được chia sẻ và trở nên phong phú.

↑ Một đời sống thánh hiến khát khao đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và ước mong tái tạo nó, làm cho nó ngày càng hiện rõ trước mắt người nam và người nữ ngày nay; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được linh hoạt bởi đối thoại và việc phân định huynh đệ, tạo thuận lợi cho việc đồng trách nhiệm và đồng tham gia giữa mọi thành viên; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn trở thành trường dạy nhân bản và đời sống Ki-tô hữu chân chính; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn với những tín hiệu mạnh mẽ về sự tự chủ bản thân được sống trong tình hiệp thông huynh đệ; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn trong đó sự khác biệt được đón nhận như ơn ban của Thần Khí (x. NVTM 131), dù nó có thể là phiền toái; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn biết xây dựng giây liên kết bền lâu chứ không chỉ có tính chức năng và hiệu quả; một đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được dẫn dắt bởi luật của sự hiệp thông.

↑ Một đời sống thánh hiện chấp nhận lệnh lấy sáng kiến (x. NVTM 24); mở ra những con đường, bước đi trên những nẻo đường mới, nhận ra khả thể chứ không chỉ thấy vấn đề; một đời sống thánh hiến biết dùng dấu hiệu và lời để nói lên quyền làm Chúa của Thiên Chúa trong lịch sử của mỗi con người nam cũng như nữ.

↑ Một đời sống thánh hiến “đi ra” và biết mình đi dâu (x. NVTM 46); một đời sống thánh hiến theo kiểu mẫu người “samari”, biết dừng lại đáp ứng những điều khẩn trương của sứ mạng lúc hiện tại, và biết khởi từ đó tính toán và lên chương trình hành động; một đời sống thánh hiến có khả năng để 99 con chiên tại đó mà đi tìm con chiên bị lạc (x. Lc 15, 3-7); biết quét dọn cả nhà để tìm cho ra đồng tiền bị mất (x.Lc 15, 8-10); một đời sống thánh hiến luôn giữ “cửa mở” để tiếp đón vô điều kiện (x. NVTM 46-47).

↑ Một đời sống thánh hiến đi gọi, đi mời và loan báo, chú ý tới chiều kích ngôn sứ của mình, làm nổi lên những giá trị của Tin Mừng và duy trì tính độc sáng tin mừng của đời sống huynh đệ trong cộng đoàn như một dấu chỉ ngôn sứ ngược chiều văn hóa, gợi lên Nước Trời.

↑ Một đời sống thánh hiến không để mất trộm niềm hy vọng (x. NVTM 86), không để mất trộm tính vô vị lợi, không để mất trộm cộng đoàn và lý tưởng tình yêu huynh đệ (x.NVTM 92.101), không để mất trộm tính trẻ trung, không để mất trộm lòng hăng hái, sức thừa sai và niềm vui loan báo Tin Mừng (x. NVTM 80.83), không để mất trộm Thần Khí, không để mất trộm Tin Mừng (x. NVTM 97).

↑ Một đời sống thánh hiến ý thức về nhiều thách đố phải đương đầu, và đương đầu với óc thực tế, đồng thời với niềm vui, sự mạnh dạn, và cho đi với lòng tin tưởng; một đời sống thánh hiến không chấp nhận trở thành một viện bảo tàng cho người ta chiêm ngắm nhưng chẳng ai muốn sống trong đó, ý thức ơn gọi của mình là đáp lại những “dấu chỉ của thời đại”, trong đó Thần Khí nói và không ngừng kêu gọi mình.

Liệu đời sống thánh hiến có một tương lai không?

Câu hỏi này nhiều người đang đặt ra hôm nay. Tôi xin trích lời ĐTC Beneđictô XVI nói với các giám mục Brasil – vì tôi hoàn toàn đồng ý : “… đời sống thánh hiến tự thân nó bắt nguồn từ chính Chúa là Đấng đã chọn cho mình nếp sống trinh khiết, khó nghèo và vâng phục này. Vì thế đời sống thánh hiến không thể thiếu vắng, cũng không thể chết mất trong Hội Thánh (5/11/2010).

Vâng, có một tương lai cho đời sống thánh hiến, nhưng một số hình thức đời sống thánh hiến lỗi thời, đã trở thành kỳ quặc, cổ lỗ, không còn nói gì nhiều hoặc không còn nói gì với người người nam, người nữ hôm nay, sẽ không tồn tại, ngay cả khi bề ngoài có chút thành công nào đó vì có sự an toàn và quyền lực. Đời sống thánh hiến có một tương lai trong mức độ nó trở thành sứ giả mang chứng từ và ý nghĩa, đáp lại những “dấu chỉ của thời đại” và “với sự trung thành sáng tạo” biết khám phá cội rễ của các đặc sủng khác nhau và đọc lại trong vùng đất màu mỡ của văn hóa hiện tại. Tương lai của đời sống thánh hiến ở trong tayThiên Chúa, nhưng cũng tùy thuộc phần lớn vào khả năng đổi mới, tái tạo, khám phá lại nền tảng của nó.

