Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Kenya

don tiep
NAIROBI. Trong diễn văn đầu tiên tại Kenya, ĐTC Phanxicô cổ võ đất nước này gạt bỏ những khác biệt về chủng tộc và tôn giáo để vượt thoát nghèo đói và chán chường vốn làm gia tăng bạo lực và khủng bố.

Sau chuyến bay kéo dài khoảng 7h15phút từ Roma, máy bay của hãng Alitalia, chở ĐTC Phanxicô, đoàn tùy tùng, đã đáp xuống phi trường Jomo Kenyatta ở Nairobi, thủ đô Kenya, lúc 5 giờ chiều giờ địa phương thứ tư, 25.11.2015, mở đầu cho các hoạt động của ngài trong 6 ngày viếng thăm tại Kenya, Uganda và Cộng Hoà Trung Phi, chuyến đi đầu tiên đến Phi châu được ngài thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.

Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Kenya có chủ đề là “Hãy vững tin, đừng sợ hãi”, ám chỉ rằng chuyến thăm của ĐTC Phanxicô sẽ là một yếu tố hợp nhất cho toàn bộ đất nước Kenya, vốn trong thời gian gần đây đã trải qua những kinh nghiệm đau thương của việc chia rẽ và bạo lực.

 Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Tổng thống Kenya ông Uhuru Kenyatta cùng với ĐHY John Njue, TGM giáo phận Nairobi sở tại tiếp đón. Một bé gái đã tặng hoa cho ngài.

Ngay sau đó, ĐTC cùng với Tổng thống và đoàn tuỳ tùng tiến vào Căn phòng của Tổng thống tại sân bay để ký sổ vàng lưu niệm.

Sau đó ĐTC lên xe di chuyển về Dinh Tổng thống là nơi sẽ diễn ra nghi thức tiếp đón chính thức.

Hành trình di chuyển kéo dài khoảng một giờ và khi ĐTC đến nơi, đã diễn ra nghi thức duyệt binh và 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách.

Trong diễn văn chào mừng, tổng thống Kenya đã bày tỏ lòng quí mến, kính trọng và tâm tình nồng nhiệt của nhân dân Kenya được đón tiếp ĐGH. Đồng thời ông cũng nhìn nhận những yếu kém còn tồn đọng nơi đất nước Kenya chẳng hạn như thiếu tôn trọng con người do bởi những khác biệt về căn tính chủng tộc, tôn giáo, biên cương. Ngoài ra, tổng thống cũng đánh giá cao những đóng góp của Giáo Hội Công giáo tại Kenya cho đất này. Tổng thống kết thúc bài diễn văn chào mừng của mình với lời khẩn nài ĐTC cầu nguyện cho cá nhân ông trong tư cách tổng thống lãnh đạo cũng như cho toàn thể đất nước Kenya.

Đáp từ, ĐTC đã phát biểu bài diễn văn bằng tiếng Anh.

Sau đây là nguyên văn bài phát biểu đầu tiên của ĐTC tại Kenya:

“Kính thưa Ngài Tổng thống, Quý Lãnh đạo dân sự và chính phủ hết sức đáng kính, Những thành viên quan trọng của ngoại giao đoàn, Anh em giám mục thân mến, Quý bà và quý ông. Tôi hết lòng biết ơn vì sự tiếp đón nồng hậu của quý vị dành cho chuyến thăm lần đầu tiên của tôi tại Phi châu. Tôi cám ơn ngài Tổng thống, vì những lời tử tế nhân danh toàn bộ nhân dân Kenya, và tôi mong chờ về sự hiện diện của tôi ở giữa quý vị.

 Một xã hội đa chủng tộc, công bằng và đại đồng[người dịch]

Kenya là một đất nước trẻ trung và năng động, cũng là một xã hội phong phú sự khác biệt vốn giữ một vai trò quan trọng ở trong khu vực. Về nhiều mặt, kinh nghiệm của quý vị trong việc tạo dựng một nền dân chủ cũng đã được các quốc gia Phi châu khác cùng sẻ chia. Giống Kenya, họ cũng đang lao tác để kiến tạo, trên nền tảng vững chắc của sự tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, một xã hội đa chủng tộc vốn thực sự hoà hợp, công bằng và đại đồng.

Đầu tư vào người trẻ, tương lai của đất nước

Đất nước quý vị cũng là một đất nước của người trẻ. Trong những ngày này, tôi mong ước được gặp gỡ nhiều người trong số họ, nói chuyện với họ, và khuyến khích những hy vọng và niềm hứng khởi của họ cho tương lai. Người trẻ trong bất cứ quốc gia nào cũng là nguồn lực hết sức quý báu. Để bảo vệ họ, để đầu tư vào họ và mang lại cho họ một cánh tay trợ giúp, đó là cách thức tốt nhất chúng ta có thể đảm bảo một tương lai xứng đáng với những giá trị khôn ngoan và thiêng liêng vốn gần gũi với những người cao niên, những giá trị ẩn chứa ngay tại cõi lòng và tâm hồn của con người.

Khủng hoảng môi trường đòi hỏi sự nhạy cảm lớn hơn

Kenya không chỉ đã được phú ban vẻ đẹp đặc sắc, với núi, sông và hồ, rừng, thảo nguyên, bán hoang mạc, nhưng còn cả sự dư dật của tài nguyên thiên nhiên. Người Kenya đã rất trân quý những kho tàng được Thiên Chúa ban và họ cũng được biết đến nhờ một nền văn hoá biết bảo tồn mà nhờ đó quý vị được vinh danh. Những khủng hoảng môi trường mà thế giới chúng ta đang phải đương đầu đòi hỏi một sự nhạy cảm lớn hơn về tương quan giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta có một trách nhiệm để chuyển trao vẻ đẹp của thiên nhiên trong sự toàn vẹn của nó cho các thế hệ tương lai và một bổn phận phải thực hiện cương vị quản gia một cách chính trực đối với những gì chúng ta đã nhận lãnh. Những giá trị này được bén rễ sâu trong tâm hồn Phi châu. Trong một thế giới vẫn tiếp tục bóc lột hơn là bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta thì những giá trị này phải khích lệ những nỗ lực của lãnh đạo các quốc gia để thúc đẩy những mẫu hình phát triển kinh tế có trách nhiệm.

Chán chường và nghèo đói làm gia tăng khủng bố và bạo lực

Trong thực tế, có một mối liên hệ rõ ràng giữa việc bảo vệ thiên nhiên và kiến tạo một trật tự xã hội bình đẳng và hợp lý. Sẽ chẳng có một sự canh tân nào trong tương quan của chúng ta với thiên nhiên, nếu không có một sự canh tân nơi chính bản thân loài người (x. Laudato Si, 118). Với tình trạng các xã hội của chúng ta trải qua những sự phân mảnh, bất chấp chủng tộc, tôn giáo hay kinh tế, những người nam và người nữ thiện chí được mời gọi để lao tác cho sự hoà giải và hoà bình, tha thứ và chữa lành. Trong công trình kiến tạo một trật tự dân chủ hợp lý, củng cố sự nối kết và hoà hợp, dung thứ và tôn trọng tha nhân, thì theo đuổi thiện ích chung phải là một đích nhắm hàng đầu. Kinh nghiệm cho thấy rằng bạo lực, xung đột và chủ nghĩa khủng bố tồn tại nhờ sợ hãi, hoài nghi, và sự tuyệt vọng sản sinh bởi khó nghèo và chán nản. Rút cuộc là cuộc tranh đấu chống lại những kẻ thù này của hoà bình và sự thịnh vượng phải được thực thi bởi những người nam và người nữ tin tưởng một cách mạnh mẽ vào, và làm chứng một cách trung thực cho những giá trị thiêng liêng và chính trị vốn đã thúc đẩy sự khai sinh ra quốc gia này.

Lao tác trong hợp nhất và minh bạch cho thiện ích chung

Kính thưa quý bà quý ông, sự thăng tiến và bảo tồn những giá trị to lớn này được uỷ thác một cách đặc biệt cho quý vị, những vị lãnh đạo của đời sống chính trị, văn hoá và kinh tế của đất nước quý vị. Đây là một trách nhiệm to lớn, một lời mời gọi thực sự, trong việc phục vụ cho toàn bộ người dân Kenya. Tin Mừng nói với chúng ta rằng ai đã được cho nhiều thì cũng sẽ bị đòi nhiều (Lc 12, 48). Trong tinh thần đó, tôi khuyến khích quý vị cùng lao tác trong sự hợp nhất và minh bạch cho thiện ích chung, và để thúc đẩy một tinh thần đoàn kết trong mọi tầng lớp xã hội. Tôi khẩn nài quý vị cách cụ thể trong việc bày tỏ mối bận tâm thực sự cho nhu cầu của người nghèo, cho việc gợi hứng cho người trẻ, và một sự phân phát công bằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người mà Đấng Toạ Hoá đã thi ân cho đất nước quý vị. Tôi đảm bảo với quý vị về những nỗ lực liên lỉ của cộng đồng Công giáo, thông qua những công tác giáo dục và bác ái của mình, họ sẽ mang lại một sự đóng góp cụ thể trong những lĩnh vực đó.

Quý vị thân mến, tôi nghe kể rằng tại Kenya này có một truyền thống của các trẻ em ở trường học thường trồng cây cho hậu thế. Ước gì dấu chỉ hùng hồn này của hy vọng cho tương lai, và niềm tin vào sự phát triển mà Thiên Chúa tặng ban, sẽ củng cố tất cả quý vị trong nỗ lực để vun trồng một xã hội đoàn kết, công bằng và hoà bình trên vùng đất này và trong toàn bộ lục địa Phi châu vĩ đại. Tôi cám ơn quý vị một lần nữa vì sự tiếp đón ân cần, và tôi khẩn cầu phúc lộc dư dật của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trên quý vị và gia đình quý vị cũng như trên toàn bộ người dân Kenya hết mực đáng yêu.

Chúa chúc lành cho Kenya!”

Rời Dinh Tổng thống, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa chiều và qua đêm.

Chuyển dịch: Jos. Nguyễn Huy Mai

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Các sự kiện quan trọng trong Năm Thánh 2025

  Năm Thánh diễn ra 25 năm một lần, sẽ được đánh dấu bằng một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *