Ngày Giáo Hội mừng nhớ thánh Vinh-sơn Phao-lô, tôi được gợi nhắc về thánh nhân, cũng như những người con đang sống theo tinh thần của ngài, cụ thể là các sơ Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, những người đã chia sẻ và hướng dẫn tôi nhiều điều trong cuộc sống.
Thầm tạ ơn vì giữa cuộc sống quá vội vã của thời đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, mưu sinh, thì lại có những nữ tu đang âm thầm hy sinh phục vụ tha nhân cách vô vị lợi.
Tôi nhận ra hình ảnh cao quý ấy từ những đôi chân nhanh nhẹn, đôi tay nhỏ nhắn khi trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân hàng ngày; chuẩn bị những nồi cháo đặc biệt, những chiếc bánh giò còn nóng hổi giúp xoa cơn đói buổi sáng; đánh động nhiều hơn nữa khi bắt gặp hình ảnh một nữ tu đang cúi xuống sát vết thương của bệnh nhân phong mà rửa cho họ; những tiếng cười giòn giã, vui tươi từ các trung tâm mà các sơ đang phục vụ; các lớp học tình thương; lớp dạy nghề và cả những vùng truyền giáo xa xôi nữa.
Vì sao vậy? Câu hỏi vọng lên trong tâm trí tôi. Họ đâu có thân thích gì. Họ cũng chẳng có huyết thống ruột thịt. Nhưng các sơ đang chăm sóc cho những con người đau khổ với thái độ ân cần, như những người mẹ, người chị trong gia đình. Kèm theo sự chăm sóc là lời hỏi thăm thân tình, những nụ cười làm vơi đi những ưu tư, mệt mỏi của bệnh tật. Mục đích rao giảng Tin Mừng cho người nghèo vẫn là sứ mạng cũng như trăn trở lâu dài, nhằm phục vụ Thiên Chúa và tha nhân cách đắc lực nhất.
Tín thác vào bàn tay Chúa quan phòng vẫn là bài học lớn nhất mà các sơ dạy cho tôi. Việc bác ái thì chẳng khi nào làm cho hết và trọn vẹn, chỉ có làm hết sức mình và cố gắng trọn vẹn những gì mình có mà thôi. Chỉ là những con người mỏng giòn nhỏ bé, có chút khả năng làm việc và nhiều giới hạn, nhưng tôi vẫn nhận ra nơi khuôn mặt những người nữ tu luôn toát lên một niềm vui thay vì rầu rĩ trước những thách đố. Đơn giản thôi vì họ tín thác mọi chuyện vào bàn tay Thiên Chúa, đúng như thánh Phao-lô khẳng định: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (x. 1Cr 3,6).
Thêm vào đó, tôi cũng nhận thấy những tấm lòng bác ái thực sự. Nơi những lao tác vô vị lợi, các sơ vẫn luôn dành cho bệnh nhân, người nghèo cái tốt nhất và chất lượng nhất, rồi sau cùng mới tới những miếng ăn đơn giản, qua loa dành cho bản thân mình. Trong những môi trường hoạt động tông đồ, có lần nào tôi thấy các sơ có dịp ngồi ăn uống chung, trò chuyện với nhau thì quả là thực hiếm. Mọi người đã nhận phần đầy đủ, mọi sắp xếp đâu vào đó, thì gói mì với chút nước sôi cũng đủ để lót dạ mà nghỉ ngơi đôi chút. Cũng không ít lần các sơ nhắc nhở chính tôi khi chuẩn bị cho bệnh nhân đồ ăn cách vội vã, lời nhắc ấy khiến tôi nhớ mãi: “Này con, sơ con mình ăn uống thế nào cũng được, nhưng phần của bệnh nhân phải được chuẩn bị thật chu đáo, tươm tất. Vì phục vụ bệnh nhân là phục vụ chính Chúa đó!”.
Nhìn vào những hy sinh, đóng góp âm thầm của các sơ. Tôi nhận thấy nguồn nội lực đủ mạnh để đánh thức mọi người xung quanh, vốn đang quay cuồng với đồng tiền và cuộc sống. Tôi tin rằng, về mặt vật chất các sơ chẳng nhận gì về cho mình, nhưng về mặt thiêng liêng, các sơ là những con người thực giàu có. Tài sản của các sơ không gì ngoài Thiên Chúa và người nghèo, hai món tài sản mà chính Đức Giê-su đã gồm tóm từ mười điều răn.
Khi viết lên đôi dòng suy nghĩ ngắn ngủi, thì những bếp ăn tình thương, những lớp học tình thương, những mái ấm, trại phong, truyền giáo ở vùng sâu vùng xa,… vẫn đã và đang được thực hiện. Chắc hẳn thánh Vinh-sơn Phao-lô đang mỉm cười vì nơi dương thế, những người con tinh thần của ngài vẫn đang nối dài ước mơ vốn đã dang dở, đang dang dở và vẫn hoài dang dở – đó là phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo Hội vị thánh đầy lòng bác ái, tạ ơn vì công cuộc bác ái ấy vẫn còn tiếp diễn đến ngày hôm nay và cả tương lai nữa. Nguyên xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh Vinh-sơn Phao-lô, ban thật nhiều ơn lành cho những tâm hồn bác ái và quảng đại như thế.
Littlte Stream