Điều này bao hàm:

↕ Đời sống thánh hiến phải là một lời ngôn sứ sống động với kinh nghiệm về những giá trị của Nước Trời, dù những giá trị ấy không phải là của riêng đời sống thánh hiến, nhưng đời sống thánh hiến phải nhấn mạnh như một sự khiêu khích, chẳng hạn: sự tìm kiếm Thiên Chúa với lòng say mê, lòng yêu mến vô vị lợi và không biên giới, sự chia sẻ trong tình liên đới và hiệp thông với một nếp sống đơn sơ, đạm bạc và vui tươi, tình huynh đệ nồng nàn biết tiếp đón, thúc đẩy, tha thứ… Đời sống thánh hiến phải chia sẻ sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng mời gọi làm việc trong vườn nho của Ngài để phục vụ Dân Thiên Chúa đang bước đi, chiến đấu, chịu đau khổ và hy vọng, trong sự tuân phục vô điều kiện đối với Thánh Thần là Đấng tạo dựng, tái tạo và đổi mới mọi sự.

↕ Đời sống thánh hiến phải biết sống một nếp sống khác và ngược chiều văn hóa, không làm sai lạc chức năng ngôn sứ, không che khuất tính cách biểu tượng của mình, không làm mất đi cái mũi nhọn cánh chung của mình.

↕ Đời sống thánh hiến phải mạnh dạn đảm nhận giai đoạn “tế nhị và khó khăn” hiện nay như một thời thuận lợi (kairos) của sự thanh luyện, và dịp thuận tiện để trở lại với cái cốt lõi, ngõ hầu cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua trở thành một cuộc khủng hoảng để tôi luyện lại, và sẽ từ đó bước ra thêm mạnh mẽ trong chiều kích thần bí và ngôn sứ. Đời sống thánh hiến phải cổ võ một kinh nghiệm về Thiên Chúa nhập thể có sức hấp dẫn và đặt nền tảng, một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với Thiên Chúa (x. Xh 34, 29) (chiều kích thần bí) và làm việc không mệt mỏi để phát triển con người toàn diện, bằng việc loan báo kế hoạch của Thiên Chúa về con người, và tố giác những mơ tưởng phi nhân về con người của biết bao người (chiều kích ngôn sứ); một đời sống thánh hiến cảm nhận và truyền đạt lòng say mê đối với Thiên Chúa và say mê đối với con người.

↕ Một đời sống thánh hiến sống triệt để nhưng không quá khích, trong sự hiệp thông và tính bổ sung, cởi mở và sẵn sàng, không sợ hãi và không cứng ngắc, cởi mở với Thần Khí là Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8), Đấng thay đổi con tim, giải thoát chúng ta khỏi những nỗi sợ hãi của mình, những thất chí, chán chường, Đấng thúc đẩy chúng ta đi đến với người khác và dẫn chúng ta đến sự thống nhất chặt chẽ giữa bản chất và hành động, giữa cái gì là bản thân và cái gì là cộng đoàn.

↕ Một đời sống thánh hiến làm chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô bằng một cuộc sống khó nghèo không cần nhiều lời giải thích, sống trong tinh thần liên đới, hiệp thông và công bằng, trong một đời sống đơn sơ thanh đạm, bằng một đời sống độc thân vì Nước Trời làm cho chúng ta trở nên thân ái và gần gũi mà không dính bén, hội nhập, nhịp nhàng, sẵn sàng và vui tươi; bằng một sự vâng phục trở thành một cách thức mới để sống tự do và qua đó ngày càng trở nên tự do, có trách nhiệm và trưởng thành, với một đời sống huynh đệ nhân bản và nhân bản hóa trong cộng đoàn, với một sứ mạng can đảm và mạnh dạn nâng đỡ mọi người, nhất là những người sống trong một nền văn hóa biến họ thành cặn bã, tóm lại, với một đời sống chìm ngụp trong Thần Khí Thiên Chúa.

↕ Cuối cùng, một đời sống thánh hiến biết quan tâm đến phẩm chất Tin Mừng của đời sống của những người được thánh hiến, không bao giờ sa vào cám dỗ của con số và hiệu năng (Giáo Lý 18).

 

Thay lời kết

Đời sống thánh hiến đang đối diện với nhiều thách đố đòi phải sống hiện tại với lòng say mê và ôm lấy tương lai với niềm hy vọng. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng những thách đố ở đó là để chúng ta đương đầu. Chính Ngài đã đặt chúng ta trước một số thách đố: một đời sống thánh hiến trong đó không bao giờ thiếu niềm vui, một đời sống thánh hiến có thể thức tỉnh thế giới, một đời sống thánh hiến chuyên gia của hiệp thông, một đời sống thánh hiến “đi ra”, một đời sống thánh hiến không ngừng phân định, luôn tự hỏi mình xem Thiên Chúa và nhân loại đang đòi gì ở mình trong lúc này[42].

Đứng trước những nỗi sợ hãi, sự nản lòng, cám dỗ chạy trốn, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng chúng ta không đơn độc, và chính Chúa cũng bảo đảm với chúng ta: “Đừng sợ… vì có Ta ở với con để bảo vệ con” (Gr 1, 6)[43]. Với sự an toàn đó chúng ta hãy nghe lời Chúa phán: Đời sống thánh hiến, hãy chỗi dậy và bước đi.

[1] Từ khủng hoảng, như sẽ thấy, là dị nghĩa, vì nó có thể đưa tới sự sống hay sự chết.

[2] Th.Gioan Thánh Giá viết bài thơ Đêm tăm tối và hai bài giải nghĩa bài thơ: Đường lên núi Cát MinhĐêm tăm tối. Cả hai bài giải thích đều chưa hoàn tất. Trong cả hai bài ngài đều nêu những Dấu hiệu cho thấy bước vượt qua từ nguyện ngắm sang chiêm niệm: Đường lên 2, 13; Đêm 1,9.

[3] ĐTC Beneđictô XVI, Bài giảng ngày quốc tế đời sống thánh hiến, 2/2/2013.

[4] Cùng nơi đã dẫn.

[5] Felicisimo Martinez, Hiện trạng và những thách đố của đời tu, Vitoria 2004, Frontera 44,tr 13tt.

[6] ĐTC nói trong Tông thư gởi cho chúng ta là những người sống thánh hiến: “Cha không chờ mong chúng con nuôi sống những hoang tưởng, nhưng là biết tạo nên những khung cảnh khác, trong đó người ta sống cái luận lý Tin Mừng của sự cho đi, của tình huynh đệ, tiếp nhận sự dị biệt, yêu thương nhau.” ĐTC Phanxicô, Tông Thư gởi những người sống thánh hiến, Rôma, 21/11/2014, II,2.

[7] Cuộc khủng hoảng mà đời sống thánh hiến đang sống không thuộc dạng luân lý, nhưng là hiện sinh thì đúng hơn, khủng hoảng về ý nghĩa và sứ mạng.Dù sao cần nhớ rằng khủng hoảng tự nó không phải là tích cực hay tiêu cực. Tất cả tùy thuộc quyết định mà người ta lấy hoặc bỏ qua không lấy.

[8] Th. Gioan Phaolô II, Tông Huấn, Đời Sống Thánh Hiến, 73.

[9] Thánh Phan-xi-cô At-xi-di, Regola Bollata 2,9

[10] Thánh Phanxicô At-xi-di, Thư gởi toàn Dòng 50.

[11] X. Carlos Palmés, Phân định là tìm kiếm trong mọi sự điều đẹp lòng Chúa Cha hơn. Ignacio de Loyola, Vitoria 2009, Frontera 65

[12] Thánh Phanxicô At-xi-di, Huấn dụ 1; Julio Herranz, Việc phân định theo thánh Phanxicô-At-xi-di, Vitoria 2009, Frontera 66,60tt

[13] Julio Herranz, sách đã dẫn, Frontera 66,85-92.

[14] X. Maximiliano Herraiz, Phân định thiêng liêng theo thánh Terexa và thánh Gioan Thánh Giá, Vitoria 2008, Frontera 71tt.

[15] ĐTC Benedictô XVI, Tông Huấn Verbum Domini, 83

[16] Th. Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến 81; x.73

[17] Nơi đã dẫn, 85

[18] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 125

[19] Th. Gioan Phaolô II, ĐSTH 94

[20] Nơi đã dẫn 37

[21] Bộ Tu Sĩ, Mutuae Relationes 1978,51

[22] ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Chứng Tá Phúc Âm 11.

[23] Vaticano II, Ánh Sáng muôn dân 4;12;43-45; Đức Ái Hoàn Thiện 1-5;15; Th.Gioan Phaolô II, ĐSTH 36

[24] Antonio Romano, Carisma, trong Diccionario teológico de la vida consagrada, Edc.Claretienas, Mdrid 1990,150.

[25] Vaticano II, Vui Mừng và Hy vọng,4.

[26] Th. Gioan Phaolô II, ĐSTH 37.

[27] Theo các dữ liệu chúng tôi có trong tay tới ngày 31/12/2012, hiện có: 28 hội dòng (1 thuộc nghi lễ Đông Phương) và hai Tu hội đời sống Tông đồ, tất cả là nam giới, có số thành viên từ 55 tới 99; và 36 hội dòng nam (5 thuộc nghi lễ Đông Phương) và 2 Tu Hội đời sống Tông Đồ, cũng là nam giới, có dưới 50 thành viên. Về phía các dòng nữ, cũng trong năm đó, có 212 Hội Dòng (5 thuộc nghi lễ Đông Phương) và 3 Tu Hội đời sống Tông Đồ có từ 50 tới 99 thành viên; 161 Hội Dòng (1 thuộc nghi lễ Phương Đông) và 1 Tu Hội Đời sống Tông Đồ có dưới 50 thành viên. Tất cả là những Hội Dòng và Tu Hội thuộc quyền Giáo Hoàng.

[28] Từ 2008 tới 2013 Bộ Tu Sĩ đã cho phép 761 trường hợp vắng mặt khỏi nhà Dòng.

[29] Cùng thời gian trên, 2008-2013, có 1402 trường hợp sống ngoại vi, trong số đó 72 trường hợp bắt buộc.

[30] Từ 2008 tới 2013 Bộ chúng tôi đã phê chuẩn 1,075 lệnh thải hồi.

[31] Trong thời gian từ 2008 tới 2013 đã có 488 thỉnh nguyện được chấp thuận. Bộ Tu Sĩ chấp thuận tới lần thỉnh nguyện thứ tư không có khó khan. Từ lần thỉnh nguyện thứ sáu thi Bộ sẽ đặt Viện Mẫu. Trong những trường hợp khác Bột Tu Sĩ đặt một Viện Mẫu đến từ một đan viện khác. Cùng thời gian 2008-2013, Bộ đã đặt 99 Vĩện Mẫu.

[32] Từ 2008 tới 2013 Bộ đã đồng hành một vụ hợp nhất, 22 vụ sáp nhập và ba vụ xóa bỏ Dòng Tu.

[33] Từ 2008 tới 2013 đã bãi bỏ 121 đan viện và hai Liên Hiệp.

[34] Vẫn trong khoảng thời gian 2008-2013 đã có 1.073 vụ miễn chuẩn, phần lớn liên quan tới quy tắc về nhà tập hoặc khấn tạm hay khấn trọn. Phải kể thêm vào đó 28 trường hợp miễn chuẩn vì ràng buộc hôn phối.

[35] Tổng số xuất tu mỗi năm khoàng 2.000, đó là chỉ tính những trường hợp thông qua Bộ Tu Sĩ. Phải kể thêm vào đó những trường hợp thông qua Bộ Giáo Sĩ và Bộ Giáo Lý Đức Tin nữa.

[36] Theo thống kê chúng tôi có được, từ 2008 tới 2013 có 39 trường hợp Tòa Thánh đăt Thụ ủy.

[37] Từ 2008 tới 2013 có 132 vụ Thanh Tra Tông Tòa đối với các Tu Hội Đời Sống Tông Đồ.

[38] Hiện nay đang có điều tra về cách cư xử của chừng 15 vị sáng lập viên.

[39] Thư luân lưu Những nguyên tắc hường dẫn về việc quản trị tài sản Hội Thánh về phía các người sống thánh hiến, cũng như cuộc Hội Thảo do Bộ Tu Sĩ tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, với sự đón nhận và tham gia nồng nhiệt, muốn giúp cho việc quản trị thích đáng các tài sản thuộc về các Hội Dòng. Chúng tôi đang chờ tiếp nhận những đóng góp để thực hiện một bản Chỉ Đạo về vấn đề này.

[40] Từ 2008 tới 2013 đã thiết lập 20 Hội Dòng (3 nam và 17 nữ, trong số này có 3 ở Phi châu, 7 ở Mỹ châu, 3 ở Á châu và 7 ở Âu châu); 4 Tu Hội Đời sống Tông đồ (2 nam và 2 nữ, trong số đó 3 ở Mỹ châu và 1 ở Âu châu) va 3 Tu hội Đời nữ, tất cả thuộc quyền Giáo Hoàng. Thêm vào đó, Bộ chúng tôi đã cho 29 ý kiến ủng hộ cho các giám mục liên hệ – hoặc thông qua Bộ Loan Báo Tin Mừng – nhằm thiết lập ở cấp giáo phận những Hội Đạo Đức công khai.

[41] Cũng trong khoảng thời gian đang phân tích, đã mở ra 111 đan viện.

[42] X. ĐTC Phanxicô, Tông thư, II

[43] X. ĐTC Phanxicô, Tông Thư, II,2.

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *