Đón Nhận Tuổi Già

Dòng sông đón-nhận-tuổi-già có khi nào chảy ngược? Có là nghịch lý khi tuổi trẻ phải đón nhận tuổi già?

Thử bắt đầu nhìn lại quá khứ của chính mình. Từ khi mở mắt chào đời đến lúc trưởng thành chín chắn, mấy ai tự nhiên một mình lớn khôn, tự mình thành công hay tự mình biết tất cả?… Ngoài nỗ lực cá nhân, người ta cần nhờ đến trường lớp, giáo hội và xã hội mới thành nhân và thành con Chúa. Nhưng trên bước đường khôn lớn của bất kỳ ai đều có hình bóng của cha mẹ vốn là những người thầy có đủ tình yêu, lòng kiên nhẫn, vị tha để ở với, chăm sóc, dạy dỗ và yêu thương ta đến trót cuộc đời.

Khi con khôn lớn thì cha mẹ đã về tuổi xế chiều, vào giai đoạn cần được rất nhiều tình thương và sự chăm sóc của những người con, người cháu. Thật buồn thay, ai đó vẫn cho mình là trẻ con, chỉ nghĩ cho bản thân mình, để đòi cha hỏi cha mẹ đủ điều. Đáng lẽ, một người con trưởng thành phải biết nhìn nhận vấn đề xảy ra với cha mẹ mình trong yêu thương và bình tĩnh hơn. Khi mẹ run tay đánh rơi cái chén, cha bất cẩn làm hỏng cái đèn, người con ngoan đâu dám trách móc phàn nàn sự bất cẩn của cha mẹ, đâu dám dò hỏi chất vấn như một quan tòa!

Khi trưởng thành, con cái phải là người chăm sóc yêu thương cha mẹ già yếu của mình. Đâu thể mãi vịn lý do là người con mà đòi hỏi cha mẹ phải chăm sóc cho mình mãi được. Cho dẫu việc chăm sóc con cái lại là niềm vui của các bậc sinh thành, nhưng vào tuổi già nua cha mẹ cần lắm sự ân cần chăm sóc từ những người con. Bởi khi tự đứng trên đôi chân của mình, tự chăm lo cho gia đình riêng của mình, cũng là lúc người con ấy càng cần đón nhận và yêu thương cha mẹ của mình.

Khi hiểu biết nhân tình thế thái, người ta chẳng thể hành động vô lý, kết luận vội vàng. Theo đó, vào tuổi đã già, người ta chẳng đủ minh mẫn để suy nghĩ quá nhiều, phân định rạch ròi. Có khi cha mẹ già vụng về lóng ngóng, bởi thời đại cấp tiến của kỹ thuật công nghệ, của cuộc sống xô bồ. Khi ấy, xin đừng chê trách cha mẹ lạc hậu, quê mùa, đừng tủi thân với chúng bạn vì địa vị của cha mẹ mình! Chê trách và tủi thân như thế không những gây tổn thương cho người một đời yêu thương bạn, mà còn đánh mất sự trưởng thành của bạn.

Vậy ngay hôm nay, cần chút dừng lại để người con chiêm ngắm cả đời cha mẹ chăm sóc ta thế nào? Từ đó, là một người con hiếu thảo, ta biết cách chăm sóc và yêu thương cha mẹ già của mình:

Còn nhớ, đôi tay gân guốc, đôi chân lấm lem, dáng hình khắc khổ và nếp nhăn một đời vất vả. Đôi tay ấy không ngại gian khổ để lo cho con bát cơm manh áo. Đôi chân ấy không ngại đường xa để cùng con tập bước trên đường đời; dáng hình ấy một thời tảo tần cuộc sống mưu sinh; và nếp nhăn ấy in hằn bao ưu tư lo lắng cho con vững bước vào đời.

Còn nhớ một đời cha mẹ đã sống chân chất, dung dị và thành thật. Tuy có có chút vụng về và lóng ngóng, nhưng lại chất chứa trong đó sự quan tâm với cả tấm lòng. Đó là những bài học không từ chương, không hoa mỹ, nhưng lại là hành trang tuyệt vời đã đưa những đứa con bước trong đời một cách trưởng thành vững chãi.

Rồi trong tư cách của người trưởng thành chín chắn, người con biết ân cần nhẫn nại đón nhận cha mẹ của mình trong nhẹ nhàng và trìu mến. Nhẹ nhàng vì người già cần sự khoan thai từng bước đi, cần từng lời lễ phép; và trìu mến vì cần sự kiên nhẫn của người con biết lắng nghe, biết quảng đại, vị tha và yêu thương, trước những vụng về của tuổi xế bóng. Dù thành tâm để mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con, nhưng sức nặng của tuổi tác cứ kéo cha mẹ xa dần ta. Do đó, nên chăng để cho những khiếm khuyết dễ thương của tuổi già trở trở thành những bài học đong đầy ý nghĩa (quan sát, suy ngẫm, quan tâm), giá trị và tình thương.

Ước gì, bài học của tuổi già vẫn còn vang vọng trong tâm tư của mỗi người con. Với giáo án xuất phát từ trái tim biết chạnh lòng thương, con cái sống trọn nghĩa tình với cha mẹ thân yêu của mình, để gia đình trở nên ấm áp tình người.

Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa.” (Hc 3, 12-16).

Gia Vị

Kiểm tra tương tự

Nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo

Ngày lễ Các Thánh: Cách nói chuyện với trẻ em về các thánh tử đạo …

Bài học từ cha tôi!

  Quan sát một ông cụ 82 tuổi sửa máy hút bụi gợi mở một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *